Hào sảng chuông chùa giữa Trường Sa
Hàng năm, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đều cử các chư tăng ra 6 ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa làm nhiệm vụ Phật sự. Hầu hết các vị trụ trì sau khi đã ra nơi đầu sóng ngọn gió đều xem đó như một cơ duyên và thành tâm phát nguyện tiếp tục được lưu lại.
Điểm tựa tâm linh
Một chiều cuối năm, nghe tin vợ chuẩn bị sinh con đầu lòng, chàng chiến sỹ trẻ thuộc Trạm rada 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 - Quân chủng Phòng không Không quân đang công tác tại đảo Trường Sa đã xin phép chỉ huy sang chùa Trường Sa Lớn làm lễ cầu an. Sư thầy trụ trì Thích Tuệ Nhân ngồi thiền cùng với anh suốt nhiều giờ đến khi từ đất liền thông báo tin vui: Người mẹ đã "vượt cạn" thành công, sinh hạ bé trai nặng 3,3 kg.
Ở nơi đảo xa, mỗi khi nghe người thân báo tin lành, tin dữ về gia đình, họ mạc, quê hương bản xứ… những người lính và nhân dân trên đảo chọn chốn nương tựa tâm linh là ngôi chùa. Những ngư dân đánh bắt cá với hải trình dài ngày trên biển cũng vậy, họ thường viếng thăm chùa, thắp hương cầu nguyện cho những chuyến đi trời yên biển lặng. Chùa còn là nơi những người con xa quê hương cầu nguyện cuộc sống hòa bình, quê hương vững vàng trước mọi bão giông, sóng gió cuộc đời...
6 ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa gồm các chùa: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và chùa Vinh Phúc. Nếu chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút, thì chùa ở Trường Sa Lớn tọa lạc cạnh đường băng, chùa Sinh Tồn sát bên cụm 7 hộ gia đình dân cư sinh sống. Chùa ở đảo Nam Yết sát cạnh bờ biển, in hình xuống bóng nước lung linh, chùa đảo Sơn Ca tọa lạc giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng, phía đón những tia bình minh đầu tiên của mỗi ngày. Còn từ bên trong sân chùa Vinh Phúc nhìn ra sẽ thấy hai cột sừng sững, cảnh vật uy nghiêm và mái chùa cong cong in trên nền biển xanh. Điều đặc biệt của 6 ngôi chùa ở đây là sảnh chính diện đều hướng về Thủ đô Hà Nội.
Theo trụ trì chùa, việc đặt sảnh chính diện hướng về Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa thiêng liêng là hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời đó cũng như lời tri ân chân thành của quân dân huyện đảo Trường Sa đối với nhân dân Hà Nội: Ngôi chùa được xây dựng nhờ phần lớn kinh phí do nhân dân Thủ đô quyên góp.
Cột mốc chủ quyền
Giữa biển trời mênh mông, mỗi sớm bình minh, mỗi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông chùa ngân nga như tiếp thêm cho quân dân Trường Sa sức mạnh về nội lực tinh thần, để những người lính ở đây thêm vững vàng tay súng canh chủ quyền Tổ quốc. Thời gian thỉnh chuông của 6 ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa đều bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 phút sáng và 18 giờ chiều.
Theo lý giải của nhà tu hành, tiếng chuông chùa lúc 4 giờ 30 phút mỗi sáng, khi giấc ngủ đã căng tròn và bình minh bắt đầu hừng sáng một ngày mới, đó không chỉ là tiếng chuông thức tỉnh lương tri con người hướng về nguồn cội, mà còn là tiếng chuông báo hiệu một ngày mới an lành. Tiếng chuông lúc 18 giờ chiều như khép lại sau một ngày làm việc mưu sinh, là thời gian mọi người nghỉ ngơi, lòng hướng về Tam bảo.
Đã thành lệ, các đoàn công tác ra thăm đảo bao giờ cũng đến chùa dâng hương lễ Phật, cầu mong quốc thái dân an. Sau lễ dâng hương, trụ trì chùa đã thỉnh 108 tiếng chuông. Đã từng đi qua nhiều vùng đất linh thiêng, nghe nhiều tiếng chuông chùa nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy xúc động như nghe tiếng chuông chùa ở đảo hôm ấy. Trong tiếng sóng rì rào, tiếng chuông chùa ngân dài trong không gian bao la của trời biển tạo nên một cảm giác bồi hồi khó tả…
Ở đảo Sơn Ca, trụ trì chùa Sơn Linh rất gần gũi với cán bộ, chiến sĩ ở đảo. Cánh lính trẻ tập luyện thể thao bị chấn thương vẫn thường nhờ thầy chữa giúp. Thầy là "bác sĩ" thứ 2 ở đảo sau đội ngũ lính quân y. Nhiều ca bị trật khớp, bong gân đều nhờ thầy chữa trị. Lúc rảnh rỗi, trụ trì chùa còn tham gia vào các hoạt động trồng cây xanh, chào cờ với đơn vị bộ đội trên đảo hay đón khách từ đất liền ra thăm.
Ấn tượng nhất là ở chùa Trường Sa Lớn với nhiều cây bồ đề - loài cây gắn liền với Phật giáo được đưa từ đất liền ra. Cứ sáng Chủ nhật hàng tuần, anh Nguyễn Quốc Anh cùng vợ Nguyễn Thị Mỹ Dung và hai con Nguyễn Thị Mỹ Hòa và Nguyễn Quốc Bảo Châu lại đến chùa cầu nguyện và giúp trụ trì quét dọn khuôn viên chùa. Chị Hòa tâm sự: "Ở đảo, cứ ngày rằm, ngày Tết, ngày lễ, nhất là ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, mọi người đến chùa thắp hương cầu nguyện. Lễ ở đây cũng đơn giản, chỉ đĩa xôi, hoa quả tự trồng. Hoa quả đôi khi không chín đúng ngày rằm, nên đôi khi mâm quả cũng chỉ là đu đủ, chuối xanh. Tuy vậy, trong tâm tưởng chúng tôi lại rất bình yên…".
Cũng tại thị trấn nhỏ này, nơi được ví như trái tim của huyện đảo Trường Sa, bao đời qua các thế hệ con cháu được sinh ra, lớn lên tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha. Ngôi chùa ở Trường Sa chính là biểu tượng cho sự nương tựa về tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự che chở, cầu mong yên bình, an lạc. Chùa ở Trường Sa không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo, không chỉ là địa điểm văn hóa tâm linh mà còn là cột mốc chủ quyền của người Việt vững vàng trước mọi bão giông.
Hòa thượng Thích Giác Nghĩa (Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa) tâm sự với chúng tôi: "Những ngôi chùa hiện diện trên quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh và xác nhận chủ quyền của đất nước. Tôi đã từng tham gia nhiều lễ cầu siêu trên cả nước, nhưng lễ cầu siêu ở những ngôi chùa trên Trường Sa thật đặc biệt, khiến tôi vô cùng xúc động và cảm nhận rõ hơn mối giao hòa âm dương. Mong rằng hàng năm chúng ta tổ chức đại lễ cầu siêu nơi đây như một hành động tri ân với các liệt sỹ vị quốc vong thân".
Hoàng hôn trên đảo Trường Sa lắng đọng trong tiếng chuông chùa khoan thai loang ra trên sóng biển. Giữa tiếng sóng và tiếng gió biển đêm nhưng tiếng chuông chùa vẫn ngân nga vọng lại. Tiếng chuông chùa nơi đây nghe da diết như được gióng lên từ niềm khát khao hòa bình của người Việt giữa Biển Đông.
“Ngoài bổn phận thờ Phật, các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quân và dân trên đảo đến chùa với nhiều mục đích khác nhau, nhưng nói chung khi đến chùa, mọi người đều một lòng thành kính, hướng về Tổ quốc Việt Nam, tin tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, đất nước sẽ thanh bình và phồn thịnh…”, Sư thầy Thích Tuệ Nhân, trụ trì chùa Trường Sa Lớn tâm sự.
Theo: Giadinh.net.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc
Xuân Muôn Nơi 17:47 25/02/2024Lễ khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lần thứ VI - năm 2024, diễn ra hôm 23/2.
Hơn 12.000 người dự lễ cầu an tại chùa Viên Quang
Xuân Muôn Nơi 10:44 23/02/2024Tối 21/2, chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tổ chức lễ cầu quốc thái dân an Xuân Giáp Thìn 2024, hơn 12.000 người tham dự.
Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh
Xuân Muôn Nơi 12:29 21/02/2024Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh (xã Quảng Trung, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) khai hội hôm 18/2.
Xuân thung dung
Xuân Muôn Nơi 19:15 20/02/2024Nắng vắt hiên Đông, đá mỉm cười/ Chừ Xuân năm mới ghé đây chơi/ Bộn bàng, chuyện cũ chôn hang hốc/ Xơ xác, cành khô nẩy tượt chồi...
Xem thêm