Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 20/10/2017, 16:09 PM

Góc nhìn "đạo" và "đời" từ Nguyễn Đình Chiểu đến công cuộc chấn hưng PG của Tổ Khánh Hòa

Đây không phải là cuộc so sánh tương quan luận điểm hay ý nghĩa đúng - sai của hai nhân vật lịch sử: nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và Tổ Khánh Hòa vì hành trạng và lý tưởng dấn thân của hai người khác nhau, cả về phương diện đấu tranh trước nghịch cảnh, giữa Đời và Đạo và một khoảng cách thời gian nhất định.

Bài viết chỉ mong đóng góp nhỏ suy luận phần mình với một nối kết lịch sử nhất định để mở rộng thêm nỗi niềm của Tổ Khánh Hòa và Chư tôn thạc đức trong bối cảnh chung đau thương của dân tộc trước và sau phong trào chấn hưng Phật giáo rực rỡ.

1. Từ tác phẩm "Dương Từ - Hà Mậu" của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

Đứng trên mảnh đất Bến Tre, quê hương Đồng Khởi, lòng luôn bồi hồi nhớ lại trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ giữ nước; bên cạnh vũ khí thô sơ từ tầm vông vạt nhọn thời chống Pháp cho đến súng đạn thời chống Mỹ, hào khí chiến đấu của Bến Tre còn có thơ văn yêu nước và đặc biệt phảng phất hương khói anh linh bao nghĩa sĩ hùng anh dựa vào lời thơ Văn tế Nghĩa Sĩ Lục Tỉnh của Nguyễn Đình Chiều (1822-1888) năm nào mà đứng thẳng và còn mãi với non sông đất nước (1).

Khi "Day mũi thuyền Nam dạ xót xa/Chén rượu đỏ lòng xin cạn chén/Nhớ nhau ngày ấy biết sao mà..." (2), Nguyễn Đình Chiểu đã cắm sào đậu bến Ba Tri để trở thành một công dân ưu tú của đất Bến Tre sẵn ôm vào lòng nỗi niềm chung của đất nước. Từ đây những ngọn đuốc lá dừa cứ thay phiên nhau bập bùng cháy sáng trong đêm dài u tối không bao giờ tắt. 

Âu cũng là diễm phúc khi hậu thế cháu con chúng ta hôm nay còn nhìn thấy được ảnh chân dung bán thân của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, tuy nhiều nét còn mờ ẩn nhưng vẫn toát lên được vẻ đĩnh đạt của một chí sĩ đầy khí phách, trước bao uy vũ vẫn bất năng khuất! Từ bức ảnh quý hiếm này, người viết vốn luôn chú tâm vào lĩnh vực nghệ thuật sân khấu nên đã may mắn và cũng không kém phần sững sờ khi vào nữa cuối thập niên 80 thế kỷ trước, được xem vở hát bội phát trên tivi đen trắng của Đoàn Nghệ thuật Hát bội Hàm Luông, nữ nghệ sĩ Ngọc Ẩn đã vào vai nhân vật Nguyễn Đình Chiểu hết sức sinh động và đầy tính thuyết phục. 

Vẫn áo dài khăn đóng nghiêm trang, nữ nghệ sĩ đã cho người xem thấy lại chân dung của "ông già Ba tri" ngày nào với cách ứng xử đạo đức, từ tốn mà đĩnh đạc dù trước ông chủ tỉnh người Pháp hay với hạng thích bơ sữa chạy theo nâng gót Tây Dương. Như vậy, qua văn thơ, qua nghệ thuật, Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn đứng bên cạnh chúng ta, nhắc nhở nhiều bài học đạo đức làm người và làm một người con dân đất Việt trước đại nạn vong nô: "Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ" (3).

Ngoài cốt cách và ý thức sống cũng như sự khảng khái trước nhiều cám dỗ vật chất và đe dọa từ giặc Tây, giá trị tinh thần của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu còn nằm trong các tác phẩm có giá trị cao. Nếu truyện thơ "Lục Vân Tiên" được gửi gắm nhiều nỗi niềm về gia thế, khẳng định tinh thần yêu nước và bản thân, thì "Dương Từ - Hà Mậu" (DTHM) là một kết cấu thành câu chuyện thời sự, mạch lạc, đề cao Nho học; tác phẩm "Ngư tiều vấn đáp nho y" thì nói về y pháp và y đức của người thầy thuốc trong xã hội. Đặc biệt thể hiện tinh thần và quan điểm yêu nước thì tất cả đều nằm trong mảng thơ và văn tế. 

Những tóm tắt về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong bài viết này bằng niềm trân trọng và ngưỡng mộ, xin chỉ dừng lại chừng ấy đôi dòng để chúng ta nhắc đến một sự nối kết tuy âm thầm và cách sau một thế hệ cũng như lý tưởng dấn thân, như là một sự tất yếu. Chúng ta đang nhắc tới công ơn to lớn của Tổ Khánh Hòa (1877-1947) trong công cuộc chấn hưng Phật giáo rực rỡ mà qua thơ văn, đặc biệt tác phẩm DTHM của Nguyễn Đình Chiểu đã có phần nào ảnh hưởng và thôi thúc chí nguyện lớn lao của ngài.
 
2. Đến nỗi lòng thiết tha chấn hưng Phật giáo của Tổ Khánh Hòa

Khi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đọc Văn tế Nghĩa Sĩ Lục Tỉnh tại chợ Ba Tri - Bến Tre năm 1884 thì Tổ Khánh Hòa (ngài) tuổi đã lên 8, cái tuổi vừa đủ ghi vào tâm khảm nhiều diễn biến chung quanh và bốn năm sau đó, khi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tạ thế (1888) thì ngài đã bước vào tuổi 12. Từ đó cho đến khi ngài tròn 19 tuổi, sẵn sàng bước vào nẻo đạo với tâm thế không chỉ cầu giải thoát cho mình hay để mong cầu dựa dẫm vào một thế giới bình an giữa lòng dân tộc đang hồi biến động đau thương từng ngày, mà là bằng nỗi niềm riêng mang với hai bờ vai tuổi thanh xuân, từng bước trưởng thành để mong gánh vác việc lớn mai sau của tiền đồ Phật pháp cũng đang hồi nghiêng ngửa, chung nỗi đau chung của đất nước, của quê hương Bến Tre mà trước đó chưa lâu, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng canh cánh bên lòng.

Có thể nói, riêng tác phẩm DTHM của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là hồi chuông cảnh báo lớn, rất lớn cho chính những người con Phật có ý thức và trách nhệm. Ở trong đó, DTHM đã vẻ ra một bối cảnh xã hội mà con người buộc phải chọn lựa giữa cội nguồn dân tộc và sự vay mượn bên ngoài. Có ba ý thức nhận định tác phẩm DTHM của Nguyễn Đình Chiểu: 

- Một là cuộc đấu tranh giữa tà thuyết và chính nghĩa; cũng có thể cho đó là một cuộc chiến giữa các tôn giáo (?). 

- Hai là đề cao Nho học được xem là truyền thống lâu đời của dân tộc. 

- Ba là sự khẳng định lập trường và tinh thần chiến đấu, yêu nước thiết tha, sôi nổi, kêu gọi đồng bào sớm phải nhận ra kẻ thù chung của dân tộc, nói rõ trách nhiệm và bổn phận của mọi người dân Việt trước họa xâm lăng (4). 

Ban đầu đây là tác phẩm truyền khẩu, trong quá trình lưu hành xuất hiện một hai dị bản nhưng sau này các nhà nghiên cứu đã thống kê và đúc kết lại nguyên bản gốc. 

