Hãy luôn quán niệm về cái chết để sống có ích hơn
Đức Phật dạy chúng ta nên quán niệm về cái chết. Quán niệm cái chết để dừng lại những tham muốn, dục vọng, xả bỏ tâm thù hận oán hờn, dứt trừ lòng kiêu căng tự phụ…Quán niệm cái chết để biết tận dụng đời sống của mình tinh tấn tu hành làm lợi ích cho mình và tất cả chúng sanh.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Trong Thiền sư Trung Hoa tập 1, có một vị tăng đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Bạch Hòa thượng, con chó có Phật tánh hay không?”. Thiền sư Triệu Châu trả lời: “Có”. Vị Tăng hỏi: “Tại sao con chó có Phật tánh mà lại chui vào đãy da như thế?”. Thiền sư Triệu Châu nói: “Vì biết mà cố phạm”.
Cũng vậy, chúng ta là người tu đều biết sân hận là khổ, biết phiền não là khổ, biết nói lời nặng đến người khác là làm người ta đau khổ, mà chính ngay trong giờ phút đó ta cũng không vui sướng gì, nhưng tại sao biết là dở mà vẫn làm? Trong Chỉ Nguyệt Lục có ghi, một hôm bà Yêm Ma La Nữ đến hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: “Chúng sanh biết sân là khổ, biết phiền não là khổ, biết con đường luân hồi sinh tử là khổ, mà sao vẫn đi vào?” Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: “Biết, nhưng cái biết đó còn rất yếu”.
Tức là khi dòng tư tưởng khởi lên, mình không dừng được mà bị nó kéo lôi đi. Sở dĩ không dừng được là bởi vì hằng ngày chúng ta không có sự quán chiếu, quán niệm một cách liên tục về cái chết. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta hay tật đố, ghanh ghét, không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc là bởi vì lúc nào mình cũng tưởng cuộc đời này còn dài, mình còn sống dai lắm. Nhưng nếu lúc nào cũng quán niệm là trong cuộc đời này chúng ta chỉ ở tạm thôi, mai kia sẽ phải ra đi thì sẽ buông bỏ rất nhanh. Ví dụ như có hai người giận nhau, luôn ôm ấp trong lòng những phiền não, oán hận nhưng nếu bữa nào nghe được tin người kia bị bệnh sắp chết hoặc mai mình không còn sống trên đời nữa thì có còn giận nhau nữa không, hay là buông?
Trong Kinh Trung Bộ có ghi: Một thời Đức Phật ở tại xứ Koliya, một hôm Ngài nhập đại định, biết cô gái con người thợ dệt có nhân duyên với mình trong thời quá khứ. Trong pháp hội tại đây ba năm về trước, cô gái này đã được nghe Đức Phật dạy quán niệm về cái chết, về nhà cô thường xuyên quán niệm về những lời dạy đó. Bây giờ, khi Đức Phật quay trở lại, Ngài biết chắc chắn rằng tối nay cô gái sẽ chết, và tuy rằng cô quán niệm sâu sắc về cái chết nhưng vẫn chưa chứng quả nên sẽ tiếp tục rơi vào con đường sanh tử. Do vậy, Đức Phật mở lòng từ bi thương xót đến đó để độ cho cô gái.
Khi hội chúng đang đông đủ, cô gái bước vào cửa, thành tâm bước đến đảnh lễ Phật.
Đức Phật hỏi cô:
– Con từ đâu đến?
– Bạch Thế Tôn, con không biết.
– Rồi con sẽ đi về đâu?
– Bạch Thế Tôn, con không biết.
– Con không biết sao?
– Dạ con biết.
– Con biết thật không?
– Dạ con không biết.
Ðại chúng ngồi nghe bốn câu vấn đáp giữa Đức Phật và cô gái, ai cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì, cho rằng cô gái trả lời ngớ ngẩn. Ðức Phật thương xót muốn khai thị cho đại chúng nên hỏi tiếp:
– Này con, khi Như Lai hỏi con: “Con từ đâu đến?”, tại sao con nói “Con không biết”?
– Bạch Thế Tôn, ngài hẳn đã biết con từ nhà đến đây. Nhưng ý Ngài muốn hỏi con từ cảnh giới nào tái sanh đến đây, điều đó con không biết.
Bồ Tát vì nguyện lực mà tái sanh vào cõi Ta bà này dìu dắt chúng sanh, còn chúng ta thì vì nghiệp lực mà đến. Do vậy quý vị có biết mình từ cảnh giới nào mà đến không?
– Này con, khi Như Lai hỏi: “Rồi con sẽ đi về đâu?”, tại sao con nói “Con không biết”?
– Bạch Thế Tôn, Ngài hẳn đã biết con đi đến xưởng dệt vì con đang cầm giỏ suốt chỉ trên tay. Nhưng ý Ngài muốn hỏi con sẽ tái sanh về đâu, điều đó con không biết.
– Này con, khi Như Lai hỏi: “Con không biết sao?”, tại sao con đáp “Con biết”?
– Bạch Thế Tôn, vì con biết chắc chắn rằng con sẽ chết.
– Khi Như Lai hỏi “Con biết thật không?”, tại sao con đáp “Con không biết”?
– Bạch Thế Tôn, vì con không biết rõ chừng nào con sẽ chết và sẽ tái sanh về đâu.
Ðức Phật khen ngợi cô gái sáng trí, nhờ thường quán niệm về cái chết nên đã hiểu ý Phật, rồi Ngài nói bài kệ:
Thế gian này mù quáng
Chẳng mấy người thấy rõ
Như chim thoát khỏi lưới
Rất ít đi thiên giới.
Tức là ai là người thấy rõ được từng tâm niệm của mình sanh diệt liên tục, và ai sẽ thấy rõ được mình sẽ chết rồi tái sanh về đâu?
Sau khi nghe xong bài kệ của đức Phật, cô gái chứng quả Tu-đà-hoàn, tức là đã kiến đạo. Chiều hôm đó, tại xưởng dệt, cô bị tai nạn qua đời. Cha cô vô cùng đau khổ, đến thưa với Phật. Đức Phật giảng Tứ-diệu-đế để khuyên giải ông và cho ông biết con gái ông đã tái sinh về cung trời Ðâu-suất. Nghe vậy người cha xin xuất gia tu tập, sau bốn tháng ông quán chiếu sâu sắc về lý vô thường và cái chết, ông chứng quả vị A la hán.
Như vậy có nghĩa là nhờ quán chiếu sâu sắc về vô thường và cái chết, có những người đã được giải thoát ngay trong cuộc đời này.
Khi chúng ta bước lên giường ngủ, chúng ta không thể bảo đảm ngày mai mình còn sống hay không. Cho nên Ngày Zopha Rinpoche trước khi đi ngủ, thường sắp xếp tất cả đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng để cho người sau sử dụng. Bởi vì Ngài thường quán chiếu rất sâu về cái chết đến, cho rằng khi mình lên giường nằm ngủ rồi, biết đâu cơn vô thường xảy đến thì không còn sống và sử dụng những thứ này được nữa. Do quán chiếu sâu sắc về cái chết như vậy nên khi cái chết đến, các Ngài không sợ hãi.
Trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật thọ ký rằng sau khi Như Lai nhập Niết bàn, ở xứ Trung Ấn, có một vị thánh đệ tử ra đời tên là Ưu Ba Cúc Đa, nghĩa là Vô tướng hảo Phật, độ người chứng quả rất nhiều.
Tại nước Kế Tân, có một người thanh niên giàu có sống với một người vợ rất trẻ đẹp, nhưng người thanh niên này nhận thấy cuộc đời có nhiều nỗi thống khổ nên quyết chí xuất gia. Được một thời gian anh thấy cuộc sống xuất gia cũng có những khó khăn riêng, không phải lúc nào cũng an ổn giống như mình tưởng tượng nên xin hoàn tục, trở về đời sống cư sĩ tại gia. Tổ Ưu Ba Cúc Đa có thần thông, biết được nên đã bảo ông ở lại với Ngài một đêm trước khi hoàn tục. Tối hôm đó, Tổ dùng thần lực làm cho vị Tỳ kheo này nằm mộng thấy mình về nhà, vợ đã chết được ba ngày, thây sình thối lên. Vị này sợ quá giật mình tỉnh dậy, biết chỉ là giấc mộng. Sáng hôm sau, vị Tỳ kheo này đảnh lễ Tổ, xin về nhà một ngày rồi mới quay trở lại để hoàn tục. Ông đi bộ ba ngày mới về đến nhà, hay tin vợ mình đã chết được ba ngày, thây sình thối. Chứng kiến cảnh trước kia bà vợ rất đẹp giờ chỉ còn lại một thây sình thối, vị Tỳ kheo này quán chiếu sâu sắc về cái chết và ngay trong giờ phút thực tại đó chứng quả vị A la hán. Sau đó vị Tỳ kheo này trở về đảnh lễ Tổ Ưu Ba Cúc Đa xin sám hối.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy, một người thấy cuộc sống xuất gia khổ đau, không có an ổn, hạnh phúc, nhưng sau khi quán niệm sâu sắc về cái chết thì tức khắc lìa bỏ hết tất cả. Khi chúng ta còn thèm, còn muốn là chúng ta chưa quán niệm thật sâu sắc về cái chết, nếu quán niệm liên tục thì tự nhiên buông bỏ rất nhẹ.
Những lượn sóng nghịch duyên khổ đau đó, nếu quý vị chiếu kiến vào mới thấy tuy nghịch duyên khốn khổ thật, nhưng bản chất nó vô thường, không tự tánh. Cái gì thấy được bản chất vô thường, không tự tánh đó? Hiểu được và sống được với nó tự dưng mình vượt thoát ra được nghịch duyên đó.
Ai cũng sẽ phải chết và không biết chết lúc nào. Vì thế, sống sao cho thật ý nghĩa, không lãng phí đời sống mới là việc cần làm hơn là ngồi chờ cái chết đến, đánh mất thời gian, công sức vì những việc vô ích không đâu. Có nên đầu tư tất cả tâm trí vào những tính toán hơn thiệt, tranh chấp hơn thua? Có nên nuôi dưỡng trong lòng những mưu đồ, tham vọng bất chính? Có nên ôm giữ những thù hận oán hờn? Thật không nên, bởi như thế là lãng phí đời sống, quên bỏ hạnh phúc trong hiện tại, làm như thế là đem phiền não khổ đau như lo lắng, muộn phiền, đố kỵ, oán ghét, hận thù … sẽ làm cho cuộc đời chúng ta mất an vui và hạnh phúc. Khi cái chết gần kề, người ta mới thấy rằng bao nhiêu ân oán tình thù, những điều mà từ lâu ta luôn canh cánh trong lòng đều như sương khói. Có một câu nói rất hay: “Đời người như một cuốn sách, điều quan trọng không phải là cuốn sách dài hay ngắn mà ở chỗ cuốn sách đó hay hay dở”. Vì thế, hãy sống tích cực, sống trọn vẹn với thời gian, với những gì đang có, sống thật vui vẻ, có ý nghĩa và hữu ích. Hãy nỗ lực làm những gì có ích cho mình và mọi người, phục vụ và cống hiến, để đời sống dù có mong manh, ngắn ngủi cũng trở nên có ý nghĩa và giá trị.
Đức Phật dạy chúng ta nên quán niệm về cái chết. Chết là một trong mười đề mục quán niệm (thập niệm). Quán niệm cái chết để dừng lại những tham muốn, dục vọng, xả bỏ tâm thù hận oán hờn, dứt trừ lòng kiêu căng tự phụ… Quán niệm cái chết để biết tận dụng đời sống của mình tinh tấn tu hành làm lợi ích cho mình và tất cả chúng sanh. “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có vui chi. Mọi người cần phải tinh tấn như cứu lửa chạy đầu, luôn nhớ nghĩ lẽ vô thường, chớ nên chậm trễ biếng nhác” (Thị nhất dĩ quá, mạng diệc tuỳ giảm, như thiểu thuỷ ngư, tư hữu hà lạc? Đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật), đó là lời kệ nhắc nhở mà người đệ tử Phật đọc tụng mỗi ngày.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Phật giáo thường thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Nghi thức tụng Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện)
Phật giáo thường thức 21:13 22/12/2024Theo Hòa Thượng - Pháp Sư Tịnh Không, đối với những Phật tử bận rộn, không có nhiều thời gian để tụng trọn bộ Kinh Vô Lượng Thọ quá dài trên 2 giờ thì có thể phân ra thời khóa buổi sáng tụng Phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện) và buổi tối tụng từ phẩm thứ 32 (Thọ lạc không cùng tận) đến phẩm thứ 37.
Kinh Nhất Thừa là gì?
Phật giáo thường thức 15:45 22/12/2024Pháp môn nào có thể chứng đắc Phật quả rốt ráo trong một đời sẽ gọi là Nhất Thừa, pháp môn ấy cũng là pháp môn Nhất Thừa, kinh ấy cũng là kinh Nhất Thừa.
Cõi đời phiền não hay là mình phiền não cõi đời?
Phật giáo thường thức 15:12 22/12/2024Nên biết tất cả sự trói buộc gốc từ mình mà ra, nên bỏ cũng từ mình chớ không phải ở bên ngoài. Cho nên Phật bảo “buông” là buông cảnh, đừng dính với nó. Ta cứ đổ thừa cảnh dính mình, không ngờ mình dính cảnh.
Xem thêm