Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 23/02/2017, 15:49 PM

Khái luận về Pháp tướng Duy thức học (P.2)

Sự sống của con người ai lại không biết mình có tự ngã mà tất cả dục vọng đều được phát sinh từ nơi tự ngã nói trên. Song tự ngã đây thực sự sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn theo sự chết và tính chất của nó có phải tạm thời không? Thân người mặc dù bị chết, nhưng tự ngã vẫn tồn tại mà không bao giờ bị chết và như thế tính chất của nó có phải vô cùng không? Tự ngã nếu như sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn theo sự chết thì đông đảo chúng sinh trong thời gian sống nhờ trời đất nếu kể ra độ khoảng mười năm cùng với cỏ cây khác nhau như thế nào?

II. LÝ DO SINH KHỞI PHÁP TƯỚNG DUY THỨC HỌC

A. Xuất Phát Nhu Yếu Nghiên Cứu Chân Thật: (Suy cứu thể chất và nguyên do căn bản của vạn hữu)

Bình thường, những học thuyết ra đời không luận cổ và kim, trong và ngoài, lẽ cố nhiên đều có lý do. Các đức Phật mỗi khi thuyết pháp đều dùng sự thích ứng cơ cảm của chúng sinh làm duyên khởi. Chính Phật Điển nói rằng, trí tuệ của các đức Phật và của người đời thì không giống nhau. Nói chung các đức Phật đã trải qua công phu tu chứng lâu đời và đã đạt được Vô Thượng Chính Biến Giác Tri. Bằng cứ Vô Thượng Chính Biến Giác Tri của các đức Phật so với chỗ tri thức qua sự suy đoán trên Ý Thức hoặc cảm nghiệm trên năm giác quan của người đời thì rất khác xa chỗ cứu cánh.

Từ đó cho thấy tri thức của người đời không thể nào sánh bằng Phật bởi lý do các đức Phật đối với chân lý thật tướng của vạn hữu, đối với tất cả thời gian và tất cả nơi chốn thảy đều chứng minh cụ thể. Nói cho dễ hiểu hơn, các đức Phật không phải là người sáng tạo hoặc chủ tể của thế giới mà các ngài chính là bậc đã giác ngộ triệt để. Điều tất yếu là giữa Phật và Phật không hề dùng lời nói, chỉ dung thông với nhau bằng sự tương ưng, nguyên vì các ngài đã chứng đắc tính và tướng của các pháp.

Các đức Phật sở dĩ dùng các thứ ngôn ngữ để giáo hóa là vì chúng sinh trước kia chưa chứng được Phật Trí, họ sinh ra sự kiến chấp về biến kế hoặc họ hoàn toàn chưa giác ngộ hoặc giác ngộ chưa được rốt ráo, vì muốn cho chúng sinh đạt được chính giác, các đức Phật mới dùng ngôn ngữ làm phương tiện để hóa độ. Nên biết rằng, các đức Phật không phải không chú ý đến nhu cầu tâm lý của chúng sinh mà bất cứ cuộc thuyết pháp nào của các đức Phật đều dựa trên tâm lý của chúng sinh để hóa độ.

Hiện tại, đối với hiện tượng nhân loại trong vũ trụ, ai cũng đều mong cầu biết được hiện tượng vạn hữu do nguyên nhân nào sinh ra và bản chất rốt ráo của chúng như thế nào? Bản chất sinh ra vạn hữu như thế nào? Chúng ta bắt buộc phải giải đáp cho thỏa đáng. Do đó tông giáo, triết học, khoa học đều thi đua hưng khởi để thích ứng với nhu cầu của mọi người, mặc dù tông giáo triết học, khoa học nói trên đều cùng nhau nghiên cứu về nguyên do sinh ra vạn hữu vũ trụ và tìm hiểu bản thể của chúng, nhưng các giải đáp những vấn đề nêu trên thì có chỗ đúng, có chỗ sai, có chỗ cạn và có chỗ sâu khác nhau. Sự giải đáp của họ về nguyên do và bản thể của vạn hữu vũ trụ được phân loại thành ba giai đoạn sau đây:

1. Thần Thoại Mê Tín Và Huyền Đàm Tưởng Tượng

Vì muốn nghiên cứu chân tướng của vạn hữu vũ trụ, Đa Thần Giáo hoặc Nhất Thần Giáo có mặt sớm nhất để giải thích. Thần Giáo chỉ dùng tín ngưỡng thần kỳ để giải đáp mà không dùng tư tưởng để suy luận. Theo Thần Giáo, vạn vật là do vị thần linh sáng tạo. Vạn hữu vũ trụ tức là do vị thần linh làm thể chất. Cơ Đốc Giáo thì chủ trương Thượng Đế sáng tạo vạn vật, Bà La Môn Giáo Ấn Độ thì chủ trương Đại Phạm Thiên là nhân thể của vạn hữu vũ trụ, còn thần thoại Trung Quốc lại giải thích Bàn Cổ là người khai mở trời đất và vạn vật đều do Bàn Cổ tạo ra. Trình độ nhân trí của thời cổ đại thì quá thiển cận, đều tin tưởng thần linh là bản thể sinh ra vạn hữu và họ đã tự thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của lối thuyết minh về vạn hữu vũ trụ này. 

