Hạnh hiếu thế thường của Vị Tỳ-kheo
Cha mẹ của thầy, phần vì già yếu mỏi mệt, phần vì không dám ngẩng mặt lên với đời nên không nhận ra con mình dù khoảng cách không xa. Mà cũng khó để nhận ra, vì năm xưa con trai của họ là một thư sinh công tử chân trắng, mặt trơn.
Chuyện xảy ra lúc Đức Phật trú tại Kỳ Viên cùng các vị Tỷ-kheo. Bấy giờ tại thành Xá-vệ, có một thương nhân giàu có, của cải lên đến một trăm tám mươi triệu, người này có một cậu con trai rất đáng yêu. Một ngày nọ, cậu trai đi lên lầu, mở cửa nhìn xuống đường thấy đám đông dân chúng tay cầm hương hoa đang đi đến tinh xá Kỳ Viên để nghe Phật thuyết pháp. Thấy vậy, cậu khởi tâm muốn đi, liền truyền đem hương hoa và lễ phẩm đi đến tinh xá Kỳ Viên cúng dường y phục, dược phẩm, cùng các thức ăn uống lên chúng Tỷ-kheo và đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên…
Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, cậu nhận thức được các quả ác do tham dục gây ra và những quả phúc do đời sống tu hành mang lại. Rồi khi hội chúng ra về, cậu nán lại xin Đức Thế Tôn cho cậu được xuất gia, thọ giới. Nhưng Đức Như Lai bảo cậu rằng Ngài không truyền giới cho ai chưa xin phép cha mẹ. Vì thế cậu rời Kỳ Viên ra về để xin phép gia đình. Tuy nhiên, vì cậu là con trai duy nhất mà cha mẹ lại quá thương con nên họ không đồng ý. Cậu liền thể hiện quyết tâm bằng cách tuyệt thực, nhịn ăn đến một tuần, cuối cùng mới được cha mẹ chấp thuận, cậu trở lại tinh xá Kỳ Viên và xin thọ giới xuất gia. Thế Tôn liền bảo một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho cậu.
Sau khi xuất gia khoảng 5 năm, vị tân Tỷ-kheo ấy đã am tường giáo pháp và được các vị Trưởng lão cùng đại chúng tán thán về đức hạnh. Rồi vị Tỷ-kheo này suy nghĩ, phải tinh tấn nhiều hơn nữa để đạt cứu cánh của thiền định, thành tựu mục tiêu giải thoát sanh tử của bậc Thánh giả. Thầy liền xin phép đại chúng đi đến một làng ở biên giới, sống trong rừng sâu để thực hành thiền định. Tuy vậy, vị Tỷ-kheo này không đạt được ý niệm nào đặc biệt, dù đã tinh cần tu tập trong 12 năm liền mà tâm vẫn chưa được định tĩnh.
Phật dạy: "Hiếu thuận bậc sinh thành là phúc lành cao thượng"
Cũng trong thời gian này, những biến cố tại gia đình cha mẹ của thầy lại liên tiếp xảy ra. Người thương nhân giàu có trước đây giờ trở nên nghèo túng vì những người thuê đất hay bán hàng thuê cho chủ không thấy có con em gì đến thâu hoa lợi, nên đã đoạt hết của cải và bỏ trốn. Còn bọn gia nhân tôi tớ trong nhà toa rập với nhau trộm cắp hết vàng bạc rồi trốn đi. Cuối cùng hai vợ chồng người thương nhân lâm vào cảnh nợ nần đến khốn cùng, họ phải bán nhà trả nợ rồi ăn ở lang thang hết sức khổ cực. Về sau họ phải đi ăn xin, mặc áo rách rưới và cầm chiếc bát mẻ trong tay.
Còn người con trai duy nhất của họ thì trải qua mười mấy năm sống đời xuất gia tinh chuyên thiền định nơi miền biên ải, bặt tin tức gia đình. Một hôm, có vị Trưởng lão du hành đến nơi cư trú của Tỷ-kheo, thầy tiếp đón rất ân cần. Khi được biết Trưởng lão đến từ Kỳ Viên, Tỷ-kheo hỏi thăm sức khỏe của Đức Phật cùng các vị Thánh Đại đệ tử, xong rồi hỏi thăm tin tức cha mẹ mình, một thương nhân có tiếng tăm ở thành Xá-vệ. Thật đau xót đến bàng hoàng, vị Tỷ-kheo biết gia đình mình bị sạt nghiệp, cả hai ông bà lão đang lâm vào tình cảnh rất thê thảm, phải đi ăn xin. Nghe xong, thầy không thể nào cầm lòng được, nước mắt chảy dài thương cho cha mẹ. Trước tình cảnh đó, Trưởng lão khuyên thầy hãy trở về phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi bóng xế tuổi già mà lâm vào hoàn cảnh quá đỗi lầm than cơ cực.
Thầy đã phát tâm xuất gia, đi theo tiếng gọi thiêng liêng để tìm cầu chân lý giải thoát nhưng cha mẹ già nơi miền viễn xứ luôn là niềm riêng, canh cánh bên lòng. Mười mấy năm trường tu tập chưa chứng đạo mà nay lại nhận được hung tin nên lòng dạ càng rối bời hơn. Vị Tỷ-kheo suy nghĩ: “Trong 12 năm liền ta tinh cần tu tập thiền định mà không thể nào đạt đạo hay đắc quả, có lẽ ta vô tài trí. Vậy ta có làm gì được với đời sống phạm hạnh này? Chi bằng ta hoàn tục trở về làm một gia chủ phụng dưỡng cha mẹ già và bố thí của cải. Như vậy cuối cùng ta cũng được sinh lên Thiên giới”. Suy nghĩ xong, thầy quyết định trở về.
Hoàn tục, một quyết định buồn của thầy Tỷ-kheo nhưng đáng trân trọng và đáng quý; thầy trở về để phụng dưỡng cha mẹ. Vì làm sao có thể an tâm thiền định khi cha mẹ rách rưới, đói khát, lang thang nơi đầu đường xó chợ. Ít ra thì trước khi trở thành bậc Thánh giải thoát, vị Tỷ-kheo phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm của con người; phải hiếu thảo với cha mẹ bằng những việc làm thiết thực nhất để đền đáp thâm ân nuôi dưỡng sanh thành. Đức Phật cũng từng dạy, phận làm con thảo kính với cha mẹ thì công đức như trời biển đó sao?
Hôm sau vị Tỷ-kheo giả biệt núi rừng, khăn gói về xuôi, băng qua nhiều chặng đường thì tới phía sau tinh xá Kỳ Viên, nơi không xa thành Xá-vệ là mấy. Tại đó, thầy thấy hai con đường, một đường đến Kỳ Viên, một đường đi Xá-vệ để về nhà. Đứng đó, vị Tỷ-kheo liền suy nghĩ: “Ta đến viếng cha mẹ ta trước hay Đức Phật trước?”. Rồi thầy tự nhủ: “Nếu trở về thì ta sẽ luôn gặp mẹ cha, từ đây ta sẽ ít có dịp yết kiến Đức Thế Tôn; vậy ta hãy yết kiến bậc Chánh Đẳng Giác ngày hôm nay và nghe thuyết pháp, rồi ngày mai ta sẽ về thăm cha mẹ”.
Thế là vị Tỷ-kheo bước vào tinh xá Kỳ Viên lúc chiều tối. Mờ sáng hôm sau, Bậc Đạo sư trong khi thiền định quán sát nhân duyên của chúng sanh ở trần gian, đã thấy được tiềm lực ngộ đạo của thầy, nên khi thầy cùng các Tỷ-kheo khác đến yết kiến Thế Tôn, Ngài tán thán công đức phụng dưỡng cha mẹ. Sau khi nghe thuyết pháp, vị Tỷ-kheo nghĩ: “Nếu ta trở thành người gia chủ, ta có thể phụng dưỡng cha mẹ, nhưng Bậc Đạo sư cũng dạy: Một người con đi xuất gia vẫn có thể giúp đỡ, phụng dưỡng cha mẹ của mình. Cho nên, ta vẫn có thể phụng dưỡng cha mẹ mà vẫn duy trì đời sống tu hành chứ không làm một người gia chủ”. Nghĩ vậy, thầy cầm lấy thẻ cùng cháo và các vật thực phát theo thẻ của mình. Tuy nhiên, thầy cảm thấy xấu hổ và đáng trách vì sau 12 năm nỗ lực thiền định mà chưa thành tựu được đạo quả.
Sáng hôm sau, vị Tỷ-kheo rời khỏi Kỳ Viên để đi đến Xá-vệ. Trên đường đi, thầy nghĩ thầm: “Ta nên đi lấy cháo trước hay thăm cha mẹ ta trước đây?”. Thầy thấy rằng về thăm cha mẹ trong lúc cha mẹ nghèo khổ mà không có cái gì làm quà thì thật là không phải đạo. Nghĩ vậy thầy đi khất thực cháo trước rồi lần theo dấu xưa về đến ngôi nhà cũ. Nhà thầy vẫn còn đó nhưng chủ nhân đã khác rồi. Vừa thấy cha mẹ ngồi dưới bóng cây bên cạnh bức tường của nhà mình thuở nào, thầy không cầm được nước mắt. Nào ngờ vô thường đổi thay dường như trong chớp mắt. Cảnh cũ người xưa vẫn còn đó nhưng sự thay chủ, đổi ngôi chóng vánh đến nghiệt ngã, quặn lòng.
Cha mẹ của thầy, phần vì già yếu mỏi mệt, phần vì không dám ngẩng mặt lên với đời nên không nhận ra con mình dù khoảng cách không xa. Mà cũng khó để nhận ra, vì năm xưa con trai của họ là một thư sinh công tử chân trắng, mặt trơn. Còn bây giờ vị Tỷ-kheo đầu trần chân trụi sương gió phong trần đang đứng ngay trước mặt, thật quá khác biệt với quý tử năm xưa của họ. Thầy đứng lặng câm như hóa đá. Mẹ thầy tưởng rằng đó là một Sa-môn đang chờ bố thí, liền nói: “Chúng tôi rất nghèo khổ, không có gì để bố thí cho người cả, xin người hãy chịu khó đi nơi khác nhé”. Thầy vẫn đứng yên bất động dù cho dù bà đã nhắc đến lần thứ ba. Cuối cùng như linh cảm được điều gì, bà vùng dậy chạy đến, rồi nhận ra con trai của mình liền gục xuống chân thầy mà than khóc, người cha cũng khóc theo. Bao nhiều nhớ nhung, bấy nhiêu sầu khổ đều tuôn ra hết. Thầy cũng không nén được lòng mình, bật khóc như trẻ nít rất ngon lành.
Chờ cơn xúc động đi qua, vị Tỷ-kheo nói: “Cha mẹ đừng buồn nữa, từ nay con sẽ phụng dưỡng cha mẹ”. Thế là sau khi an ủi và dâng cháo cho cha mẹ ăn rồi, thầy bảo cha mẹ ngồi đợi bên đường rồi lại ra đi khất thực đem về thức ăn về cho cha mẹ dùng, sau đó mới đi khất thực cho chính mình. Ngọ trai xong, thầy tìm nơi trú chân nghĩ ngơi và tọa thiền, không xa nơi cha mẹ ngồi. Từ đó về sau, vị Tỷ-kheo chăm sóc cha mẹ bằng cách này; thầy đem cho cha mẹ đồ ăn khất thực dành cho mình, luôn cả những vật dụng như khăn mặt, áo mưa… mà thí chủ bố thí, và thầy còn đi khất thực nhiều lần để đủ cho ba người cùng ăn.
Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng khất thực được dồi dào. Có những ngày thầy khất thực được rất ít, thậm chí có ngày chẳng được gì cả. Những ngày ấy, thầy đều dành hết phần ăn dâng cho cha mẹ, còn thầy chịu đói, uống nước lạnh rồi tọa thiền. Do vậy, dần dần thầy trở nên xanh xao gầy ốm. Các Tỷ-kheo khác thấy vậy bảo: “Da dẻ của bạn trước đây tươi sáng nhưng nay lại xanh xao quá, hẳn có bệnh gì?”. Thầy thật lòng đem gia cảnh hiện tại kể cho các bạn đồng tu nghe. Một thầy khác rất thương bạn nhưng cảm thấy có gì chưa ổn lắm nên nói: “Thưa Hiền giả, tôi chưa từng nghe Bậc Đạo sư cho phép chúng ta phí phạm lễ vật cúng dường của các thí chủ. Bạn đã làm việc trái phép khi đem lễ vật cúng dường của thí chủ cho người thế tục”.
Nghe bạn nói vậy, vị Tỷ-kheo hổ thẹn cúi gầm mặt xuống, sẵn sàng nhận mọi lỗi lầm nếu bị Thế Tôn khiển trách. Các Tỷ kheo kia thương cảm cho hoàn cảnh của bạn nhưng trong lòng bất ổn nên đem chuyện thưa với Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có Tỷ-kheo đã phí phạm lễ vật cúng dường và đem cho người thế tục.
Đức Phật liền cho gọi vị Tỷ-kheo trẻ ấy đến và hỏi:
- Có phải ông đã xuất gia mà còn lấy vật cúng dường của thí chủ đem cho người thế tục không?
Thầy cúi đầu thú nhận. Rồi Bậc Đạo sư muốn ngợi khen việc làm của thầy, liền hỏi:
- Thế ông mang đồ khất thực về phụng dưỡng người thế tục nào?
- Bạch Thế Tôn, đó chính cha mẹ của con.
Lúc đó Thế Tôn muốn khuyến khích việc làm của thầy hơn nữa, Ngài bảo ba lần:
- Tốt lành thay! Tốt lành thay! Ông đang đi con đường ngày xưa Ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực Ta cũng phụng dưỡng cha mẹ của Ta.
Vị Tỷ-kheo rất sung sướng khi được Đức Phật khích lệ làm điều hiếu hạnh đó.
(Kể lại theo kinh Tiểu Bộ X, Chuyện hiếu tử Sàma)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa
Tư liệu 19:45 30/11/2024Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.
Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội
Tư liệu 09:26 30/11/2024Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.
Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm
Tư liệu 13:15 28/11/2024Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.
Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà
Tư liệu 16:15 27/11/2024Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.
Xem thêm