Phật Giáo
Thứ sáu, 12/05/2017, 15:50 PM

Hệ thống văn bia chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp hay còn gọi là chùa Ninh Phúc, toạ lạc ở thôn Nhạn Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có từ thời Trần (thế kỷ XIV) nhưng tới thế kỷ XVII bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước cảnh chùa hoang tàn đổ nát bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là con gái chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng và là vợ vua Lê Thần Tông cùng con gái Lê Thị Ngọc Duyên đã xin phép Vua và Chúa cho xây dựng lại ngôi chùa từ năm 1643 đến 1647 thì hoàn thành.

Chùa Bút Tháp không chỉ nổi tiếng với tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay – một bảo vật Quốc gia, toà Cửu phẩm Liên hoa mà còn có hệ thống bia đá gồm gần hai chục văn bia thời Hậu Lê, thời Nguyễn, văn bia cung cấp những thông tin có giá trị về lịch sử, kiến trúc và những lần trùng tu, tôn tạo chùa, về sinh hoạt Phật giáo thế kỷ XVII-XVIII, về hành trạng của Hoà thượng Chuyết Chuyết người truyền dòng thiền Lâm Tế chính tông vào Đàng Ngoài nước Đại Việt v.v... Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với quí vị độc giả kết quả khảo sát một số văn bia tiêu biểu tại chùa.
 
1. Niên đại, vị trí, hình dạng, kích thước của bia

Văn bia có niên đại sớm nhất tại chùa Bút Tháp là Phụng lệnh chỉ, tạo ngày 19 tháng 10 năm Phúc Thái thứ 4 (1646) do Nội án sử Phương Lộc nam Nguyễn Đắc Thọ vâng phụng viết. Bia được đặt phía bên phải trong Nhà thờ Tổ Đệ nhất (tức Chuyết Chuyết thiền sư). Bia là một tấm đá cao hơn 1m, rộng 0,32m, được chôn trực tiếp xuống đất.

Cũng ở đây có tấm bia với tiêu đề: Sắc kiến Tôn Đức tháp khoán thạch, dựng ngày lành tháng 11 năm Canh Tý (1660) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 đời vua Lê Thần Tông.
 
Hai đầu hồi toà Tiền đường có hai nhà bia. Nhìn từ trong ra:

Nhà bia bên phải có tấm bia đá cao hơn 2m, rộng 1,15m; diềm bia và trán bia có hoa văn mây rồng, trên trán bia có chữ “Phật”. Trên mặt trước văn bia có tiêu đề “Sắc Ninh Phúc Thiền tự bi ký”. Mặt sau có tiêu đề “Ninh Phúc thiền tự Tam bảo tế tự điền bi” có niên đại như văn bia ở mặt trước. Bia dựng vào ngày tắm Phật tháng Hoa sen (tháng 4) năm Đinh Hợi (1647), niên hiệu Phúc Thái năm thứ 5. Văn bia do Vân Thuỷ Sa di Minh Hành Thích Tại Tại soạn. Sa di Chân Kiến người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn viết chữ.

Nhà bia bên trái có bia đá cao 1,6m, rộng 1m, diềm bia có chạm trang trí chủ đề hoa điểu; trán bia cong chạm trang trí chủ đề rồng mây (Lưỡng long chầu mặt nhật). Trên mặt trước văn bia có tiêu đề “Ninh Phúc Thiền tự Tam bảo tế tự điền bi”, được khắc vào ngày tốt tháng 11 năm Giáp Dần niên hiệu Đức Nguyên năm đầu (1674) đời vua Lê Gia Tông. Mặt sau có tiêu đề “Hiến Thuỵ am Báo Nghiêm tháp bi minh”. Bia dựng vào ngày tắm Phật, tháng Hoa sen, năm Đinh Hợi, niên hiệu Phúc Thái năm thứ 5 (1647), do Tự pháp đệ tử Minh Hành Thích Tại Tại hưng công. Thanh Nguyên cư sĩ Âu Dương Vựng Đăng, hiệu Thể Chân soạn. Sa di Chân Kiến người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn vâng phụng viết chữ.

Hai tấm bia trên đều đặt trên lưng rùa thân dài 2,5m, rộng 1,20m, dầy 0,26m loại rùa thân ngắn, mai gộp rùa có đường gờ cao, đầu mập, cổ rụt.

Trong toà Tích Thiện am, nơi đặt tháp Cửu phẩm Liên hoa lưu giữ một tấm bia đá có tên Tích Thiện am. Kích thước bia: cao 0,72m, rộng
0,47m, dầy 0,20m. Chân bia chôn dưới đất. Bia có niên đại 1691 tức năm Tân Mùi niên hiệu Chính Hoà thứ 12, đời vua Lê Hy Tông. (Tạo lần đầu giờ tốt ngày lành tháng 11 năm Tân Mùi niên hiệu Chính Hoà thứ 12). Mặt trước khắc văn bia, mặt sau là bài vị “Trưởng lão tăng xã Tú Khê là Hà Đăng Đệ tên chữ là Huệ Thông, đạo hiệu là Huyền Thanh Phổ Tế Thiền sư” (khởi dựng bia). Tại gian cuối bên phải Phủ thờ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc có một bia hình hộp vuông bốn mặt kích thước: cao 1,7m, rộng 0,72m. Bia được dựng vào ngày tốt năm Giáp Ngọ, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 10 (1714). Mặt trước có tên “Khánh Lưu bi ký”, mặt sau có tên “Ninh Phúc Thiền tự bi ký”, mặt phải có tiêu đề “Huệ điền phụng tự”, mặt trái có tiêu đề “Sóc vọng tự điền”.
 
Tại Nhà Trung có tấm bia Trùng tu Ninh Phúc Thiền tự bi dựng năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904).

Tháp Tôn Đức có khắc chữ ở ba mặt thân tháp tầng 1. Mỗi mặt dài 2,12m, cao 1,5m, gồm: 

1) Khoán ước về cúng giỗ thiền sư Chân Phúc, lập ngày tháng tốt năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chính Hoà thứ 5 đời vua Lê Hy Tông.

2) Đoan ước (Khoán ước), khuyết niên đại.

3) Khoán ước về cúng Tỷ khiêu Như Tuỳ mỗi năm 2 lần (ngày sinh: 17-6; ngày dỗ: 26-10); dựng ngày tốt tháng 3 năm Kỷ Mùi (1739) niên hiệu Lê Vĩnh Thuỵ thứ 5. Nguyễn Đình Tông viết chữ.

4) Không đề, nói về việc Sa môn Tính Hải trụ trì chùa hưng công tu sửa chùa, tô dựng tượng vàng, dựng Phật điện cùng toà Cửu phẩm liên hoa hoàn thành viên mãn. Dựng ngày lành tháng 4 năm Kỷ Mùi (1739) niên hiệu Lê Vĩnh Hựu thứ 5.

Mặt bên phải của tháp (nhìn từ ngoài vào) bị mất nhiều chữ do bom đạn chiến tranh thời kháng chiến chống Pháp.

Tháp Ni Châu có khắc chữ ở ba mặt thân tháp tầng 1. Mỗi mặt dài 1,15m, cao 1,17m, gồm:

1) Ni Châu tháp ký, do Tỷ khiêu Tính Hải trụ trì chùa Ninh Phúc soạn văn bia. Đệ tử giữ chức Đề lại, người xã Phiêu Kỵ là Nguyễn Danh Dương tên chữ là Thiện Hoà vâng mệnh viết chữ năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), đời vua Lê Ý Tông.

2) Đoan ước nói về cúng bà Diệu Viên một năm hai lần: Ngày sinh: 8-10, ngày giỗ: 25-2, khuyết niên đại.
 
Tháp Tâm Hoa có khắc chữ ở ba mặt thân tháp tầng 1. Mỗi mặt dài 1,15m, cao 1,17m, gồm:

1) Tâm Hoa tháp, khắc năm Giáp Dần, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ nhất 1735, đời vua Lê Ý Tông. Đệ tử là Tính Cơ vâng mệnh thi hành (viết chữ)

2) Tâm Hoa tháp, khắc ngày lành tháng 3 năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), đời vua Lê Ý Tông. Pháp tử Sa di là Tính Cận vâng mệnh viết chữ.

3) Tâm Hoa tháp, khắc năm Giáp Dần, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ nhất 1735, đời vua Lê Ý Tông. Đệ tử là Tính Cơ vâng mệnh thi hành (viết chữ). Bài minh trên chuông chùa Ninh Phúc (Ninh Phúc tự chung); ngày tốt tháng 10 năm thứ 14 niên hiệu Gia Long (1815). 

Ở đầu Hành lang phía Đông chùa có tấm bia cao 1,85m, rộng 0,82m, dầy 0,15m, một mặt bằng đá hoa cương ghi bằng hai thứ tiếng. Nửa trên là tiếng Đức, Nửa dưới là tiếng Việt: “…Chính phủ Cộng hoà liên bang Đức đã giúp đỡ kỹ thuật và tài chính cho việc tu bổ, phục hồi Gác chuông, Tiền đường, Thiêu hương - Thượng điện, Toà Cửu phẩm, 56 pho tượng và hai Hành lang trong các năm 1991-1993.

Để ghi nhớ cử chỉ cao đẹp đó, tấm bia này được dựng nhân chuyến đi thăm của ngài Tiến sĩ Klaus Kinkel-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng
hoà liên bang Đức vào ngày 04.04.1993”

2. Hình thức, trang trí, bố cục văn bia

2.1. Hình thức văn bia

Khảo sát các văn bia nói trên (trừ bài minh trên chuông) thấy các văn bia chủ yếu được chia làm ba dạng.

1) Đế bia là tượng rùa (còn gọi là rùa đội văn bia)

Các văn bia này thường rất lớn, đồ sộ về kích thước và hình thức, như bia Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi ký (Sắc lệnh dựng chùa Ninh Phúc), Ninh Phúc thiền tự Tam bảo tế tự điền bi (Bia ghi chép ruộng thờ Tam bảo chùa Ninh Phúc), Bài ký trên bia ghi việc cúng ruộng Tam bảo ở chùa Ninh Phúc, Hiến Thuỵ am Báo Nghiêm tháp bi minh. Hai tấm bia hai mặt này đều có đế bia là tượng rùa thân dài 2,5m, rộng 1,20m, dầy 0,26m loại rùa thân ngắn, mai gộp rùa có đường gờ cao, đầu mập, cổ rụt.

Các văn bia này đều được tạc bằng đá núi Nhồi thuộc làng Nhồi, tên chữ là núi An Hoạch, xưa còn gọi là núi Khế hay Nhuệ Sơn, nay thuộc địa phận phường An Hoạch và các xã Đông Hưng, Đông Tân, thành phố Thanh Hóa tỉnh Thanh Hoá (là quê hương bà Trịnh Thị Ngọc Trúc con gái chúa Trịnh Tráng). Mặt đá tương đối nhẵn, tiếng khi gõ vào vang hơn và bia bền hơn rất nhiều so với các loại đá địa phương khác.
 
2) Văn bia thường

Văn bia thông thường được tạo tác trên phiến đá, không có ngàm gắn vào bệ ở dưới như văn bia ở am Tích Thiện, kích thước tương đối nhỏ, hình chữ nhật, không có trán cong.

Bia đá hoa cương dựng ở Hành lang phía Đông ghi nhận sự việc Cộng hoà liên bang Đức giúp trùng tu một số hạng mục công trình trong chùa từ 1991-1993. Bia không có chạm trổ trang trí.

3) Một số loại hình khác

- Văn bia trên tháp

Gồm các bia trên các tháp Tôn Đức, Tâm Hoa, Ni Châu đều được tạo tác khá tinh tế, bên hông tháp đều khắc nội dung văn bia có liên quan tới những người được dựng tháp. Thường ở tầng 1 mỗi tháp có ba mặt được chạm khắc văn bia. Tháp có tầng 1 kích thước lớn thì khắc được nhiều văn bia.

- Bia khối hộp

Bia khối hộp gọi tắt là bia hộp, là một hình thức văn bia đặc trưng của thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) được dựng ở đình, chùa. Loại bia này có lợi thế sử dụng 4 mặt, và bốn hướng diễn đạt, đỉnh thường là một khối 4 mái mui luyện. Nhiều bia tạo dáng mái mui luyện hoặc mái cong kiểu góc đao của ngôi đình chùa. Các bia khối hộp cuối thời Lê - Trịnh, đầu thời Nguyễn, ở bốn bờ guột, tạo vân mây như một bờ đao có độ cong mềm mại như ở mái đình làng.

Bia Khánh lưu bi ký được đặt trong Phủ Thờ (nhà thờ Hậu) được tạo hình bốn mặt, trên có mái mui luyện (cao 0,55m) nhằm làm giảm bớt tác động của mưa gió đối với văn bia, tính bền vững được tăng lên.

Trong hệ thống văn bia của chùa Bút Tháp hiện nay, độc đáo nhất và có giá trị nhất về mặt loại hình bia ký phải kể đến bia Phụng Lệnh Chỉ. Đây không chỉ đơn thuần là một tấm bia ghi khắc nội dung mà còn cho ta thấy dạng thức của một Lệnh chỉ được sử dụng trong quá khứ, cách sắp đặt vị trí của một văn bản. Bia dài như hình hốt, trán bia khắc hình lưỡng long chầu nhật, dưới là cánh sen, chủ đạo của bia là ba chữ Phụng - Lệnh - Chỉ lớn được bài trí to nhất, viết theo lối chữ Hoa, đặc trưng thời Hậu Lê.

Đây là một tấm bia mang Lệnh chỉ gần như duy nhất ở Việt Nam hiện được lưu giữ tại đây.

2.2. Trang trí và bố cục văn bia

Trong các hoa văn hoạ tiết trên bia của chùa Bút Tháp chủ yếu xuất hiện các đề tài tứ linh, đao lửa, hoa dây. Luận văn chia làm hai hệ thống, đó là hệ thống hoa văn họa tiết mang tính thiêng và hệ thống hoa văn mang tính trang trí.

1) Loại đề tài linh thiêng

- Hoa văn hình rồng

Rồng là một loại hình tương đối phổ biến trong văn hoá Việt Nam cũng như trong các nước phương Đông. Dưới thời đại Lý - Trần thì hình tượng rồng có thể xem như là một hình tượng được mang tính định chế nặng nề và nghiêm ngặt, buộc người thợ phải tuân thủ triệt để ở nhiều nơi. Tới thời Lê sơ thì đã có những bước chuyển biến lớn lao nhưng vẫn giữ lại một số đặc trưng đó là mào lửa của bộ phận đầu rồng.

So với các hoa văn rồng khác thì hoa văn rồng thời Hậu Lê không chỉ là một hình thức trang trí mà nó trở thành một con vật dữ tợn, oai nghiêm và đầy quyền thế. [Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu phong kiến, Nxb Mỹ thuật, tr.128]

- Hoa văn hình Kỳ Lân

Kỳ Lân là vật đứng hàng thứ ba trong bộ Tứ linh. Kỳ Lân là tên bao hàm cả dương tính và âm tính, Kỳ là giống đực còn Lân là giống cái. Kỳ Lân có một hoặc hai sừng nhưng mềm chứ không cứng, thân có nhiều vẩy và có nhiều tia lửa bay ra từ vai và khuỷu chân. Kỳ Lân còn là biểu tượng của Thánh nhân, báo hiệu điềm tốt lành. Hình Kỳ Lân không chỉ xuất hiện trên bia mà còn xuất hiện ở trên nhiều hoa văn hoạ tiết đồ án tại chùa Bút Tháp.

Dưới thời Hậu Lê quy chế Bổ tử được sử dụng, Kỳ Lân trở thành hình trang trí trên áo của các quan. Hình Kỳ Lân tương đối ít thấy ở các thời kỳ trước, đặc biệt như thời Lê Sơ chỉ thấy hình Kỳ Lân trên đồ án trang trí chứ trên kiến trúc gỗ đá thì hầu như không gặp.

- Đồ án hoa văn

Đồ án hoa văn được trang trí tại chùa Bút Tháp có thể kể đến nhiều nhất ở trên hàng lan can đá của Thượng điện với hàng loạt các loại hình đồ án như hươu, ngựa, Lưỡng long tranh châu, Lưỡng long phún thuỷ, cá vượt vũ môn… Điểm đặc biệt của hệ thống văn bia chùa Bút Tháp còn kể đến hệ thống diềm hoa sen luôn được đặt dưới trán bia như trên bia Hiến Thuỵ am Báo Nghiêm tháp bi minh hay bia Phụng lệnh chỉ cũng có đặc trưng như vậy. Trên văn bia này còn một hoạ tiết trang trí nổi bật khác đó là sư tử hí cầu, khỉ và dê ở hai bên, cả hai cùng tạo thành một cặp đối xứng bộ ba gồm sư tử, khỉ, dê ở một bên, người thợ đã tài tình biến toàn bộ một không gian nhỏ chưa quá 11cm trở thành một không gian bài trí được toàn bộ hình thái của những linh thú này, vừa nhẹ nhàng vừa tinh tế lại còn có biểu hiện được những đặc trưng của văn bia. Có thể xem như những tác phẩm này là hiếm có của hệ thống văn bia tại đây.

2.3. Bố cục

Hệ thống bia chùa Bút Tháp có loại hai mặt, có loại một mặt và có loại bốn mặt có bố cục khá chặt chẽ. Các bia tấm lớn thường là các tảng đá nguyên khối, có trán bia cong và diềm bia rộng trang trí hoa văn, chữ kín hai mặt. Bia khắc chữ Hán, theo kiểu chữ Khải, dạng chân phương dễ đọc. Không có chứ huý.

Các bia hộp hình vuông thì trán và diềm bia nhỏ trang trí hoa văn đơn giản và có mái che. Bốn mặt khắc chữ Hán có kích thước chữ nhỏ hơn so với chữ trên bia tấm ở chùa.

Văn bia khắc ở tầng 1 các tháp Tôn Đức, Tâm Hoa và Ni Châu đều hình chữ nhật, không có trán và diềm bia. Do hạn chế về kích thước nên ở tháp Tâm Hoa và tháp Ni Châu chữ khắc nhỏ.

Tỷ khiêu Thích Thanh Sơn
Trụ trì chùa Bút Tháp
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2017

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chiêm ngưỡng ngôi chùa dát vàng óng ánh nổi giữa lòng hồ ở thành phố di sản

Chùa Việt 19:45 21/01/2025

Chùa Bát Long nằm giữa lòng hồ cá voi ở thành phố di sản Hoa Lư, xung quanh bốn bề sóng nước mênh mông, trở nên lộng lẫy khi được dát vàng óng ánh.

Thăm chùa Phố Cũ ở "phố mới" Cao Bằng

Chùa Việt 09:54 21/01/2025

Chùa Phố Cũ đã trở thành nơi giao thoa giữa giá trị truyền thống và hơi thở hiện đại. Chùa Phố Cũ ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử, mà còn là chốn an yên, giúp lan tỏa hương từ bi giữa lòng phố thị.

Chùa Đại Ân, nơi cưu mang tu nghiệp sinh Việt Nam trên đất Nhật Bản

Chùa Việt 14:20 17/01/2025

Chuyện cảm động về Chùa Đại Ân Tochigi tại thành phố Tochigi, phía đông Nhật Bản và tình thương đùm bọc lá lành đùm lá rách trên xứ người.

Về An Giang xem loài dơi quý hiếm sống trong ngôi chùa cổ hơn 200 năm tuổi

Chùa Việt 15:31 10/01/2025

Tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, có một ngôi chùa cổ nổi tiếng được biết đến với tên gọi chùa Dơi, nơi cư ngụ của một quần thể dơi quạ.

Xem thêm