Quyến thuộc của Bồ tát
“Giết cha, giết mẹ, giết cả hai vua, hủy diệt cả một vương quốc cùng với tất cả tùy thuộc của nó, Thánh nhân ra đi không tiếc nuối.”(44) Đó là sự mô tả một cách tượng hình về ý chí vượt bỏ thế gian mà dưới một góc nhìn nó không kém phần khốc liệt, hoặc bi tráng. Mấy nghìn năm sau, những người học Phật vẫn còn mường tượng hình ảnh bi tráng của một thanh niên vương giả, nửa đêm giựt cương tuấn mã vượt bỏ hoàng thành, bỏ lại đằng sau cả quãng đời niên thiếu, với mái tóc còn đen nhánh, với khí huyết cường thịnh của thời thanh xuân, bỏ lại cha mẹ đầm đìa nước mắt trong ưu tư sầu muộn, và bỏ lại tất cả thần dân của một vương quốc. Bồ-tát từ bỏ thế gian để đi tìm lẽ Chí thiện cho thế gian, tìm đạo lộ an ổn tối thượng cho thế gian. Khi bánh xe Chánh pháp bắt đầu được vận chuyển, thay vì bánh xe chinh phục và thống trị của Chuyển luân đại đế, thông điệp lịch sử đã được ban truyền: “Các ngươi hãy lên đường... vì an lạc của chư thiên và nhân loại.”
Một hình tượng thân thiết khác, Thiện Tài Đồng tử, hiện thân của ước nguyện học hỏi không cùng tận, một mình lữ hành cô độc đi tìm thiện tri thức. Tuy biết con đường trước mắt là những hội ngộ của nhiều thiện tri thức, nhưng trong cái nhìn hướng vọng vào thế giới mênh mông, người niên thiếu cầu học này vẫn cảm nhận tự thể cô độc trong yếu tính chân thực của thực tại.(45) Suốt cả chuổi dài không gian vô cùng, thời gian vô tận, trên mọi nẻo đường cầu học, Thiện Tài luôn luôn tự thấy mình “như cánh nhạn lẻ loi giữa phương trời vạn dặm,”(46) trong thế giới trùng trùng vô tận của Hoa nghiêm.
Hành Bồ-tát đạo, lăn lóc trong sáu nẻo luân hồi, tự trong sâu thẳm, vẫn là hình ảnh cô độc như một tỳ kheo ẩn mình trong núi rừng u tịch, lang thang với ba y và bình bát như chim mang theo hai cánh. Như thế, quá trình tích lũy tri thức như là quá trình hội nhập, của một hạt cải dung nạp cả khối Tu-di vĩ đại; của ba nghìn đại thiên thế giới thể nhập vào trong một hạt cát. Trên nền tảng tư duy bản thể luận ấy, mà nếu nhìn từ khối quan hệ nhân sinh và xã hội, thì quá trình tích lũy tri thức là chuỗi tiến hành phát hiện ra mối quan hệ thân tộc của mình với thế giới chung quanh, với xã hội con người, với nhiều chủng loại chúng sinh, và với nhiều tồn tại của thế giới tự nhiên. Nói cách khác, tri thức mà Bồ-tát có được cần phải được nhận biết qua tác dụng hiện thực của nó: tri thức ấy là gì trong quan hệ thân tộc, giữa các quyến thuộc của ta? Đây là điều mà kinh điển Đại thừa thường nói là ý nghĩa tự lợi và lợi tha được phát hiện từ đại trí và đại bi của Bồ tát. Ngay ở điểm này, Bồ-tát Phổ Hiện Sắc Thân hỏi Duy-ma-cật:
“Cư sĩ, ai là cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc của ngài? Gia nhân tôi tớ của ngài, voi ngựa xe cộ của ngài ở đâu?”
Bấy giờ Duy-ma-cật trả lời bằng bài kệ: “Trí độ,(47) mẹ Bồ tát. Phương tiện,(48) cha Bồ tát. Hết thảy bậc Đạo sư đều từ đấy mà sinh. Lấy Pháp hỷ làm vợ; Tâm từ bi, con gái; Tâm thành thật,(49) là trai. Nhà, rốt ráo không-tịch; Đệ tử là trần lao,(5) Tùy nghi mà chuyển hóa. Đạo phẩm,(51) là bạn hữu. Nhờ đây thành chánh giác...”
Một loạt bài kệ trả lời như vậy đã khẳng định rằng nội dung của trí tuệ không phải chỉ là những nhận thức, những hiểu biết thuần lý. Nội dung ấy là phải gồm cả hai mặt, thuần lý và thực tiễn. Trong mặt thuần lý, nội dung của trí tuệ hình thành nhân cách của Bồ-tát. Trong mặt thực tiễn tiễn, nhân cách ấy được nhận thức trong mối quan hệ thân thích buộc ràng.
Cho nên, Bồ-tát cũng là một chúng sinh trong vô số chủng loại chúng sinh, hay cũng là một con người như là một thành viên của cộng đồng xã hội, nên sự tồn tại hay đời sống thường nhật của Bồ-tát là chuỗi nhận thức và nghĩa vụ đối với tự thân và với quyến thuộc, thân thích. Cha mẹ, thê thiếp, con trai, con gái, bằng hữu, nhà cửa, tài sản; tất cả tương dung tương nhiếp để tác thành nhân cách của Bồ tát, và cũng tác thành mục đích cứu cánh của Bồ tát, mục đích tự lợi và lợi tha. Như thế mới trọn vẹn ý nghĩa “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.”
Duy-ma-cật tự kết luận cho trả lời về thân thích quyến thuộc của Bồ tát: “Pháp như vậy, ai nghe mà không phát tâm bồ-đề? Chỉ trừ kẻ vô dụng, hoặc si ám, vô tri.”
Thiền sư Thích Tuệ Sỹ
(*Luận về Phẩm VII Quán Phật Đạo. Kinh Duy Ma Cật Sơ thuyết).
* Chú thích
(1) Pali, Rohitassa, Samyutta i, tr. 61f. Hán dịch tương đương, Tạp A-hàm 49 (kinh 1307, T02n99, tr. p0359a19): Xích Mã Tiên nhân 赤馬仙人.
(2) Pali, Ibid., 62: imasmiṃyeva byāmamatte kaḷevare sasaññimhi samanake lokañ ca paññapemi lokasamudayañca lokanirodhañca lokonirodhagāminiñca paṭipadan’ti.
(3) Dhp. 85, appakā te manussesu, ye janā pāragāmino/ athāyaṃ itarā pajā tīram evānudhāvati.
(4) Hoa nghiêm 4 (bản 40 quyển; T10n293, tr.679b6).
(5) Vedānta-sūtra i.1.
(6) Cakkavattī-suttam, D.iii. 75: asītavassasahassāyukesu, bhikkhave, manussesu tāyo ābādhā bhavissanti, icchā, anasanaṃ, jarā.
(7) Aggañña-sutta, D.ii. 94. Hấn, Trường A-hàm 6, kinh Tiểu duyên (T1n1, tr.38c4).
(8) Pali, jhāyaka, người dạy học, được kinh nêu nguyên gốc như sau: trước đó, họ vào rừng tư duy thiền tứ nên họ được gọi là các thiền giả hay các nhà tư duy. Sau đó, họ bỏ rừng, không thiền tứ nữa, mà để giảng sách. Vì bỏ tư duy, nên họ được gọi la “Bất thiền giả” (te...jhāyantīti kho vāseṭṭha jhāyakā... na dānime jhyantīti... ajhāyakā. Aggañña-sutta, D.i.94). Từ Pali jhāyakalà dạng hỗn chủng của Skt. adhyāyaka, do động từ căn adhi-I; quan sát, nhận thức, ghi nhớ; tụng đọc.
(9) Phật nhận xét, “Vào thời xưa ấy, họ được cho là thấp hèn. Nay họ được coi là cao thượng.” (hīnasammataṃ kho pân vāseṭṭha tena samayena hoti, tadetarahi seṭṭhasammataṃ, ibid.).
(10) Pháp cú, – yāvadeva anatthāya ñattaṃ bālassa jāyati/ hanti bālassa sukkaṃsaṃ, nuđham assa vipātayaṃ. Dhp. 72.
(11) Hoa nghiêm 35 (40 quyển; T1n293, tr.824a17).
(12) Cf. Kośa, vii k. 7: kṣayajñānaṃ hi satyeṣu parijñātādiniśrayaḥ/ na parijñeyam ity ādir anutpādamatir matā// Tập dị môn luận 3 (T26n1536, tr.376a18): “Tận trí là gì? Biết như thật rằng, Ta đã biết Khổ, đã đoạn Tập, đã chứng Diệt, đã tu Đạo...Vô sanh trí là gì? Biết như thật rằng, Ta đã biết Khổ rồi không còn gì để biết thêm nữa. Đã đoạn Tập, chứng Diệt, tu Đạo... Lại nữa, như thật biết Ta đoạn tận dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu; đó là tận trí... Như thật biết chúng đã đoạn tận không còn sanh khởi trở lại nữa, đó là vô sanh trí...”
(13) Câu-xá 25 (T29n1558, tr.132b4): “Tận trí (Skt. kṣaya-jñāna), vô sanh trí (Skt. anutpāda-jñāna), được gọi là giác (bodhi). Tùy theo giác giả mà biệt lập ba hạng bồ-đề : Thanh văn, Độc giác, Vô thượng bồ-đề . Do vô minh tùy miên vĩnh viễn bị đoạn trừ, và như thật biết những gì cần làm đã làm xong, không còn gì cần phải làm nữa.” Xem Đại trí độ 53 (T25n1509, tr.436b5): “Bồ đề có ba bậc: A-la-hán, Bích-chi-phật, và Phật. Trí tuệ của bậc vô học thanh tịnh không cấu nhiễm, nên được gọi là bồ-đề. Trí tuệ của Bồ tát tuy có vĩ đại nhưng tập khí của các phiền não chưa dứt trừ sạch nên (trí ấy) chưa được gọi là bồ-đề .
(14) Skt. samanāntara: đẳng vô gián.
(15) Skt. ahaṅkāra, thường được dịch là ngã mạn, để phân biệt với ātman.
(16) Skt. buddhi.
(17) Skt. mahat. Kim thất thập luận (T54n2137, tr.1250c16): “Đại, là quyết trí. Thế nào là quyết trí (adhyavasāya)? Tri giác rằng vật này là cái chướng ngại, vật này là con người; tri giác như vậy được gọi là quyết trí.”
(18)Skt. ahaṅkāra; ibid., từ tự tánh (prakṛti) sinh đại (mahat) hay giác (buddhi). Từ đại sinh ngã mạn (ahaṅkāra), Ngã mạn sinh 5 quan năng nhận thức (pañca-jñānendriya), 5 quan năng hành động (pañca-karmendriya). Xem, Kim thất thập luận 1 (T54n2137, tr.1245c3).
(19) ibid., 1250c19.
(20) Các nhà Duy thức nói họ phát hiện Phật ngụ ý A-lại-da trong một đoạn kinh mà các nhà Tiểu thừa không thấy. Nhiếp Đại thừa luận bản (T31n1594, tr.134a18): “Như trong Tăng nhất A-cấp-ma của Tiểu thừa có nói: chúng sanh ái a-lại-da, hân a-lại-da, lạc a-la-da, hỷ a-lại-da. Vì để đoạn trừ a-lại-da ấy (mà Phật diễn thuyết Chánh pháp).” Đoạn dẫn có thể tìm thấy Pali tương đương, Ariyapariyesana-sutta, M.i. 168: ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā.
(21) Giải thâm mật 1 (T16n676, tr.692c22): “A-đà-na (tên khác của A-lại-da) thậm thâm vi tế; trong đó chủng tử như dòng thác chảy xiết.”
(22) Duy thức tam thập tụng, tụng 27: hành giả dựng lên trước mình một đối tượng nào đó và gọi nó là Duy thức tánh. Nhưng vì là có sở đắc cho nên hành giả không thật sự là an trụ nơi Duy thức. Cf. Triṃśatikā, k. 27: vijñaptimātimātram evedam ity api hy upalambhataḥ/ sthāpayann agrataḥ kiṃ cit tanmātre nāvatiṣṭhate: tuy nói rằng đây là duy biểu (=Duy thức tánh), nhưng do bởi là đối tương được nắm bắt, nên dù đặt nó trước bất cứ cái gì, vẫn chưa phải là an trụ trong duy biểu (Duy thức tánh).
(23) Thành duy thức 9 (T31n1585, tr.48b24).
(24) Đại trí độ 53 (T25n1509, tr.438a3).
(25) Câu-xá 25 (T29n1558, tr.132c20). Cf. Kośa vi. k. 70: ādikarmika-nirvedhabhāgīyeṣu prabhāvitāḥ/ bhāvane darśane caiva sapta varga yathākramam/ chúng được chia thành 9 phẩm theo thứ tự hiển thị trong sơ nghiệp, trong thuận quyết trạch phần, trong tu đạo và kiến đạo.
(26) Câu-xá 23 (T29n1558, tr.119b11).
(27) Bốn nhẫn: Khổ pháp trí nhần (duḥkhe dharmajñānakṣānti): kinh nghiệm dẫn đến nhận thứ sự khổ trong hiện thực, cho đến Đạo pháp trí nhẫn. Bốn trí: Khổ pháp trí (duḥkhe dharmajñā): nhận thức hiện thực về sự khổ.
(28) Thượng giới, bốn nhẫn: Khổ loại trí nhẫn (duḥkhe anvayajñānakṣānti): kinh nghiệm dẫn đến nhận thức sự khổ bằng loại suy; cho đến Đạo loại trí nhẫn. Bốn trí: Khổ loại trí (duḥkhe anvayajñāna): nhận thức sự khổ do loại suy; cho đến Đạo loại trí.
(29) Câu-xá 25 (T29n1558, tr.129b3): “(A-la-hán thuộc hạng bất động: akopyadharma) Đây gọi là bất động tâm giải thoát; vì không bị thối động và tâm giải thoát. Cũng gọi là bất thời giải thoát (asamayavimukta), vì giải thoát và không đợi thời gian. Nghĩa là, bất cứ khi nào muốn, tam-muội liền hiện tiền, không chờ phải hội dủ các điều kiện hoàn cảnh.”
(30) Đại Tỳ-bà-sa 176 (T27n1545, tr.886c9): “Có một số các hữu tình, chỉ bằng bố thí một nắm cơm, một tấm áo, ..., mà đã bằng sư tử hống tuyên bố, ‘Ta nhân đây mà nhất định sẽ thành Phật.’ Đó không phải là Bồ tát chân thật, mà là Bồ tát tăng thượng mạn. Tuy đã trải qua ba vô số kiếp, tu đủ các khổ hạnh khó hành, nhưng nếu chưa tu tập diệu tướng nghiệp thì vẫn chưa thể tuyên bố ‘Ta là Bồ tát (chân thật).’ Cho nên, Bồ-tát tuy đã qua tròn một vô số kiếp thứ nhất, tu tập đầy đủ các khổ hạnh khó hành nhưng vẫn chưa tự biết một cách xác định ‘Ta sẽ thành Phật.’ Qua vô số kiếp thứ hai tuy đã có thể tự biết một cách xác định rằng sẽ thành Phật, nhưng chưa đủ can đảm, chưa đủ vô úy để phát ngôn rằng ‘Ta sẽ thành Phật.’ Cho đến hết vô số kiếp thứ ba, đã tu tập đầy đủ diệu tướng nghiệp, đã có thể tự biết một cách xác quyết rằng ‘Ta sẽ thành Phật,’ và cũng đủ vô úy để phát sư tử hống mà tuyên bố rằng ‘Ta sẽ thành Phật;’ cho đến khi ấy mới được gọi là Bồ tát (chân thật).” Tham chiếu Đại trí độ 4 (T25n1509, tr.86b11): “Bồ-đề tát-đỏa (bodhi-sattva) có hai hạng, Bệ-bạt-trí (vivartika) và A-bệ-bạt-trí (avivartika)... A-bệ-bạt-trí bồ-đề-tát-đỏa, đó mới là chân thật Bồ-tát.”
(31) Quyển 7 (T31n1602, tr.516b17).
(32) Tức y trên sáu căn mà quán sát tu tập. Cf. Du-già sư địa 21 (T30n1579, tr.395c24): tự thể của chủng tánh Thanh văn y trên sáu xứ. Giải thích của Tuần Luân, Du-già luận ký 6 (T42n1828, tr.431a12): “Chủng tử của Thanh văn không có hình thái nào khác ngoài sáu xứ. Tức chính phần vị thù thắng của sáu xứ nơi chủng loại của thân mà có chủng tử.”
(33) Skt. pañca vidyāsthānāni, năm ngành học thuật: 1. thanh minh (śabda-vidyā), ngôn ngữ học; 2. nhân minh (hetu-vidyā), luận lý học; 3. nội minh (adhyātma-vidyā), triết học; 4. y phương minh (cikitsā-vidyā), y học; 5. công xảo minh (śilpasthāna-vidyā), nghệ thuật.
