Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Hỏi đáp Phật pháp: Cái chết bất đắc kỳ tử, làm sao trải nghiệm cái chết

Hỏi: Thưa Thầy, con thấy một số người sợ chết cũng vì nuối tiếc, tiếc không được ăn một bữa ăn ngon, được nhìn ánh nắng mặt trời, được nhìn thấy con cái, người thân, vv…

Hỏi: Thưa Thầy, con thấy một số người sợ chết cũng vì nuối tiếc, tiếc không được ăn một bữa ăn ngon, được nhìn ánh nắng mặt trời, được nhìn thấy con cái, người thân, vv…

Hòa thượng Viên Minh trả lời:

Tiểu sử vắn tắt Hòa thượng Viên Minh

Những người khi sống mà thiếu tâm xả ly, tức là hay nắm bắt cái này, cái kia và dính mắc vào đó thì theo Đạo Phật, khi chết họ sẽ sinh vào cõi âm, bao gồm cõi Peta hoặc Asura tùy theo nghiệp của họ. Đó là khi chết rồi nhưng họ vẫn tưởng là mình còn sống. Họ vẫn có thân thể do chính ảo tưởng của họ tạo ra. Giống như khi nằm mơ, chúng ta vẫn thấy có thân để hoạt động và làm mọi việc. Có những người ở trong các cõi âm có năng lực có thể ảnh hưởng xấu đến năng lượng của những người đang sống. 

Bài liên quan

Hỏi: Nghe nói những người bị chết bất ngờ hay gọi là bất đắc kỳ tử rất dễ rơi vào trường hợp này, tức là chết rồi mà vẫn tưởng mình đang còn sống. Như vậy Đạo Phật có cách chuẩn bị làm sao để khi bị chết bất ngờ cũng không bị sinh vào cõi âm? Hay tóm lại là có phương pháp nào để có thể hoàn toàn chấm dứt nỗi sợ chết không? Để khi chết tâm mình được thanh thản, không còn sợ hãi mà ra đi không ạ?

Trả lời: Đạo Phật đúng là có cách chấm dứt nỗi sợ hãi này, cũng như chấm dứt tất cả các nỗi sợ hãi tồn tại trong mỗi người chúng ta. Quay lại điểm khởi đầu, khi không biết gì về cái chết chúng ta thường vẽ vời, tưởng tượng thế này, thế kia… như người nhiều dính mắc thì cho rằng chết là xa lìa, là chấm dứt tất cả những gì mình thương yêu hay sở hữu nên sợ chết, người nhiều tội lỗi thì nghĩ rằng sau khi chết sẽ bị quả báo trong địa ngục hay cõi xấu nên sợ chết v.v… Muốn thực sự chấm dứt nỗi sợ hãi này thì cần phải thấu hiểu ý nghĩa đích thực của sự chết.

chet bat dac ky tu

Hỏi: Nhưng thưa Thầy làm sao có thể có trải nghiệm thực về cái chết trước khi thực sự chết đi?

Trả lời: Tuy chúng ta chưa thực sự trải nghiệm cái chết lâm sàng, nhưng lại dễ dàng có trải nghiệm thực về sự sống, chúng ta có thể hiểu về cái chết khi hiểu được sự sống. Bản chất của sự sống là những tiến trình tâm-sinh-vật lý đang tiếp nối nhau diễn ra nơi mỗi người. Nếu chúng ta lắng nghe, quan sát, cảm nhận được sự diễn biến này thì sẽ khám phá ra rằng đó là một chuỗi sinh và diệt liên tục. Nghĩa là trong sự sống đã sẵn có cái chết từng mỗi sát-na sinh diệt. Nếu chúng ta thực sự thấu hiểu được sự sinh diệt này trong cả thân lẫn tâm thì chúng ta thấy được ý nghĩa của sự sống và chết như một sự tương tác vận hành tất yếu của sự sinh tồn. Nếu không có cái chết đi từng giây phút thì cũng không bao giờ có sự sống diễn ra. Khi sự thật này được soi sáng thì cái chết không còn là nỗi sợ hãi đầy ám ảnh nữa, như Đức Phật đã dạy.

Khi đã thấu hiểu được sự chết trong từng sát-na ngay khi đang sống, thì cái chết cuối cùng của một kiếp người cũng diễn ra hoàn toàn tương tự. Cái chết này chỉ là tiến trình diệt-sinh sinh-diệt để đổi mới qua mỗi kiếp sống mà thôi. Nhưng vì chúng ta chẳng biết gì về sự sống đang xảy ra trong từng giây phút nơi thân tâm mình nên mới đeo mang trong lòng nỗi sợ chết triền miên. Những nỗi sợ hãi này sẽ không thể chấm dứt nếu chúng ta còn cho rằng chết là xấu, là tiêu cực để rồi loay hoay tìm kiếm bên ngoài những biện pháp trấn an hoặc những chỗ bám víu để khoả lấp bằng những hứa hẹn siêu hình.

Thật ra không cần chuẩn bị cho cái chết, mà nên chuẩn bị tâm lý khi đối diện với cái chết. Cách chuẩn bị hiệu quả nhất chính là ngay bây giờ mình có sống trọn vẹn với hiện tại được không? Khi uống nước mình có trọn vẹn uống nước được không, khi bom nổ mình có bình tĩnh sang suốt được không? Khi bất kỳ điều gì xảy ra mà tâm vẫn bình thản và trong sáng thì dù cái chết có xảy ra mình vẫn không sợ hãi, vì những gì xảy ra với mình khi chết cũng giống như những gì xảy ra với mình khi đang còn sống mà thôi.

Theo kinh điển Phật Giáo Nguyên Thuỷ, được kiểm chứng qua ký ức của những người đã từng chết đi sống lại thì khi hấp hối có 1 trong 3 hiện tượng xảy ra gọi là cận tử nghiệp, có liên quan đến những gì mình đã từng tạo tác trong đời sống.

Hiện tượng thứ nhất: Ngay trong khoảng khắc trước khi chết thì nguyên cuốn phim cuộc đời của mình sẽ được quay lại. Qua đây có thể thấy những gì xảy ra với thời gian đều là tương đối. Vì cả cuộc đời kéo dài năm bảy chục năm có thể được chiếu lại chỉ trong khoảng khắc. Đôi khi chỉ những nghiệp thiện hoặc bất thiện mạnh nhất trong đời đã ăn sâu vào ký ức sẽ quay lại khiến tâm hoan hỷ hoặc lo sợ. Hiện tượng này gọi là nghiệp tái hiện.

Hiện tượng thứ hai: Một số hình ảnh, âm thanh, cảm giác… ấn tượng hoặc quen thuộc nhất sẽ xuất hiện trong giờ phút đang hấp hối. Kẻ giết người thấy máu me, hung khí…, người đức tin thấy hình ảnh Phật, Chúa hoặc Bồ tát, Thần linh… Thí dụ quê thầy có ông thợ săn, suốt ngày lo cầm súng, dắt chó đi quanh làng bẫy chim, săn chồn, bắt thỏ hoang về ăn nhậu. Lúc hấp hối có lẽ ông ta thấy lại những cảnh giết chóc nên rên la, hoảng hốt, run sợ… rồi hộc máu mà chết. Dân làng ai cũng tin đó là nhân quả báo ứng. Hiện tượng này gọi là nghiệp biểu tượng.

Hiện tượng thứ ba: Một số cảnh tượng tương ứng với nghiệp duyên của mỗi người xuất hiện khi người ấy lâm chung. Đó chính là cõi giới tương lai mà người ấy sẽ tái sinh. Thí dụ người hấp hối thấy một bầy thú và khởi tâm ưa thích, thì sẽ tái sinh vào cõi súc sinh. Thấy cảnh giết chóc tàn bạo thì người ác lại thích thú nên sinh vào cõi khổ. Thấy cảnh hiền hoà an lạc người lương thiện hoan hỷ nên tái sinh vào cõi nhàn thiện v.v… Khi những hình cảnh giới này xuất hiện người đang hấp hối ưa thích cảnh tượng nào thì tâm tục sinh (paṭisandhi viññāṇa) sẽ bắt cảnh của cận tử nghiệp cuối cùng này mà tái sinh vào cõi giới đó luôn. Hiện tượng này gọi là cảnh giới ứng trước.

Ngay cả khi chết bất ngờ thì một trong 3 hiện tượng nói trên cũng vẫn xuất hiện. Như vậy những gì sẽ xảy ra trong khi chết cũng giống những gì đang diễn ra ngay bây giờ khi chúng ta đang sống thôi. 

Hỏi: Trong cuộc sống ai ai cũng hướng tới một mục tiêu nào đó, và thường quá mải mê theo đuổi nó mà quên mất mình, để rồi dần dần bị cuốn theo những quan điểm, những thói quen cố hữu, lặp đi lặp lại. Đến khi tỉnh ra thì thường đã muộn. Có cách nào để giúp họ luôn tỉnh táo, sáng suốt được không thưa Thầy?

Trả lời: Cách tốt nhất là tập đối diện với tất cả các tình huống xảy ra trong cuộc sống với tâm thái trầm tĩnh và sáng suốt ngay từ bây giờ. Khi tâm đã vững vàng trước những biến động của đời sống thì khi chết cũng sẽ vững vàng như vậy, kể cả khi cái chết đến bất ngờ.

Thí dụ vì bận tâm theo đuổi, lo lắng điều gì bên ngoài nên quên mất chính mình, bất ngờ có người vỗ vai một cái là giật mình liền. Hay vì mải chạy theo những kiến thức, giá trị của xã hội mà không chịu lắng nghe những gì đang thực sự xảy ra nơi thân-tâm mình nên chỉ cần có những biến cố bất ngờ xảy ra làm đau đớn, ngã bệnh thì liền sợ hãi, chứ chưa cần nói đến những thứ nghiêm trọng như cái chết.

Theo nguyên lý, nỗi sợ hãi cần được chấm dứt chứ không cần được chiến thắng, giống như cần chấm dứt chiến tranh hơn là trở thành người chiến thắng, nhất là khi cuộc chiến này đang xảy ra trong nội tâm chúng ta. Để chấm dứt sợ hãi, cần luôn tự biết mình, đó là nguyên lý mà Đức Phật dạy. Tự biết mình tức là ngay đây và bây giờ không nên vội vã đưa ra những đánh giá và kết luận về những gì đang xảy ra để rồi hướng ngoại kiếm tìm giải pháp xử lý, đối kháng, mà là buông mọi ý đồ đánh giá và đối trị để tâm có thể trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại. Khi thái độ tâm không còn tưởng là, cho là, phải là, sẽ là, không còn ảo tưởng, không còn đối kháng nữa… thì mới có thể thấy rõ sự sống đang là. Mỗi khi tiến trình tâm-sinh-vật lý đang xảy ra nơi chính mình được soi sáng thì tâm sẽ không còn băn khoăn, sợ hãi gì nữa.

Nỗi sợ hãi bản thân nó cũng không phải là xấu, mà chỉ là dấu hiệu báo động rằng tâm đang rơi vào ảo tưởng và không biết rõ thực tại. Không thấy rõ thực tại sự sống —> rơi vào ảo tưởng —> bất an và sợ hãi, đó là một chu trình khép kín và đó chính là luân hồi sinh tử. Để chấm dứt chu trình này, tâm chỉ cần buông ra mọi ảo tưởng để trở về trọn vẹn trong sáng với những gì đang xảy ra. Đó chính là tinh tấn-chánh niệm-tỉnh giác mà Đức Phật dạy.

Khi thường tinh tấn-chánh niệm-tỉnh giác, tâm sẽ không còn theo thói quen lăng xăng phản ứng khi tiếp xúc với những biến động trong đời sống. Và đến một lúc tâm sẽ không còn dao động bất an, rất ít bị ảnh hưởng khi đối diện với bất cứ điều gì trên đời. Mọi nỗi sợ hãi sẽ hoàn toàn chấm dứt.Sống thanh thoát thì chết cũng sẽ được thanh thoát, tức là khi bất kỳ điều gì xảy ra, ngay cả đó là cái chết thì tâm vẫn thanh thản, không lo lắng sợ hãi, không phiền muộn ưu sầu. 

Hỏi: Trong y học hiện nay đang tranh cãi về thời điểm lúc nào nên dừng lại sự sống của những bệnh nhân đang thở ôxy và sống thực vật. Xin Thầy cho biết quan điểm riêng của mình về vấn đề này ạ?

Trả lời: Đối với những bệnh nhân còn có thể cứu chữa được, thì cho thở ôxy để cấp cứu, kéo dài thời gian chữa trị là cần thiết. Nhưng đối với những bệnh nhân biết chắc chắn là không thể cứu chữa được nữa, thậm giám định y khoa đã xác nhận cho thở oxy chỉ để duy trì đời sống thực vật giúp người nhà có thời gian lo hậu sự thì có thể rút bình oxy khi thích ứng. Trong trường hợp người bệnh vô phương cứu chữa không chịu được sự đau đớn vật vã yêu cầu được trợ giúp tiêm thuốc cho họ được ra đi thanh thản thì bác sỹ có thể giúp họ mà không có tội gì cả. Vì làm như vậy vừa giúp người bệnh mà còn giúp thân nhân người bệnh bớt lo âu căng thẳng. 

Hỏi: Như vậy nếu sống chỉ là để điều chỉnh nhận thức và hành vi thì không nhất thiết phải có cuộc sống vật lý càng dài càng tốt mà quan trọng mỗi người có học ra bài học cuộc sống của mình để mà lên lớp hay không thưa Thầy?

Trả lời: Đúng, nói theo đạo lý thì nếu bài học của một người chỉ cần 3 tháng là xong thì cần gì người ấy phải học trong 6 tháng hay 1 năm. Sinh ra trên đời này để học một bài học nào đó trong mười mấy năm, sau đó chết để tái sinh mà học tiếp bài học mới trong kiếp sống khác là tốt, có sao đâu. Vì vậy chết không có nghĩa là việc xấu, là tiêu cực mà là một sự đổi mới, sự trẻ hoá để tiếp tục hành trình khám phá sự thật. Dân gian có quan niệm mê tín là khi ông bà cha mẹ đã chết, cầu họ ở lại cõi âm để hộ trì cho con cháu, không muốn để họ được đi tái sinh!

Thầy đã từng hỏi một số người phương Tây rằng họ có tin kiếp sau không? Đa phần họ trả lời dù theo đạo Thiên Chúa họ vẫn tin là có kiếp sau, vì theo họ như vậy sẽ tốt hơn cho đời sống hiện tại. Thực ra đạo Thiên Chúa trước kia vẫn tin vào sự tái sinh, nhưng về sau các nhà thần học Thiên chúa giáo mới bác bỏ niềm tin này. Chẳng lẽ mục đích Chúa sinh ra loài người chỉ để ai tin Chúa thì cho lên Thiên Đường mãi mãi, còn ai không tin Chúa thì phải giáng xuống Hoả Ngục đời đời?

Nếu Chúa sinh ra loài người thì chắc hẳn Ngài muốn tạo điều kiện cho họ trải nghiệm cuộc sống để thấy ra mọi vẻ đẹp Chân-Thiện-Mỹ trong thế giới mà Chúa đã dày công tạo dựng. Như vậy nếu họ chưa nhận ra sự hoàn hảo của Chúa thì sao lại cho họ về với Chúa sớm quá, hoặc bắt họ phải đoạ vào hoả ngục đời đời. Họ cần tái sinh nhiều kiếp mới học hết những bài học mà Chúa muốn trao truyền chứ. Giống như em học sinh chưa hoàn thành cấp 1 mẹ đã cho thôi học để về nhà với mình, hoặc thấy em học dở quá rồi đuổi học luôn thì làm sao em học hết chương trình giáo dục?

Mỗi người đều trải qua biết bao nhiêu kiếp sống, và điều quan trọng cuối cùng vẫn là tâm có đủ bình tĩnh sáng suốt trước mọi tình huống xảy ra hay không? Nếu sống luôn luôn đủ bình tĩnh sáng suốt thì khi chết cũng không sợ nữa. Làm sao biết được mình sẽ chết như thế nào? Có thể mình sẽ chết bất đắc kỳ tử, có thể chết vì bệnh tật v.v… Nhưng nếu tâm đã có thể trầm tĩnh sáng suốt trước mọi hoàn cảnh thì dù chết như thế nào tâm vẫn vững vàng đối diện. 

Hỏi đáp về Phật giáo ngắn gọn, dễ hiểu

(Biên tập)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Phật giáo thường thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Ngồi thiền có bị vong nhập?

Phật giáo thường thức 17:45 02/11/2024

Tôi có tham gia một khóa thiền 10 ngày. Trong thời gian ngồi thiền, có lúc tôi cảm thấy hơi thở của mình trở nên nặng nhọc, khó thở. Có lúc tôi thấy cơ thể mình có hiện tượng lắc lư nhẹ theo hướng ngả về trước hoặc sau. Xin hỏi, các hiện tượng đó xảy ra trong lúc ngồi thiền có bình thường không?

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Phật giáo thường thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Phật giáo thường thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Xem thêm