Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 21/06/2024, 08:51 AM

Hoa Quang Ni tự - cửa từ bi luôn rộng mở độ sanh

Hoa Quang Ni Tự, còn gọi là chùa Hoa Quang (Ni), do trên địa bàn thành phố biển Nha Trang có đến 2 ngôi chùa được an danh Hoa Quang, nên dễ nhầm lẫn.

Chùa Tăng ở phía Nam thành phố, toạ lạc tại thôn Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp, trụ trì là Thượng toạ Thích Tâm Tri. Chùa Ni ở phía Bắc thành phố, trước chỉ biết là ở thôn Hoà Trung, nay địa chỉ cụ thể là 77/24 đường Nguyễn Chích, phường Vĩnh Hoà.

IMG_5825
IMG_5813

Vào khoảng năm 1988-1989, Ni sư Thích Nữ Diệu Minh, hiệu Như Quang, (là đệ tử của cố Ni trưởng Thích Nữ Như Hoa-Diệu Liên, khai sơn ngôi chùa Sư Nữ đầu tiên của Thị xã Nha Trang vào năm 1947) đang là trụ trì đời thứ 2 Vạn Thạnh Ni Tự đã lặng lẽ đến khu vực phía Bắc thành phố bấy giờ còn hoang vắng với núi đồi cằn khô cách chân đèo Rù Rì khoảng 2km để tìm mua được một khoảnh đất rẫy rộng lớn trên triền núi thoai thoải, mục đích là kiến tạo nên chốn yên tĩnh để tịnh tu và hoằng pháp. Sơ khai là một căn chòi chắp vá tạm bợ, rồi một ngôi thiền thất giản dị như một ngôi nhà cấp 4, được dựng nên trên triền núi đá cằn cỗi đó vào năm 1990, đến năm 1993 thì kiến thiết tu bổ xong một “Tịnh thất Hoa Quang” trang nghiêm giữa chốn đìu hiu vắng bóng người qua lại… Nhưng tiếc thay, bậc chân tu đạo hạnh khai sơn lập tự đã vì bệnh duyên mà viên tịch trong năm đó (1993), để lại bao tiếc thương cho hàng hậu duệ hậu bối, cũng như để lại một ước nguyện lớn lao còn dang dở trên khoảnh đất linh địa rộng đến 11.000 m2 là kiến tạo nên một ngôi Tam Bảo uy nghiêm để hoằng dương đạo pháp, phụng sự chúng sanh.

IMG_5809

Vài năm sau khi Ni trưởng khai sơn viên tịch, từ phương xa tu học trở về miền đất quê hương Nha Trang, Sư cô Thích Nữ Huệ Phúc đệ tử của Ni trưởng Như Quang - Diệu Minh, đã cung kính tiếp nhận di sản thiêng liêng để thực hiện tâm nguyện của Thầy Tổ, bắt tay vào việc tu bổ Tịnh thất, phong quang đất đai, định hình khuôn viên của chốn già lam thánh chúng và khởi công trùng kiến ngôi đại tự Hoa Quang vào năm 2015. 

Từ sau khi ngôi đại hùng bửu điện được hoàn thành vào năm 2017, năm có cơn bão Damrey ập vào tàn phá thành phố biển, Ni sư Huệ Phúc đã xây dựng thêm nhiều công trình, cũng như thiết trí các tiểu cảnh quanh sân vườn rất trang nghiêm, thanh nhã và đậm thiền vị. Chúng sẽ thấy được cảnh sắc thật hài hoà giữa cây xanh hoa kiểng, các phiến đá khắc thư pháp-thư hoạ tiếng Việt, thạch đăng sen đá, mảng cỏ trụ đèn với các thánh tượng Quán Thế Âm ngoài sân trước, nhị vị Bồ tát Phổ Hiền cưỡi bạch tượng và Văn Thù cưỡi thanh sư hai bên tả hữu ngôi Chánh điện đều có mái che mưa che nắng…

IMG_4503

Tổng diện tích đất là trên 1 héc-ta đã được xây tường bao phân định ranh giới, nhà chùa đã sử dụng đến hơn một nửa để thiết trí xây dựng thêm ngôi Bảo tháp Phổ đồng phụng thờ linh cốt-xá lợi của chư tôn đức Ni gồm có Thầy Tổ, chư vị tiền bối và chư Ni đã viên tịch thuộc môn phong Vạn Thạnh Ni Tự; một thiền đường giản dị im ắng bên vườn chuối lá xanh mướt, một tiểu đình đặt bàn tròn ghế đá để nghỉ chân nằm bên lối đi lát bê-tông dẫn lên trên triền núi. Trên cao nhất, cũng là cuối dất, mọi người có thể chiêm bái thêm một điện Quán Thế Âm Bồ Tát, các lối đi chung quanh điện được trải sỏi cuội xen lẫn giữa những mảng cỏ xanh, thường được đón những bước chân thiền hành của những người con Phật về chùa tu thiền, hoặc thắp hoa đăng đi một vòng theo chu vi chốn lan nhã vào các ngày lễ, ngày vía Phật và Bồ tát… Quanh khu vực điện Quán Thế Âm trên triền đồi này có nhiều cây cao bóng mát, đặc biệt là những giống cây ít thấy được nhà vườn của dân trồng như bòng, cherry, mủ trôm... đều đơm hoa kết trái sum suê.

IMG_4579

Tuy luôn dồn hết tâm sức để chăm lo trùng kiến, gìn giữ ngôi Tam bảo Hoa Quang suốt những năm đầy chướng duyên nghịch cảnh, nhưng Ni sư trụ trì vẫn không sao nhãng bỏ bê công hạnh hoằng pháp lợi sanh với trách nhiệm của một vị giảng sư-giáo thọ cho Tăng Ni và Phật tử tại các lớp học giáo lý do Tỉnh Giáo hội Khánh Hoà tổ chức. Ni chúng môn đồ có 6 vị đang du học ở nước ngoài, 2 vị đã được thuận duyên nhận trụ trì chùa nhỏ để hoằng pháp, còn 2 vị đang được tu học trong Nam… Ngay tại chùa, đạo tràng tu thiền được khai mở vào mỗi tuần 3 buổi sáng (từ 8h đến 10h) vào các ngày thứ Bày, Chủ nhật và thứ Hai để đón bất cứ người đệ tử Phật nào phát tâm phát nguyện tu tập thiền định giữa cuộc sống bề bộn lo toan căng thẳng. Mỗi tuần còn có khoá tu "Một ngày An lạc" dành cho Phật tử, được chư tôn đức giảng sư thân lâm thuyết pháp. Vào các buổi tối bình thường, hay các ngày lễ sám hối, sóc vọng hằng tháng đã có rất đông Phật tử về chùa tụng kinh, niệm Phật. Các ngày đại lễ, lễ vía Phật và Bồ tát, số lượng Phật tử vân tập về lên đến 500, có khi cả nghìn người tham dự để bái sám, thiền hành, thắp hoa đăng cầu nguyện với lòng thành tâm quý kính.

IMG_4636

Về đến Hoa Quang Ni Tự, chúng ta có thể nghe biết những câu chuyện “độ sanh” giữa đời thực được truyền khẩu trong giới cư sĩ, Phật tử nghe rất cảm động. Như chuyện Ni sư trụ trì gặp những chướng duyên từ những người hàng xóm ngoại đạo, những thái độ kỳ thị nguýt háy lườm trợn, lạnh lùng vô cảm… luôn được gửi chào khi ra vào thôn xóm giáp mặt nhau. Đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phong toả và giãn cách, vị trụ trì đã đơn thân lặng lẽ vượt rào chắn dây giăng để mang từng gói, từng túm lương thực thực phẩm cứu đói đến từng hộ gia đình trong xóm suốt những ngày tháng hung hiểm điêu linh, bất kể an nguy đến bản thân. Đại dịch trôi qua, những người hàng xóm khác đạo đó đã thay đổi cái nhìn, thay đổi cả tâm tư để giao tiếp với vị trụ trì chùa bằng sự thân thiện niềm nở và cả kính trọng. Hay như chuyện những nhà hàng xóm ở sát ranh quanh khuôn viên chùa, khi nhà chùa tiến hành xây tường bao phân định ranh giới đất đai, họ đã quăng ném rác dơ nước bẩn vào vườn chùa vì bất bình, hờn oán khinh khi từ chuyện gì đó. Chỉ vài năm sau, hôm nay, chính những người từng phóng uế sống trong các căn hộ sát bên tường chùa đã trở thành những Phật tử hằng ngày qua chùa làm công quả, tự nguyện gánh vác những công việc nặng nhọc phụ giúp nhà chùa kiến tạo và gìn giữ chốn già lam thiêng liêng của vùng đất mà xưa kia chỉ là một đồi rẫy vắng vẻ khô cằn…

IMG_5683

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bên trong ngôi chùa gỗ lớn nhất xứ Nghệ

Chùa Việt 18:45 30/06/2024

Tọa lạc tại xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Lam Sơn là ngôi chùa thuần gỗ lớn nhất của xứ Nghệ. Ngôi chùa này từ lâu đã trở thành biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương, du khách gần xa.

Mùa hạ rực rỡ trên chùa Hang

Chùa Việt 17:30 30/06/2024

Vượt qua những ngày hạn khô khốc, núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) xanh tươi trở lại, với hoa lá bừng bừng sức sống đúng vào dịp hành hương. Vẻ đẹp nao lòng của hoa rừng điểm tô cho miền đất tâm linh càng thêm phần lộng lẫy.

Khám phá ngôi chùa độc lạ được kết từ hàng triệu mảnh sành sứ nhiều màu sắc

Chùa Việt 10:25 26/06/2024

Với lối kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa, Chùa Linh Phước đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của du khách thập phương khi đến với TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Cận cảnh bộ 'lưỡng long chầu nhật' ở chùa Keo

Chùa Việt 08:59 24/06/2024

Bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng, một kiệt tác nghệ thuật của người xưa có niên đại thế kỷ 17, đặt ở cửa chính tam quan nội chùa Keo (tỉnh Thái Bình), được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.

Xem thêm