Theo kết quả nghiên cứu của nhiều người, thì DTHM có thể được soạn từ năm 1851 và hoàn chỉnh vào những năm trước khi thành Gia Định rơi vào tay giặc Pháp. Trong giai đoạn này, nước nhà đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc "dưa chia khăn xé". Quân đội viễn chinh của thực dân Pháp muốn xâm lược nước ta, đã âm mưu lợi dụng Hội Truyền giáo, làm nhiệm vụ quan sát, dò la tình hình, hoặc để mê hoặc, chia rẽ hàng ngũ đấu tranh của nhân dân. 

Bọn giáo sĩ đã ru ngủ quần chúng bởi những giáo lý huyễn hoặc về thiên đường, địa ngục, làm họ quên mất nhiệm vụ của mình đối với Tổ quốc, nhằm tạo ra một thế đối lập bằng cách đề cao xúi giục các hành động cuồng tín "tử vì đạo" để từ đó làm bình phong "bảo vệ công giáo". Đó là một sự thật lịch sử đối với Việt Nam cũng như đối với bất cứ một nước nào khác của bọn xâm lược phương Tây (4). 

Qua đó, nếu cho rằng DTHM chỉ đánh phá Phật giáo thì chưa hẳn đúng, dù xuyên suốt nội dung Phật giáo bị đem ra đồng hóa với đạo Da-Tô (từ dùng của Nguyễn Đình Chiểu); có chăng đó chính là thủ pháp kê đòn bẩy để nổi bật chủ đề chính và đương nhiên như vậy thì phải đề cao Nho học, lấy đó làm niềm tin chính thống. Với 3.455 đoạn thơ (4 câu) bản thể tinh túy của Phật giáo không được mổ xẻ tận tường, thay vào đó là sự lên án dị đoan, mê hoặc, không giúp ích cho đời, tăng môn sa đọa v.v... và bị kết luận là tà đạo (?). Có lẽ như vậy nên tinh thần tam giáo đồng nguyên, vốn được chính Phật giáo đề xướng và thực hành ngay cả những khi nghiễm nhiên ở ngôi vị quốc giáo có thế đứng cao cả và được ca ngợi từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần v.v... hoàn toàn vắng bóng trong tác phẩm DTHM.

Về mặt khách quan, cộng vào bối cảnh chung xã hội và dân tình thời bấy giờ, một tác phẩm từ truyền khẩu nhanh chóng luồng lách được và đi vào tận những hang cùng ngõ ngách, với đủ các giai tầng, trình độ khác nhau của công chúng, thì quả thật DTHM đã vô tình làm điêu đứng thêm hình ảnh Phật giáo vốn đã bị thực dân Pháp đẩy lùi xuống tận cùng khốn khổ! Hình ảnh "tăng đồ hủ bại, đạo pháp suy vi" dường như đã gắn chặt vận mệnh Phật giáo thời bấy giờ, dù là vô tình hay hữu ý, mà chưa thấy một tia hy vọng nào được nhen nhóm, hầu khả dĩ làm an tâm những người con Phật chân chính khác! 

Về khía cạnh chủ quan, có một thực tế hiển nhiên do hệ quả ỷ lại mang tính chất truyền thống, mạnh ai nấy tu, mạnh ai nấy vạch ra con đường riêng cho tông môn, cho bản tự mình, không có sự thống nhất và giám sát từ một tổ chức Phật giáo có hệ thống. Hơn nữa Phật giáo khi đã bị đẩy lùi vào u tịch, xa lánh cuộc sống thực tế theo như mong muốn của thế lực thực dân, nhằm từng bước làm suy yếu tiềm năng Phật giáo, thì sự suy đồi, lung lay giới hạnh của giới tăng sĩ là hệ quả đương nhiên. 

Cho nên, sư Thiện Chiếu đã có nhận xét:"Phật giáo nước ta suy đồi do nơi tăng đồ thất học, tăng đồ ví cũng như nguyên khí, nguyên khí suy mòn tất nhiên sinh nhiều quái chứng; muốn khỏi biến sinh quái chứng và thân thể được bình phục như xưa thì phải bồi thực nguyên khí. Vậy muốn Phật pháp trùng hưng, thì ai là tăng đồ hoặc tín đồ nữa cần phải nghiên cứu Phật học".

