Góp phần tìm hiểu tư tưởng của tác phẩm Hộ Pháp Luận
Tác phẩm này phản bác lại quan điểm bài xích Phật giáo của Âu Dương Tu, qua đó cũng đả phá quan niệm sai lầm về Phật giáo của Hàn Dũ và Trịnh Y Xuyên vốn là những bậc danh sĩ thời nhà Tống ở Trung Hoa.
Dẫn nhập: Giáo lý Đạo Phật phát xuất từ thực tiễn có những bài pháp hướng mọi người đến đời sống chuẩn mực và thánh thiện. Trước cuộc thịnh suy của thời đại, giáo đoàn Đức Phật thường đứng trước những thời cơ và thách thức. Song song đó, vẫn thường xuất hiện những người yêu mến và dốc sức hộ pháp cho Phật giáo. Tác phẩm Hộ Pháp Luận của Trương Thương Anh thời nhà Tống là một minh chứng cho điều đó.
TƯ TƯỞNG CỦA TÁC PHẨM HỘ PHÁP LUẬN
Tác phẩm này phản bác lại quan điểm bài xích Phật giáo của Âu Dương Tu, qua đó cũng đả phá quan niệm sai lầm về Phật giáo của Hàn Dũ và Trịnh Y Xuyên vốn là những bậc danh sĩ thời nhà Tống ở Trung Hoa. Tác giả Trương Thương Anh cho rằng: Giáo lý Nho giáo ví như vị thuốc chữa bệnh ngoài da, Đạo giáo chữa bệnh ở mạch máu, còn Phật giáo được xem như vị lương dược chữa lành bệnh trong xương tủy. Như vậy, ngay ở tựa đề, tác phẩm đã thể hiện rõ tư tưởng vai trò hộ trì Tam bảo, trước những ý kiến trái chiều chống đối Phật giáo. Để đảm bảo việc phát triển gìn giữ duy trì Phật pháp, bổn phận đầu tiên của hàng cư sĩ như Trương Thương Anh chính là chung tay đóng góp tiếp nối mạng mạch Phật pháp.
Ngoài ra, ngày nay, sự hộ pháp của hàng cư sĩ còn trợ duyên làm các công tác Phật sự hoặc bằng nhiều hình thức từ bố thí, cúng dường vật thực đến thực hành pháp, làm cho hương giáo pháp lan tỏa sâu rộng. Thế nên, tư tưởng hộ pháp qua tác phẩm này dùng những phân tích, biện chứng, lập luận để đối lại tư tưởng phản bác, chống đối. Bởi trước kia, ông đã từng mang tư tưởng ấy đến khi nhận ra điều sâu sắc trong Đạo Phật, từ đó hết lòng hộ trì. Đồng thời, thay lời sám hối, ông không muốn có thêm người nào tiếp tục đi vào vết xe đổ như thế. Đó là nói về tư tưởng trong luận, mở rộng thêm sự hộ pháp còn là phát nguyện của hàng cư sĩ ủng hộ người xuất gia an tâm tu hành. Trong kinh Tăng Chi Bộ 1, Đức Phật tán thán sự hộ pháp của cư sĩ: “Bậc hiền trí thực hiện, con đường thật xứng đáng của người gia chủ hộ trì bậc có giới, bậc sở hành chân chánh, hộ trì với y áo, với đồ ăn khất thực, sàng tòa, thuốc trị bệnh…” [1]. Đây là những mặt trợ duyên cần thiết đối với vai trò của người hộ pháp nhằm bảo hộ và tin sâu Tam bảo, phát nguyện hộ trì để Đạo Phật ngày càng phát triển và mãi xương minh.
Về quan điểm Đệ tử của Phật không cày ruộng mà có cơm ăn
Vốn dĩ tu sĩ Phật giáo với đời sống xa lìa thế tục, lấy chuẩn mực đạo đức làm đầu, lấy trí huệ làm sự nghiệp. Do đó, có thể nói, đệ tử Phật mang sứ mệnh thiêng liêng trong việc giáo hóa chúng sanh, cần được nhìn nhận toàn diện chứ không chỉ lấy một khía cạnh rồi phủ nhận vai trò tu sĩ. Cần phải thấy, đời sống tu sĩ thời Phật tại thế dùng việc khất thực làm phương tiện độ duyên cho hàng cư sĩ Phật tử, qua đó cũng hóa độ chúng sanh hữu duyên. Mọi nếp sống, răn dạy mà Đức Phật đưa ra đều có nguyên nhân và mục đích. Vì thế nếu dùng tư duy nhỏ hẹp, sẽ không thể nhìn thấy giá trị tốt đẹp mà người xuất gia đã làm.
Nho sĩ đương thời đã từng đưa ra lời chỉ trích và quan điểm sai lệch về Đức Phật cũng như cách nhìn nhận không đúng về đời sống tu sĩ. Họ chưa hiểu rõ Đạo Phật nên cho rằng tu sĩ Phật giáo: “không cày ruộng mà vẫn có cơm ăn”. Theo sự biện luận của Vô Tận cư sĩ, cách nhìn nhận như vậy hoàn toàn sai lệch vì những người này chỉ nhìn bề ngoài mà phán xét, chưa suy nghĩ kỹ và không có cái nhìn thấu đáo về Đạo Phật. Trong sự chỉ trích này nhằm vào hàng đệ tử Phật, Vô Tận cư sĩ nhận định: Có nhiều tên trộm cắp, trốn thuế, cho đến bói toán đều không tham gia việc cày cấy lại còn gieo rắt khổ đau trong xã hội. Tác giả dùng những lý luận chứng minh phản biện lại ý kiến trên bằng sự hiểu biết về kiến thức Phật giáo mà ông đã tìm hiểu. Đối với việc nông tang, khi xưa các vị Tổ sư cũng tự mình cày ruộng, tổ Bách Trượng Duy Chính cũng dạy hàng đệ tử: “Đại chúng cùng lão Tăng khai điền, lão Tăng vì đại chúng nói nghĩa đại pháp”. Người xuất gia đệ tử Phật hướng đến đời sống cao đẹp trong việc hoằng dương chánh pháp đem lại lợi ích an lạc cho chúng sanh.
Quả vậy, đời sống tu sĩ đâu chỉ ngồi không hưởng lợi lộc từ sự cung cấp vật thực mà không đem lại lợi ích cho ai, ngược lại các Tổ rất đề cao lao động, như tổ Đại Trí Thiền sư đã nói: “Một ngày không làm thì một ngày không ăn”. Ngày nay, Tăng đoàn vẫn giữ nếp sống chăm chỉ lao động tốt đẹp đó. Như cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam, cả đời tu hành của Ngài với lối sống thanh bần, ẩn dật. Ngài chủ yếu làm nghề ruộng và dạy đệ tử trồng cây, trồng rau để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tu tập, không lạm dụng bát cơm, đồng tiền của tín thí dâng cúng. Như vậy, qua mỗi thời đại đều có các vị tu sĩ làm việc cày cấy, nhưng cho dù không trực tiếp tham gia vào những việc này chăng nữa, cũng không hẳn tu sĩ chỉ biết ngồi không mà có cơm ăn. Vì tùy thuộc vào từng đối tượng, thời gian, không gian, hoàn cảnh ở mỗi người dẫn đến việc làm khác nhau. Vai trò người xuất gia với việc hoằng pháp độ sanh, sự nghiệp tu tập luôn đặt lợi ích của chúng sanh làm đối tượng, đâu chỉ tu riêng cho bản thân. Như Tăng đoàn trong thời Phật tại thế với phương diện hóa độ chúng sanh bằng việc khất thực, đó là pháp chuyển hóa hữu hiệu nhất và cũng là cách tạo duyên lành cho mọi người.
Một hôm Đức Phật ôm bát đi khất thực, Ngài quán nhân duyên thấy có thể hóa độ cho Bà-la-môn Kasibharadvaja khi vị này đang phát thức ăn cho những người cày ruộng. Lúc đó, Bà-la-môn này chất vấn Đức Phật: Người tu hành không cày ruộng thì lấy gì để nuôi thân? Ngài khẳng định: “Ta vẫn cày ruộng đó thôi, cách cày ruộng của Ta lấy lòng tin làm hạt giống, khổ hạnh là cơn mưa, trí tuệ đối với Ta là ách và lưỡi cày, xấu hổ làm cán cày, gậy thúc” [2]. Với những việc làm mà người xuất gia hướng đến rất cao đẹp mang tâm nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, người phát đại tâm xuất gia sống đời phạm hạnh, đưa đường chỉ lối cho nhân sinh, làm bậc mô phạm, mỗi lời nói ý nghĩ đều là hạt giống tốt lan tỏa khắp pháp giới nhân sinh.
Về quan điểm Đệ tử của Phật trốn đời, hủy hoại thân thể
Hộ Pháp Luận biện bác một quan điểm sai lầm khác về Đạo Phật của giới ngoại đạo khi họ cho rằng, xuất gia là việc tránh đời, từ bỏ cha mẹ không làm tròn chữ hiếu và bổn phận làm con. Thực tế giá trị của hành động xuất gia là điều đáng trân quý, bởi lẽ đời sống thế gian có bao nhiêu thú vui, thế mà họ từ bỏ tất cả, xa rời người thân sống đời thanh tịnh, gánh trên vai sứ mệnh và trách nhiệm bậc xuất trần thượng sĩ với tinh thần tự lợi, lợi tha. Như vậy, ý nghĩa xuất gia vốn cao đẹp, chứ không phải trốn đời như một số người đã nghĩ.
Ông chứng minh việc ủng hộ Tam bảo là duy trì mạng mạch Phật pháp, vả lại người thế gian còn vô số kẻ đam mê rượu chè, bài bạc làm khổ cha mẹ, trở thành gánh nặng xã hội. Cuộc đời Đức Phật lấy việc giáo hóa chúng sanh làm mục đích. Ngài dùng vô số phương tiện dẫn dắt chúng sanh từ bến mê qua bờ giác ngộ giải thoát. Kinh Đại Bảo Tích, phẩm Pháp Hội Đại Thừa có đoạn viết: “Lại nữa, này đức Tăng! Như bổn nguyện của mình, đại Bồ tát từ Đâu Suất hạ Diêm Phù Đề chẳng vào thai mẹ cũng có thể thành Phật. Nhưng nếu không vào thai mẹ sẽ có các chúng sanh nghĩ rằng: Bồ tát này từ đâu đến, là Trời, là Rồng, là Quỷ Thần, là Càn Thát Bà hay biến hóa ra? Nếu họ nghi ngờ thì họ chẳng thể lãnh giáo pháp chẳng thể tu hành để dứt phiền não. Thế nên đại Bồ tát chẳng phải vào thai mẹ mà thành Phật. Đây gọi là đại Bồ tát hành phương tiện” [3].
Đời sống một vị tu sĩ vốn lập hạnh trên đền đáp bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường, như tổ Quy Sơn đã nói: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” [4], tức người xuất gia hình tướng đã khác thế tục, nối thạnh dòng Phật, đánh dẹp ma quân đền đáp bốn ân, cứu khổ trong ba cõi. Đây là sự cao quý mang tâm niệm cao đẹp của hàng xuất gia. Bản chất xuất gia là hành động tự nguyện với lý tưởng cao đẹp, như trong Sa di luật giải có chép: “Người xuất gia chẳng bị thế lực nhà vua ép bức, chẳng vì tham cầu mạng sống, chẳng vì lánh nạn, chẳng vì thiếu nợ, vốn vì mong cầu chánh pháp, vì lòng chánh tín mà vào trong Phật pháp, đó gọi là hảo tâm xuất gia”.
Người xuất gia vì lòng tha thiết với đạo, xa lìa hình tướng tốt đẹp để xứng hợp với pháp phục, xả bỏ thân mạng chỉ vì tôn sùng đạo pháp, với chí cầu Đại thừa để cứu độ chúng sanh. Nếu so với thế gian, ai cũng rất quan trọng vẻ bề ngoài, nếu cho họ không trang điểm thì còn chấp nhận được chứ hủy hình làm bớt vẻ đẹp, người thế tục mấy ai chấp nhận. Vậy mà người có tâm xuất gia lại sẵn lòng từ bỏ “hủy hình” như việc cạo tóc vừa đoạn trừ phiền não, vừa giảm bớt vẻ đẹp hình hài, chỉ một lòng cầu đạo giải thoát, sao lại gọi là trốn đời và hủy hoại thân thế? Nhìn lại trang sử Phật giáo, chúng ta sẽ cảm phục trước những tấm gương xả thân cầu đạo của chư vị tiền bối, như Đức Thế Tôn đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, địa vị một Thái tử để xuất gia tìm đạo. Hàng đệ tử của Ngài, rất nhiều vị trong hoàng tộc đã phát tâm xuất gia, những người này có đời sống vương giả, đầy đủ mọi mặt, có gì phải trốn đời. Phải chăng họ phát tâm tu tập với mục đích cao cả hơn? Ví như các bậc cao Tăng trải qua hiểm nguy, gian khổ cầu pháp như ngài Huyền Trang đời Đường, với công cuộc thỉnh kinh mà có lúc chịu đói khát, lạnh giá. Với nghị lực phi thường, Ngài quyết tâm “Thà đi về phương Tây mà chết còn hơn là trở về hướng Đông mà sống”, đó là tinh thần cần cầu đạo pháp không tiếc thân mạng.
Thế nên, hành động xuất gia là điều đáng trân quý, người phát đại tâm tiếp nối ngọn đèn chánh pháp của Đức Phật làm cho lưu truyền khắp nơi. Trong kinh Sa Môn Quả, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, các người cần phải du hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của chư Thiên và loài người” [5].
Cả cuộc đời hành đạo của Đức Phật đều vì chúng sanh mà khai phương tiện, tùy theo căn cơ nói pháp “Từ Ta thành Phật đến nay, các món nhân duyên, các món thí dụ, rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sanh, làm cho xa lìa lòng chấp. Vì sao? Đức Như Lai đã đầy đủ phương tiện, tri kiến và Ba La Mật” [6] . Với lòng từ bi rộng lớn, Ngài còn khuyên hàng đệ tử dùng phương tiện trong việc tu học cho đến sự nghiệp hoằng hóa của người xuất gia. Điều đó chứng tỏ Đạo Phật đi vào đời, giảng dạy cho tất cả mọi người. Có thể khẳng định, đạo Phật là đạo nhập thế và Đức Phật cùng hàng đệ tử của Ngài luôn vì công việc hoằng hóa làm lợi lạc chúng sanh. Đây là sự thiết thực chứ không phải đạo của người trốn đời, hủy hoại thân thể.
VAI TRÒ HỘ PHÁP XƯA VÀ NAY
Trong thời Đức Phật còn tại thế, với truyền thống sinh hoạt của Tăng đoàn khi đó bằng cách khất thực, người xuất gia nhận sự hiến cúng của hàng cư sĩ để tu học và hoằng pháp. Ngược lại, tu sĩ chế tác ra niềm an vui, hạnh phúc cho tự thân, đồng thời hướng dẫn mọi người cách thức để họ đạt được như vậy, nhằm đáp lại sự hộ pháp của hàng cư sĩ. Thời kỳ Đức Phật đã có những vị cư sĩ hết lòng hộ trì, như: Ông Anathapindika, bà Visakha cho đến các vua chúa đương thời, không những chỉ cúng dường vật thực mà còn rất quan tâm hộ trì củng cố Phật pháp hưng thịnh.
Ngày nay, hầu hết các vị hộ pháp vẫn tiếp tục hỗ trợ bằng tịnh tài, tịnh vật, truyền thông và hơn hết là gìn giữ, noi theo lời Phật dạy. Như vậy, vai trò người hộ pháp qua nhiều giai đoạn tuy hình thức có khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng là làm thế nào để đạo pháp phát triển theo thời gian. Riêng người xuất gia trong vai trò hộ pháp chính là dựa vào việc tu tập, là người kế thừa giáo pháp Đức Phật giảng giải cho hàng cư sĩ. Trong kinh Trung Bộ, bài kinh Thừa Tự Pháp, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các người và Ta nghĩ: Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải những người thừa tự tài vật” [7].
Người đệ tử Phật cần chuyên tâm tu học mới xứng đáng Trưởng tử Như Lai là thừa tự pháp. Có nhiều tấm gương hộ pháp của chư vị tiền bối như Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, Ngài là một nhân vật lịch sử đã cống hiến rất lớn cho sự nghiệp phụng sự đạo pháp dân tộc, thắp sáng hàng triệu trái tim và đánh thức lương tri toàn nhân loại, để rồi ngàn năm còn lưu mãi trái tim vị Bồ tát.
Trong việc duy trì, làm cho mạng mạch Phật pháp hưng thạnh, người xuất gia mang lý tưởng cao đẹp nguyện dấn thân vì chí lớn, lìa xa gia đình quyết đi trên con đường giải thoát khỏi khổ đau của sinh tử luân hồi, cạo bỏ mái tóc khoác trên mình chiếc áo hoại sắc. Như vậy, hàng đệ tử Phật khi xuất gia hoàn toàn là tự nguyện cá nhân, không có bất kỳ sự gượng ép nào. Do đó, những người đệ tử Thế Tôn chỉ vì chí nguyện lớn, họ chọn cho mình một con đường mới, hạnh phúc mới, ngôi nhà mới mà không phải ai cũng đủ nghị lực làm được. Thế nên đừng dựa trên quan điểm sai biệt nào đó mà đưa ra nhận định tiêu cực về tu sĩ. Nhưng thường ở đời vốn dĩ rất công bằng, chỉ cần việc làm của mình bắt nguồn từ những việc hướng đến mục đích tốt, tất sẽ có sự ủng hộ. Cụ thể như tác phẩm Hộ Pháp Luận là một minh chứng, vì khi Phật giáo bị đưa ra chỉ trích, Vô Tận cư sĩ đã dùng luận cứ của mình một lòng hộ trì, khẳng định lại giá trị Phật giáo cũng như hàng tu sĩ đem lại. Vấn đề hộ pháp là nhiệm vụ cần thiết đối với người đệ tử Phật. Riêng về tu sĩ, việc hộ trì Phật pháp bằng chính sự tu tập của bản thân, trang nghiêm từng cử chỉ oai nghi. Còn với cư sĩ, việc hộ trì chánh pháp chính là giữ vững niềm tin Tam bảo. Người hộ pháp đúng nghĩa thì phải giữ gìn tinh thần cao đẹp của chánh pháp, điều này biểu hiện qua từng hành động, suy nghĩ tích cực để xây dựng. Đó là sự đóng góp rất lớn trong vấn đề hộ pháp.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm