Chưa cần phải đến Tứ Động Tâm - những thánh tích bên Ấn Độ và NePan, phật tử chúng ta cũng đã thật hạnh phúc khi về chiêm bái những thánh tích trong nước, gắn liền với Phật hoàng Trần Nhân Tông - đó là Yên Tử. Bởi, từ xưa dân gian đã có câu ca mang tính linh thiêng, “Trăm năm tích đức tu hành/chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu”.
Ngày 24/04/2016 (18/03/Bính Thân), Đại đức Thích Quảng Hiếu, trụ trì chùa Tân Hải (làng Phương Ngoại, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) làm trưởng đoàn đã dẫn hơn 900 phật tử đi chiêm bái, tu học tại Yên Tử.
Thông lệ hàng năm, Đại đức Thích Quảng Hiếu có 2 chuyến đi lớn, là dẫn đoàn đi chùa Hương và đi Yên Tử - những người con Phật đi về với cha và với mẹ - quê hương tâm linh của mình: chùa Hương như là về với mẹ Quán Thế Âm và Yên Tử như là về với cha Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Năm nay, sau khi cho một đoàn Phật tử đông đảo, gồm gần 2 ngàn người đi chùa Hương, thì chuyến đi tu học tại Yên Tử này được mọi người chờ đợi. Từ những địa điểm khác nhau, từ 3h30, hơn 30 xe đã bắt đầu xuất phát. Khi còn sớm tinh sương, đoàn đã đến khu vực xã An Sinh (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).
Năm nay là lần đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh mở hội xuân Ngọa Vân. Không như năm trước, chúng tôi phải “luồn rừng” đi rất vất vả, thì lần này nhàn hơn vì đã khai trương tuyến cáp treo lên am Ngọa Vân - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Bảng lảng sương sớm, mây sà xuống ôm ấp lấy núi, làm cho khung cảnh liêu trai, kỳ thú.
Như chúng ta đã biết, sau khi đất nước yên hàn, bốn phương phẳng lặng, Đức vua Trần Nhân Tông đã trao ngai vàng cho con là Trần Thuyên, tức vua Trần Anh Tông để về hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) xuất gia, sau đó ngài đến Yên Tử dựng am tu hành. Yên Tử trước kia từng có đạo sĩ An Kỳ Sinh tu hành đắc đạo, đây được coi là Tổ sơn của miền hải Đông, được ví như núi Linh Thứu ở Tây Trúc: “Tây Trúc đường vào/Nam Châu có mấy/Non Linh Thứu ai đem về đây/Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đáy/Vào chung cõi thánh thênh thênh/Thái vẽ lòng phàm phây phấy”, nơi đây xã An Sinh, Đông Triều này cũng là nơi phát tích của nhà Trần.
Rất nhanh, sau khi lên cáp treo của công ty Tâm Đức, luồn trong rừng trúc một đoạn đường, đoàn chúng tôi đã lên đến am Ngọa Vân. Trước kia, núi này có tên là núi Đài Sơn, am tu hành như nằm trên mây, nên đổi tên thành Ngọa Vân am. Cũng tại am Ngọa Vân này, 01/11/1308 (Mậu Thân), ngài hóa Phật theo thế sư tử ngọa, một cây trúc mọc qua đùi.
Trong bảng lảng sương sớm, tại nơi linh thiêng này, tôi đã lắng lòng quá vãng 700 năm về trước. Trong một cảnh mà không ít người xúc động, vua Trần Thánh Tông đến thăm con - thái tử Trầm Khâm. Thấy con ăn chay, vua nói: “Ta đã già, cậy vào mỗi mình ngươi, nếu ngươi cứ ăn chay thế này thì lấy sức khỏe đâu để có thể gánh vác được thịnh nghiệp của tổ tông?”. Bởi, từ lâu Thái tử Trần Khâm đã học về thiền từ thầy của mình là Tuệ Trung Thượng Sỹ. Từ lâu, Trần Khâm đã mang tâm đạo, có chí xuất trần, nên muốn nhường ngôi cho em là Đức Việp... Hai cha con ôm nhau khóc và chúng ta, sau 700 năm của câu chuyện - không ít người cũng rơi nước mắt theo.
Tương tự như Thái tử Tất Đạt Đa bên Ấn Độ xưa, Thái tử Trần Khâm cũng từng “vượt thành”, lên núi Yên Tử để cầu làm Phật. Bởi, cũng như ông nội của mình là vua Trần Thái Tông, ngài coi ngai vàng như đôi dép rách. Sau khi được Quốc sư Phù Vân khuyên nhủ, ngài đã quay về làm tròn nhiệm vụ “quốc chủ”, để rồi sau đó lãnh đạo toàn dân 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông.
Trong tinh sương của buổi sớm, tại am Ngọa Vân, Đại đức Thích Quảng Hiếu, cùng các phật tử đã tụng kinh cầu quốc thái dân an.
Lịch sử ghi lại: Sau khi về Thăng Long thăm chị gái là công chúa Thiên Thụy ốm nặng, Ngài lại chống gậy về lại Yên Tử. Dọc đường đi ngài linh cảm thấy thời khắc xả bỏ báo thân đã đến gần, Ngài đã đi chào chúng tăng ở một vài ngôi chùa rồi đi lên am Ngọa Vân. Ngài nói với 2 vị tỳ-kheo: “Ta muốn lên núi mà chân không bước nổi. Vị tỳ-kheo bạch: Chúng con có thể đỡ tôn đức lên được.
Khi lên đến núi, ngài cảm ơn và bảo: Các con xuống núi gắng tu hành, đừng xem sinh tử là việc nhỏ.
Ngày 19, ngài sai chú tiểu Pháp Không lên am Tử Tiêu giục thị giả Bảo Sái đến ngay… Ngày 21, thấy Bảo Sái đến, ngài mỉm cười nói: Thầy sắp đi, sao con đến muộn thế?, rồi ngài hỏi: Giờ này là giờ gì?
Bảo Sái thưa: Bạch tôn đức, là giờ Tý.
Ngài đẩy cửa sổ ra và nói: Đến giờ của ta rồi, ta đi đây.
Bảo Sái hỏi: Tôn đức đi đâu? Ngài nói kệ đáp:
“Hết thảy pháp không sinh
Hết thảy pháp không diệt
Nếu rõ được lý ấy
Chư Phật thường hiện tiền
Thời đến đi nào có?”
Nói rồi, ngài nằm theo thế Sư tử mà tịch, thọ 51 tuổi. Mấy ngày liền, trời đất tối tăm, gió gào dữ dội, mưa như trút nước. Và hôm nay cũng thế, khi chúng con làm lễ tại nơi Phật hoàng nhập niết bàn, mưa phùn lây rây như những giọt nước mắt của chư thiên rơi rơi, mà lòng người chúng con như chùng xuống...
Am Ngọa Vân được trùng tu năm 1707, văn bia có đoạn “Nay thấy chùa Ngoạ Vân, xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương thật là nơi danh lam cổ tích… Sư trụ trì tại chùa Ngọa Vân, núi Bảo Đài, tự là Giác Hưng hiệu Viên Minh, đã trùng tu gác chuông và 25 gian nhà tăng, làm 2 tòa bảo điện, dựng bia đá, làm thêm Kim am, Hưng Vân am, Giải Thoát am… ”.
Được biết từ cách nay hơn 10 năm, thầy Thích Thanh Tiến đã lên đây tu hành và tình nguyện làm người bảo vệ giữ dìn những gì còn lại của di tích am Ngọa Vân để đến hôm nay tỉnh Quảng Ninh xây dựng tuyến cáp treo và mở hội xuân Ngọa Vân. Vẫn đây, 2 bảo tháp cổ, Phật Hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp trầm mặc, voi đá... Để giữ được gần như nguyên vẹn là cuộc kỳ công, rồi tấm bia đá này, dã bị đánh gãy thành nhiều mảnh- thầy Thanh Tiến đã phải “gùi” xi-măng gắn lại...
Sau khi hành lễ cầu quốc thái dân an ở am Ngọa Vân, đoàn chúng tôi về Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - Đây là một trong số ba thiền viện (cùng với Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (ở Đà Lạt, Lâm Đồng) và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Vĩnh Phúc) là chốn tổ của của Thiền phái Trúc lâm hiện nay. Đây vốn có tên là chùa Lân, cách nay trên 700 năm, Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng với các tôn giả Pháp Loa, Huyền Quang xuống chùa này giảng pháp. Đây như là trung tâm của giáo hội đời Trần- mạng mạch chính pháp được xuất phát từ đây. Tăng chúng về đây tu tập, hàng trăm những ngôi mộ tháp rải rác trong dãy Yên Tử là minh chứng cho điều này. Sau đó, Phật hoàng đã đi du hóa khắp nơi, khuyến hóa chúng dân phá bỏ dâm từ, tu tập thập thiện.
Khi xây dựng thiền viện này, dấu tích kiến trúc cổ đã được giữ lại.
Thầy Quảng Hiếu cho biết, nếu như am Ngọa Vân nơi ông vua Phật Việt Nam nhập niết bàn- tựa như Câu Thi Na ở Ấn Độ, thì nơi đây- xưa chùa Lân này như vườn Lộc Uyển- nơi Đức Phật chuyển pháp luân.
Sau khi có một thời kinh, Phật tử trong đạo tràng đã chụp bức ảnh lưu niệm tại Tam Quan của Thiền viện.
Buổi chiều, trên hành trình đi đến chùa Đồng, cả đoàn đã đi chiêm bái- hành lễ tại chùa Hoa Yên, tháp Huệ Quang- nơi lưu trữ xá lợi của Ngài. Quả thật, hiện nay để lên đến chùa Đồng đã có 2 tuyến cáp treo, nhưng có những đoạn “cuốc bộ” đã làm chúng tôi... bở hơi tai. Thế mới biết, 700 năm trước, “các cụ nhà ta”- Phật hoàng rồi các hành giả đã vất vả trèo đèo lội suối thế nào, khi lúc đấy ở đây cây rừng rậm rạp. Tôi lại nhớ tới những câu chuyện, khi Đức Phật cùng 1.250 vị tỳ-kheo băng qua sông Hằng bằng thần thông, trong một khung cảnh hoành tráng xưa...
Đọc kinh dưới chân bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông xong, chúng tôi mỗi người một cây gậy trúc lên chùa Đồng. Tại sao là chùa Đồng, là đồng bào, đồng đạo, đồng chí hướng... trên đỉnh cao 1.068m- vị trí cao nhất dãy Yên Tử - nơi có chùa Đồng vì thế mà linh thiêng, ai cũng hướng về, cũng muốn đến một lần. Có cụ phật tử đã hơn 80 rồi, cũng bắt con dâu “tháp tùng lên bằng được chùa Đồng. Cụ nói rằng cách nay 10 năm đã từng lên rồi, hồi ấy leo bộ vất vả lắm, nhưng leo nhàn hơn nay vì vẫn còn nhiều sức khỏe. Hôm nay cố lên lấy một lần, biết đâu được, vô thường mà... Một phút lắng lòng, một giây thoát tục, tôi đã chắp tay... làm quốc chủ lo cho trăm họ, làm vua phật cứu độ muôn loài- đạo và đời, đời và đạo: toàn vẹn- một con người Việt Nam đẹp đẽ.
Buổi tối, thầy Quảng Hiếu đã làm chủ lễ cầu siêu, làm cầu giải oan, hoa đăng... ở suối Giải Oan- nơi có 100 cung nữ trầm mình xuống, khi vua Trần Nhân Tông không về với trần tục nữa. Thế mới biết con đường giải thoát giác ngộ có hấp dẫn kỳ lạ, một khi ta đã “ngộ” ra đời là khổ, đời là vô thường..., những dục lạc thế gian, đến như ngai vàng- quyền lực như vậy mà còn không níu kéo được.
Chuyến hành hương tu học thật bổ ích, khi đạo tâm ai cũng kiên cố thêm, khi được về chính mình.
Hà Quang Đức