(34) Một trong ba thân theo kinh Giải thâm mật. Bản thân mà Thanh văn và Độc giác thành tựu do chuyển y (parivṛttāśraya), gọi là giải thoát thân. Giải thâm mật 5 (T16n0676, tr.708b23): “Do Giải thoát thân nên nói hết thảy Thanh văn và Độc giác cùng với các Như Lai bình đẳng bình đẳng không sai biệt; do Pháp thân mà nói có sai biệt.”
(35) Skt. gotra.
(36) Cf. Sn. 423: ādiccā nām gottena, sākiyā nāma jātiyā, chủng tánh là Nhật thân, huyết thống là Thích-ca.
(37) Nhập Lăng già 2 (bản 10 quyển; T16n0671, tr.526c8). Laṅkāvatāra, Nanjio tr. 64: pañca abhisamayagotrāṇi...śrāvakayānābhisamayagotraṃ, pratyekabuddha-, tathāgata, anitya-taikataragotraṃ agotram.
(38) Dẫn trên, tr.527a29: “Nhất-xiển-đề là hạng không có niết-bàn tánh. Hạng này không có tín tâm để tin rằng có sự giải thoát nên không hề có ý hướng về sự nhập niết-bàn.” Nhóm chủng tánh này cũng được chia thành hai nhánh: nhánh đoạn thiện căn do không có một chút gốc rễ thiện gì để có thể tin tưởng có giải thoát và Niết-bàn. Nhánh thứ hai, Bồ-tát do đại bi nên vĩnh viễn không hề có ý hướng Niết-bàn. Skt. ibid., tr. 66: icchantika.
(39) Quyển 35 (T30n1579, tr.479a11).
(40) Ibid., tr. 479a11, về chủng tánh tướng (Skt. gotra-liṅga: dấu hiệu chủng tánh) y theo sáu ba-la-mật.
(41) Dẫn thượng, tr. 478c18 :”Chủng tánh (gotra) ở đây cũng hiểu là chủng tử (bīja), là giới (dhātu), là tánh (prakṛti).” Trong học thuyết Duy thức, chủng tử là công năng tiềm thế, khi đủ duyên thì phát khởi hiện hành.
(42) VCX: «Chúng tôi, trong dòng tương tục của tâm, hạt giống sanh tử đã mục nát, không còn cơ hội để phát tâm…»
(43) Đạo ý 道意: bồ-đề tâm.
(44) Dhp. 294. Mātaraṃ pitaraṃ hantvā, rājāno dve ca khattiye; raṭṭhaṃ sānucaraṃ hantvā, anīgho yāti brhmaṇo.
(45) Thơ của Phật Quốc, Văn thù chỉ nam đồ tán (T45n1891, tr.793b21): 回首夕陽坡下望 白雲青嶂萬千重 Hồi thủ tịch dương pha hạ vọng, Bạch vân thanh chướng vạn thiên trùng, “Quay nhìn nắng chiều dưới sườn núi, Mây trăng, non xanh, muôn vạn lớp.”
(46) ibid. (T45n1891, tr.805c28): 許多境界何來去 萬里天邊一雁飛 Hứa đa cảnh giới hà lai khứ, Vạn lý thiên biên nhất nhạn phi, “Biết bao cảnh giới, nào có đến hay đi. Ngoài ven trời vạn dặm một cánh nhạn lẻ loi bay.”
(47) Giải thích của Khuy Cơ: trong bản Huyền Trang, chỉ ba-la-mật thứ sáu tức Bát-nhã ba-la-mật (Skt. prajñāpāramitā) vốn là trí vô phân biệt (Skt. nirvikalpa-jñāna); trong bản La-thập, trí độ chỉ ba-la-mật thứ mười (jñāna-pāramitā)
(48) Khuy Cơ, đây chỉ ba-la-mật thứ 7, mà tự thể là hậu đắc trí (pṛṣṭhalabdha-jñāna).
(49) Thiện tâm thành thật 善心誠實. Chân thật đế pháp 真實諦法 (Skt. satya-dharma).
(50) VCX: “Lấy phiền não nô lệ hèn mọn và kẻ giúp việc, tùy ý mà sử dụng”.
(51) Đạo phẩm, La-thập nói: 37 phẩm chung cho cả ba thừa. Đạo phẩm của Bồ tát kiêm cả sáu ba-la-mật. VCX: Giác phần 覺分 (Skt. bodhi-pakṣa). Khuy Cơ: Nhân tố của bồ-đề nên gọi là gác phần, chứ không phải là 37 phần bồ-đề.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: