Hoa Lâm, dấu xưa còn đây…
184 năm đã trôi qua kể từ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), danh xưng “Hoa Lâm” đổi thành “Văn Lâm” để xây dựng thành tổng Văn Lâm, rồi xã Văn Lâm. Dẫu qua bao biến cải của đất trời và đổi thay địa giới hành chính nhưng vùng đất Hoa Lâm vẫn vẹn nguyên hình thế, trầm mặc giữa dải đồng bằng hữu ngạn sông La.
“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ?
Nội nói: Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân”.
(Dừa ơi - Thơ Lê Anh Xuân)
Vâng, “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ”, cũng giống như tôi lớn lên đã được nghe ông nội kể cho nghe về xã “Hoa Lâm” - vùng đất cổ xưa của làng tôi.
Tôi cũng hỏi nội tôi “Hoa Lâm có tự bao giờ?”, nội nói “Từ xưa, lúc nội còn rất nhỏ đã nghe các cụ kể chuyện về Hoa Lâm”.
Từ đó câu hỏi “Hoa Lâm có tự bao giờ?” đã neo lại trong tôi và thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời.

Hoa Lâm có tự bao giờ?
Hoa Lâm cái tên thật đẹp và thật ý nghĩa. “Hoa” là sự kết tinh đẹp đẽ và tinh tuý của đất trời, hoa mang đến sự sinh động và tô điểm sắc màu cho cuộc sống, còn “lâm” có nghĩa là rừng, hoa lâm có nghĩa là rừng hoa. Các cụ tiền nhân xưa đặt tên “Hoa Lâm” với mong muốn và kỳ vọng vùng đất này sẽ phát triển đẹp đẽ như một rừng hoa và sản sinh ra những người con tinh hoa - đẹp đẽ, thông minh và tài giỏi.
Theo một tài liệu do ông Nguyễn Trọng Thuyết - một người cao niên trong làng (nguyên Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Hà Tĩnh) sưu tầm được, thì nguồn gốc của danh xưng “Hoa Lâm” được lấy từ tên chùa “Hoa Lâm Ngự”.
Cụ thể là, sau khi Lý Chiêu Hoàng bị ép nhường ngôi cho Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông) vào năm 1225 đã làm cho nhiều người bất mãn, trong đó có các nhà sư (do nhà Lý rất trọng đạo Phật). Tháng Tám năm Nhâm Thìn (1232), khoảng 300 nhà sư tụ họp tại một ngôi chùa có tên “Hoa Lâm Ngự” (vì vua nhà Lý thường về đây lễ Phật - nên có chữ Ngự) tại làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn (vùng huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay), định làm một cuộc khởi nghĩa khôi phục nhà Lý nhưng không thành.
Sợ nhà Trần bắt tội, họ bỏ quê ly tán khắp nơi, trong số đó có một số chạy vào vùng Thanh Hoá và Nghệ Tĩnh. Họ đi chủ yếu bằng đường thuỷ, khi đến bãi Phù Thạch ở bờ Nam sông Lam (nay là xã Đức Vĩnh, Đức Thọ) thì dừng lại. Sau đó họ toả đi khắp huyện Chi La (Đức Thọ), làm đủ thứ nghề để sinh sống.
Khoảng 15 năm sau (1247), họ xây dựng được một số ngôi chùa trên vùng đất Chi La trong đó có Chùa Ngự (Hoa Lâm Ngự Tự) ở xã Hoa Lâm (ngày nay là làng Văn Lâm, xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
Chùa đóng trên một gò đất cao hình tròn, cây cối xanh tốt um tùm như một cù lao ở giữa cánh đồng rộng lớn, phía trước có vũng nước lớn (thường gọi là Vũng Ngự), có con sông nhỏ chảy qua ở phía Đông; địa điểm chùa đóng là trung tâm của vùng đất Hoa Lâm sau này.

Theo tài liệu này thì tên chùa “Hoa Lâm Ngự Tự” ở làng Văn Lâm (Đức Thọ) được đặt theo tên chùa “Hoa Lâm Ngự Tự” ở làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn (vùng huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay) - đặt tên để nhớ cố hương; và danh xưng “Hoa Lâm” cũng có từ ngày đó (khoảng năm 1247).
Theo các tài liệu mà tôi sưu tầm được thì cái tên “Hoa Lâm” đã có từ đầu thế kỷ 16, cụ thể là trong lời Di huấn của cụ Nguyễn Viết Thứ (thế tổ họ Nguyễn Viết) cho con trai trưởng Nguyễn Viết Thăng. Di huấn được viết vào năm Quý Tỵ (1533) - đây là năm đầu tiên của triều đại Nhà Lê trung hưng. Di huấn có đoạn viết: “Thập thế di lai, Hoa Lâm cư định” (nghĩa là 10 đời trở lại đây, định cư tại Hoa Lâm).
Tiếp theo là Gia phả họ Nguyễn Doãn đoạn viết về nguồn gốc của họ có ghi tên địa danh “Hoa Lâm”, cụ thể là: “Họ ta nguyên quán ở Giáp Đoài, thôn Đông Khê, xã Cổ Ngu, huyện La Sơn. Đến khoảng năm 1560, do thời loạn lạc, cụ Nguyễn Doãn Thảo đến ngụ cư tại thôn Hậu, xã Hoa Lâm, cùng tổng”.
Đời Nhà Lê trong các sắc phong cho những người có công với triều đình có quê quán nay là làng Văn Xá và làng Văn Lâm đều ghi “xã Hoa Lâm, huyện La Sơn”.
Cụ thể như sắc phong Phấn lực Tướng quân cho ông Nguyễn Dung (ở Văn Xá), sắc phong Phấn lực Tướng quân cho ông Phan Trấn (ở Văn Lâm) vào năm 1873, đều ghi hai ông quê tại xã Hoa Lâm, huyện La Sơn.
Như vậy “Hoa Lâm” là tên xã. Sách Đức Thọ Đất và Người (trang 63) viết: “Xã Đức Lâm vào đời Lê có tên là Hoa Lâm, gồm có: làng Kẻ Bượm (nay là Văn Xá); làng Kẻ Sim (có thôn Sim Vải chuyên làm nghề trồng bông, dệt vải và thôn Sim Lụa chuyên trồng dâu, nuôi tằm, sau gọi là Văn Lâm); làng Thụy Lâm (sau là Ngọc Lâm) và làng Thượng Ích.
Sách Địa chí huyện Đức Thọ (trang 537) viết: “Xã Đức Lâm đời Lê, là xã Hoa Lâm bao gồm Kẻ Bượm (nay là Văn Xá), Kẻ Sim (thôn Tiền và thôn Hậu sau là Văn Lâm), làng Thuỵ Lâm sau là Ngọc Lâm và làng Thượng Ích”.
Đến đầu Nhà Nguyễn xã Hoa Lâm sáp nhập với các xã: Cổ Ngu (Đông Khê, Thụy Vân, Trung Lễ, Thượng Ích); Thanh Lạng (Đức Thanh); Quang Chiêm (Thái Yên, Đức Thịnh); Tân An (Đức Dũng, Đức An) thành tổng Hoa Lâm.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), tổng Hoa Lâm đổi tên thành tổng Văn Lâm. Lí do tránh tên kỵ (huý) của bà phi tần Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ của vua Thiệu Trị). Cùng thời gian này các địa danh, tên đơn vị hành chính,… có từ “Hoa” đều phải đổi thành tên khác như: huyện Kỳ Hoa thành Kỳ Anh, huyện Hoa Xuyên thành Cẩm Xuyên,…
Sau đó tổng Văn Lâm lại tách ra thành các xã: Văn Lâm (Văn Xá, Tiền Hậu, Ngọc Lâm); Cổ Ngu (Đông Khê, Thụy Vân, Trung Lễ, Thượng Ích); Tân Thanh (Thái Yên, Thanh Lạng); Đồng Quang (Đức Thịnh); Đức Dũng và Đức An.
Năm 1948, xã Văn Lâm sáp nhập với xã Cổ Ngu thành xã Ngu Lâm.
Năm 1954, xã Ngu Lâm tách thành 3 xã: Đức Lâm, Đức Trung, Đức Thủy (giai đoạn này tên các xã của huyện Đức Thọ đều bắt đầu bằng chữ Đức). Xã Đức Lâm thời kỳ này có 3 làng là: Văn Lâm, Ngọc Lâm, Thượng Ích.
Năm 2020, xã Đức Lâm, Đức Trung, Đức Thủy sáp nhập thành xã Lâm Trung Thủy.

Hoa Lâm, dấu xưa còn đây…
Như vậy tính từ năm 1841 (đời vua Thiệu Trị) đến nay vừa tròn 184 năm danh xưng “Hoa Lâm” nhường lại tên mình cho “Văn Lâm” để lên chuyến xe đi về quá khứ, khép lại một thời kỳ vàng son, hào hùng của ngày đầu “mang gươm mở cõi”, xây dựng và phát triển.
Dẫu qua bao biến cải của đất trời và đổi thay địa giới hành chính của xã: nhập - tách vào đầu nhà Nguyễn, nhập năm 1948, tách năm 1954, rồi nhập năm 2020 thì ruộng đồng, vùng đất Hoa Lâm vẫn nguyên hình thế, trầm mặc giữa dải đồng bằng hữu ngạn sông La; cốt cách và tâm hồn người con Hoa Lâm vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Vẫn còn đây nền cũ, dấu tích xưa của đền Tiền Hậu (ngôi đền cả của xã Hoa Lâm), vẫn còn đây chùa Hoa Lâm Ngự (ngôi chùa cổ linh thiêng của vùng hạ Đức Thọ), và vẫn còn đây Chợ Giấy (thành lập vào khoảng thế kỷ 15; hồi ấy quan Nghè Phan Phúc Cẩn (1458-?) ở trên Kẻ Hạ vào đây mở trường dạy học, cho mở cái chợ để bán giấy bút cho học trò, chợ có nhiều hàng giấy, ở đâu cần mua cũng phải đến đây) nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền,… vẫn thẳm sâu trong ký ức những người con Hoa Lâm từng chứng kiến bao thăng trầm của vùng quê nhỏ bé nhưng kiên cường và giàu bản sắc văn hóa.
Hôm nay, danh xưng “Văn Lâm” vẫn còn nhưng chỉ là tên làng, không phải là tên đơn vị hành chính (hiện nay đơn vị hành chính chỉ có thôn, xã, huyện, tỉnh). Và cái tên “Văn Lâm” luôn được các thế hệ con cháu làng Văn tự hào và nhắc nhớ cùng với một nỗi nhớ man mác,... nỗi nhớ “Hoa Lâm”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Kim Quang Minh Tự: Ngôi chùa còn non trẻ trên vùng rừng rú núi đồi
Chùa Việt
Khởi đầu từ một khoảnh đất rẫy đồi rừng nơi hoang vắng thuộc thôn Bắc Sông Giang, (xã Khánh Trung, huyện miền núi Khánh Vĩnh) còn chằng chịt um tùm cây lá do một Phật tử tín tâm hiến cúng để đón những bóng dáng nâu sồng lặng lẽ về đây dựng xây nơi an trú với tâm nguyện phụng sự chúng sinh qua chương trình “Hiểu và Thương” còn rất mới lạ với bà con nghèo vùng sâu vùng xa…

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này
Chùa Việt
Giữa lòng TP.HCM nhộn nhịp, chùa Chantarangsay là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer.

Hoa Lâm Ngự tự - ngôi chùa cổ gần 800 năm
Chùa Việt
Chùa Hoa Lâm, thường gọi chùa Ngự ở xã Hoa Lâm, sau là thôn Tiền Hậu, xã Văn Lâm, tổng Văn Lâm, nay là làng Văn Lâm, xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2008 (theo Quyết định số 1796/QĐ-UBND ngày 27/6/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh).

Ngôi chùa có 'báu vật' lớn bậc nhất Việt Nam
Chùa Việt
Nằm cách TP Hà Nội hơn 100km, chùa Cổ Lễ (thuộc địa phận huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo ở Việt Nam.
Xem thêm