Chỉ riêng Phật Pháp quan niệm rằng, tất cả pháp đều do nhân duyên hòa hợp sinh ra và tất cả pháp thì không có vấn đề Chủ Tể sáng tạo. Giả như Thượng Đế là người sáng tạo vạn vật thì Thượng Đế kia lại do ai tạo ra? Nếu như có người tạo ra Thượng Đế thì vấn đề sáng tạo trở nên vô cùng, cũng tức là mất đi cái nghĩa Chủ Tể, còn nếu như không có ai sáng tạo Thượng Đế cả mà chỉ do tự nhiên sinh thì vạn vật sao lại phải đợi Thượng Đế tạo ra? Sự và lý của vấn đề này thì hoàn toàn không thông suốt, mặc dù lối giải thích trên có chút luận lý và chút tư tưởng. Lối giải thích trên ai cũng biết là thuộc về loại thần thoại mê tín.

Ngoài tôn giáo thần thoại mê tín của thời cổ đại, còn có các triết học huyền đàm tưởng tượng, nhưng nếu so sánh với tôn giáo thì lối giải thích của họ tương đối tiến bộ hơn. Tại Trung Quốc, có học thuyết Thái Cực, Lưỡng Nghi và Tứ Tượng, Thái Cực nghĩa là trạng thái khi âm dương chưa phân định và Thái Cực này sau khi biến động liền sinh ra Lưỡng Nghi. Kế đến Lưỡng Nghi sinh ra Tứ Tượng, tiếp theo Tứ Tượng sinh ra Bát Quái và vạn vật v.v... Học thuyết của Lão Tử lại giải thích rằng, vạn vật sinh ra từ nơi Hữu Vi, Hữu Vi sinh ra từ nơi Vô Vi và một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật, kế đến cho Hư Vô là nhân thể của vạn hữu vũ trụ.

Tại Ấn Độ, học thuyết huyền đàm gồm có phái Số Luận (Samkhya system), phái Thắng Luận (Vaiceshika) v.v... Số Luận, tiếng Phạn gọi là Tăng Khư, Trung Hoa dịch là Số, nghĩa là dùng trí tuệ tính toán, cân nhắc, suy lường bản thể của vạn pháp để lập danh và từ nơi số mục phát khởi lý luận nên gọi là Số Luận. Phái này chủ trương căn bản của vũ trụ gồm có hai vật, được gọi là Nhị Nguyên Luận (Dualism).

Nhị Nguyên Luận gồm có: một là [Thần Ngã] (Purusha) của tinh thần, hai là [Tự Tính] (Prakriti) của bản thể không sai biệt ở trạng thái chưa hiện khởi vạn hữu có sai biệt. Họ giải thích rằng: do Thần Ngã thoạt nhiên sinh ra nhu cầu tất yếu và cùng với Tự Tính tương cảm với nhau liền sinh ra vạn hữu vũ trụ có sai biệt; muốn đặng giải thoát, phải nghiên cứu rõ chân tướng của 25 Đế, phải nương nơi thiền định để đình chỉ sự nhu cầu tất yếu của Thần Ngã và để trở về trạng thái Tự Tính bất động. Phái này kết luận là chỉ có Thần Ngã mới tồn tại và độc lập.

Còn phái Thắng Luận thì thuyết minh Sáu Pháp Cú Nghĩa là căn bản của vạn hữu vũ trụ. Sáu Pháp Cú Nghĩa gồm có:

1.- Thật Cú Nghĩa (Dranya Padartha),
2.- Đức Cú Nghĩa (Quna Padartha),
3.- Nghiệp Cú Nghĩa (Karma Padartha),
4.- Hữu Tính Cú Nghĩa (Samanya Padartha),
5.- Đồng Dị Cú Nghĩa (Vicesa Padartha) và 
6.- Hòa Hợp Cú Nghĩa (Samavaya Padartha).

Thí dụ như chén trà, tự thân của chén trà tức là Thật Cú Nghĩa. Thật Cú Nghĩa gồm có:

1.- Địa (Prithwi),
2.- Thủy (Ap),
3.- Hỏa (Tojas),
4.- Phong (Vagn),
5.- Không (Akaca),
6.- Thời (Kala),
7.- Phương (Dic),
8.- Ngã (Atman),
9.- Ý (Manas).

Sự rắn chắc, màu trắng, sức chứa, sự vận động v.v... của chén trà tức là Đức Cú Nghĩa. Đức Cú Nghĩa gồm có 24 thứ:

1- Sắc (Rupa)
2- Vị (Rasa)
3- Hương (Gandha)
4- Xúc (Sparca)
5- Số (Sankhya)
6- Lượng (Parimana)
7- Biệt Thể (Prthakva)
8- Hiệp (Sainyoga)
9- Ly (Vybhaga)
10- Bỉ Thể (Paratva)
11- Thử Thể (Aparatva)
12- Trọng Thể (Gurutva)
13- Dịch Thể (Dravatva)
14- Nhuận (Sneha)
15- Thinh (Cabda)
16- Giác (Buddha)
17- Lạc (Sukha)
18- Khổ (Duhkha)
19- Dục (Iccha)
20- Sân (Dvesa)
21- Cần Dũng (Prayathana)
22- Pháp (Dharma)
23- Phi Pháp (Adharma)
24- Hành (Samskara)

Sự tác dụng của chén trà tức là Nghiệp Cú Nghĩa. Nghiệp Cú Nghĩa gồm có 5 thứ:

1. Thủ (Ntksepanam)
2. Xả (Avaksepanam)
3. Khuất (Akuncanam)
4. Thân (Parisaranam)
5. Hành (Gananam).

Chén trà thì có thật thể và nó không phải không có thật thể. Chén trà đặc biệt chỉ có một thứ năng lực rất lớn để khiến cho nó hiện hữu. Chén trà có thật thể nghĩa là bao gồm cả ba thứ Thật, Đức và Nghiệp ở trong. Đồng loại với chén trà gọi là Đồng Cú Nghĩa và khác loại với chén trà gọi là Dị Cú Nghĩa. Nơi chén trà thì có đồng loại ở trong dị loại và có dị loại ở trong đồng loại. Thể của đồng dị thì rất nhiều và ba thứ Thật, Đức, Nghiệp đều có đồng dị của thể chung và của thể riêng.

Chén trà đây là thành quả của Thật, Đức, Nghiệp hòa hợp, nhưng trong chén trà này đặc biệt chỉ có một thứ năng lực hòa hợp khiến Thật, Đức, Nghiệp hòa hợp với nhau. Cho nên chén trà kia có một thứ quan hệ (Co-Inherence) không thể phân ly được gọi là Hòa Hợp Cú Nghĩa. Chín thứ Thật Cú Nghĩa nếu như hòa hợp thì kết thành loài người v.v... thuộc loại hữu tình, nguyên vì [Ngã] và [Ý] là đặc điểm tinh thần của loài hữu tình. Bảy thứ còn lại của Thật Cú Nghĩa, ngoại trừ Ngã và Ý ra nếu như chỉ hòa hợp bấy nhiêu đó thôi thì kết thành vật thể vô tình.

Riêng ở Tây phương, triết học cổ Hy Lạp quan niệm rằng, nhân thể của vũ trụ do nước tạo thành, hoặc do lửa tạo thành, hoặc do không khí tạo thành, hoặc do đất, nước, gió, lửa v.v... hợp thành. Tóm lại, lối giải thích này giống với lối giải thích Cực Vi Tứ Đại làm nhân thể của Thuận Thế Ngoại Đạo tại Ấn Độ. Nhân thể vũ trụ của triết học Tây phương nghiên cứu ở trên so sánh với quyền năng sáng tạo của Thượng Đế trong tôn giáo mặc dù có phần tiến bộ hơn một bậc, nhưng họ còn nương tựa nơi hiện tượng đương tiền làm nền tảng và còn suy tưởng những thứ ý tượng giả thuyết để tìm cầu chân thật của vũ trụ. Khi đến chỗ rốt ráo, triết học Tây phương cũng thuộc về loại những thứ giả thuyết huyền đàm tưởng tượng mà thôi! Như vậy vấn đề chân thật cần hiểu biết phải như thế nào?

2. Khoa Học Thực Nghiệm Và Tiểu Thừa Chấp Pháp

Do từ vấn đề nghiệm chứng qua năm giác quan, triết học Huyền Đàm (Hình Nhi Thượng) thiết tưởng có thể thay thế để phát khởi. Thế nào là khoa học thực nghiệm? Ở nước Pháp, nhà triết học Khổng Đức (Anguste Comte, 1798-1857) chủ trương kiến thiết triết học trên cơ sở khoa học, nghĩa là ông tổng hợp các kết quả của khoa học thực nghiệm làm cơ sở cho triết học suy luận. Ông phân loại xã hội tiến hóa thành ba giai đoạn:

1- Giai đoạn Tông Giáo,
2- Giai đoạn Huyền Học,
3- Giai đoạn Thực Chứng.

Ngày nay, một trong ba giai đoạn nói trên, sử dụng chứng nghiệm chi phối tất cả, gặp bất cứ việc gì đều tham cứu căn nguyên của chúng để hy vọng giải quyết tối hậu của mọi vấn đề. Duy một điều, tất cả trí thức mỗi khi thực nghiệm, lẽ dĩ nhiên phải sử dụng đến năm giác quan như: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt v.v... thì mới có thể đạt được chân lý. Nói cách khác, giai đoạn thực chứng là giai đoạn không có vấn đề mê tín, không còn vấn đề thần quyền, chỗ nào có tư tưởng thần quyền là chỗ đó bị phá trừ tận gốc. Ngoài khoa học minh chứng, tất cả còn lại không thể cho là cứu cánh.

Phương pháp của khoa học ngày nay phần nhiều dựa theo lời nói của Khổng Tử mà phát huy sâu rộng và làm sáng tỏ thêm. Áp dụng phương pháp khoa học nghĩa là căn cứ nơi trạng huống chứng nghiệm thực tế như thế nào thì trình bày ra như thế đó và sau đó lại suy luận để thuyết minh thực tại của nó. Những nơi mà năm giác quan kiểm chứng chưa đầy đủ, các nhà khoa học lại sử dụng các dụng cụ như, kiến hiển vi, kính viễn vọng v.v... để bổ túc vào những chỗ chưa đạt đến. Sự chứng nghiệm này lẽ cố nhiên là đặc sắc của các nhà khoa học.

Thực ra, những sự chứng nghiệm nói trên chỉ nương nơi năm giác quan để mở rộng, mặc dù những sự chứng nghiệm đó nếu như so sánh với Huyền Học thì tương đối có phần xác thực hơn, nhưng chỗ chứng nghiệm của năm giác quan chỉ có khả năng đạt được từng phần rời rạc thuộc phiến diện của một pháp và sau đó cũng từ những phần nhỏ này một tổ hợp được thành lập, mặc dù đã được Ý Thức quy nạp để thành hệ thống lý luận. Đối với thật tướng của toàn bộ vũ trụ và của toàn thể nhân sinh, năm giác quan cũng vẫn không thể hiểu biết trực tiếp được chúng. Nguyên vì hoa học đại khái chỉ học từng loại riêng biệt hoặc học hiện tượng vật lý, hoặc học hiện tượng tâm lý, hoặc học hiện tượng từng bộ phận sinh lý, cho nên các nhà hoa học chỉ đạt được thô tướng của mảnh vụn.

Dùng Phật Học để đánh giá, thực nghiệm của khoa học so với sự chấp pháp của Tiểu Thừa thì hơi gần nhau. Theo Tiểu Thừa, con người chỉ quan sát được chính những hiện tượng tổ hợp của vật lý [sắc uẩn], của sinh lý [thọ uẩn], của tâm lý [tưởng uẩn] v.v... và ngoài những hiện tượng này ra, tự ngã hoàn toàn không thể tồn tại. Vạn hữu vũ trụ thì cũng do địa chất, thủy chất, động lực, nhiệt lực và cộng thêm nghiệp lực hoạt động của tâm lý hữu tình cùng nhau kết thành. Ngũ Uẩn của Tiểu Thừa gồm có:

1- Sắc Uẩn: tức là sắc pháp một phần trong trăm pháp.

2- Thọ Uẩn: tức là năm giác quan cùng với sắc, thinh, hương, vị, xúc tiếp xúc lẫn nhau để sinh ra hoặc thọ khổ, hoặc thọ lạc, hoặc thọ không khổ không lạc, nói chung lại thuộc về cảm giác của tâm lý học. Chữ Thọ ở đây cũng có nghĩa là cảm tình, nghĩa là do căn và cảnh tiếp xúc với nhau tạo thành cảm giác của tri thức và cảm giác này cũng gọi là cảm tình.

3- Tưởng Uẩn: tức là cảnh tướng từ sự cảm thọ ở trên phân chia thành tư tưởng bỉ thử và danh từ Tưởng Uẩn được thành lập từ đây.

4- Hành Uẩn: hành là hành vi, thuộc về sự phát động của đạo đức hoặc không đạo đức, được thấy qua ngôn ngữ và ý chí. Hành Uẩn quan hệ thiết yếu vô cùng, Bốn Uẩn nói trên đều che kín tri thức.

5- Thức Uẩn: tức là tâm pháp một phần trong trăm pháp, mặc dù Tiểu Thừa chưa biết đến hai thức thứ bảy và thứ tám. Sắc Uẩn trong năm Uẩn của Tiểu Thừa thì bao gồm cả sắc pháp ở trong. Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn tuy là chỉ cho thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn trong năm Biến Hành, ngoài ra cũng bao gồm cả Tâm Sở Hữu Pháp và Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp ở trong, còn thức Uẩn thì bao gồm cả tâm pháp v.v... ở trong.

Tiểu Thừa và Đại Thừa thì có những chỗ dung thông với nhau và đại bộ phận của Tiểu Thừa so với Đại Thừa chỉ sai biệt nhau không xa, còn Tiểu Thừa so với khoa học thì có những điểm dị đồng như sau:

Tiểu Thừa thì cho vạn hữu, nhân sinh, thế giới và cho đến các pháp hữu vi, như năm uẩn v.v... đều tồn tại. Chủ trương này của Tiểu Thừa cũng không khác khoa học quan niệm cho hiện tượng tâm lý, sinh lý, vật lý đều hiện hữu. Thần Ngã và Thượng Đế đều bị họ phủ nhận. Sự lý luận của Tiểu Thừa thì rất mạch lạc và rất tinh tế phi thường cũng giống như Mật Nghiêm của khoa học, mặc dù khoa học nương tựa nơi năm giác quan và các dụng cụ để chứng nghiệm.

Trí tuệ của Tiểu Thừa chính là do giới cùng định sinh ra và Tiểu Thừa sử dụng trí tuệ nói trên làm sáng tỏ vũ trụ; sự soi sáng vũ trụ của Tiểu Thừa là trước hết quan sát nơi ngoại cảnh và sau đó mới quan sát nơi nội tâm. Đây là sự không giống nhau giữa khoa học và Tiểu Thừa. Mặc dù phương pháp áp dụng và mục tiêu của khoa học và Tiểu Thừa hoàn toàn khác nhau, nhưng có điểm giống nhau là cả hai đều chưa thấu triệt đến nơi đến chốn một cách viên mãn.

3. Căn Bản Không Của Pháp Tính Và Sự Chuyển Y Của Duy Thức

Pháp Tính là danh từ thuộc về giáo pháp của Tiểu Thừa nhưng đã được giải thích một cách tiến bộ hơn trong các kinh luận của Đại Thừa, như Kinh Đại Bát Nhã, Luận Đại Trí Độ, Trung Luận v.v... nhằm để minh định bản tính của vạn pháp vốn là không. Tiểu Thừa nhờ quán các pháp hữu vi nên hiển bày được nguyên lý ngã không, nghĩa là quan niệm rằng năm uẩn v.v... của các pháp thì luôn luôn tồn tại mãi, nhưng họ chỉ thấy được tính không của những vật thể thuộc tướng thô và vẫn chua thông suốt các pháp thuộc vi tế. Cho nên đối với cỏ cây trong vũ trụ, những thứ đó thực tế là do vô số điều kiện quan hệ của đất, nước, gió, lửa để thành lập và có thể nói chúng nó hoàn toàn không có tự tính, nhưng sự lầm lẫn lại chấp trước những điều kiện quan hệ của đất, nước, gió, lửa để tạo thành cỏ cây trong vũ trụ cho là chân thật.

Song nếu quan sát kỹ thêm một chút, chúng ta sẽ nhận thấy mỗi một pháp trong tất cả pháp cũng đều do điều kiện các duyên xây dựng nên và nếu như ly khai các duyên, tất cả pháp thì hoàn toàn không hiện hữu, tất cả pháp đây vì do các duyên hợp thành cho nên không có tự tính. Nguyên lý này rất gần với Tân Khoa Học Tương Đối Luận (Theory of Relativity), nghĩa là một pháp hiện thấy đều hiển bày nơi sự quan hệ của tương đối. Phàm thời gian, hoàn cảnh bốn phía của xứ sở và quan điểm của chỗ đứng đều quan hệ mật thiết với chiều rộng, chiều dài, chiều dày, chiều sâu v.v... của sự vật.

Giả sử hoàn cảnh của chu vi, hoặc thời gian, xứ sở và quan điểm một khi biến đổi thì bản thân của sự vật cũng bị đổi khác theo. Như hiện tượng địa cầu đi vòng quanh mặt trời, nếu nói theo lý tương đối hoặc lý Tăng Thượng Duyên, mặt trời và địa cầu hẳn nhiên có sự quan hệ mật thiết với nhau. Thật ra địa cầu và các hành tinh khác như Lưu Tinh, v.v... cũng đều cùng nhau thành hình. Nên biết rằng, địa cầu, đi vòng quang mặt trời là một sự việc, tức là do không gian của hánh sắc cho đến hằng sa hành tinh v.v... cũng đều quan hệ với nó. Người đời luôn luôn kính trọng và cố gắng giữ gìn địa cầu mãi mãi được sát bên, nhưng thật ra đã làm cho bị mất mát rất xa.

Căn cứ nơi pháp tính mà nói, các pháp của Tiểu Thừa cố chấp cũng là giả tướng đều do nhân duyên huân tập lẫn nhau thành hình và các pháp đó đối với cái không của ngã, suy cho cùng thì hoàn toàn không hai. Ý nghĩa Pháp Tính Vốn Không ở đây là chỉ có trong sự tu tập của các nhân duyên mà không có thật thể nơi từ nhân duyên tập hợp; cũng như chỉ có nhân duyên kết thành mà không có tự tính của nhân duyên. Đây là nghĩa căn bản Không của pháp tính, nhưng nếu như chỉ biết Pháp Tính Vốn Không mà không biết đến nghĩa Duy thức của Pháp Tướng thì năng lực thâu nhiếp và bảo trì các duyên tập hợp để hiện thành sẽ quy về đâu và năng lực đó như thế nào?

Từ đây đi đến Pháp Tính Vốn Không, chúng ta phải trải qua thế giới Pháp Tướng Duy Thức hiện bày. Học thuyết Không của tự tính vốn không chẳng phải chỉ cho Ngũ Uẩn v.v... thảy đều bị tiêu diệt mà học thuyết Không ở đây chính là trình bày các pháp do nhiều nhân duyên sinh ra đều không có tự tính. Các pháp đã là do nhân duyên thành lập thì tự tính của chúng lẽ dĩ nhiên không bao giờ có, mặc dù Pháp Tướng của các duyên tập hợp những quan hệ không phải không có. Trong Pháp Tướng, Tâm Pháp và Tâm Sở Hữu Pháp, có chỗ gọi là Thức, không chỉ khả dĩ bị hiểu lầm cho là đối tượng của tri thức và chính bản thân của Pháp Tướng lại cũng lầm cho là Thức Năng Tri.

Tất cả pháp sở tri của Thức thì bao gồm cả Thức năng tri ở trong. Phàm hiện tượng của tri thức đều là tâm lý kết hợp và ngoài tâm thức này ra các pháp nhất định không có vật chất riêng biệt v.v... Nơi để hiểu biết chính là Tướng Phần của sáu Thức ở trước nương tựa nơi Tướng Phần của Thức thứ tám làm bản chất trần cảnh để biến hiện, cho nên gọi là chính ở trong Thức mà không phải ở nơi ngoài Thức; Kiến Phần thì nương nơi Tướng Phần để phát khởi và Tướng Phần thì phối hợp với Kiến Phần để sinh ra, từ đó Pháp Tướng đa phần đều chịu ảnh hưởng của Tri Thức tâm lý để biến hiện.

Cường độ quan điểm của tri thức thì như thế nào và hiện tượng sở tri của Thức thì như thế nào? Cường độ tri thức thì không giống nhau và hiện tượng rõ rệt nhất là khác biệt nhau hoàn toàn, vì thế các pháp sở hữu của tri thức đều chịu ảnh hưởng của Thức nên bị biến động. Riêng Pháp Tính thì thuyết minh tất cả pháp đều do nơi Tướng Phần của nhiều hạt giống nhân duyên biến hiện hẳn nhiên không phải cố định và bản chất tự tính của tất cả pháp có thể nói là không; còn về Pháp Tướng, vạn pháp thì rõ ràng đều nương nơi Tâm và Tâm Sở như huyễn như hóa để thiết lập và không phải ngoài Thức có riêng sự vật nào khác, nên gọi là Pháp Tướng Duy Thức.

Pháp Tính Vốn Không nhằm đả phá sự pháp chấp của Tiểu Thừa nhưng Pháp Tướng Duy Thức lại có thể hiển bày pháp tướng của nhiều hạt giống nhân duyên sinh thành từ trong Pháp Tính vốn không, nhưng hoàn toàn không phải hiện hữu ngoài Thức và tất cả đều do Duy Thức biến hiện. Căn cứ nơi Pháp Tính để giải thích Pháp Tướng, Pháp Tướng thì như huyễn như hóa và đây là diệu dụng của Pháp Tính; căn cứ nơi Pháp Tướng để hiển bày Pháp Tính, Pháp Tính Vốn Không ở đây cũng là tướng của Duy Thức, vì tính tướng như như, cho nên nguyên nhân căn bản và thể chất của vạn pháp mãi đến bây giờ mới khéo an bài được nguyên lý của chúng.

B. Xuất Phát Nhu Yếu Sự Tồn Tại Của Điều Thiện: (Tự ngã của chúng ta và giá trị sự tồn tại)

Sự sống của con người ai lại không biết mình có tự ngã mà tất cả dục vọng đều được phát sinh từ nơi tự ngã nói trên. Song tự ngã đây thực sự sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn theo sự chết và tính chất của nó có phải tạm thời không? Thân người mặc dù bị chết, nhưng tự ngã vẫn tồn tại mà không bao giờ bị chết và như thế tính chất của nó có phải vô cùng không? Tự ngã nếu như sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn theo sự chết thì đông đảo chúng sinh trong thời gian sống nhờ trời đất nếu kể ra độ khoảng mười năm cùng với cỏ cây khác nhau như thế nào?

Vấn đề làm thành nhân, làm ác và hành động dối trá, giá trị của chúng nó do đâu mà có? Thiết lập đã trái với lẽ tự nhiên, con người sống chết mà lại có tự ngã vẫn tồn tại và không bao giờ bị chết thì tự ngã không chết kia sẽ đi về đâu? Tự ngã đó có bị thăng trầm theo thế giới này không, nghĩa là tự ngã có phải bị thọ sinh vào thế giới khác chăng? Những vấn đề trên chính là nguyên nhân thúc đẩy các tôn giáo, các triết học, các luân lý cùng nhau phát sinh sự tồn tại điều thiện. Các nhà hiền triết thời xưa dốc lòng lập chí, lập công, lập đức hoặc lập ngôn không ngoài mục đích làm trung tâm cho việc giác ngộ bản thân và vạn hữu.

Tinh thần dồi dào và tồn tại vĩnh cửu của các nhà hiền triết kia, những thứ nhu yếu đó chẳng lẽ không có chỗ nương tựa sao? Tục ngữ có câu [người chết tâm không chết], tức là đã nhìn nhận giá trị tồn tại vĩnh cửu của tự ngã trong thư tịch để tự an vui, chính là nhu yếu rất tiêu chuẩn của sự tồn tại bất diệt, cũng là điều kiện sinh khởi các học thuyết của các tôn giáo và luân lý, nhưng các học thuyết khai mở đầu tiên đích thực là học thuyết của Thần Đạo. Riêng các học thuyết Thần Đạo cũng có thể phân thành ba tiết mục:

1. Sự Sống Vĩnh Cửu Của Thiên Thần Và Sự Tồn Tại Độc lập Của Tự Ngã

Sụ sống vĩnh cửu của Thiên Thần cùng với sự thần thoại hóa và mê tín ở trước cũng đều nhất trí với nhau. Thần ở đây thì vô thỉ vô chung và không có chỗ nào là không trụ. Như loài người là do Thần sáng tạo, quản lý và lãnh đạo. Loài người nếu như phá trừ tính chất thấp nhất v.v... và tốt nhất là bồi dưỡng đạo đức thì có thể cùng với Thần sống vĩnh cửu giống nhau. Học thuyết đây nếu được hưng khởi thì sự ảnh hưởng của nó theo đó phát triển. Nói chung, học thuyết nói trên một khi hưng khởi thì giá trị và tự ngã lẽ đương nhiên mới có thể trường tồn và nhơn tâm cũng nhờ vào đó rất được an vui. Cho đến sự tồn tại độc lập của tự ngã, phái Số Luận cổ Ấn Độ đã khai sáng học thuyết này và họ chủ trương rằng, tự ngã kia sở dĩ bị tuần hoàn không dứt là do vấn đề sinh tử cuốn trôi mà chính nhờ đó nhu yếu của tự ngã dễ được phát sinh.

Tự ngã nếu như muốn giải thoát thì phải nhờ năng lực của Định Tuệ tiêu diệt hết những nhu yếu của tự ngã và lần lần có thể ly khai hẳn tự tính để được tồn tại độc lập. Ngoài ra Kỳ Na Giáo v.v... cũng đều cho tự ngã giải thoát để tồn tại độc lập là mục đích tối cao của sự đạt đến điều thiện. Nhờ quán chiếu nguyên lý của pháp tướng, tự ngã mới được sự che chở của Thần và mặc dù phiền não có thể tạm thời yên ổn, song các giáo phái cũng cho Thần là nơi nương tựa duy nhất; các giáo phái nói trên đều nhìn nhận thần quyền cho là vô thượng, lại bỏ đi không đoái tưởng đến nguyên lý tự làm tự thọ và đã phạm phải lỗi lầm là trái ngược với thế gian, nhưng sự tồn tại độc lập của tự ngã thì cũng lại là đồ đệ của Huyền Tưởng không khác. 

2. Sự Đoạn Diệt Của Vật Chất Tan Hoại Và Sự Giải Thoát Của Sinh Không

Khoa học nói rằng, người sống ở đời phải tạo những sự nghiệp bất hủ ngõ hầu lưu lại cho đoàn thể. Như đem cá thể của mỗi người để quan sát, khoa học nhận thấy cá thể người đó đều nương tựa nơi vật lý làm cơ sở mà bản chất của vật lý đây chẳng qua là do mười mấy thứ nguyên tố của hóa học kết hợp nhau lại mà thành, còn tâm lý thì lại nương tựa nơi vật lý làm cơ bản, rốt cuộc thì cũng do vật chất sinh ra, cho đến tâm linh v.v... sau khi chết thì bị tiêu diệt khi vật chất tan hoại. Tự ngã và linh hồn v.v... sở dĩ biến thành không là tự nó không có chỗ sống vĩnh cửu và tồn tại độc lập. Cực Vi Luận của Ấn Độ và Duy Vật Luận của đời nay đều phát huy học thuyết này.

Chỉ riêng Tiểu Thừa đã chứng Sinh Không cho nên được giải thoát và vấn đề thật hành những điều thiện để khuếch trương cho được tăng trưởng thêm thì không đối nghịch với nhau mà ở đây chính là nhờ nương tựa với nhau nên mới được lợi ích cho nhau, như nhờ giới nên định mới được phát sinh, nhờ định nên huệ mới được phát hiện và sử dụng huệ đã phát hiện để phá trừ sự mê chấp của người đời cho rằng có thật thể của tự ngã, nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề không có bản ngã thật thể ở bên trong và không có vật chất thật thể ở bên ngoài, mong cầu những kẻ mê chấp vật chất cùng bản ngã cho là chân thật kể từ đây phải chấm dứt, đồng thời tất cả sự hoạt động của tâm lý cũng theo đó phải ngừng nghỉ.

Sự giải thoát Sinh Không của Tiểu Thừa chứng đắc trên bình diện biểu hiện so vói sự đoạn diệt của vật chất tan hoại thì hơi giống nhau. Song sự giải tán của vật chất nói trên theo khoa học thì không phải do nghiệp lực và vật chất tan hoại đó mặc dù xem như đoạn diệt nhưng chung cuộc không phải đoạn diệt chân thật; Tiểu Thừa khác với khoa học ở chỗ tư nơi sự đoạn diệt của vật chất còn có cơ hội tái sinh, đó chính là giải thoát chân thật. Khoa học đối với giá trị sự tồn tại vĩnh cửu của điều thiện nếu như so sánh với Tiểu Thừa thì còn kém hơn một bậc.

3. Sự Thường Như Của Bản Không Và Sự Chuyển Y Của Duy Thức

Khoa học nếu chủ trương sự đoạn diệt của vật chất cho là tan hoại thì bị rơi vào lối kiến chấp đoạn diệt và nguyên lý của học thuyết này chưa phải là tốt, lẽ cố nhiên không nên luận bàn. Riêng sự giải thoát Sinh Không của Tiểu Thừa lại chấp trước cho rằng, các pháp đều có thật tại và đối với ý nghĩa của Pháp Tính cũng như Pháp Tướng thì vẫn chưa được giác ngộ.

Pháp Tính thì thuyết minh vạn pháp vốn không, không bao giờ bị ngăn ngại thường trụ như thế và phổ biến như thế, cho nên gọi là các pháp không tướng, không sinh không diệt, không tăng không giảm, vì bản tính không sinh diệt tăng giảm, vạn pháp vốn không cũng không có vấn đề sinh tử khổ não để giải thoát, cho nên gọi rằng: Tướng Như của Bản Không. Bản tính của các pháp mặc dù là không, nhưng hiện tượng của các pháp thì tuỳ theo sự tan hợp của nhân duyên mà biến hiện; tất cả pháp đều nương nơi Tâm Thức để sinh khởi, cho nên gọi là Chuyển Y của Duy Thức.

Phàm tất cả pháp hữu lậu không viên mãn nếu như nương tựa nơi Tâm Thức để biến hiện thì Tâm Thức làm chỗ nương tựa kia cũng không phải thiện và cũng không viên mãn. Tâm Thức nói trên một khi đã được cải biến và đã được chuyển hóa để trở nên giác ngộ viên mãn, mà kinh Phật gọi là Chuyển Thức Thành Trí thì giá trị của sự đạt đến điều thiện lẽ dĩ nhiên đã hoàn toàn tồn tại vĩnh cửu.

Tác giả: Đại Sư Thái Hư
Dịch giả: Thích Thắng Hoan
Trích trong: Khái luận về Pháp tướng Duy thức học
Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm