Giới luật – tìm lại niềm tin nơi Phật tử
Kể từ khi đạo Phật được du nhập và phát triển ở Việt Nam đến nay đã hơn 2000 năm lịch sử. Suốt dòng chảy thời gian ấy, Phật giáo luôn thể hiện là tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Tăng, ni là biểu tượng của đạo đức tôn giáo, đồng thời là đạo đức xã hội qua nếp sống thanh bần.
Lợi ích của giáo dục giới luật Phật giáo
Vào ngày 07/11/1981, GHPGVN đã được thành lập sau Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ trong sự hoan hỷ của toàn thể tăng, ni, phật tử trên khắp cả nước. Thời gian thấm thoắt trôi qua, GHPGVN đã trải qua 7 kỳ Đại hội và đang chuẩn bị cho sự kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 tại thủ đô Hà Nội.
Có thể thấy, Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử đó là do sự vững tin và cổ vũ của tín đồ phật tử đã tiếp thêm sức mạnh cho tăng đoàn vượt qua được những “đợt sóng ngầm”. Nhưng dường như niềm tin kính tăng đoàn ngày nay phần nào đang bị hao mòn và giảm sút?
Một thực tế đáng buồn là trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin “nhạy cảm” (dù xác thực hay chưa được xác thực) liên quan đến Phật giáo. Một bộ phận thay vì lên tiếng bênh vực và bảo vệ hình ảnh của Giáo hội thì họ lại bày tỏ sự thất vọng, thái độ tiêu cực trước những thông tin ấy?! Điều này cho thấy sự xói mòn đáng kể niềm tin và kỳ vọng mà quần chúng đã dành cho đạo Phật ở thời kỳ được cho là theo quy luật thịnh yếu thì suy tàn. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, để khơi dậy sức mạnh chấn hưng Phật giáo, thực trạng này cũng chính là nhân tố khiến cho đội ngũ tăng đoàn ý thức lại trách nhiệm đối với mỗi người tăng sĩ, phải nghiêm túc gìn giữ giới hạnh, trau dồi trí tuệ nhằm kế thừa xứng đáng di sản vô giá mà chư Tổ và những bậc tiền bối hữu công đã truyền thừa.
Chúng ta có thể thấy “tòa nhà” cổ 25 thế kỷ của Phật giáo vẫn tồn tại cùng năm tháng, sừng sững như cây cổ thụ giữa núi rừng trùng điệp. Điều này chứng minh rằng Phật giáo tự thân có một sức sống mãnh liệt, bắt nguồn từ một giá trị tinh thần phong phú; tinh thần ấy chính là sự thể hiện giáo pháp trong mỗi đời sống con người, giáo pháp ấy là những chân lý vượt qua cả không gian và thời gian, bao gồm ba tạng Kinh, Luật, Luận. Trong đó, giới luật được xem là bậc thầy cao cả của đại chúng.
Trên lộ trình tu tập giải thoát thì người xuất gia phải trải qua ba môn Vô lậu học: Giới – Định – Tuệ. Trong đó, “Giới” là vô lậu học đóng vai trò cơ bản nhất đối với người xuất gia, vì “Giới” chính là nền tảng cho người xuất gia, là yếu tố quan trọng để sinh “Định” và “Tuệ”. Người tăng sĩ trước tiên phải nghiêm trì giới luật.
Có thể thấy, giới luật là điều cần thiết nhất đối với người xuất gia và hàng tăng sĩ, vì “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp”:
“Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ
Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệt diệt”.
Giới luật công truyền hay bí truyền
“Giới luật còn thì Phật pháp còn”, giới luật chính là giới đức, giới đức góp phần thanh tịnh hóa tăng đoàn. Do đó, đức Phật đã thuyết chế ra thành giới pháp, giới tướng để các chúng đệ tử Phật thực hành, nghiêm trì giới đức nhằm ngăn ngừa tất cả tội lỗi và giữ nhân phẩm, gìn giữ thân khẩu ý được thanh tịnh. Nhờ giữ giới mà được tịnh tâm, nhờ tịnh tâm mà phát sinh trí tuệ giác ngộ.
Đặt trong bối cảnh đời sống hiện tại, những giáo lý Phật đà ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị và tính áp dụng vào thực tiễn. Dù một vị tăng sĩ có mang danh gì, nhập thế hay không nhập thế, hoặc một vị giảng sư – thuyết pháp (khẩu hành) dù có hay thế nào đi chăng nữa thì cũng cần có “thân hành”. Thân hành đứng hàng đầu vì dù theo bất kể tông môn hệ phái nào thì tăng đoàn ấy cũng phải có giới luật (giới – định – tuệ), nếu không có giới luật và giữ được giới luật thì vị tu sĩ đó dù có làm bao nhiêu việc thiện cũng chỉ là vị cư sĩ kêu gọi cộng đồng làm thiện mà thôi, vì bản thân vị đó không làm ra của cải vật chất.
Như trong Kinh Đại thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán, đức Phật đã dạy: “Vào biển Phật pháp lấy đức tin làm căn bản, vượt dòng sinh tử lấy giới luật làm thuyền bè. Nếu người xuất gia mà không giữ giới cấm, lại tham đắm, vướng mắc những thú vui thế tục, hủy báng giới pháp của chư Phật, hạng tỳ kheo như thế không còn được gọi là người xuất gia”.
Bởi vật, giới luật chính là mạng sống của thân cây Phật pháp, là sinh mạng của người tu hành, nếu thiếu nó thì Phật pháp sẽ tàn lụi. Cũng như bất cứ lúc nào và ở đâu, nếu giới còn được tôn trọng và hành trì nghiêm túc thì Chính pháp mới được trường tồn mãi mãi. Một khi đã nhận thức rõ điều này thì người xuất gia phải có nhiệm vụ bảo tồn Chính pháp, tự mình tinh nghiêm giới luật, lấy giới làm mạng sống tu hành.
Giới luật là nền tảng căn bản của Phật giáo
Mỗi tăng sĩ là một nhân tố tạo lập ngôi Tam bảo, quyết định sự tồn tại của đạo pháp. Bởi nhờ có giới luật mà hàng tu sĩ được vun bồi phước đức, hun đúc đạo đức thâm sâu, thân hành thuần thục, cung cách oai nghi tỏ rạng khiến cho mọi người khởi tâm kính mộ và từ đó bằng thân giáo khiến cho người đời kính trọng, xiển dương Phật pháp. Cho nên người tăng sĩ cần phải giữ tôn nghiêm giới luật như vị đạo sư của mình để ứng dụng xây dựng đạo pháp dân tộc.Nếu trong sinh hoạt cộng đồng tăng lữ không có giới luật làm cương lĩnh thống nhiếp thì tăng đoàn sẽ tiêu vong. Giới là nền tảng, là đạo lộ hướng đến phát triển tâm thức, nâng cao phẩm chất đạo đức nơi mỗi cá nhân để làm chất liệu bồi dưỡng cho trí tuệ. Vì bản chất của giới luật là phòng hộ, là bờ đê ngăn cản những dòng nước đục từ bên ngoài các ngõ thân và ngữ tràn vào tâm làm cho tâm tư vẩn đục.
Song song đó, giới là suối nguồn thanh tịnh, là nấc thang đầu tiên để bước đi những bước kế tiếp. Ví như một căn nhà được xây dựng bằng một nền móng vững chắc thì căn nhà ấy sẽ tồn tại lâu dài. Cũng vậy, nếu hiện tại chúng ta sống đúng với giới luật, thì đó là biểu tượng cho Chính pháp được trường tồn, đồng thời cũng nói lên được tinh thần chấn hưng Phật giáo một cách rõ rệt.
Do vậy, dù ở góc độ nào, người tu chỉ độ được cho đại chúng khi đích thị họ là người tu giữ được giới luật, nếu không thì họ không những không độ được cho phật tử mà còn góp phần làm suy giảm sự trang nghiêm và hình ảnh của Phật giáo.
Mạt pháp – can đảm mà nói do nó đi từ bên trong, cụ thể là từ hành động, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ của người tu hành. Ngược lại Chính pháp cũng thế, giáo pháp siêu việt và thực tiễn của đức Phật được sáng tỏ, có giá trị thiết thực trong cuộc sống hiện tại, được phổ cập rộng rãi trong xã hội loài người, tất cả đều tùy thuộc vào tư cách, từ hình thức đến tâm linh của người tu hành. Tư cách ấy được biểu hiện bằng sự nghiêm trì giới luật, đó là vấn đề trọng yếu quyết định vận mệnh của Phật pháp trong mọi thời đại và mọi nơi chốn. Giới hạnh của người tu liên quan đến sự thịnh suy của Phật pháp một cách mật thiết.
Một khi hành giả có giới luật trang nghiêm, đồng nghĩa với việc trở thành một nơi an ổn cho thế gian nương nhờ và cũng là một thành viên tích cực khiến cho Phật pháp hưng thịnh. Tuy nhiên, nếu giới luật không được nghiêm trì thì chúng đệ tử của Phật sẽ là một cộng đồng thiếu mất sự trang nghiêm và không nhận được sự kính trọng của cộng đồng. Nếu người xuất gia không giữ gìn giới luật thì không thể nào phân biệt được đâu là người xuất gia, đâu là kẻ thế tục. Như vậy, chỉ có giới luật mới tạo nên đức hạnh của người tu, đồng thời cũng góp phần xây dựng cho chúng ta thành những chiến sĩ trên mặt trận đạo đức, tạo nền tảng cho Phật pháp hưng thịnh.
Bên cạnh đó, khi đã chấp nhận một người xuất gia là chấp nhận thêm một thành viên gia nhập vào tăng đoàn, đồng thời cũng là chấp nhận một viên gạch đã góp phần xây dựng nên ngôi nhà Phật pháp. Vì thế, việc quản lý tăng, ni của GHPGVN cần đặc biệt chú trọng, bởi sự tiến bộ hay sa đọa của một cá nhân đều ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Phật giáo.
Giáo hội cần có sự quản lý người tu thật nghiêm túc, tránh việc một số cơ sở dễ dàng cho người xuất gia, thọ giới trong khi họ không thực tu, có lối sống, hành xử chưa đúng với người xuất gia. Việc chấp nhận người tăng sĩ phải được đặt hoàn toàn trên nền tảng giới luật và mục đích chung của Phật giáo nhằm đảm bảo uy tín và sự thanh tịnh của tăng đoàn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
Xem thêm