Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 11/01/2017, 12:13 PM

Họa sĩ Phạm Tăng từ trần tại Pari hưởng thượng thọ 93 xuân

Họa sĩ Phạm Tăng, nổi tiếng trong các lĩnh vực hội họa, trang trí, điêu khắc, Thiết kế sân khấu, nghiên cứu Phật học, vừa từ trần vào lúc 09 giờ 20 phút sáng ngày 12/12/Bính Thân (09/01/2017) tại Pari, hưởng thượng thọ 93 xuân.

Họa sĩ Phạm Tăng sinh năm 1924 tại Ninh Bình, miền Bắc Việt Nam. Bản thân Phạm Tăng là hậu duệ đời thứ năm của thượng thư, hiệp biện đại học sĩ, cơ mật viện đại thần Phạm Thận Duật (1825–1885) (Đại thần Phạm Thận Duật, một thành viên chủ chốt trong phái "chủ chiến" tôn phò vua Hàm Nghi chống Pháp xâm lược). 

Phạm Tăng đã từng theo học ngành kiến trúc trước khi chuyển sang hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội. Vẽ hý họa cho Nhật báo Tự do từ những năm 1954-1959, tuần báo văn nghệ tự do năm 1956. Năm 1959 họa sĩ Phạm Tăng đi du học tại Ý.
 
Trên hành trình nghệ thuật, mặc dù sống chủ yếu và làm việc tại châu Âu, nhưng Phạm Tăng đã nỗ lực không ngừng để sáng tạo một nét họa độc lập riêng mình, không chịu ảnh hưởng và chi phối bởi các nền hội họa phương Tây hay Trung Quốc. Khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Bách khoa Việt Nam, Họa sĩ Phạm Tăng dõng dạc nêu rõ quan niệm của mình về hội họa: “Hội họa Việt Nam phải bộc lộ được bản sắc riêng, góp một tiếng nói với hội họa thế giới, dù là một tiếng nói nhỏ bé, nhưng là tiếng nói của riêng mình, không lai căng Tây hay Tàu. 

Tôi vô cùng hãnh diện là mình không mất gốc, không va chạm trực tiếp với phương Tây, tôi nhờ sức phản ứng mà phá vỡ được mọi xiềng xích nô lệ do sự phụ thuộc vào lối nhìn nhật sự vật, ảnh hưởng của hội họa phương Tây và Trung Quốc thời kỳ bị đô hộ. Chính là nhờ ở lòng ham muốn tự do và ở chí hùng cường của Dân tộc, tôi mới tìm được một đường lối giải thoát cho nghệ thuật riêng mình”.

Phạm Tăng lấy được bằng tốt nghiệp của hầu hết các khoa ở Viện Mỹ thuật La Mã (Accademia de Belle Arti di Roma): Hội họa, Trang trí, Thiết kế, Điêu khắc, Thiết kế sân khấu. Họa sĩ Phạm Tăng đã từng mang lại vẻ vang cho đất nước Việt Nam, khi ông nhận được giải nhất về hội họa của tổ chức UNESCO trao tặng với bức tranh "vũ trụ" năm 1967, ngay tại đất thánh của hội họa thế giới là La Mã và nhiều giải thưởng quốc tế khác.

Trong bức thư dài trả lời báo Bách khoa cuối năm 1973, trích đoạn Họa sĩ Phạm Tăng viết:

“Nguyên liệu đầu tiên để xây dựng họa phẩm của tôi là tế bào. Ai cũng biết tế bào là nguyên ủy của sự sống kết tinh từ thuở khai thiên lập địa. Trong cảnh hỗn mang của trời đất tế bào sinh sôi nảy nở kết tụ, mọi sinh vật sống từ côn trùng, cây cỏ, cầm thú cho đến con người. Trời đất hỗn mang khi xưa có khác chi xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống? Tro bụi, điêu tàn, băng hoại, đổ vỡ.

“Gieo tế bào như gieo mầm sống mới, trong một thế giới mới, với một tổ chức, một trật tự mới đặng thế vì cho những cái tàn rụi, nát rữa, trong hội họa, ngoài xã hội và ngay cả chính ta nữa. . “

“Những hình thể mà tôi tạo nên tranh không khuôn bó trong một chu giới nhất định. Tôi dụng ý cho những hình thể đó khi ẩn, khi hiện, lúc tỏ, lúc mờ. Hình nọ sang hình kia, tựa hồ như những khối tế bào được tự do co giản, nảy nở”.

“Để thể hiện sự sống mong manh của từng tế bào, tôi tạo những vòng đồng tâm li ti kết tụ quanh hạt nhân ở giữa. Mỗi đường vòng là một màu đối chiếu trong ngũ sắc. Màu nọ phản ứng màu kia tạo nên một cảm giác tựa hồ như có tính chất phát quang. Ánh sáng đó có thể gọi là ánh sáng tự tại xuất phát tự nhiên bên trong từng cái sống nhỏ nhoi thoi thóp của từng tế bào một”.

“Nhìn những mạch chuyển động của lớp không khí bao trùm địa cầu, thực chẳng khác chi những đường vân xoay tròn trong con ốc biển. Nhìn vào lòng mình, tôi cũng thấy hiển hiện những đường nét đó... Nhất nhất mọi trạng thái cảm xúc đều có thể vẽ thành những đường nét uyển chuyển trùng điệp gắn bó với nhau, chẳng khác chi những đường nét biểu hiện cái nhịp sống của sự vật...”

“…Theo ý tôi, những sự giảng giải trình bày kia thực là vô ích. Giả sử có ích lợi chút nào thì chỉ cho riêng tôi để có thể nhìn lại chính mình, xếp đặt mọi sự trong tôi có trật tự hơn. Ngoài ra đối với người xem không có chi là quan hệ. Tại sao vậy? Tôi xin trả lời ngay: Tại cái hồn tranh. Nếu tranh có hồn như một vật thể sinh động thì tự nó hấp dẫn người xem. Giữa người xem và nó có sự thông cảm trực tiếp, không cần phải có kẻ đứng sau nó mà giảng giải. Nếu tranh không có hồn thì dù có giảng giải bằng thiên kinh vạn quyển nó cũng không thể sống được, và như thế cùng lắm cũng chỉ có thể vứt tranh vào đống rác hoặc trong một bảo tàng viện nào đó để cho nhện văng mà thôi”.

Năm 1968, một nhà phê bình hội họa của uy tín là Michel Lemoine (1922- 2013) với những trang dòng chữ đầy tâm huyết và khẳng định tính khám phá trong từng tác phẩm hội họa của Phạm Tăng: “Nghệ thuật của Phạm Tăng là một chuỗi liên tiếp những khám phá choáng ngợp, bởi vì người ta không bao giờ biết được tác phẩm khởi đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu; mỗi bức tranh là hằng hà sa số vũ trụ mà mắt ta lướt qua trên đó chẳng khác gì một phi thuyền không gian đi tìm kiếm các thế giới khác”.

Năm 1994, khi trở về thăm đất nước, thăm quê hương Ninh Bình, thăm bạn bè sau gần nửa thế kỷ xa nhớ. Phạm Tăng đã cảm xúc nỗi lòng của mình đối với quê hương đất nước Việt Nam yêu quý, nơi chôn nhau cắt rốn:
 
Người đi thuở trước, minh đưa tiễn, 
Đến lượt mình đi thiếu một người,
Mảnh đất từ đây, ai ấp ủ?
Gương thề mặt đá, bóng trăng soi.

Thành kính nguyện cầu hương hồn Họa sĩ Phạm Tăng cao đăng Phật quốc, tùy nguyện lực tái lai.

Vân Tuyền biên tập
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kể về thần chú

Tư liệu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Xem thêm