Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 29/11/2022, 13:09 PM

Hành trình chuyển hóa của một “đầu gấu” 9x

Ba mẹ ly hôn từ khi còn nhỏ, Cường sống cùng với mẹ, 9 tuổi đã bắt đầu mưu sinh với nghề sửa xe, rồi buôn bán, phục vụ quán ăn, dán keo xe,… ai thuê gì làm đó.

Vì sống trong khu dân cư với thành phần phức tạp, nên từ nhỏ Cường đã rất quậy, không chỉ ham chơi mà còn lôi kéo những bạn bè xung quanh chơi game, đánh nhau. Công an cũng thường xuyên tới nhắc nhở nhưng rồi đâu lại vào đó.

Cải tạo nghiệp lực và chuyển hoá thân tâm

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

“Làm mới” mình

“Lần nọ, một trận đánh nhau đã làm cuộc đời em bước qua ngã rẽ mới. Năm em 15 tuổi, đang chơi game ở tiệm net, mấy đứa xung quanh nói chuyện lớn quá, em đập bàn: ‘Tụi bây im lặng hết coi!’. Tụi nó im, nhưng ba hôm sau có 10 thằng lớn cầm theo dao rượt đánh, may là em chạy thoát được. Về tới nhà thấy mẹ khóc. Tự nhiên lúc đó em mới suy nghĩ một chút, nghĩ được rằng: mình đang làm mẹ khổ”, Cường kể.

Dần dần, Cường muốn thay đổi bản thân. Có duyên biết Phật pháp, Cường bắt đầu đi từ thiện, công quả ở chùa để sám hối. Trong một thời gian ngắn, Cường cảm thấy những vấn đề khó khăn mình gặp phải có sự chuyển hóa, thoát ra được những suy nghĩ tiêu cực. Kể từ đó, Cường bắt đầu thực tập, làm lại cuộc đời.

Cường chia sẻ rằng với một người quậy phá, hư hỏng, bất cần đời, thay đổi mọi thứ theo hướng ngược lại hoàn toàn với những gì đã thành thói quen là rất khó. May mắn là em có động lực muốn thay đổi và tập quan sát, học hỏi để thay đổi từng bước một.

Cường thay đổi trước hết từ trong chính hành động của mình với mẹ: Tập nói chuyện từ tốn và biết lắng nghe mẹ hơn, phụ đỡ việc nhà, mua cái bánh cho mẹ từ những đồng tiền lương chắt chiu để dành. Trước đây, hầu như Cường chỉ muốn làm theo ý mình và mặc kệ mẹ nói gì, nghĩ gì. Cường kể, cũng vì hiểu và thương mẹ thật sự nên em không muốn làm bất cứ điều gì làm mẹ tổn thương thêm. Sự thay đổi của em làm mẹ vui và chính em cũng vui.

Để “làm mới” bản thân, để tâm mình lắng đọng không chạy theo những “nghiệp cũ”, Cường thường xuyên niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh. Có khi ngày thường đi làm em cũng nghe pháp. “Mọi người trong chỗ làm hay nói, ‘thằng này thiện quá mày, giống ở trên cõi trên quá, thiện là ở dưới cõi trần đời này, cuộc sống này, chứ có phải trên trời đâu’. Lúc đó ai nói gì thì nói, em lúc nào cũng Nam-mô A Di Đà Phật!”, đó là khoảng thời gian 1 năm mà Cường gọi là tu “gắt củ kiệu” để giữ mình.

Vấn đề chuyển hoá dục tính

Đi học lại

Hiện tại, Cường đang làm công việc gia công quần áo, kiếm đủ thu nhập để trang trải cuộc sống và có thời gian đi học, đi chùa. Cường cho biết, năm 16 tuổi, em bắt đầu học lại lớp 6 vào ban đêm sau mỗi ngày đi làm về. Bây giờ, em đang học lớp 10. Đi học lại - đó là quá trình đấu tranh rất nhiều và vượt qua bao suy nghĩ cũ kỹ.

“Trước đây bỏ học nhiều lần, bạn bè giới thiệu chỉ cần bỏ ra 5 đến 10 triệu mua được bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Nhìn nhận thực tế nơi mình sống, thấy có những người học ra đại học cũng chỉ kiếm được 4, 5 triệu, trong khi hiện tại em vẫn kiếm được nhiều hơn. Vậy là em chê việc học, nghỉ để đi làm....”, Cường nhớ lại.

Rồi cũng theo lời kể của Cường, lý do đi học lại của em xuất phát từ những bài pháp mà em nghe được. “Do nghe quý thầy giảng pháp trong những khóa tu về việc, cần sự học để nâng cấp bản thân và hiểu biết nhiều, để nhận thức, hành động đúng đắn hơn, vì vậy con muốn học, tự mình trải qua con đường học thật sự”, Cường kể.

Trong kế hoạch của bản thân, Cường muốn học xong lớp 12, nếu có điều kiện sẽ vẫn học thêm, để tích lũy đủ kiến thức và trải nghiệm. Khó khăn là điều thường xuyên diễn ra nhưng những lúc như thế, Cường lại tự động viên rằng tất cả chỉ là thử thách để rèn luyện mình. “Bây giờ với hồi xưa, em là con người hoàn toàn khác. Em chuyển biến từ con người này qua con người khác theo mức độ ngày một tốt hơn”, Cường chia sẻ.

Chuyển hóa được những “bạn thân”

Đối với Cường, điều tâm đắc nhất trong hành trình thay đổi bản thân đó là được hoàn thiện mình mỗi ngày càng tốt hơn, biết cho đi nhiều hơn, gặt hái hạnh phúc và bình an nhiều hơn. “Có những điều trước đây em không dám nghĩ tới, như là việc giúp cho ai đó điều gì hay khiến cho mẹ vui. Nhưng giờ thì em biết nghĩ đến mẹ, mẹ buồn điều gì hay cơ thể đau yếu ở đâu là em biết ngay. Em còn vui khi mình đăng ký hiến xác, mô tạng khi qua đời, để có thể cứu được ai đó, trao thêm một sự sống, và giúp ích cho y học nước nhà”, Cường nói.

Sự thay đổi của Cường ngày hôm nay được nhiều gia đình trong xóm lấy làm “điển hình” để giáo dục con. “Nhiều lúc em thấy cũng vui khi nghe các cô bác nói thằng Cường đấy, hồi xưa quậy ghê lắm, ăn chơi có tiếng ở quận 4 này, bây giờ nó thay đổi ngon lành, biết đi chùa, làm từ thiện, giúp bà con trong xóm, giúp cho mẹ nó nữa, ai cũng thương”, Cường bộc bạch.

Cũng nhờ “chơi và quậy có tiếng” một thời, mà bây giờ khi gặp những người bạn… quậy chung ngày xưa, Cường hay khuyên nhủ để bạn mình mạnh dạn bỏ “lối mòn”, quay về với con đường thiện. Cuộc sống tích cực, tốt đẹp ngày nay của Cường là lời thuyết phục chân thành nhất. Có lần, lời khuyên nhẹ nhàng, thực tế của Cường giúp được cho vài anh bạn tách ra được nhóm bất hảo, sau đó chuyển đi tới nơi khác làm công ăn lương chân chính, làm lại cuộc đời. Nhiều người bạn của Cường, cũng biết đến đạo Phật, từ sự chia sẻ của Cường.

“Trải qua những chuỗi ngày ‘thay máu’ bản thân, mình chiêm nghiệm được rằng, không bao giờ là quá muộn để thay đổi. Những việc xấu nếu dừng lại và mạnh dạn thay đổi càng sớm, thì mình sẽ có thêm hạnh phúc, bình an, và tìm được đúng ý nghĩa cuộc sống”, Cường nói.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sự oán hận của vong hồn thai nhi

Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024

Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.

Đi chùa sám hối?

Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024

Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.

Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao

Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024

Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.

“Đây là lời thật lòng của tôi, người từng ở trong bùn lầy và đã ra khỏi bùn lầy”

Phật giáo và người trẻ 13:45 08/11/2024

Người ta có thể phạm rất nhiều lỗi trong đời, nhưng ngàn vạn lần không nên phạm tội tà dâm! Cổ nhân nói: “Vạn ác, dâm đứng đầu!” Nhưng mãi đến hôm nay tôi mới nhận ra uy lực của câu nói này.

Xem thêm