Hiểu đúng chữ 'khổ' trong Phật giáo
Đức Phật là vị lương y, khi thấy căn bệnh khổ của chúng sanh, chỉ có một tâm nguyện duy nhất là tìm ra nguyên nhân và phương thuốc để điều trị căn bệnh ấy hầu giúp họ thoát khỏi những cơn đau đớn quằn quại của bệnh khổ.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật
Nhiều người khi đề cập đến Phật giáo thường gán cho hai chữ bi quan, yếm thế. Theo quan niệm của họ, Phật giáo chỉ dành riêng cho những người già cả, không thích hợp với tuổi trẻ là tuổi hăng say hoạt động: đạo Phật chỉ là một triết thuyết bi quan; những người theo đạo Phật là những kẻ chán đời, chỉ biết than vãn, tìm lãng quên sự thế qua câu kinh tiếng kệ; qua nhãn quan Phật giáo đâu đâu cũng thấy toàn cảnh khổ. Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, mong muốn không được là khổ, trái ý nghịch lòng là khổ. Họ lý luận rằng, nếu đầu óc luôn luôn chứa đựng ý niệm khổ, thì con người sinh ra chán nản, tiêu cực và lười biếng...
Trước khi nhận định lại những thành kiến hẹp hòi và có tính cách phiến diện trên, chúng ta thử tìm hiểu xem thế nào là bi quan? Thế nào là lạc quan?
Chúng ta đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu rõ các danh từ có tính trừu tượng này.
Một bệnh nhân đang quằn quại, đau đớn trên giường bệnh. Thân nhân mời các vị thầy thuốc đến chữa trị.
- Vị thầy thuốc thứ nhất nhìn con bệnh rồi lắc đầu:
"Bệnh quá hiểm nghèo chắc không qua khỏi, chữa chạy cũng vô ích".
- Vị thầy thuốc thứ hai nhìn con bệnh kết luận:
"Ồ không can gì, bệnh quá nhẹ, không cần thuốc vẫn khỏi".
- Vị thầy thuốc thứ ba cầm lấy tay bệnh nhân chẩn mạch, tìm hiểu bệnh nhân đã lâm bệnh trong trường hợp nào, bệnh tình ra sao, nguyên nhân của căn bệnh và diễn tiến của bệnh trạng, rồi kê đơn cho thuốc.
- Vị thứ nhất quá bi quan, vị thứ hai quá lạc quan và vị thứ ba phán đoán theo thực trạng của bệnh nhân, không bi quan cũng không lạc quan.
Đức Phật là vị lương y, khi thấy căn bệnh khổ của chúng sanh, chỉ có một tâm nguyện duy nhất là tìm ra nguyên nhân và phương thuốc để điều trị căn bệnh ấy hầu giúp họ thoát khỏi những cơn đau đớn quằn quại của bệnh khổ. Đó không phải là thái độ bi quan, mà dám đối diện với sự thật để tìm cách cứu chữa.
Thật ra chữ khổ trong đạo Phật không chỉ có nghĩa là đớn đau rên siết. Khổ tuy được dịch từ thuật ngữ Pāli dukkha, chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế, nhưng ít khi được hiểu một cách đầy đủ chính xác. Vì dịch dukkha là khổ cho nên nhiều người cho rằng Phật giáo chủ trương đời chỉ là bể khổ. Lối phiên dịch và giải thích này rất sai lạc, đã gây ra ngộ nhận Phật giáo là bi quan yếm thế.
Thực ra, khổ chỉ là một trong nhiều nghĩa của dukkha, như bất toàn, hư dối, giả tạo, bất an, tạm bợ, trống rỗng, vô nghĩa, bất toại, không đáng tầm cầu, không nên bám víu, không nên tin cậy. Rất khó tìm ra một chữ thích hợp để dịch trọn nghĩa từ dukkha. Khi nói đến dukkha Đức Phật không phủ nhận có hạnh phúc trong cuộc sống này. Ngài công nhận có nhiều loại hạnh phúc tinh thần và vật chất như hạnh phúc của thỏa mãn giác quan, hạnh phúc của đời sống gia đình thuận hoà hiếu thảo, hạnh phúc của sự thành đạt, hạnh phúc của lòng từ thiện vị tha v.v. và cao hơn nữa là hạnh phúc của đời sống độc cư thiền tịnh, hạnh phúc của sự thoát khỏi ràng buộc, hạnh phúc của đời sống nhẹ nhàng thanh thản, an nhiên tự tại v.v. Ngay cả những hạnh phúc trên cõi trời Dục giới, những cảnh thiền hữu sắc, vô sắc với tâm an lạc, thuần tịnh cũng không nằm ngoài dukkha. Bởi vì chúng đều là đối tượng của sự đổi thay, bất toàn, tạm bợ... không nên tầm cầu, không nên bám víu... Nghĩa là tất cả hạnh phúc nào thuộc về thế gian đều nằm trong dukkha. Như vậy, dukkha không chỉ có khổ mà còn bao hàm cả lạc và hỷ trong tam giới.
Đứng trước bệnh khổ ấy của nhân loại, chúng sinh, Đức Phật đã quán chiếu với trí tuệ để thấy ra nguyên nhân của bệnh khổ và tìm phương giúp chúng sinh thoát khỏi căn bệnh mãn tính đã đeo đẳng họ từ vô lượng kiếp. Đó chính là chân lý Tứ Diệu Đế mà Đức Phật đã giác ngộ dưới cội Bồ-đề trong đêm thành đạo.
Sau khi chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, tức là thấu triệt chân tánh của vạn pháp, Ngài đã cùng hàng Thanh Văn đệ tử tích cực đem chân lý ấy giáo hóa cho đời, đem lại an lạc cho nhiều người. Tùy căn cơ trình độ của mỗi người, Ngài chỉ dạy những cách hành đạo riêng, nhưng chung quy vẫn đưa đến một mục tiêu duy nhất là thoát khỏi khổ đau. Ngài luôn chỉ cho mọi người thấy rằng: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ và đây là con đường diệt khổ.
Chúng ta có thể nói tám muôn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật chỉ nhằm mục tiêu "thoát khỏi vô minh ái dục, phiền não khổ đau". Bệnh khổ của chúng sinh không sao kể xiết, nhưng cái khổ trọng đại nhất của chúng sinh là còn trầm luân trong vòng sanh tử.
Có thân tất phải có khổ. Nhưng thật ra cái khổ của thân không đáng kể, chính vì chấp rằng thân này của ta, hay nói một cách khác là ngã chấp, mới đem lại khổ đau thật sự. Nói đến ngã chấp chúng ta phải nói đến nguyên nhân sâu xa của nó là vô minh hay cụ thể là tà kiến. Khi tâm còn tối mê, không sáng suốt thì vẫn còn tạo nghiệp bất thiện, và phải tái sanh để chịu quả. Bậc Thánh nhân không sợ quả mà chỉ sợ nhân, diệt được gốc rễ của nhân phiền não, thì diệt được khổ. Diệt khổ là diệt ngay cái nhân khiến cho những bất thiện pháp dấy khởi. Khi bất thiện pháp không còn đủ sức khuấy động, khi đã diệt trừ được nguồn gốc sinh khổ, lúc ấy chắc chắn sẽ được thoát khỏi khổ đau.
Phương pháp diệt khổ của đạo Phật có rất nhiều nhưng tựu trung có thể tóm tắt vào ba điểm chính yếu sau đây:
- Ngăn ngừa những bất thiện pháp biểu hiện qua thân khẩu bên ngoài.
- Chế ngự những bất thiện pháp khởi động trong tâm.
- Diệt trừ phiền não ngủ ngầm sâu kín trong vô thức mà chính yếu là vô minh, vì vô minh là đầu mối mọi khổ đau của chúng sinh.
Muốn ngăn ngừa ác pháp không cho điều động thân khẩu chúng ta cần phải giữ giới. Muốn chế ngự những bất thiện pháp làm khuấy động tâm chúng ta cần tu tập thiền định. Muốn diệt tận phiền não ngủ ngầm nhất là vô minh chúng ta cần phải thực hành thiền tuệ vipassanā.
Tóm lại, khổ mà Đức Phật đề cập trong khổ đế là cái khổ do vô minh ái dục tạo ra, nên muốn hết khổ thì phải diệt tận vô minh ái dục. Phương pháp hữu hiệu nhất để diệt trừ vô minh ái dục là thực hành Bát Chánh Đạo. Như vậy, Đạo Phật không những đã tìm ra nguyên nhân căn bệnh của chúng sanh mà còn có cả một kho tàng linh phương, diệu dược để chữa trị bệnh khổ cho chúng sanh. Đó là thái độ sáng suốt, trầm tĩnh, tích cực, vị tha, dám đối diện với sự thật để giải quyết tận gốc, chứ không bi quan yếm thế hay giả vờ lạc quan để tự đánh lừa mình.
Trích từ tác phẩm "Con đường hạnh phúc"
Tác giả: Viên Minh
Đồng tác giả: Trần Minh Tài
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm