Chủ nhật, 23/07/2023, 10:42 AM

Hình tượng hoa sen trích từ kinh điển Phật giáo

Liên hoa (Padma), có tên khoa học là Nelumbo nucifera. Hoa sen là loại thực vật thuộc túc căn thảo (nảy mầm từ củ của năm trước) mọc ở các đầm lầy hoặc ao hồ, toả hương thơm nhẹ nhàng, thường bung nở vào mùa hạ, màu sắc rất đẹp đẽ tao nhã.

Dù sinh ra và lớn lên trong bùn nhơ nhưng hoa cực kỳ thanh khiết. Từ đời xưa, người Ấn Độ đã rất quý loại hoa này.

8-1024x966

Đặc tính của hoa sen trong Phật giáo 

Căn cứ theo Sử thi Ma ha bà la đa (Phạn: Mahābhārata) của Ấn Độ, khi trời đất mới mở, thì ngay rốn của Tì Thấp Nô (Phạn: Viṣṇu) mọc lên một hoa sen, giữa hoa có vị Phạm thiên ngồi kiết già và sáng tạo ra muôn vật. Hoặc có thuyết cho rằng hoa sen là một trong bảy thứ báu của trời Đa văn (Phạn: Kubera).

Căn cứ theo Nhiếp đại thừa luận thích quyển 15 (bản dịch đời Lương) chép rằng: Hoa sen bao gồm bốn đặc tính (thơm dịu, tinh khiết, mềm mại, đẹp đẽ), được dùng để ví với bốn đức (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh) của pháp giới chân như.

Trong Mật giáo, hoa sen được dụ cho trái tim (nhục đoàn tâm) của con người, để biểu thị ý nghĩa chúng sinh vốn có tâm trong sạch như hoa sen, tức là tịnh Bồ đề tâm (Kinh Trung A Hàm quyển 23).

Tại Ấn Độ có nhiều loại hoa sen, nhưng trong kinh điển Phật giáo thường đề cập đến năm loại. Đó là hoa sen trắng (s, p: puṇḍarīka, âm dịch là Phân Đà Lợi Ca, bạch liên), hoa sen xanh (s: utpala, p: uppala, âm dịch là Ưu Bát La, thanh liên), hoa sen hồng (s: padma, p: paduma, âm dịch là Bát Đầu Ma, hồng liên), hoa sen vàng (s, p: kumuda, âm dịch là Câu Vật Đầu, hoàng liên), và loại hoa sen xanh khác (s, p: nīlotpala).

Một trong những kinh điển tiêu biểu của Đại thừa nói về hoa sen là Diệu pháp liên hoa Kinh (s: Saddharma- puṇḍarīka), ví diệu pháp của Phật như hoa sen trắng lớn. Thế giới của Kinh Pháp Hoa là Liên Hoa Tạng Thế Giới hay còn gọi là Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải (s: Kusumatalagarbha-vyūhālaṃkāra-lokadhātu-samudra). Cổ Côn Pháp Sư nhà Thanh có câu thơ rằng: “Nhất thanh Phật hiệu vi vi tụng, thất bảo Liên Hoa đại đại khai” (một tiếng niệm Phật thầm thì tụng, hoa sen bảy báu dần dà nở). Hay như tại Cửu Phong Thiền Tự ở Vĩnh Gia, tỉnh Chiết Giang có câu đối chỉ cho cõi Tịnh độ như sau: “Hoàng kim địa thượng bảo thụ trùng trùng tận thị tu hành giả chủng, bạch ngọc trì trung Liên Hoa đóa đóa vô phi niệm Phật nhân tài” (trên đất vàng ròng cây báu hàng hàng thảy do người tu hành trồng, trong hồ ngọc trắng hoa sen đóa đóa đều là người niệm Phật gieo).

Theo Luận Đại trí độ quyển 8, sở dĩ hình tượng Đức Phật và Bồ tát không ngồi trên giường mà ngồi trên hoa sen vì những lí do sau đây:

1. Vì giường là chỗ ngồi của người thế tục.

2. Phật và Bồ tát muốn thị hiện thần lực, ngồi trên hoa sen mềm mại thơm sạch mà không tổn hại đến hoa.

3. Vì trang nghiêm tòa diệu pháp.

4. Các hoa khác đều nhỏ, riêng hoa sen to lớn, có hương thơm thanh khiết.

Kinh Niết bàn (quyển 18, bản Bắc) nói Đức Phật là “Đấng trượng phu trong loài người, là hoa sen trong loài người, là hoa Phân đà lợi”. Phân đà lợi hoa tiếng Phạn là puṇḍarīka, Hán dịch là Bạch liên hoa. Hoa sen trắng trong loài người. Vì hoa sen trắng thanh khiết không chút bợn nhơ, quý hiếm nên được dùng làm đức hiệu của Phật.

Căn cứ theo kinh Trừ cái chướng Bồ tát sở vấn quyển 9, hoa sen sinh ra từ bùn nhơ, nhưng không nhiễm mùi bùn mà lại có hương thơm vi diệu lan tỏa, làm cho người nhìn thấy đều sinh tâm vui mừng, nên dùng để ví dụ cho mười thiện pháp tu hành của Bồ tát. Đó là:

1. Lìa tất cả ô nhiễm: Bồ tát tu hành, thường dùng trí tuệ quán xét các cảnh, chẳng sinh tâm tham đắm, tuy ở trong dòng sinh tử vẩn đục mà không bị nhiễm ô, ví như hoa sen mọc trong bùn nhơ mà chẳng dính bùn.

2. Không chung đụng với những pháp xấu ác: Bồ tát tu hành diệt ác sinh thiện, giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, không cùng chung với bất cứ điều xấu ác nào, ví như hoa sen chẳng hề dính một giọt nước bùn nhơ.

3. Giới hương đầy đủ: Bồ tát tu hành, kiên trì giới luật, có thể diệt trừ nghiệp ác của thân, khẩu, cũng giống hương thơm có thể đánh tan khí ô uế, ví như hương thơm vi diệu của hoa sen lan tỏa, khắp nơi đều nghe biết.

4. Bản thể trong sạch: Bồ tát tuy sống trong năm cõi trược ác, nhưng nhờ giữ giới, nên thân tâm được thanh tịnh, ví như hoa sen tuy sinh trong bùn nhơ mà thể tính tự nhiên thanh khiết.

5. Nét mặt tươi tắn, vui vẻ: Tâm của Bồ tát thường vui với thiền định, các tướng tròn đầy, khiến cho người thấy sinh tâm hoan hỷ, ví như hoa sen khi nở, ai thấy cũng đẹp lòng.

6. Mềm mại mịn màng: Bồ tát tu hạnh từ thiện, nhưng đối với các pháp cũng không ngưng trệ trở ngại, nên thể tính thường thanh tịnh, nhu hòa, không thô xấu, ví như hoa sen mềm mại, trơn láng.

7. Người thấy đều an lành: Bồ tát thành tựu thiện hạnh, hình tướng trang nghiêm vi diệu, người thấy đều được tốt lành, ví như hoa sen đẹp đẽ, thơm ngát, người thấy hoặc nằm mộng thấy đều được an lành.

8. Hoa nở tròn đủ: Bồ tát tu hành viên mãn, công đức đầy đủ, phúc trí trang nghiêm, ví như hoa sen khi nở bày cả gương và hạt.

9. Thành thục thanh tịnh: Diệu quả của Bồ tát viên mãn thành thục, nên trí tuệ phát sáng, có thể làm cho sáu căn của người thấy nghe đều được thanh tịnh, ví như hoa sen đã nở rộ, nếu mắt thấy màu hoa, mũi ngửi hương hoa, thì các căn khác cũng đều được thanh tịnh.

10. Mới sinh ra đã được nghĩ tưởng đến: Bồ tát mới sinh ra, trời, người đều vui vẻ hộ trì, vì biết chắc Bồ tát có khả năng tu tập thiện hạnh, chứng quả bồ đề, ví như hoa sen khi mới mọc lên, tuy chưa thấy hoa, nhưng mọi người đều nghĩ rằng sẽ có hoa sen.

Hình tượng hoa sen trong Tịnh độ tông

Đặc biệt, hình tượng hoa sen còn đóng vai trò quan trọng trong Tịnh độ tông Phật giáo. Tông Tịnh độ là tông phái nguyện cầu vãng sanh về cõi Tịnh độ Cực lạc của Phật Di Đà. Tông phái tuân theo ý chỉ do hoa sen khai thị, cầu được vãng sanh vào cõi Hoa Sen. Liên tông bảo giám tự (Đại chính tạng 47, 304 thượng ) của ngài Ưu Đàm Phổ Độ chép: “Ngài Tuệ Viễn tổ sư thời Đông Tấn, nhân vì nghe pháp sư Di Thiên giảng Kinh Bát nhã, bỗng nhiên đại ngộ,… rồi ngài tới sống ở núi Lư Sơn, cùng các cao tăng triều sĩ kết duyên tu hành. Ngài nói rằng có rất nhiều Tam muội trong các pháp môn, nhưng công hạnh cao mà dễ tiến thì chỉ có pháp môn niệm Phật là đứng đầu, vì thế mà ngài lập ra Bạch liên xã, chuyên niệm Phật cầu vãng sanh”. Hoa sen tượng trưng cho y Báo của cõi Cực lạc Tịnh độ, vì thế tông Tịnh độ cũng có tên riêng là Liên tông, Liên môn.

Người nào tu hành niệm Phật, vãng sinh vào cõi Tịnh độ của đức Di Đà đều được hoá sinh từ trong hoa sen, giống như trong thai mẹ, nên gọi đó là Liên thai. Theo Liên tông bảo giám, quyển 8 chép: “Được sinh vào cõi Tịnh độ, thì nhập vào bào thai hoa sen này, được hưởng các niềm vui thích”.

Quán thứ 7 trong 16 phép quán thuộc Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là Quán hoa tòa, tức là quán tưởng Phật A Di Đà ngồi trên tòa hoa sen. Lại theo Chín phẩm vãng sanh, người vãng sinh Tịnh độ ngồi trên hoa sen bảy báu, người sắp lâm chung được chư Phật và Bồ tát cầm đài hoa sen đến đón rước. Như thượng phẩm thượng sinh, Bồ tát Quán Thế Âm tay cầm đài kim cang, và Bồ tát Đại Thế Chí đi đến trước mặt người ấy, Phật A Di Đà phóng đại quang minh chiếu khắp thân hành giả, cùng chư Bồ tát đưa tay ra nghênh đón. Đài kim cang ở đây nói, tức là đài hoa sen bằng báu kim cang. Cũng có phân biệt tử kim đài, kim liên hoa, liên hoa đài, thất bảo liên hoa, bảo liên hoa, sinh vào trong hoa sen mà được tiếp dẫn,…

Quán kinh sớ (Đại chính tạng 37, 295 hạ) của ngài Nguyên Chiếu nói: “Nên biết hôm nay tâm nhớ nghĩ đến Phật, quả đức và tướng tốt ắt đã đầy đủ, thai sen nhen nhúm từ tâm ấy, dần tự chứng đắc bồ đề, chứ không do người khác mà được”.

Kinh Quán vô lượng thọ thì ví hành giả niệm Phật như hoa phân đà lợi. Hoa phân đà lợi là hoa sen trắng, loài hoa tôn quý nhất trong các loài hoa; nên người niệm Phật là người đáng quý nhất trong loài người. Theo phần Tán thiện nghĩa trong Quán kinh sớ, Đại sư Thiện Đạo thuộc tông Tịnh độ đời Đường cho rằng: Hoa Phân đà lợi là loại hoa đẹp đẽ, tuyệt vời, ít nở; giống như người niệm Phật là người đẹp, người tốt, là bậc thượng thượng, người ít có và người tuyệt vời nhất trong loài người.

Hoa Phân đà lợi được gọi là Đại bạch liên. Hoa sen trắng lớn này có năm đặc tính:

1. Mùi thơm lan xa.

2. Một khóm một hoa.

3. Hoa và hạt đồng thời.

4. Không nhuốm bùn nhơ.

5. Ong mật ưa thích vây kín.

Phép quán thứ năm trong mười sáu phép quán được nói trong Kinh Quán vô lượng thọ, tức quán tưởng tám ao nước công đức trong cõi Tịnh độ Cực lạc, được tạo thành từ bảy thứ báu, báu ấy nhu nhuyễn, như châu như ý vương, phân làm mười bốn nhánh. Mỗi một nhánh được làm bằng bảy báu diệu sắc, vàng ròng làm kênh, dưới kênh đều có kim cang nhiều màu sắc làm cát dưới đáy. Trong mỗi ao có sáu mươi ức hoa sen bảy báu, mỗi một hoa sen tròn to bằng mười hai do tuần. Nước ma ni chảy rót vào giữa hoa, từ trên xuống dưới. Âm thanh ấy vi diệu lạ kỳ, diễn thuyết pháp âm Ba la mật, khổ, không, vô thường, vô ngã, lại còn tán thán tướng hảo của chư Phật. Như ý châu vương, phóng ra ánh sáng sắc vàng vi diệu, hòa với tiếng chim êm tai nhiều sắc trăm báu, thường khen ngợi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Kinh Quán vô lượng thọ Phật nói: “Xưng niệm danh hiệu Phật, trừ bỏ được tội sinh tử trong tám mươi ức kiếp. Lúc mệnh chung, có thể thấy được hoa sen vàng lớn như mặt trời hiện ở trước mắt người ấy”.

Phần Hoài Tịnh độ thi của quốc sư Trung Phong Minh Bản nhà Minh có câu: “Yếu tương uế độ tam thiên giới, tận chủng Tây Thiên cửu phẩm liên” (nguyện đem chốn bẩn ba nghìn cõi, trồng hết Tây phương chín phẩm sen). Hay trong niệm Phật khởi duyên Di Đà quán kệ trực giải (Vạn Tục Tạng 62, 1195) có đoạn phát nguyện được dùng trong thời khóa công phu hằng ngày tại các tự viện Phật giáo: “Nguyện sinh Tây phương Tịnh độ trung, Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh, Bất Thoái Bồ tát vi bạn lữ” (nguyện sinh về Tây phương Tịnh độ, chín phẩm hoa sen là cha mẹ, hoa nở thấy Phật đắc vô sinh, Bồ tát bất thoái là bạn đạo.

Lại hoa sen bên Tịnh độ Cực lạc là i vào sự thành tựu chính giác của đức A Di Đà Như Lai mà có, cho nên gọi là hoa chính giác. Tịnh độ luận chép: “Như Lai Tịnh hoa chúng, Chính giác hoa hoá sinh”. Chỉ cho hoa sen, tức dùng hoa sen để thí dụ chính giác của Phật. Sự chính giác của Phật đã thoát ly các phiền não tạp nhiễm, quả trí sáng láng, cũng như hoa sen đã nhô lên khỏi bùn nhơ, trong sạch mầu nhiệm, vì thế được dùng làm thí dụ. Lại hoa sen ở cõi Tịnh độ Cực lạc cũng gọi là hoa Chính giác.

Thuật lại câu chuyện của đại sư Khả Cửu (1013-1093) có liên quan đến hình ảnh hoa sen trong quá trình tu hành như sau. Ngài là một vị tăng đời Tống, ngài sống ở Minh Châu (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, thành phố Ninh Ba), ngày thường chăm tụng kinh Pháp Hoa, phát nguyện dõng mãnh vãng sanh về Tịnh độ, mọi người gọi ngài là Cửu Pháp Hoa. Vào năm thứ 8 niên hiệu Nguyên Hựu (1093) ngài ngồi mà viên tịch. Qua ba ngày sau, ngài bỗng nhiên tỉnh lại và bảo với mọi người rằng: “Ta đi về Tịnh độ, thấy nhiều cảnh thù thắng, đúng như trong kinh đã dạy. Ở trong đó người tu tập tịnh nghiệp, trên đài hoa sen đều viết rõ tên. Như tận mắt ta đã thấy trên đài vàng, một người là Huân Công ở viện Quảng Giáo tại Thành Đô, một người là Tôn Thập Nhị Lang ở Minh Châu, một là Khả Cửu. Người có tên trên đài bạc, chẳng hạn như Từ Đạo Cô ở Minh Châu”. Nói xong, ngài lại viên tịch. Năm năm sau đó, Từ Đạo Cô mất, hương lạ phảng phất đầy nhà; Mười hai năm sau, Tôn Thập Nhị Lang mất, nhạc trời vang khắp hư không, nên ai đấy đều thấu hiểu lời nói của ngài Khả Cửu quả thật đã linh nghiệm.

Từ đó có thể biết, Đức Phật và chư vị Bồ tát được ví như hoa sen, người tu hành cũng tương tự như thế. Không chỉ riêng những người tu hành Tịnh độ mới là hoa sen trong loài người, mà tất cả những ai có tâm từ bi yêu thương giúp đỡ mọi người, sống không uổng phí với tinh thần phụng sự cho xã hội, cống hiến cho nhân loại chính là “hoa sen giữa đời”. Ngay cả khi không trở thành người thành đạt, người thanh cao hay giàu sang phú quý, chỉ cần chúng ta luôn làm tròn trách nhiệm của những người con hiếu thảo, người cháu kính nhường, người công dân tốt, người yêu nước, người mến mộ đạo Phật,… cũng đều là những đoá hoa thanh khiết nhất giữa cuộc đời. Trong ta luôn lan tỏa hương thơm dịu nhẹ của phẩm đức và nhân cách, luôn dùng tất cả tri thức, trí tuệ và tinh thần để phục vụ nhân sinh, ví như hoa sen đã dâng hiến cho đời từ củ, ngó, tơ, lá, đài, nhuỵ, cánh, hạt và cả hương thơm nữa, chẳng lưu giữ lại gì cho riêng mình. Để cuộc sống trở nên ý nghĩa, đầy màu sắc, thi vị hoá và giá trị hoá, mỗi chúng ta đều nên học theo phẩm đức của hoa sen với tinh thần “dấn thân phụng sự nhưng không bị trần tục hoá”, sống đúng với sứ mệnh thiêng liêng của một người con Phật như câu:

“Phù dung hàm bao, liên hoa tương phù, hà diệp thư triển, thịnh mãn dương quang, nhất hoa nhất diệp kiến Như Lai

Hộ sinh hộ tâm, tâm tịnh độ tịnh, tích phúc tích duyên, tự lợi lợi tha, nhất tâm nhất niệm tế hữu tình”.

(Ngậm nụ phù dung, nương theo sen đóa, lá hoa bung nở, ánh nắng ngập tràn, mỗi hoa mỗi lá thấy Như Lai

Hộ người giữ tính, tâm tịnh cõi tịnh, quý phúc tiếc duyên, tự lợi lợi người, từng tâm từng niệm cứu hữu tình).

*Đại đức Thích Quảng Lâm, Phó giám đốc điều hành – Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo quốc tế.

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa

Tư liệu 19:45 30/11/2024

Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.

Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội

Tư liệu 09:26 30/11/2024

Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.

Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm

Tư liệu 13:15 28/11/2024

Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.

Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà

Tư liệu 16:15 27/11/2024

Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.

Xem thêm