Hương thơm Đức Hạnh
Nói đến đạo đức của con người, Đức Phật dạy rằng đó là điều cao quý nhất. Ngài ví dụ hương của các loài hoa bay thuận theo chiều gió, chỉ có hương đức hạnh chẳng những bay theo chiều gió, mà còn có thể bay ngược chiều gió. Như vậy, đức hạnh là gì mà có thể tỏa hương khắp bốn phương?
Đương nhiên trong Kinh tạng Pàli, Đức Phật chủ yếu xây dựng đạo đức của người xuất gia, của Thánh chúng; nhưng trong kinh điển Đại thừa, Đức Phật mở rộng ý nghĩa của giới đức, không giới hạn cho người xuất gia, mà dạy cả người tại gia, không giới hạn cho hàng nhơn thiên mà dạy cho cả hàng tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Như vậy, theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, đạo đức rộng khắp nhân gian và thiên thượng, không phải chỉ có giới xuất gia cần trang nghiêm giới đức; tuy nhiên, đối với hàng xuất gia, thì giới đức phải đặt lên hàng đầu.
Có thể khẳng định rằng trong cuộc sống bình thường của thế nhân, người không có đạo đức thì không thể tiến xa. Thật vậy, người chỉ sống thủ đoạn, lừa dối, hơn thua phải trái sẽ đi vào con đường khốn cùng hơn. Điều này chúng ta nhận thấy rõ, nếu là thương gia thiếu đạo đức, làm hàng chất lượng kém, chắc chắn sẽ mất khách hàng cho đến phá sản không xa; vì họ chỉ có thể lừa dối được một người, không thể dối gạt tất cả mọi người; lừa dối được một lần, không thể lừa dối nhiều lần. Những người bạn của tôi, dù xuất gia hay tại gia, những người làm chính trị, hay làm bất cứ việc gì ở mọi lãnh vực, nếu họ có cuộc sống tốt đều thành đạt. Người tu có giới đức đương nhiên dễ dàng thành tựu Phật sự.
Đối với người Nhật, sự thành đạt của con người phát xuất từ sự mở rộng hai chữ đạo đức mà họ muốn nói là sự thành thật, thành thật với lòng mình là quan trọng. Phần lớn người ta thường tự dối lòng, trong lòng nghĩ như vầy, nhưng nói ra thì nói khác; vì sợ nói thật khả năng của mình, sẽ bị chê cười. Nếu chúng ta thật lòng và nói thật, trước mắt có thể bị người xem thường, nhưng nếu ta làm được việc, người sẽ đánh giá ta cao lần và điều này sẽ tồn tại lâu dài. Còn dối lòng, nói dối, làm việc lâu dài, sẽ bị người ghét bỏ. Thực tế nếu chúng ta nói dối một lần với một người, nhưng sau đó, họ cũng biết ta không thật và họ sẽ nói cho người liên hệ biết sự không thành thật của ta, chắc chắn là cái giá ta phải trả sẽ rất đắt.
Sống trong xã hội, trước tiên cần sống thật với lòng mình và sống thật với khả năng mình, nghĩa là đứng đúng chỗ, xuất hiện đúng lúc và làm đúng việc. Ba cái đúng này giúp chúng ta thành công dễ dàng. Xuất hiện đúng lúc là thế nào? Tất cả chư Phật, Bồ tát và Thánh Tăng đều xuất hiện đúng lúc, các Ngài mới là Phật, là Bồ tát, là Thánh Tăng, mới được mọi người kính trọng. Phật mà xuất hiện không đúng lúc cũng không còn là Phật nữa.
Giáo pháp của Phật nhờ xuất hiện đúng lúc, nghĩa là vào thời kỳ mà giáo lý Bà la môn bị suy đồi trầm trọng và xã hội Ấn Độ tranh chấp đến mức độ mọi người không chấp nhận nhau. Và Đức Phật đã xuất hiện đúng lúc đó, nên lời khai đạo của Ngài trở nên sáng rực. Thật vậy, những lý luận của cả trăm thứ ngoại đạo thời bấy giờ đã khiến cho tình trạng phân hóa trong xã hội càng thêm rối rắm, các giáo chủ tranh cãi nhau không khoan nhượng, bẻ gãy lý luận của người khác để giành phần thắng về mình. Đức Phật khẳng định ngược lại rằng việc quan trọng là phải thực tu, thực chứng, tu đắc đạo mới đạt kết quả thật sự đúng đắn, chứ không phải hơn nhau ở tranh cãi. Trong sáu năm thiết thân thể nghiệm giáo pháp, Ngài không tranh cãi, mà chỉ quán sát thân tâm mình và sự vận hành của muôn sự muôn vật. Vì vậy, Đức Phật nổi tiếng là vị đạo sĩ trầm mặc, luôn gạn lọc tâm hồn trong sáng, thể hiện mẫu người thuần thiện, sống từ ái với muôn loài và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Đức Phật chủ trương thực tập giáo pháp để đạt đến giác ngộ giải thoát, còn lý luận chỉ là phương tiện phụ dùng để giải thích cho mọi người hiểu đúng và chuyển hóa được thân tâm theo con đường thánh thiện. Thể hiện tinh thần ứng dụng giáo pháp vào cuộc sống thực tế là việc quan trọng của hành giả bước theo dấu chân Phật, Huyền Giác Đại sư đã nói rằng: Sổ tha trân bửu hữu hà ích, nghĩa là đếm tiền giùm người khác thì có ích lợi gì, vì bản thân mình vẫn nghèo xác xơ. Hoặc Đức Phật cũng ví dụ rằng người chỉ nói mà không thực hành cũng giống như người giới thiệu món ăn, họ không thể no được. Theo Phật, tu hành là chính yếu, loại trừ những ý nghĩ xấu xa khỏi tâm, loại bỏ những việc làm xấu; đó là đức hạnh của người đệ tử Phật.
Thiết nghĩ những gì mà xã hội không chấp nhận, thì dù có hay có tốt cũng trở thành không tốt không hay. Vì vậy cần phải áp dụng đúng chỗ, đúng thời; xã hội thời xưa khác với thời nay, xã hội phương Đông khác với phương Tây. Một việc tốt ở đây, nhưng có thể không tốt ở chỗ khác, vì phong tục tập quán của mỗi quốc gia đều khác nhau, nên tiêu chuẩn đạo đức đặt ra cũng khác nhau. Nhận thức như vậy, chúng ta hiểu rõ lời Phật dạy rằng giáo pháp là phương tiện, nghĩa là Ngài tùy chỗ mà nói các pháp tương ưng khác nhau, để củng cố niềm tin và xây dựng xã hội nơi đó được an lạc. Học theo Phật, chúng ta triển khai những điều mà xã hội mình chấp nhận được để giúp cho mọi người thương yêu nhau; không nói để người chống đối nhau.
Đọc kinh Dược Sư, chúng ta thấy nguyện thứ nhất của Phật Dược Sư là bằng mọi cách phát huy trí tuệ đến đỉnh cao nhất. Tuy nhiên, khi trí tuệ càng cao thì càng dễ đi xa cuộc đời, vì hiểu biết của Phật thấu suốt muôn pháp trong vũ trụ, làm sao phàm phu còn mê mờ trong sinh tử thấy biết đúng đắn như Phật được. Đức Phật Thích Ca cũng đã khẳng định rằng: Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng, nghĩa là chỉ có chư Phật mười phương mới biết được trí tuệ cao tột của Phật; còn hàng Bồ tát hay nhị thừa có nhiều như lúa mè, tre lau, dù tập trung lại để tìm hiểu cũng không thể hiểu được trí giác của Phật. Chúng ta cũng thấy rõ ý này trong thực tế cuộc sống, thí dụ có những vấn đề mà các nhà bác học trao đổi với nhau thì chỉ có họ mới hiểu, người thường làm sao hiểu được, thậm chí bác học cũng chỉ hiểu những gì thuộc lãnh vực chuyên môn của họ mà thôi.
Tạm hình dung sự hiểu biết như hình kim tự tháp, hiểu biết của quần chúng nằm ở nền tháp, nền tháp tuy rộng lớn hơn, nhưng không cao, cho nên trí tuệ ở đỉnh tháp thì càng xa rời quần chúng. Vì vậy, điều nguyện thứ ba của Đức Phật Dược Sư khi giáo hóa quần chúng, Ngài xem họ nghĩ gì, muốn gì, làm được gì thì Ngài dùng vô số phương tiện mà đáp ứng, để chúng sinh có thể tin tưởng nhau, hợp tác với nhau, chia sẻ cho nhau, làm cho xã hội được an vui, phát triển.
Có thể nói đạo đức đầu tiên này tùy thuộc vào yêu cầu của xã hội trong từng thời đại khác nhau, xã hội thời thượng cổ, xã hội thời trung cổ, xã hội thời văn minh và xã hội thời hiện đại, nghĩa là đã có bốn nền đạo đức khác nhau ở bốn thời kỳ. Ngoài ra, còn có sự phân chia xã hội phương Đông và xã hội phương Tây.
Trên bước đường hành đạo, đệ tử Phật phải tùy thuận chúng sinh hay nói cách khác là hành xử tương ưng với đạo đức xã hội thì mọi người chấp nhận được mình. Làm gì mà xã hội không chấp nhận, chúng ta sẽ trở thành người phi đạo đức. Theo Phật, có bốn giới luật mà chúng ta cần phải tôn trọng, không được vi phạm, đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói bịa đặt, không nói lời hung ác, không nói lời gây chia rẽ. Thật vậy, trong loài người, dù ở phương Đông hay phương Tây, dù thuộc thời cổ đại hay thời hiện đại, nếu giết thầy, giết cha mẹ, giết đồng loại, đều bị coi là hạng người phi đạo đức. Và trong thời hiện đại, quan niệm về giá trị của sự sống được nâng cao, kể cả sự sống của cỏ cây, của muông thú trong thiên nhiên cũng cần thiết, góp phần ích lợi cho tuổi thọ của con người, cho sự trường tồn tốt đẹp của quả địa cầu này. Vì vậy ngày nay, người bảo vệ môi trường sống được ca ngợi là người đạo đức. Tôi còn nhớ Hòa thượng Giới Nghiêm lúc còn sinh tiền, không dám bổ trái cây ăn, vì đối với ngài sự sống hiện hữu nơi trái đó.
Thiết nghĩ đỉnh cao nhất của giới không sát sanh là tôn trọng sự sống của tất cả các loài hữu tình. Hạ thấp xuống một bậc là không giết hại tất cả các loài có sinh mạng, kể cả cỏ cây và kế đến, chẳng những không giết hại đồng loại, mà luôn nhường nhịn mọi người. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường nghe người ta khen ông bà nào đó sống ở đây mấy chục năm mà không làm mất lòng ai; đó là đạo đức xã hội. Chúng ta tôn trọng người bằng cách nhường nhịn họ, cuối cùng họ tự thấy có lỗi với ta, họ nợ ta, nên sanh tâm kính trọng và nói cho con cháu, cho người thân, cho xã hội biết điều tốt đó. Vì vậy, tiếng tốt rằng ta không làm mất lòng ai, tức là người đạo đức vang được trong tương lai và vang đi khắp bốn phương. Người khác bắt đầu quý trọng ta, nên lời nói ta có giá trị, được người nghe theo; còn người cãi giỏi, không ai nghe theo họ, trong khi người có đạo đức luôn được đại chúng lắng nghe. Điển hình Đức Phật được nhân loại tin tưởng, kính trọng, nghe theo, vì Phật không tranh cãi, chỉ có đời tranh cãi với Ngài mà thôi. Đó chính là đức hạnh trong xã hội chúng ta đang sống được thể hiện giữa người với người.
Khi xã hội có nhiều người phạm tội sát nhân, chặt phá cây cối, phá hủy núi rừng, cho đến chống phá, chửi mắng cha mẹ, người ta phải báo động rằng đạo đức của xã hội đó đang bị xuống cấp.
Đối với cha mẹ, thầy bạn, Thánh nhân và Như Lai, chúng ta cầu học, kính trọng, tôn thờ và đối với mọi người trong xã hội, chúng ta sẵn sàng nhường nhịn, cho đến thương yêu muông thú và cỏ cây. Đó là mẫu người đạo đức trên cuộc đời mà người xuất gia hay tại gia đều làm được. Người xuất gia có điều kiện tốt để làm như vậy, nhưng người tại gia làm được thì càng quý, có thể đi xa hơn nữa trên lộ trình Phật dạy.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi khuyên Thiện Tài trên đường đi cầu học, nên tìm Đức Vân Tỳ kheo, nghĩa là muốn học đạo, phải học đạo đức trước, tức rèn luyện mình thành người đức hạnh. Đạo đức theo kinh Hoa Nghiêm là mười điều thiện, đối với đạo đức của thân có ba điều phải tuân thủ: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Không sát sanh nói cụ thể là không làm hại môi trường sống, từ cỏ cây cho đến cha mẹ, thầy Tổ và mọi người. Đối với đạo đức của miệng có bốn điều không vi phạm: không nói bịa đặt, không nói đâm thọc, không nói lời gây chia rẽ, không nói lời ác độc. Và đối với ý có ba điều cần thực hiện: không tham lam, không sân hận và không si mê. Theo tôi, cần lưu ý rằng khi nói lời hung ác, người ta thường cho là chỉ nói chơi thôi, nhưng nói chơi nhiều lần sẽ huân tập trong tâm lâu ngày trở thành thật. Thuở còn đi học, tôi thấy có những sinh viên mở miệng là chửi thề và điều này tạo thành thói quen, tạo thành nghiệp giận là chửi, không thể dừng lại, thậm chí chửi thề khi nói chuyện với giáo sư, chắc chắn không được đánh giá tốt và bị xem là người không có đạo đức.
Phật dạy phải nói đúng sự thật, sẽ được người ta tin tưởng và lời nói có giá trị; lỡ nói sai, về sau người ta sẽ không tin. Đạo Nho cũng bảo rằng phải uốn lưỡi ba lần trước khi nói, nghĩa là ngừng lại ba lần, hay suy nghĩ ba lần xem có nên nói hay không. Hòa thượng Trí Tịnh ít nói, nên lời nói của Ngài luôn có giá trị. Ngài dạy tôi rằng ngừng lại lần thứ nhất suy nghĩ thấy đúng rồi, nhưng ngừng lại lần thứ hai để xem nói có đúng lúc hay không. Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy phải đúng lúc mới nói được pháp chân thật, ví như hoa Linh Thoại đúng thời tiết mới nở. Và thấy đúng lúc rồi, cũng ngừng nữa để suy nghĩ thêm điều sắp nói có đúng chỗ, đúng người hay không; nếu không đúng thì cũng trở thành xấu.
Ứng dụng lời dạy của Hòa thượng trong cuộc sống, tôi cũng suy nghĩ ngừng ba lần, đối với tôi, thấy đúng, nhưng không nên nói vì căn cơ, trình độ, nghiệp lực của người cách xa với chân lý. Nếu nói chân lý, họ không thể hiểu, không thể tiếp nhận được mà còn phỉ báng, thì họ sẽ bị đọa, trở thành phá pháp.
Trên bước đường giáo hóa độ sinh, Đức Phật phải đợi đúng lúc mới nói, nghĩa là Phật đã giảng kinh thuyết pháp, xây dựng cho đại chúng có đạo đức, có trí tuệ, sau đó, Ngài mới dạy Bồ tát hạnh. Thật vậy, trước khi nói kinh Pháp Hoa, Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa, phẩm thứ nhất, triển khai về đạo đức, phẩm thứ hai nói về trí tuệ và phẩm thứ ba, Phật dạy phải làm lợi ích cho xã hội. Có ba thành quả của hàng nhị thừa là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho mọi người, Phật mới nói kinh Pháp Hoa, tức việc làm của Bồ tát. Nếu mở đầu giới thiệu kinh tối thượng thì không ai nghe được. Nói cách khác, Phật đã có giáo đoàn vững mạnh, được vua chúa ủng hộ và rất nhiều tín đồ theo Ngài, lúc đó Phật mới nói chân lý là Pháp Hoa thì mọi người chấp nhận được.
Riêng tôi, trên bước đường hoằng pháp, có những điều tôi học và thể nghiệm được trong lúc tu hành, tôi muốn truyền bá cho mọi người; nhưng nhận thấy chưa đúng lúc, tức chưa thể nói được, tôi gác lại, không nói, khi nào có đủ duyên mới nói. Và điều thứ hai cần suy nghĩ là lời nói của mình có đúng chỗ hay không. Người ta đang nghĩ đến cơm áo gạo tiền mà mình nói triết lý sâu xa, tu hành giải thoát, đắc đạo, làm sao họ nghe theo. Phải tìm người có tâm muốn học đạo giải thoát, muốn thực hành pháp tu ra khỏi tam giới mới truyền trao được. Vì vậy, những pháp chúng ta thực tập có kết quả tốt đẹp và muốn phổ biến trong xã hội, nhưng không có đối tượng để tỏ bày và không đúng lúc để nói ra, thì cũng phải để sang một bên. Thực tế cho thấy những vị đắc đạo chẳng những đã biết rõ những điều đúng đắn mà còn biết có nên nói hay không. Điển hình như ở phái Khất sĩ có Ngài Giác Chánh đắc đạo, nhưng suốt đời ẩn dật, không giảng kinh; vì Ngài biết rõ không phải lúc để Ngài thuyết pháp.
Quán sát biết rằng không làm được, người ta lo tu để trở thành mẫu người đạo đức, như vậy cũng tốt; còn không biết, hoặc cố chấp, nhất định làm chỉ chuốc lấy thất bại, buồn phiền mà thôi. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Vân Tỳ kheo là người đức hạnh, nhưng Ngài ẩn tu trên núi cao; Hải Vân Tỳ kheo có trí tuệ trong sáng, nhưng lại tu hành một mình ở bờ biển; Thiện Trụ Tỳ kheo thì ẩn tu ở núi rừng. Ba vị này tu hành đều có đạo đức đáng quý trọng, nhưng phải đợi đến Tỳ kheo Hải Tràng mới có thể cứu đời, vì Ngài xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ. Điều này thể hiện qua thực tế cuộc đời hành đạo của Tỳ kheo Hải Tràng, dưới chân Ngài có vua chúa, trưởng giả, cư sĩ; nói cách khác, có người giỏi, người tốt tin tưởng và hợp tác, mọi việc thành tựu dễ dàng. Nếu không có người tốt, người giỏi triển khai việc tốt mà ta đưa ra, chẳng những không thành công, đôi khi còn trở thành xấu nữa.
Điều này thể hiện rõ nét trong cuộc đời giáo hóa độ sinh của Đức Phật Thích Ca. Ngài thành công mọi việc một cách mỹ mãn, vì gần nhất Phật có mười vị đại đệ tử xuất sắc nhất thời bấy giờ tập hợp xung quanh Ngài và có khả năng thay Phật đi cứu độ chúng sanh. Kế đến, các vị quốc vương kính trọng Phật và các vị trưởng giả như Cấp Cô Độc, cùng nhiều người giàu có ủng hộ Phật. Ý này được kinh Hoa Nghiêm diễn tả rất khéo qua hình ảnh Hải Tràng Tỳ kheo xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ thì tuyên dương Chánh pháp được. Và trên đầu của Hải Tràng có Như Lai ngự, hai vai Hải Tràng có Thiên long Bát bộ. Nghĩa là cả thế giới âm và dương, hay thế giới hữu hình và vô hình đều trợ giúp đắc lực cho Đức Phật, cho nên Phật pháp được phát triển toàn diện.
Hải Tràng Tỳ kheo được coi là mẫu người vẹn toàn, hương đức hạnh của Ngài bay ngược gió, tỏa khắp mười phương, hay nói đúng hơn, kinh Hoa Nghiêm muốn diễn tả hình ảnh Đức Phật Thích Ca là mẫu Tỳ kheo phạm hạnh, thánh thiện hiện hữu trong loài người và đức hạnh của Ngài vẫn mãi mãi hằng hữu trong năm châu bốn biển, trong pháp giới, trải qua thời gian vô tận và không gian vô cùng.
Tóm lại, thể hiện trọn vẹn mười điều thiện trong cuộc sống theo Phật dạy là đã xây dựng được đạo đức của người đệ tử Phật và đó chính là thềm thang tốt nhất để chúng ta từng bước tiến tu xa hơn trên con đường thăng hoa trí tuệ cho đến viên mãn quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Xem thêm