Thứ tư, 18/11/2020, 13:43 PM

Gieo con chữ nơi rẻo cao xứ Nghệ

Chọn gieo chữ ở tận cùng vùng biên xứ Nghệ, các thầy cô giáo nơi đây phải trải qua nhiều gian nan, vất vả. Nhưng chỉ cần có học sinh là bao nhiêu nhọc nhằn của thầy cô bỏ lại dưới chân dốc để nhiệt huyết gieo chữ cho những học sinh nơi rẻo cao vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.

Người thầy đáng kính

Tháng 11 về, điểm bản Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) sương giăng mù phủ kín lối đi. Khi dân bản lên nương làm rẫy cũng là lúc các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vượt chặng đường dốc cheo leo, mang theo tư trang cùng trái tim và ngọn lửa yêu nghề đến điểm trường nơi mình cắm bản. 

Bản Huồi Mới nằm tít trên đỉnh Pha Cà Tún - nơi có đỉnh núi Pù Hoạt cao nhất miền Tây Bắc Nghệ An. Đây cũng là nơi có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Nơi đây 100% bà con là người dân tộc Mông sinh sống với điều kiện kinh tế còn khó khăn. Điểm trường bản Huồi Mới là một 4 điểm trường của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 với nhiều “không” nhất xứ Nghệ: không điện, không đường, không chợ, không sóng liên lạc và không cô giáo. Để vào được những điểm trường này, các thầy giáo phải băng qua hơn 30 km đường rừng, ngày nắng thì bụi bay mù mịt, mưa xuống bùn đóng kín bánh xe máy.

Trong năm học 2020 - 2021 này, điểm trường bản Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2 hoàn thành việc sáp nhập học sinh và trở thành điểm bản Huồi Mới với tổng số 86 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Đây cũng là năm đầu tiên điểm trường này không phải học trong những lớp tạm, dựng bằng gỗ đã có hàng chục năm, thay vào đó là 5 phòng học và nhà đa chức năng bằng bê-tông kiên cố. Cơ sở vật chất được cải thiện, đó là động lực để thầy và trò nơi đây cùng phấn đấu trong việc giảng dạy và học tập.

Cô giáo Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 kiểm tra kỹ năng đọc chính tả của học sinh.

Cô giáo Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 kiểm tra kỹ năng đọc chính tả của học sinh.

Hành trình ‘sách hoá nông thôn’ không đơn độc của chàng trai Hà Tĩnh

Cổng trường tại điểm Huồi Mới chỉ đơn sơ 2 thân cây dựng 2 bên, phía trên treo tấm biển bằng gỗ ghi tên trường, tên bản. Đây cũng là cổng trường đặc trưng cho những điểm lẻ ở vùng sâu, vùng xa biên giới Nghệ An. Hơn 30 năm trước, điểm trường lẻ thành lập ở Huồi Mới chỉ có 3 lớp từ lớp 1 đến lớp 3, thầy giáo người xuôi vượt núi lên dạy chữ.

Các thầy đã không quản gian khó để đến từng nhà động viên học sinh đến lớp, học chữ. Trong số đó có cậu bé Thò Bá Sinh, 10 tuổi mới vào lớp 1. Nhưng trong lớp đó, càng học lên cao, bạn bè càng “rơi rụng” dần. Vượt qua nhiều khó khăn, chỉ còn mỗi Thò Bá Sinh nuôi chí học hành, quyết tâm ra huyện lỵ theo học 2 năm bổ túc cấp 2 tại Trường Phổ thông Lao động huyện. Sau khi hoàn thành chương trình THCS, Sinh được huyện Quế Phong cử đi học sư phạm để quay về trở thành thầy giáo bản địa đầu tiên của ngôi Trường Tiểu học Tri Lễ 4. 

Từ đó, bàn chân của người thầy nhiệt huyết này đã đi khắp từng nhà dân bản để đưa học sinh về đi học. Với ưu thế là người bản địa, hiểu phong tục, tập quán của bà con, thầy Sinh luôn có những cách vận động con em đến trường thiết thực. Thầy hướng dẫn, học để có cơ hội thoát nghèo, học để sau này biết chăn nuôi con trâu, con bò, trồng lúa, ngô sao cho có năng suất cao…Những phân tích thiết thực ấy giúp bà con dân bản dễ hiểu và đồng ý cho con đến trường.

Không những hết lòng với học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao Nghệ An, thầy Thò Bá Sinh còn không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 1995 đến nay, thầy đã nỗ lực hoàn thành chương trình THPT, rồi tốt nghiệp đại học tại chức. Đến năm 2002, thầy Sinh được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Năm học 2020 – 2021 này, là tròn 30 năm thầy Thò Bá Sinh gắn bó với nghề giáo. Giờ đây, tóc thầy có sợi bạc, dáng đi in hằn vất vả nhưng vẫn gương mặt hiền từ, luôn quan tâm đến các em nhỏ.

Thầy Sinh chính là tấm gương suốt cả cuộc đời phấn đấu vì sự học, vượt mọi khó khăn, mặc cảm để có tri thức, có cuộc sống ấm no và trở thành người có uy tín của không chỉ bản Huồi Mới và cả xã biên giới Tri Lễ. Thầy giáo người Mông này luôn tự nghiêm khắc với bản thân và dạy các con, cháu: “Sống không khó, làm giàu cũng không khó. Mà sống sao cho đúng hướng mới khó”. Giờ đây, khắp mọi bản làng trong xã từ Nậm Tột, Huồi Xái, Huồi Mới… đều có học trò thầy Sinh. Rất nhiều học trò sau khi trở thành bố mẹ lại đem con đến trường, yên tâm gửi cho người thầy đáng kính ấy. 

Đường mòn đến điểm trường..

Đường mòn đến điểm trường..

‘Cửu vạn sách’ gieo mầm văn hoá đọc

Lặng lẽ hy sinh để dạy dỗ học trò vùng cao

Cũng như Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có hơn 400 học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc Mông, Khơ Mú và Thái. Trong số 40 cán bộ, giáo viên của trường chỉ có 10 người bản địa, hoặc sinh sống gần xã Nậm Cắn còn lại đều là giáo viên ở các huyện miền xuôi lên công tác. Mặc dù là xã vùng biên xa xôi vất vả với nhiều khó khăn chồng chất nhưng thầy trò của trường đã nỗ lực hết mình để đưa trường vươn lên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đầu tiên ở huyện Kỳ Sơn.

Năm học này, cô giáo Bùi Thị Thúy quyết định mang theo con trai từ huyện Diễn Châu lên Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 để học. Đây là một quyết định không hề dễ dàng của người mẹ. Nếu so sánh về mọi điều kiện học tập, sinh hoạt thì quê nhà của cô hơn hẳn nơi vùng cao tận cùng biên giới này. Bởi lên Nậm Cắn, con trai cô sẽ phải hòa nhập lại từ đầu, sẽ là thiểu số giữa đa số các bạn là người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Nhưng, đó là lựa chọn phù hợp nhất với gia đình cô thời điểm này. Bởi chồng cô là bộ đội biên phòng ở cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, thì việc đưa con lên học tại xã biên giới xa nhất Nghệ An là cơ hội để gia đình được gần nhau hơn. Do đó, cô giáo Thúy quyết định đưa đứa con nhỏ ngược lên miền núi.

Những ngày đầu lên huyện miền núi xa nhất Nghệ An công tác, cô chỉ mong rằng mình có sức trẻ, có kiến thức thì cống hiến. Còn với những thiệt thòi của con, cô sẽ cố gắng bù đắp bằng cách dạy thêm kiến thức cho con lúc ở nhà. Sau thời gian đưa con ngược lên miền núi, những nẻo đường lạ thành quen, những điểm trường lẻ xa xôi trở nên thân thuộc. Giờ đây, cô đã chọn ở lại nơi rẻo cao quanh năm sương phủ, chọn biên giới là quê hương thứ 2, chọn trở thành một người dân bản địa để tiếp tục sự nghiệp trồng người và gắn bó với trẻ vùng cao.

Điểm trường Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4.

Điểm trường Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4.

Tấm lòng của người thầy đáng kính

Có những thầy cô dưới xuôi lên công tác ở vùng cao xứ Nghệ chỉ mong người thân trong gia đình mình luôn mạnh khỏe để yên tâm làm việc. Còn bao vất vả đối với các thầy cô giáo cũng dần quen. Họ gắn bó vì yêu nghề. Bởi các thầy cô luôn mang suy nghĩ, mình vất vả thật nhưng không có những người như mình, những em thơ ở đây sẽ không có ngày mai.

Nhiều năm gắn bó tâm huyết với mảnh đất gian khó và những lớp học thân thương, khó lòng có thể kể hết được những vất vả, nhọc nhằn mà các thầy, các cô đã phải trải qua. Nhưng với cô Thúy, thầy Sinh cũng như nhiều cô giáo sẵn sàng ở nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa này, đều nỗ lực vì một mơ ước, mong sao các em học sinh đều được tới trường, được học tập, để có một tương lai sáng ngời, một cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc. Và hơn hết đó chính là lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp họ trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng.

Theo: Báo Pháp Luật

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Người đàn ông 47 tuổi hiến tạng cứu sống 5 người

Gieo mầm thiện 16:37 23/12/2024

Sáng ngày 20/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thông báo đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức lấy và vận chuyển thành công 4 đơn vị tạng từ một người đàn ông chết não để ghép cho các bệnh nhân cần cứu trợ. Đây là một nghĩa cử nhân văn, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người.

Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người

Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024

Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.

Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang

Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024

Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.

Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật

Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024

Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.

Xem thêm