Với người con Phật, trước mắt không bao giờ đổ lỗi cho bất cứ ai, nguyên do vì đâu và tại sao, mà quan trọng nhất là thái độ dấn thân, âm thầm chấp nhận những nghịch duyên đưa đến và dùng trí tuệ, sở học cũng như đức độ của mình từng bước gỡ rối, xóa vết đau, mong xây dựng lại hình ảnh mạnh lành của ngôi nhà chung Phật giáo khi nào, dù đó có phải trải qua những cơn lột xác đau đớn. Tổ Khánh Hòa của chúng ta đã làm được điều đó. Trong ý nghĩa tích cực, việc dấy động phong trào chấn hưng Phật giáo, cũng là một cách chống lại các thế lực đen tối âm mưu đưa Phật giáo vào bước tàn lụi, cũng đồng thời là chống lại thế lực thực dân. 

Qua nhiều sử liệu, chúng ta thấy Tổ Khánh Hòa tự đặt mình vào trách nhiệm khó khăn mà trước đó đã có không ít vị lắc đầu thối lui, quay gót lại thiền môn tĩnh tu cho bản thân. Thậm chí có cả người trút bỏ lớp tăng bào cao cả vì không chịu đựng nổi áp lực hoặc chưa đủ trình độ, tư duy Phật học cần thiết trước nghịch duyên đang bủa vây. Tổ Khánh Hòa thì vẫn âm thầm, khiêm cung như chẳng bao giờ chú tâm đến thời cuộc và những tác động chung quanh. 

Bởi vì tất cả bối cảnh xã hội nhức nhối trong DTHM đã nói thay cho tất cả, ngài nhận lấy chính cái nghịch duyên ấy để thiết lập lý tưởng dấn thân. Theo nhiều khẩu ngôn của chư tôn thiền đức truyền dạy, người ta nói xấu, chê trách Phật giáo, xem nhẹ tăng đồ trước hết mình phải biết lắng nghe và chấp nhận, muốn thoát khỏi nghịch duyên thì phải từ đây tôn tạo nền móng phước báo cho chính mình, tương lai mới xán lạn thêm hơn. Không mong cầu quyền lợi hay dựa dẫm thế lực nào vì đó sẽ vô tình tạo gây thêm nghiệp khác. Đó cũng là khung cảnh lạc quan, tươi sáng mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết: "Ngày chiều nhả bức đồng quê/ Hưu vào động núi, hạc về đình xưa" (Câu 2650: Ngư tiều y thuật vấn đáp - Nguyễn Đình Chiểu), viễn cảnh đó còn là cái quả tất yếu sau mỗi cuộc phong ba bão táp.

Như vậy, chúng ta thấy Tổ Khánh Hòa sớm biết vận dụng nghịch duyên vào lý tưởng hành động, chấp nhận gian khó. Gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, lay động đến từng mái ngói rêu phong, vốn dĩ vấn vương hương khói u buồn theo năm tháng. Nếu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu thể hiện lòng yêu nước qua sở học và ngòi bút sắc nhọn của mình, thì Tổ Khánh Hòa cũng thể hiện lòng yêu nước của mình bằng cách riêng, qua những gì hấp thụ được từ tinh túy của nhà Phật. 

Ngoài những hành động cụ thể như âm thầm giúp đỡ các chiến sĩ, cán bộ cách mạng cũng như nương thừa mối giao du thấm đậm tình dân tộc với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) để từng bước hỗ trợ nhau trên bước đường đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc; Tổ Khánh Hòa trước hết vẫn làm tròn trách nhiệm một người con Phật trước mối suy vong hiện thấy. 

Hình ảnh một người xuất gia tu Phật đã được ngài từng bước một xây dựng lại trên nền tảng chấn hưng triệt để. Qua đó, một người xuất gia không chỉ là người có đức độ tu hành, chuyên trì Phật pháp uyên thâm mà còn phải là một hành giả có trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết để có thể đối trước mọi hoàn cảnh của xã hội, đặc biệt các vị có nhiệm vụ pháp sư đăng đàn giảng pháp. Điều này, ngay từ những năm đầu thập niên 1930, từ khắp mọi nơi đều có sự đồng thuận với Tổ Khánh Hòa ngay khi phong trào chấn hưng Phật giáo vừa hình thành, trước hết qua phương tiện báo chí Phật giáo dù là non trẻ và ít ỏi thời bấy giờ, nhất là báo Đuốc Tuệ (Hà Nội), Duy Tâm... đều đã có các chuyên đề mang tính học thuật và tỷ giảo, lên tiếng nêu bật tính thực tiễn của giáo lý nhà Phật, khẳng định một tôn giáo nhập thế, tiến bộ; không mê tín, lạc hậu, yếm thế và có những hành giả sai quấy lầm đường. 

Thời thế đen tối khi ấy đã góp phần biến những vị xuất gia trở thành những kẻ yếm thế, tiêu cực đã khiến xã hội không nhận ra đó là một vị thầy hiền từ đức độ từ bi hay một vị thầy ít học và hủ lậu! Tinh thần bi, trí, dũng cao sâu của Phật Đà không được vận dụng thường hành và xã hội khi ấy vẫn chưa hay, chưa biết tinh hoa Phật pháp có ba đức tính tuyệt vời đó.

Chẳng những chứng minh Phật giáo không như những cái nhìn phiến diện, méo mó ẩn chứa nhiều ác ý dẫn đến hệ lụy rệu rã, tha hóa của Phật giáo, mà Tổ Khánh Hòa cùng chư tôn đức ngay trong những ngày đầu non trẻ của phong trào chấn hưng Phật giáo còn mở ra cánh cửa học thuật, biện luận nhãn quan duy thức học qua các thời giảng pháp và nhất là trên các phương tiện báo chí, đã phần nào làm dịu tan đáng kể những cái nhìn không hay về Phật giáo; trước hết trong giới trí thức, thượng lưu, về những vị tăng sĩ xuất gia và còn để tâm theo dõi, thậm chí hướng tinh thần ủng hộ cho phong trào. 

Xem lại các số báo Duy Tâm đầu năm 1936, những bài thuyết pháp của Tổ Khánh Hòa tại Hội Lưỡng Xuyên Phật học, được báo này đăng lại với chủ đề "Vũ trụ và nhân sinh quan của Phật giáo". Chỉ một đọan ngắn này thôi đã đủ hàm chứa tất cả những gì ngài muốn nói: "Tôi vốn là một nhà Phật học chớ không phải một nhà thực nghiệm khoa học, nên không dám phê bình khoa học; nhưng theo lý học thì Phật pháp tức khoa học, khoa học tức Phật pháp; khoa học là "tướng", Phật pháp là "tính", khoa học là "dụng" Phật pháp là "thể"; khoa học là "sự ", Phật pháp là "lý", khoa học là "hình thức", Phật pháp là "tinh thần". Chưa hề có tướng mà không tính, có thể mà không dụng, có sự mà không có lý, có hình thức mà không có tinh thần bao giờ...". 

Ngay cả quan niệm thuyết Thượng đế sáng tạo, Tổ Khánh Hòa cũng không ngần ngại chỉ rõ những bất công, vô lý trong việc Thượng đế sáng tạo ra trong xã hội con người để rồi cứu rỗi, cứu chuộc với chính những cái ác cũng do mình "sáng tạo" ra! Lời lẽ từ tốn khiêm nhường mà đanh gọn sâu sắc, làm ngẩn ngơ các thế lực u minh vốn tự cho mình thành phần "Tây học" và những người sớm bộc lộ tri kiến vong nô (nói theo ngôn từ Nguyễn Đình Chiểu là những người thích bơ sữa phương Tây).

3. Thay lời kết

Ngày nay, trên mặt trận hoằng pháp chưa thấy các giảng sư mạnh dạn đề cập đến khía cạnh học thuật về lý duyên sinh, về Thượng đế, về thuyết tạo dựng, trong khi trình độ tu học của quần chúng phật tử có nhiều cơ duyên tiếp cận các mặt đa dạng. Ngày trước trong hoàn cảnh khó khăn, Phật giáo bị gò bó và điều kiện thiếu khốn như thế mà Tổ Khánh Hòa đã còn hết lòng bày giải, chia sẻ với mọi người. So với chúng ta ngày nay, thừa hưởng thành quả cuộc chấn hưng Phật giáo và từng bước bắt nhịp tiến bộ với khắp mọi nơi, xem ra chúng ta có tội và mắc nợ với tiền nhân nhiều lắm.

Từ Hội, đến Tổng hội và đến khi đấu tranh để được danh xưng Giáo hội, Phật giáo VN đã trở lại địa vị mà từ xưa vốn luôn được trọng thị. Công ơn đó quả thật không làm sao quên được sự tận tụy dốc lòng của Tổ Khánh Hòa và chư tôn đức trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Qua rồi cái thuở khi nhắc đến một vị xuất gia ai cũng nghĩ đến những "ông thầy chùa làng" cục mịch quê mùa, chuyên đi cúng đám tang và trong văn chương quần chúng thì nghèo nàn từ ngữ, chỉ bấy nhiêu chữ "Bần tăng", "Dưa muối nâu sòng", "chay lạt khổ hạnh" v.v... chạy vòng quanh trang sách ố vàng mỗi khi nói đến thầy tu, Phật giáo.

Cho đến tận hôm nay, sự phát triển đồng bộ của Phật giáo Việt Nam vẫn luôn có hình ảnh kiến tạo của phong trào chấn hưng Phật giáo do Tổ Khánh Hòa đề xướng. Công đức ấy ngàn năm há dễ nào quên. Nước nhà đã độc lập bình yên, cõi non bồng nước nhược, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chắc cũng an lòng thanh thản. Những thơ - văn của ông vẫn là bài học ngàn năm cho cháu con hữu dụng. 

Riêng tác phẩm DTHM, giờ đây trên nền tảng Phật giáo tiếp tục sáng rực trong vòm trời độc lập của dân tộc, chắc chắn rằng DTHM sẽ chỉ còn là bài học nhắc nhớ trong một giai đoạn Phật giáo chưa có tiếng nói mạnh mẽ, chưa có chỗ đứng vững chắc trong bối cảnh nước mất nhà tan. Thời nào cũng thế, Phật giáo VN chưa bao giờ đi ngược lại tự tình dân tộc, lúc nào và bao giờ cũng sẵn sàng chia sẻ đau thương và chung lưng gánh vác với non sông đất nước. Từ trong ý nghĩa đó, chúng ta càng thấm thía nhiều và hiểu nhiều hơn câu thơ của Huyền Không:
 
"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông".

Dương Kinh Thành (Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam)

Chú thích:
1. Năm 1884, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đọc "Văn tế Nghĩa Sĩ Lục Tỉnh" tại chợ Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
2. Trích bài thơ "Biệt Cố Nhân" của Nguyễn Đình Chiểu, khi "Hòa ước Nhâm Tuất 1862", ba tỉnh Miền Đông rơi vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Thanh Ba (Cần Giuộc) theo phong trào "tỵ địa" về Ba Tri - Bến Tre.
3. Trích bài thơ "Thà Đui" của Nguyễn Đình Chiểu.
4. Nguyễn Đình Chiểu Toàn tập - Tập I - Biên khảo và chú giải Ca Văn Thinh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang. NXB ĐH & THCN - In lần thứ I - 1980.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm