Hiến tạng cứu người, công đức vô lượng!
Trong dân gian có so sánh như vậy: “Cứu một mạng người, còn hơn xây bảy tòa tháp”.
Cách đây 7 tháng, ngày 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã khẳng định: Hiến tạng là kết tinh của nghĩa cử tương thân tương ái.
Theo Thủ tướng, đoàn kết tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ gìn giữ, vun đắp phát huy từ ngàn đời nay. “Tôi kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt tuổi tác, giới tính, vùng miền... đăng ký hiến tạng, trên tinh thần gieo mầm sự sống, tiếp nối hy vọng. Đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, cho đi sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Thủ tướng phát biểu. Đặc biệt, tại chương trình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não, cùng lan tỏa nghĩa cử cao đẹp.
Bốn tháng trước, một bệnh nhân chết não ở Hà Nội hiến tạng cứu nhiều người. Đó là Nguyễn Đức T. (32 tuổi). Đêm 22/8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một ca bệnh trong tình trạng nguy kịch được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Chàng trai Hà Nội tử vong sau tai nạn giao thông nghiêm trọng này, nhưng đã cứu được 5 người.
Một quyết định khó khăn của cả gia đình T., đó là đồng ý hiến tạng của con để cứu người. Trong nỗi đau mất con mất cháu đột ngột ấy, gia đình Nguyễn Đức T. đã làm một việc ý nghĩa, đó là đem lại sự sống cho những người khác. Việc hồi sinh của một người, không chỉ mỗi người đó mà còn là gia đình, người thân của họ. Trong trường hợp này, T. và gia đình T. có thể còn hồi sinh những tâm hồn héo quắt của nhiều người vì mất niềm tin vào sự tử tế, sẻ chia giữa người với người. Đâu đó, còn đánh thức lương tâm, khích lệ tinh thần cho đi để còn mãi, để sống tiếp trong một cuộc đời khác của nhiều người.
Tôi nhớ, có lần nghe NSND Minh Vương chia sẻ trong nước mắt rằng, may mắn lớn nhất đời ông là được một người thanh niên hiến tặng mình quả thận. Đó là thời điểm 2011, khi biết tin bị suy thận, ông phải chạy tuần ba lần để duy trì sự sống. Đón nhận món quà giúp mình cải tử hoàn sinh, Minh Vương xem đó là cơ hội mà trời ban, giúp ông được sống cuộc đời lần 2.
Người nghệ sĩ hiền lành nổi danh với bộ môn ca cổ đã ngậm ngùi kể: “Trên bàn phẫu thuật, các bác sĩ nói: Kể từ bây giờ anh là Minh Vương thứ hai. Lúc rời viện về nhà, tôi đùa với vợ hay là tôi đổi tên thành ‘Minh Vương Hai’. Sự thật, từ khi nhận quả thận hiến tặng, tôi sống một cuộc đời khác”.
Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn như Minh Vương. Nhiều người không tìm được người hiến tặng hoặc không kịp chờ được nhận món quà sự sống nên đã vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống.
Truyền thống ngàn đời của dân tộc là sẻ chia, “lá lành đùm lá rách”. Sự cho đi, ngoài vật chất còn là sức lực giúp đỡ người yếu thế, lời nói sáng suốt giúp người thấy rõ hướng đi, vượt qua khổ đau tinh thần… Ngày nay, khi y khoa phát triển, hiến máu, tiểu cầu, hiến tạng là những sự phát tâm mà mỗi người trong khả năng sức khỏe có thể thực hiện, để cứu người.
Từ thời sinh viên đến nay một người bạn thân của tôi luôn duy trì hiến máu, mỗi năm 3-4 lần, mỗi lần 350ml máu vì hiểu rõ, việc làm này không ảnh hưởng sức khỏe, ngược lại còn cứu được người. Và ngày 19/6/2020, bạn tôi cũng quyết định hiến tạng sau khi chết.
“Với quyết định này, trước đó, tôi nói với má mình rằng, “sau khi chết nếu bộ phận nào của con mà có thể dùng cứu người được, con muốn hiến tặng”. Má tôi im lặng vài giây và đồng ý. Tôi nói với má, “do thân thể này có được là con mượn vay từ ba má, không còn ba, con nói với má để má hoan hỷ cho con được phép hiến tặng”. Bà cúp máy, sau đó má tôi kể đã khóc, vì xúc động”, bạn kể về quyết định của mình.
Chuyện sinh ly tử biệt khó tránh, luôn chạm vào cảm xúc yếu đuối của con người và vì cuộc sống vô thường nên ta không biết mình sẽ mất khi nào. Chuẩn bị hậu sự đẹp và tích cực cho mình, tôi nghĩ đó là việc cần thiết, văn minh. Đó không phải là ủy mị mà ngược lại, khá lạc quan, để khi cái chết đến dù đột ngột, người thân của mình vẫn có thể xử trí tích cực nhất.
Trong dân gian có so sánh như vậy: “Cứu một mạng người, còn hơn xây bảy tòa tháp”. Theo đó, trong tín ngưỡng Phật giáo, xây chùa, lập tháp công đức lớn nhưng việc cứu người còn lớn bội phần hơn. Đây là nét nhân văn đề cao sự sống, đó mới chính là điều hướng tới của tính thiện, lòng từ, tạo lập công đức của bất kỳ ai. Tất cả, đầu tiên, trên hết phải là cứu người, giúp đời bớt khổ.
Tôi nghĩ, có lẽ ai cũng sẽ rất vui khi biết, trải qua 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên đến nay, ngành y tế nước ta đã thực hiện trên 8.000 ca ghép tạng, làm chủ các công nghệ ghép tạng ngang tầm các nước phát triển trên thế giới. Trong hai năm gần đây (2022 và 2023), Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực ghép tạng. Với hơn 1.000 ca ghép mỗi năm bao gồm ghép thận, gan, tim, phổi..., đưa Việt Nam thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Như vậy, vấn đề ở đây không phải là công nghệ mà là ở nguồn tạng. Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện nay Việt Nam chỉ có hơn 86.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086% dân số. Tỷ lệ này còn rất thấp so với các nước trên thế giới. Một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc có tỷ lệ tạng hiến từ người chết/chết não rất cao, 40-80%.
Lý do người Việt chưa đăng ký hiến tạng nhiều có thể do tuyên truyền chưa sâu rộng để nắm đủ thông tin. Hoặc, việc hiến tạng còn mới mẽ so với hiến máu, hiến tiểu cầu, và cần thêm một chút thời gian để người dân có thể hiểu hơn, chấp nhận và đi đến quyết định đăng ký hiến tặng.
Tôi nghĩ, ai đi đến quyết định hiến tạng cũng đều nghĩ như bạn tôi, thấy rõ lợi ích của trao tặng sự sống cho người khác. Với cái thân giả tạm, tùy duyên biểu hiện hợp và tan này, khi ta không thể tiếp tục sống mà những phần khác trên cơ thể vẫn có giá trị cứu người thì cho đi chính là sự hiến tặng cuối cùng, một sự tưởng thưởng cho chính mình cần được quyết định dũng mãnh trong khi bản thân vẫn còn khỏe mạnh. Ý nghĩa của quyết định ấy chính là cam kết hạnh phúc mỗi ngày do mình lập ra bằng cách trao tặng sự sống cho người khác mà ta biết rõ sẽ được thực hiện một cách tùy duyên khi bản thân rời cõi tạm này.
Anh Lê Trường An là Thạc sĩ Giáo dục, giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM, nghiên cứu sinh Đại học Kỹ thuật Suranaree (Thái Lan). Trước khi làm giảng viên Đại học, anh từng có thời gian dạy bộ môn kỹ năng sống ở trường trung học.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hiến tạng cứu người, công đức vô lượng!
Góc quán niệm 07:07 12/12/2024Trong dân gian có so sánh như vậy: “Cứu một mạng người, còn hơn xây bảy tòa tháp”.
Câu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông: Vì người ở lại…
Góc quán niệm 12:00 10/12/2024Dù đã 12 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc va chạm giao thông vào ngày 11/11/2022 tôi vẫn rùng mình…
Suy ngẫm về sự ra đi của nữ văn sĩ Quỳnh Dao
Góc quán niệm 09:27 07/12/2024Suy cho cùng thì cái chết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao cũng là sự lựa chọn của bà ấy.
Xem thêm