Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 14/11/2016, 07:23 AM

Gương sáng muôn thuở chiếu soi

Giờ đây, khi ngôn ngữ trở thành bất lực và khập khiểng để có thể mô tả trọn vẹn công hạnh của thầy, con chỉ còn biết thành tâm lẳng lặng ngưỡng vọng Tổ đình Tường Vân, đảnh lễ Linh đài và Giác linh của thầy trong giao cảm vô ngôn, cầu nguyện Giác linh thầy cao đăng Phật Quốc, hội nhập Ta Bà, soi đường chỉ lối cho tăng đoàn, hóa độ tất cả chúng sinh. 

Ngưỡng bạch Giác linh Hòa thượng ân sư Thích thượng Chơn hạ Thiện!

Xào xạc bên thềm gió lật kinh
Sụt sùi tứ chúng tiễn Giác linh
Người đã mãn duyên, về quê cũ
Lưu lại nơi đây thấm đượm tình...

Dịp này Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đang kỷ niệm 35 năm hình thành và phát triển. Con quan tâm đến Hội thảo của Ban Giáo dục Tăng ni T.Ư (GDTN T.Ư) và đọc lại các bài Hội thảo trước đây mà thầy trình bày – xin cho con được phép gọi Người là thầy, vì gọi Ngài thì đúng rồi nhưng con cảm thấy có khoảng cách, còn gọi là Hòa thượng lại không phù hợp với những giai đoạn hoạt động của Người trước năm 2000.

Con thật ấn tượng sâu sắc về những bài tham luận của thầy trong các cuộc Hội thảo và Đặc san văn hóa, thể hiện một cái nhìn xuyên suốt Đông Tây Kim Cổ, định hướng cho nền Giáo dục Phật giáo Việt Nam, thật xứng đáng với chức danh của thầy là Trưởng Ban GDTN T.Ư. Con đang dạy khoa Triết, Đại học Vạn Hạnh với bộ môn kinh Lăng Già, ngày đêm nghiên cứu đối chiếu với cuốn sách nghiên cứu kinh Lăng Già mà thầy (cùng với Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn) đã dịch ra từ tiếng Anh của DT Suzuki và con liên hệ đến trách nhiệm của mình: cần phải sớm liên hệ thành lập và ra mắt Ban Dịch thuật Anh - Việt Phật học như đề nghị của lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học đối với con để kế tục những việc nghiên cứu và dịch thuật như thầy đã làm.
 
Chính vào lúc mà tâm tư của con đang hướng đến thầy cao độ thì lại là lúc con nghe ai tin từ Phật giáo Huế: thầy đã xả bỏ báo thân, an nhiên thâu thần thị tịch vào ngày 09/10/Bính Thân (08/11/2016). Lòng con bàng hoàng ngẩn ngơ: Người đã ra đi thật rồi sao? Dạo này Chư tôn đức cây cao bóng cả trong toàn quốc, thế hệ vàng khi phải trải qua pháp nạn 1963 ấy, đã ra đi nhiều, bây giờ tiếp tục lại là sự vắng bóng của thầy nữa rồi! Giờ đây, tâm tư của con chất chứa và sống dậy hoài niệm về thầy với những kỷ niệm từng biết, từng hội kiến với thầy…

Ngay từ khi còn học Trung cấp Phật học Nguyên Thiều, Bình Định và ôn thi vào Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (tức là Học viện Phật giáo Việt Nam ngày nay) Tp.HCM khóa III, con đã say mê đọc cuốn sách rất thâm thúy và trình bày những điều căn bản, cần thiết về đạo Phật của thầy "Tăng già thời đức Phật".

Vào Đại học Vạn Hạnh, con có phước duyên hội kiến thầy vừa với tư cách Phó viện trưởng, vừa giảng dạy bộ môn Thắng pháp tập yếu luận và say mê đọc sách Phật học khái luận và nghiên cứu kinh Lăng Già do thầy viết và dịch. Lối giảng dạy của thầy thật đặc biệt: bình dị, gần gũi, say sưa bất tận, khảo sát đối chiếu rộng theo nhiều hệ thống tư tưởng trường phái, dân chủ, cởi mở, mời gọi sự sáng tạo từ phía sinh viên khiến cho chúng con ngày mỗi ngày được trưởng thành hơn, được khai mở trong bầu trời tuệ giác bao la, đúng là phong cách sư phạm của người đã tốt nghiệp Cao học Tâm lý Giáo dục Hoa Kỳ có khác.

Trong những buổi họp mặt của nhà trường vào sáng 2 tiết sau thứ 2 nửa tháng một lần, khi bàn thảo những vấn đề quan trọng, thầy hiện diện cùng với Chánh văn phòng là cố HT.Thích Đạt Đạo và Tổng Thư ký là Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Thầy luôn cân nhắc các vấn đề, ban đạo từ và quyết định với đầy cảm thông và hiểu biết một cách sáng suốt, kịp thời và thích hợp nhất. Phước duyên cho chúng con trong thời gian 4 năm tham học Cử nhân Phật học, chúng con thọ giáo và tiếp xúc với những bậc cao Tăng thời đó như Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu, HT.Thích Thanh Từ, cố HT.Thích Thanh Kiểm, cố Ni sư Trí Hải,… là những bậc quảng bác đa văn, dấn thân phụng sự đạo Pháp, tận tụy với giáo dục Phật giáo với đàn hậu tấn khiến cho bản thân con có nhiều động lực để tinh tiến phấn đấu dồi mài ngày đêm không ngừng.

Chúng con đang học năm thứ 2 ở Đại học thì thầy đi du học Ấn Độ theo chương trình Tiến sĩ Phật học tại Đại học Delhi với học bổng ICCR (Hội đồng Quan hệ Văn hóa của Ấn Độ). Đó cũng là nguồn động lực rất lớn để con đầu tư học Pali, tiếng Anh và tiếng Hoa trong Đại học Vạn Hạnh và các trung tâm bên ngoài như lời trong Quy sơn cảnh sách: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ” (Người đã là trượng phu thì Ta cũng nên như thế). Chúng con sẽ noi gương những bậc đi trước để an tâm phấn đấu và chuẩn bị hành trang sẵn sàng đi du học sau khi tốt nghiệp Cử nhân Phật học tại Đại học Vạn Hạnh.

Việc đi du học Ấn Độ lúc đó là hiếm và quý lắm vì sau khi cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu tốt nghiệp tiến sĩ tại Ấn Độ hơn 34 năm sau mới có người tu sĩ Phật giáo Việt Nam tiếp bước qua du học Ấn Độ đó là thầy và sau đó là vài tăng ni sinh khóa I, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Tp.HCM du học theo thầy bên đó.

Sau này có cơ hội đến học chính Đại học Delhi và các giáo sư đã dạy và hướng dẫn thầy trong giai đoạn nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ của thầy mới biết được thêm nhiều điều về thầy trong thời gian du học Ấn Độ. Các giảng viên tiến sĩ tại đó như KTS Sarao, Rana, Tỳ kheo Satyapala,… xem thầy như một người thiện tri thức, người bạn, huynh đệ hơn là một học trò. Sự hiện diện và tham học của thầy tại khoa Phật học Đại học Delhi cũng là diễm phúc, thắng duyên của họ. Họ rất trân trọng và chia sẻ với thầy về nhiều quan điểm Phật giáo.

Đến năm 1996, thầy bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: “Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali” được Giáo sư hướng dẫn KTS Sarao ca ngợi hết lời: xuất sắc, sâu sắc, nhiều khám phá mới và đóng góp, hoàn thành chương trình tiến sĩ trong khoảng nửa thời gian so với một nghiên cứu sinh bình thường khác,… Cũng như Trưởng lão HT.Thích Minh Châu để lại ấn tượng tốt đẹp tại Đại học Nalanda, thầy lưu lại những kỷ niệm không thể phai mờ và tình cảm tốt đẹp khiến cho các giáo sư khoa Phật học này tiếp tục dành tình cảm tốt đẹp cho tăng ni du học sinh Việt Nam nhờ ánh hào quang và bước khai phá của thầy để lại.
 
Thầy kịp về lại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam khi chúng con học năm cuối, để sắp xếp lại các chương trình học và thêm phần sum tựu ấm áp trong buổi lễ Tốt nghiệp ra trường của tăng ni sinh Tốt nghiệp Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, khóa III năm 1997. Sau đó, thầy sáng tác những sách giá trị khác như Hoa ngọc lan - 1998, sách hoài niệm về thời tuổi trẻ xuất gia của thầy với đức Đệ nhất Tăng thống Việt Nam cố Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân (Huế), khi thầy là nhân vật chú Tâm Ngộ sinh hoạt với các huynh đệ: Tâm Tín, Tâm Thành,… quả thật, thầy thuộc hàng: “sinh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chính tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo” (sanh nơi thành đô, gặp được bậc minh sư, xuất gia với niềm tin sâu sắc, tuổi trẻ đã vào đạo).

Qua đó, chúng ta thấy thầy được trưởng dưỡng trong chiếc nôi đạo pháp quý hiếm, có nền tảng Phật pháp vững vàng ngay từ nhỏ, tâm hồn trong sáng, tha thiết gắn bó với đạo Pháp,… giai đoạn ban đầu đó có ảnh hưởng rất lớn đến tâm chí và hành hoạt cả đời của thầy sau này. Thầy được sư phụ trao lại chiếc Y 21 điều trong ngày thọ đại giới tại Việt Nam Quốc tự Sài Gòn, 1964: “Tay mân mê chiếc y vàng 21 điều (Ðại y) mà Hòa thượng đã trao cho chú trước ngày thọ đại giới, chiếc y mà Hòa thượng đã sử dụng qua một thời gian dài, chú Tâm Ngộ cảm động đến ứa nước mắt…” Điều này khiến chúng ta liên tưởng sự kiện Ngũ Tổ Hoàng Mai trao Y Bát và sứ mệnh hoằng pháp cho đệ tử đắc pháp là Lục Tổ Huệ Năng để thừa đương Tổ nghiệp, tác Như Lại sứ, hành Như Lai sự.

Đến năm 2001, khi cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu viên tịch thì thầy chính là nhân tuyển thích hợp nhất để thừa đương 2 trọng trách lớn lao mà Trưởng lão Hòa thượng để lại đó là: Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni T.Ư GHPGVN và Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Huế trải suốt 15 năm qua. Thầy đã không ngừng tổ chức, bổ sung nhân sự, thay đổi chương trình, nội dung giáo dục theo chiều hướng tích cực, nhờ đó Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế thừa hưởng được truyền thống Phật giáo lâu đời và môi trường Giáo dục Phật giáo Huế từ bao thể kỷ trước và phát huy đến đỉnh cao trong hiện tại – kết hợp truyền thống và hiện đại - sánh tầm với Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Tp.HCM, là nơi thu hút nhiều tăng ni sinh toàn quốc đến ứng thí và tham học chương trình Cử nhân Phật học. 

Đọc những sách thầy viết, chúng con có thể cảm nhận được sự miệt mài, công phu tỉ mỉ và nghiêm túc của thầy trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, thể hiện một sự tham khảo đối chiếu Đông Tây, tổng hợp nhiều trường phái nhiều quan điểm. Với Tuệ giác của một bậc Tôn túc thấm nhuần Phật chất, thầy có những cái nhìn mới mẻ, những phát kiến độc đáo, rất sâu sắc và thực tế, mang đậm phong cách riêng của thầy về: Tiểu thuyết Võ Hiệp Kim Dung, Tây Du Ký, về văn hóa và phát triển xã hội, về nguồn gốc con người, về đời sống tình cảm, về hạnh phúc, về Phật giáo với dân tộc, về tâm lý học, về Thiền định...
 
Đặc biệt, thầy rất chuyêu sâu về lĩnh vực Giáo dục Phật giáo. Chúng con có thể cảm nhận phần nào về những phác họa, những tinh hoa tư tưởng vượt thời gian và không gian của thầy, đọc các bài viết trong tập sách: “Trí tuệ và chân thành” mới thấy được cái Tâm và cái Tầm của người viết kiến nghị những giải pháp thiết thực, soi sáng đường lối cho dân cho nước, thưởng thức bài viết trong tham luận như: “Củng cố và phát triển ngành Giáo dục Tăng ni” đọc tại tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI năm 2007 cho việc củng cố và phát triển Giáo dục Phật giáo Việt Nam và bài phỏng vấn “Vai trò khả hữu của giáo dục Phật giáo trong cải biến nền giáo dục hiện tại” năm 2012 cho việc định hướng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong sự hỗ tương và phối hợp nhịp nhàng của giáo dục Phật giáo, chúng con được khai thị rất nhiều và thật ấn tượng, thuyết phục với lời khẳng định của thầy ở đoạn cuối: “Các lý thuyết và triết lý giáo dục đương đại có ngã tính, thế nào cũng đi vào khủng hoảng sớm hay muộn trước thực tại vô ngã tính. Giáo dục Phật giáo xiển dương sự thật duyên sinh, vô ngã nên không rơi vào khủng hoảng. Đây là giáo lý mà học đường đương đại có thể tham khảo để điều chỉnh các lý thuyết.”

Sách và tư tưởng của thầy càng đọc càng thấy hay, đọc nhiều lần mới thấm thía, Con có duyên học trực tiếp từ thầy thì ít mà học gián tiếp qua sách báo, bài giảng thu âm thì nhiều. Thầy giảng nhiều đề tài khác nhau: kinh Luận Đại Thừa, kinh Nikaya và tâm lý xã hội… Khi mới nghe giảng thì âm thanh đặc chất Huế của thầy hơi khó nghe, nhưng nghe nhiều rồi tự nhiên rất thích cái giọng nói và âm điệu ấy.

Thầy là một trong số lượng tương đối ít những Tôn đức Việt Nam mà con đặc biệt kính ngưỡng trong nghiên cứu, khám phá, đóng góp rất lớn cho Phật học Việt Nam như quý ngài Phước Huệ, Bích Liên, Mật Thể, Trí Độ, Trí Thủ, Huyền Quang, Trí Quang, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hộ Tông, Khánh Anh, Tố Liên, Đức Nhuận, Thanh Kiểm, Trí Tịnh, Minh Châu, Thiện Siêu, Thanh Từ, Nhất Hạnh, Huyền Vi, Tâm Thanh, Đổng Minh, Viên Minh, Minh Cảnh, Chơn Thiện, Tuệ Sỹ, Mạnh Thát, Ni trưởng Như Thanh, Hải Triều Âm, Diệu Không, Trí Hải,... Những phát biểu, đạo từ của thầy rất là chuẩn mực, làm kim chỉ nam cho mọi hành động, những lời dạy có ý nghĩa sâu xa, thấu đạt mọi khía cạnh, ngọn nguồn, cử chỉ và tư cách mô phạm của bậc bao gồm Bi và Trí thân mật, gần gũi nhẹ nhàng, ung dung, cởi mở, lắng nghe, cảm thông và hiểu biết, quan tâm giúp đỡ. Thầy rất xứng đáng với vai trò Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni T.Ư GHPGVN và Viện trưởng của một HVPGVN vì thầy là một nhà giáo thực thụ mà con biết.
 
Một năm trước đây con đã ra thăm HVPGVN tại Huế và rồi đến chùa Tường Vân tha thiết mong mỏi một lần nữa được diện kiến thầy và xin chỉ giáo đôi điều vướng mắc trong tâm tư, thế nhưng thầy có duyên phật sự bên ngoài nên không gặp được. Con tự hẹn với lòng có ngày sẽ trở lại, thế nhưng thời gian và công việc cứ mãi đưa mỗi người theo một quỹ đạo riêng cho đến mai này trở lại Huế lần nữa thì không thể nào được diện kiến tôn nhan của thầy nữa mà chỉ là khói hương mờ nhạt trên di ảnh lung linh. Thôi thế thì thôi, biết tìm đâu gặp lại được bóng dáng Ân Sư?

Thầy ra đi là một tổn thất lớn lao không gì bù đắp được, nhân dân Việt nam mất đi một vị đại biểu cho chính, cất lên tiếng nói đại diện cho dân, vì dân, hết lòng thương dân, GHPGVN mất đi bóng dáng tôn nghiêm của một bậc Phó Pháp chủ, Phó Chủ tịch HĐTS, một bậc chứng minh uy đức trang nghiêm, một vị lãnh đạo tài tình, ngôi nhà Phật giáo Việt Nam mất đi một bậc long tượng, một đại thọ, Đại học Phật giáo và bao lớp lớp tăng ni mất đi một bậc thầy thân kính, hàng phật tử mất đi một đạo sư chân chính để nương tựa,...Vẫn biết, cuộc thế vốn vô thường, sắc sắc không không, pháp hữu vi có sinh ắt có diệt, có đến ắt có đi, có hợp ắt có ly, có hình ắt có hoại, thế nhưng với bao nhiêu công đức sâu dày mà hơn 75 năm trụ thế, 53 hạ lạp, thầy đã để lại cho Đạo, cho Đời, ai mà không bùi ngùi, chạnh lòng kính tiếc.

Những bậc “cao Tăng thạc đức” trưởng thành qua các giai đoạn lịch sử 1954, 1963,... như chiếc lá vàng vọt rơi rụng dần dần khiến chúng con cảm thấy chơ vơ. Hàng học trò của thầy có đến hàng trăm tiến sĩ thế nhưng có mấy ai dám tự tin lập nên được những kỳ tích, đóng góp vào cho nền Giáo dục Phật giáo Việt Nam cũng như đảm đang vai trò Như Lai Sứ Giả được như thầy?

Trong khi HVPGVN đang trong không khí chuẩn bị chào đón ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, ngày Tôn sư trọng đạo thì một bậc thầy tôn kính đã ra đi. Biết nói sao đây cho vơi nguôi được khúc nôi tâm tình? Lá Bồ đề vẫn sớm hôm xào xạc khẽ nhắc tên Người, dòng sông Hương vẫn muôn đời in bóng khách, đồi Thông Đà Lạt vẫn còm cõi đợi chờ, Thiền viện Vạn Hạnh vắng Thiền chủ chơ vơ, ngấn lệ ngắn dài tứ chúng đang sụt sùi tiễn đưa bậc Tôn sư khả kính nhập vô dư Niết bàn, báo thân buông xả.

Trang sử đời Người đang khép lại, rồi mai đây báo thân của Người sẽ vào miền đất lạnh, sẽ hóa thành mây bạc thong dong ở Tường Vân để che bóng mát cho những ai tìm đến nương nhờ ân Tam bảo. Nhưng chúng con tin tưởng rằng: Người đã ra đi nhưng vẫn còn ở lại, hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương, Người đi dấu vết chưa nhòa, thác là thể phách, còn là tinh anh, tuy Người không còn hiện hữu bằng xương bằng thịt với sắc pháp hữu vi nữa nhưng bao nhiêu ân tình, kỷ niệm, lời dạy của thầy vẫn sống mãi trong tâm trí của chúng con và mãi là hành trang, động lực tinh thần, cảm hứng vô biên cho chúng con trên bước đường tu học và dấn thân phụng sự đào tạo tăng tài, kế vãng khai lai, báo Phật Tổ ân đức.

Sự thị hiện của Người thật trọn vẹn, những gì cần làm Người đã làm xong, Người vừa đặt gánh nặng xuống và vào cõi vô tung bất diệt, pháp thân lồng lộng khắp hư không pháp giới vô biên, gánh trách nhiệm đó đến lúc chúng con, những học trò của thầy, phải thừa đương kế tục. GHPGVN vừa cử hành đại lễ kỷ niệm 35 năm hình thành và phát triển, trong 35 năm chặng đường lịch sử đó, có những bước đi khai phá và cống hiến đặc biệt của thầy. Có phải là thầy nghĩ đã hết nhiệm kỳ, giai đoạn của thầy mà tùy duyên buông xả để cho thế hệ kế thừa phải ở vào tư thế tự tin, ý thức trách nhiệm, đảm đang và trưởng thành hơn để tiếp nối tôn phong, cho mạng mạch Phật giáo Việt Nam được trường tồn và hưng thịnh, làm tốt Đạo, đẹp Đời và những lời dạy của thầy vẫn còn vang vọng trong chúng con trong suốt hành trình nhân sinh trở về bảo sở.

“Những lời đức Phật dạy trong kinh tạng Pali khơi gợi một con đường tư duy mới của vô ngã vốn khác hẳn quan điểm của các tôn giáo và triết lý khác. Con đường tư duy này không nhìn con người hay thế giới là một thực thể có bản chất thường hằng, mà là một hiện hữu năng duyên và sở duyên, có thể đem đến cho nhân loại hạnh phúc trong hiện tại và những lời giải đáp rất hữu ích nếu con đường tư duy ấy được đem áp dụng vào đời sống thực. Những lời dạy ấy có thể sử dụng ở trường học, đại học như là một môn học chính của ngành triết học: triết lý giáo dục, tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu trong ngành giáo dục, hay lý thuyết về Nhân tính.

Tại sao lại không thể? - Con đường tư duy ấy, hay cái nhìn sự vật ấy, sẽ giúp giáo dục điều chỉnh lại các lý thuyết Nhân tính vốn phi thực, điều chỉnh lại tinh thần giáo dục cạnh tranh vốn gây tổn hại đến tinh thần hợp tác; con đường tư duy ấy sẽ giúp sinh viên, học sinh phát triển tư duy độc lập và sáng tạo, và xóa tan các vấn đề phiền não trong đời sống hằng ngày một cách hữu hiệu; sau cùng, con đường tư duy ấy sẽ đề bạt tiêu chuẩn giá trị đạt cơ sở trên hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng mà không phải trên luân lý, đặt cơ sở trên trí tuệ mà không phải trên kiến thức tưởng tượng, đặt cơ sở trên tình người và nhân bản mà không phải trên hận thù và đấu tranh v.v...” (Trích phần kết của “Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pali”).

Giờ đây, khi ngôn ngữ trở thành bất lực và khập khiểng để có thể mô tả trọn vẹn công hạnh của thầy, con chỉ còn biết thành tâm lẳng lặng ngưỡng vọng Tổ đình Tường Vân, đảnh lễ Linh đài và Giác linh của thầy trong giao cảm vô ngôn, cầu nguyện Giác linh thầy cao đăng Phật Quốc, hội nhập Ta Bà, soi đường chỉ lối cho tăng đoàn, hóa độ tất cả chúng sinh. Có lẽ thầy không nhớ con là ai vì thế hệ học trò của thầy nhiều quá, nhưng hình ảnh, giọng nói, tâm tình của thầy khắc sâu trong con và tâm khảm của hàng triệu triệu tăng ni, phật tử và người dân Việt Nam.

Chúng con xin nguyện dấn thân trên con đường nghiên cứu giáo dục theo tấm gương thầy mãi chiếu soi, góp phần cho sự phát triển Giáo dục Phật giáo Việt Nam và đạo Phật ngày thêm sáng tỏ, bánh xe chính pháp chuyển không ngừng, trang nghiêm tu học tự thân, cho thế giới thêm Chân Thiện Mỹ.

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Tam Thế, Xuân Kinh Tường Vân Tổ Đình Trụ Trì, Sài Gòn Vạn Hạnh Thiền Viện Viện Chủ, Việt Nam Phật giáo Giáo Hội, Chứng Minh Hội Đồng, Phó Pháp Chủ, húy thượng Tâm hạ Ngộ, tự Chơn Thiện, hiệu Viên Giác Hòa Thượng Ân Sư Giác Linh thùy từ chứng giám.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm