Thứ, 12/04/2021, 11:34 AM

Hòa thượng Bích Liên và tư tưởng về pháp môn Tịnh Độ

Các pháp của chư Phật và chư Tổ không xa rời sự và lý, có sự mới hiển bày lý tính, nhờ lý thì sự mới hình hành nên không thể tách rời khỏi nhau, trong sự đã có lý và trong lý đã có sự nên mới gọi là “lý sự viên dung” để chỉ sự tròn đầy của các pháp.

“Trên đường tu, lý và sự làm trong ngoài cho nhau, phối hợp nhau, giúp đỡ lẫn nhau để thành tựu. Có lý, việc làm mới có căn cứ, có cương lĩnh có mục tiêu để khởi sinh tác dụng. Có sự, mới thực hiện được điều suy luận, chứng minh được chỗ lý giải đi đến mục tiêu và cuối cùng đạt lấy kết quả.”[1, tr.186]. Pháp môn Tịnh Độ cũng không ra ngoài hai phần này, để chúng sinh thâm nhập và hành trì pháp môn này không bị sai lệch.

Hòa thượng Bích Liên và đệ tử của Ngài đã diễn bày pháp môn Tịnh Độ trên hai phương diện sự và lý một cách rõ ràng nhằm đoạn trừ cái chấp không và chấp tướng của chúng sinh. Có thể nhận ra rằng, tư tưởng về pháp môn Tịnh Độ của Hòa thượng Liên Tôn(1) đã kế thừa từ người thầy của mình, Ngài bén duyên với pháp môn này khi được Hòa thượng Bích Liên đưa quyển Long Thơ Tịnh Độ(2), đây được xem là ý chỉ truyền trao của người thầy đối với trò.

Cuộc đời và đạo nghiệp Hòa thượng Bích Liên – Thích Trí Hải

Tôn dung cố Hòa thượng Bích Liên.

Tôn dung cố Hòa thượng Bích Liên.

Trong bài Tịnh Độ Tông, Hòa thượng Liên Tôn đã trình bày sự tướng của pháp môn Tịnh Độ thông qua phương pháp hành trì, cụ thể là 14 giai đoạn:

Thứ nhất, pháp môn Tịnh Độ là tối thắng, là con đường vắn tắt đưa người vào đạo, đạt vào chỗ bất thối và chứng vào bực vô sinh. Pháp môn đầy đủ lý sự và tự tha thì cần nên kết duyên lành tin vào nguyện niệm Phật Di Đà và từ bỏ cảnh giới Ta Bà phiền não sinh vào cảnh giới Tịnh Độ an vui. 

Thứ hai, biết rõ nguồn gốc của pháp thập niệm, tăng trưởng tín tâm dể hành trì đạt đến sự tương giao với cảnh giới của chư Phật. 

Thứ ba, chỉ khi có lòng tin kiên cố hành trì phép tụng niệm hằng ngày thì phước đức thiện căn sẽ tăng trưởng. 

Thứ tư, niệm Phật cần người tin sâu và hành trì không gián đoạn ắt sẽ đặng phần vãng sinh nhưng vì phần đông tâm chưa định nên dễ bị chi phối bởi trần duyên nên cần kí số để trừ bỏ mê chấp. 

Thứ năm, mỗi chúng sinh khi niêm Phật cần gia trì nguyện lực, điều kiện cốt yếu khi lâm chung sẽ dẫn dắt trên con đường tái sinh. 

Thứ sáu, giới thiệu về cảnh giới Tịnh Độ và điều kiện thiết yếu để được vãng sinh. 

Thứ bảy, những ai tu Tịnh Độ cần phải xây dựng lòng tin kiên cố và chí nguyện sâu dày ắt sẽ đặng phần vãng sinh. 

Thứ tám, ái tình là nguồn gốc của sinh tử, người niệm Phật cần loại bỏ dục vọng thì mới có thể về cảnh Tây phương. 

Thứ chín, người muốn đặng niệm Phật tam muội, trước nhất cần phải giữ giới  hạnh vì dẫu có tín tâm kiên cố nhưng vẫn bị ngoại duyên ràng buộc. 

Thứ mười, người niệm Phật cần tìm một nơi sạch sẽ, thiết lập quốc độ cho riêng mình để hành trì trong khoảng thời gian nhất định mới mong đạt đến nhất tâm bất loạn. 

Thứ mười một, trong khi ngủ cũng cần nhớ niệm Phật, muốn được chuyên chú cần phải loại bỏ các ngoại duyên. 

Thứ mười hai, hồi hướng vãng sinh thì mỗi hành giả cần phải nương tựa vào pháp niệm Phật và các công hạnh chỉ làm trợ duyên. 

Thứ mười ba, lúc lâm chung mỗi người không chỉ lấy tín hạnh nguyện làm gốc mà còn nương vào sức của Phật, phước đức, sức của tự thân và dứt trừ ba điều nghi khó được vãng sinh gồm nghi mình nghiệp chướng sâu dày, nghi là nợ người, nghi pháp niệm Phật, bên cạnh đó là bốn cửa ải là chuyển cảnh giới địa ngục, dứt tà kiến không đạo ác đạo, nhàm chán cái thân giả tạm, dứt bỏ các duyên trần. 

Thứ mười bốn, nghi thức tụng niệm hằng ngày. Đây là sự tướng của pháp môn niệm Phật được Hòa thượng Liên Tôn trình bày theo trình tự thứ lớp để những ai phát khởi lòng tin theo đó hành trì.

Đối với Hòa thượng Bích Liên, Tịnh Độ là pháp môn thù thắng không có pháp môn nào có thể sánh bằng vì pháp môn này liễu nghĩa và viên đốn, Ngài cho rằng: “Vì pháp môn ấy, tức quyền mà thật, tức thật mà quyền, nghĩa lý ở trong đều là rõ ràng thấu đáo, mà lại tròn trặn đầy đủ hàm cả cái lý ‘tức tâm tức Phật’ nữa; chớ chẳng phải như kinh A hàm chỉ phát minh cái thuyết vô thường nghĩa không cứu cánh, cũng chẳng phải như Hòa nghi đốn giáo chỉ nói đốn mà không viên. Vậy nên gọi là liễu nghĩa và viên đốn” [1, tr.7]. Để minh chứng cho điều này, Ngài đưa ra hai bộ kinh mang tính liễu nghĩa viên đốn là kinh Pháp Hoa và kinh Lăng Nghiêm cũng đều xưng tán pháp môn Tịnh Độ. Ngoài ra, xét về chiều dài lịch sử, pháp môn này được chư Phật đồng khen ngợi, trong đó Bồ tát Quan Âm và Thế Chí trợ tuyên pháp này tiếp dẫn chúng sinh về cõi Tây Phương. Pháp môn Tịnh Độ được Ngài Mã Minh Bồ Tát nói trong Khởi Tín luận, Ngài Long Thọ Bồ Tát nói trong Thập Trụ Bà Sa Luận và Trí Độ Luận, Ngài Thế Thân nói trong Vô Lượng Thọ Luận. Tiếp đến, các vị tổ sư Trung Hoa cũng được truyền thừa và phát triển pháp môn này, cụ thể như Ngài Huệ Viễn, Thiên Thai trí giả, Pháp Trí đại sư đều có các luận giải về cảnh giới Tây Phương. Đây chính là  những minh chứng cụ thể về lợi ích của pháp môn Tịnh Độ, một pháp mang tính ứng dụng thực tiễn mà bất kì ai phát khởi lòng tin đều có thể thực hành và được Phật tiếp độ vãng sinh cõi Tây phương. Tùy theo căn cơ của chúng sinh, cách tiếp nhận và hành trì pháp môn Tịnh Độ cũng có sự sai khác nhưng tất cả đều hướng về chung một cảnh giới là Tây phương Cực Lạc. Có những người tu theo pháp môn Tịnh Độ nhưng với tâm tham cứu, dẫu có niệm Phật thì cũng chẳng chú tâm đến pháp tín nguyện mà cầu vãng sinh, chỉ nương nhờ tự lực khai ngộ tâm mình mà chẳng nương nhờ Phật lực thì thật là đi ngược với bổn nguyện của chư Phật. “Các pháp của Phật đều viên thông cả, nhưng ngoại đạo chỉ chấp cái lý sai biệt mà thôi. Còn người đời thì hay tin lời nói của ngoại đạo, chớ không hiểu chính lý; nên vì vậy mà tất cả bao nhiêu tín đồ chảng đạng nhờ cái pháp ích lợi của Phật” [2, kỳ số 52, tr.12]. Hòa thượng muốn cho chúng sinh thấy cái lý tính cao sâu trong pháp môn Tịnh Độ nên Ngài đã một bài viết nhằm chỉnh đốn lại tư tưởng sai lệch về một pháp môn thù thắng.

Tịnh Độ với những pháp hành căn bản

Trong bài Bàn về Lý Tịnh Độ, Hòa thượng trình bày lý tính của pháp môn Tịnh Độ được chia làm 10(3) phần: thứ nhất là tâm tính sẵn có của chúng sinh, tâm tính sẵn có ấy bao gồm đủ cả vô lượng đức và thọ vô lượng danh, danh với đức vốn dung thông thì tịnh với uế cũng bình đẳng, cõi Ta bà giống cõi Tây phương thì Phật Di Đà vốn luôn có mặt tiếp độ chúng sinh. Thứ hai là duyên khởi của chính báo y báo, tuy chỗ y báo và chính báo khác nhau nhưng đều do tâm biến hiện ra. Cảnh giới Ta bà và Cực Lạc do tâm tạo, nếu tất cả do tâm tạo thì dùng tâm ấy niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ thì người đương niệm chính là y báo và cõi Tây phương là chính báo. Thứ ba là tâm tức độ, độ tức tâm nghĩa rằng tâm là lòng niệm Phật của chúng sinh và độ là cõi Phật. Cảnh Tây phương do tâm Phật Di Đà biến hiện nhưng tâm Phật với tâm ta đồng một thể nên tức tâm tức độ. Thứ tư là Phật tức là sinh, sinh tức là Phật, nếu theo Tục đế thì chỗ tu của Phật và chúng sinh chẳng đồng nhưng nói về lý tính tâm Phật và chúng sinh đồng một thể. Thứ năm là toàn thể của niệm tâm tức là pháp giới, nếu toàn thể pháp giới xuất phát từ niệm tâm thì các phiền não cũng là pháp giới vậy người niệm Phật lấy cái tâm thanh tịnh, sáng suốt cầu sinh Tịnh Độ thì chẳng phải pháp giới sao. Thứ sáu là cảnh với quán dung thông, cảnh là cảnh tượng bên ngoài và quán là khả năng quán sát thấy được chân lý vì toàn thể viên dung của pháp giới do một niệm tâm khởi ra nên cảnh với quán cũng dung thông. Thứ bảy là cản ứng tự nhiên, cảm là tâm chúng sinh hướng đến Phật và ứng là Phật tiếp độ chúng sinh, do chúng sinh mê mờ nên không nhận được sự tiếp độ của Phật, nếu chúng sinh có có cảm với Phật thì chư Phật sẽ tiếp độ, đấy cũng là lẽ tự nhiên. Thứ tám là kia với đây hằng một, vì tâm của chúng sinh còn mê còn ngộ nên còn phân biệt cảnh, tất cả đều do tâm ta biến hiện cảnh Cực Lạc và Ta bà.

Ngoài việc trình bày Lý Tịnh Độ, Hòa thượng đã tiếp nối tư tưởng của Hòa thượng Liên Tôn để giải thích sự tướng của pháp môn Tịnh Độ giúp cho chúng sinh có cái nhìn thấu đáo tránh xa con đường mê tín. Hòa thượng cho rằng: “Sự trọng yếu trong pháp niệm Phật, cần nhất phải giữ luân thường và phải hết phận sự; ly trần hiệp giác, bỏ ngụy còn thành, các thiện sự phụng hành các ác niệm chớ khởi”. [3, kỳ số 54, tr.14]. Một người niệm Phật không chỉ hành trì pháp môn Tịnh Độ mà còn trưởng dưỡng phước đức, đây là yếu tố quan trọng giúp hành giả đặng phần vãng sinh. Đối với Hòa thượng, công đức ấy xuất phát từ việc giữ gìn đạo đức là phải biết hiếu dưỡng cha mẹ, khuyên cha mẹ cùng niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh Độ, thực hành hết bổn sự của một người con gia đình, kính trọng sư trưởng và các bậc tôn túc, khởi lòng thiện tránh việc sát sinh, ăn chay định kỳ và giữ gìn giới luật. Tất cả những việc ấy giúp người niệm Phật hoàn thiện phẩm chất đạo đức, người phật tử chính hạnh, rồi một lòng hồi hướng công đức vãng sinh về Tịnh Độ.

Quan điểm về pháp môn Tịnh Độ được Hòa thượng trình bày trên hai phương diện là lý tính và sự tướng, biểu hiện sự viên dung của một pháp, giúp chúng sinh thoát khỏi biển khổ sinh tử ngay trong kiếp sống hiện tại. Tùy thuộc vào căn cơ của chúng sinh mà tiếp nhận pháp môn có sự cạn sâu, nhưng điều quan trọng là hành giả phải đủ các điều kiện là Tín, Hạnh, Nguyện và trưởng dưỡng phước nghiệp ắt sẽ đặng phần vãng sinh. Trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, pháp môn Tịnh Độ được Hòa thượng xiển dương lại phù hợp với đời sống con người dễ dàng thực hành ở mọi lúc mọi nơi và có được sự an lạc trong đời sống hiện tại, nói chính xác hơn là “tinh thần nhập thế” trong xã hội đầy biến động.

Chú thích:

(1) Năm 1929, HT. Liên Tôn xuất gia với HT.Bích Liên, Hòa thượng giữ lại pháp danh và ban thêm pháp tự là Giải Tiềm, hiệu là Huyền Ý.

(2) Quyển sách này của Ông Vương Nhật Hưu soạn, quê ở quận Long Thơ.

(3) Trong Tạp chí Từ Bi Âm chỉ đăng 8 phần

Tài liệu tham khảo:

1. HT. Thích Thiền Tâm (2015), Niệm Phật Thập Yếu, Nxb.Hồng Đức, TP. HCM1. Bích Liên (1933), Bàn về lý Tịnh Độ, kỳ số 35, Từ Bi Âm.

2. Bích Liên (1934), Pháp Tịnh Độ nay có hiện chứng, kỳ số 52, Từ Bi Âm.

3. Bích Liên (1934), Pháp Tịnh Độ nay có hiện chứng, kỳ số 54, Từ Bi Âm.

Thích Hữu Nhật – Học viên Thạc sĩ khóa II Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 4/2021

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

HT.Thích Chơn Kim - đời khí phách, tu nghiêm mật

Tăng sĩ 09:47 19/12/2024

HT.Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng; tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam.

Lễ giỗ Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo tại tổ đình Chúc Thánh

Tăng sĩ 13:45 07/12/2024

Chư tôn đức Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh sáng 6/12 đã cử hành khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo và lịch đại Tổ sư, tại tổ đình Chúc Thánh (P.Tân An, TP.Hội An, Quảng Nam).

Thà chết chứ nhất định không phá giới

Tăng sĩ 19:30 27/11/2024

“Nếu chết thì xin được chết, chứ không thể phá bỏ giới luật”.

Vài nét về tiểu sử Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Tăng sĩ 11:21 27/11/2024

Hòa thượng Giới Đức có thế danh Nguyễn Duy Kha, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1944 tại Dạ Lê thượng, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Thân sinh Hòa thượng Giới Đức là cụ ông Nguyễn Duy Hoan và mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Sừng.

Xem thêm