Khám phá vẻ đẹp huyền bí của chùa Non Nước tại Ninh Bình
Chùa Non Nước Ninh Bình với không gian yên tĩnh đầy trang nghiêm, phảng phất nét quen thuộc của vùng quê miền Bắc sẽ khiến du khách cảm thấy bình yên khi đặt chân đến chốn tâm linh này.
Chùa Non Nước Ninh Bình còn có tên gọi khác là chùa Dục Thúy Sơn nằm dưới chân ngọn núi Non Nước, bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân, thuộc phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Với diện tích 2000m2, chùa Non Nước có tầm nhìn vô cùng hùng tráng. Đứng ở đây, du khách có thể thấy toàn bộ cảnh quan rộng lớn nơi thành phố nhưng lại cảm thấy tách biệt hẳn cuộc sống xô bồ bên ngoài. Mỗi năm, chùa Non Nước đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan và chiêm bái, cầu bình an.
Chùa Non Nước được xây dựng bởi quốc sư Nguyễn Minh Không dưới thời vua Lý Nhân Tông. Sang thế kỷ 13 dưới thời Trần thì được trùng tu lại bởi nhà sư Trí Nhu và được danh sĩ Trương Hán Siêu đặt cho một cái tên khác là Dục Thúy Sơn.
Ngôi chùa này không chỉ là nhân chứng cho lịch sử chuyển giao chế độ quan trọng giữa nhà Đinh và nhà Lê mà còn là vị trí thiết yếu trong chiến lược ở ngã ba sông Đáy – sông Vân – quốc lộ 10 vào thời kì kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.
Vài trăm năm qua đi, hiện tại, chùa Non Nước Ninh Bình không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc xa xưa. Ngôi chùa đã được trùng tu lại vào năm 2006, và là di tích vô cùng quan trọng của tỉnh Ninh Bình.
Chùa Non Nước mở cửa quanh năm, nên du khách có thể đi bất cứ thời gian nào. Tuy nhiên, hợp lý nhất thì bạn nên chọn đến nơi đây vào dịp Tết Âm lịch. Đây là lúc mà thời tiết miền Bắc vô cùng đẹp, khi không khí vẫn còn hơi se lạnh. Chùa Non Nước có diện tích tới 2000m2 và được xây toàn bộ bằng đá dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Nổi bật và gây ấn tượng nhất với du khách khi đến tham quan chùa Non Nước chính là chánh điện nằm ở trung tâm, với hệ thống mái kép, lợp ngói màu xanh đỏ bắt mắt. Mái chùa được thiết kế theo phong cách truyền thống với phần đuôi cong vút lên trời và phần đỉnh được trang trí bởi những nét chạm trổ rồng phượng uốn lượn đầy cuốn hút.
Đặc biệt, bên trong đền thờ chính là một bức tượng Phật khổng lồ được dát vàng ở giữa với nhiều bức tượng nhỏ bên cạnh. Đây cũng là nơi để đón tiếp du khách đến hành hương, lễ bái và cầu nguyện mỗi ngày nên không gian lúc nào cũng nghi ngút khói hương, đem đến cảm giác linh thiêng và kỳ bí.
Chùa Non Nước có 2 cổng, một cổng ra vào ở phía Bắc, một cổng ở phía Đông Nam nhìn ra sông Đáy. Đây cũng là cổng để nhiều người chọn ra thả cá vào mỗi dịp ông Công ông Táo chầu trời trong những ngày giáp Tết Âm lịch. Và ngay khi bước qua cánh cổng, mọi người sẽ bắt gặp ngay một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cùng với nhiều tượng đá khác ở sân chùa.
Bà Phạm Thị Nương, người dân địa phương cho biết: “Dịp Tết, nhất là vào độ cúng ông Công ông Táo, chúng tôi thường đem cá chép ra ven bờ sông trước cổng chùa để thả phóng sinh. Nhà chùa cũng bố trí người túc trực để nhắc nhở mọi người chú ý an toàn và thả cá mà không thả túi nilon xuống sông, bảo vệ môi trường sinh thái".
Đến với chùa Non Nước lần đầu tiên, chắc hẳn ai cũng sẽ phải choáng ngợp bởi khuôn viên rộng lớn và được phủ xanh với rất nhiều cây ở nơi đây. Từ cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho đến những chậu bonsai được cắt tỉa tỉ mỉ thành nhiều hình dáng độc đáo, thậm chí còn có cả những dàn cây leo phủ kín cả bờ rào.
Xưa kia, trong bài “Dục Thúy Sơn” Nguyễn Trãi đã viết:
“Bóng tháp hình trâm ngọc
Gương soi ánh tóc huyền”
Hay vua Lê Thánh Tông cũng đã từng ca ngợi:
“Nơi gọi là Bồng, nơi gọi là Nhược
Hai bên góp làm Non Nước”
Đứng từ chùa, bạn có thể nhìn toàn cảnh sắc của núi non Ninh Bình và tận hưởng không khí trong lành, bình yên, khác xa với những ồn ào tất bật nơi đô thị.
Chị Thảo Nguyên, du khách đến từ Thanh Hóa cho hay: “Có dịp đến chùa Non Nước, tôi không khỏi choáng ngợp bởi cảnh sắc yên bình, rộng lớn và nhịp sống chậm rãi mà nơi đây mang lại. Chỉ cách một con đường là đã ra đến thành phố Ninh Bình, nhưng chúng ta như cảm nhận được 2 không gian trái ngược nhau hoàn toàn. Đến đây, tôi chủ yếu muốn thắp hương, cầu bình an cho cả gia đình và mọi sự thuận lợi, hanh thông trong năm mới".
Nếu có dịp vãn cảnh chùa Non Nước, du khách cũng có thể đến thăm một số địa điểm gần đó như núi Non Nước, đền thờ Trương Hán Siêu, Nghinh Phong Các, Phố cổ Hoa Lư,...
Chùa Non Nước chính là điểm đến du lịch tâm linh tuyệt vời cho Tết này nếu bạn muốn cùng gia đình đến thăm thú, cầu bình an cho năm mới sắp sang.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chùa Đại Lộc - ngôi chùa Nam tông đầu tiên trên đất Phật
Chùa Việt 15:18 19/11/2024Chùa Đại Lộc tọa lạc tại số 13/46 M-5 Khajuhi, Sarnath, Varanasi – 221007, U.P. (India) - nơi có tháp Chuyển Pháp Luân, là một trong Tứ Động Tâm của Phật giáo tại đất Phật Ấn Độ, Nepal.
Ngôi chùa được phong sắc tứ duy nhất tại Gia Lai
Chùa Việt 09:00 19/11/2024Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Ngôi chùa 900 tuổi đẹp nhất của Hà Nội xưa
Chùa Việt 16:47 18/11/2024Chùa Chiêu Thiền, hay còn gọi là chùa Láng, dù đã 900 tuổi vẫn đứng uy nghiêm giữa lòng Hà Nội với một vẻ đẹp lưu giữ nhiều thăng trầm của thời gian.
Vãng cảnh chùa Hang ở An Giang
Chùa Việt 08:50 18/11/2024Chùa Phước Điền (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên triền núi Sam (TP. Châu Đốc), với kiến trúc độc đáo, cùng khung cảnh xanh mát, đây là một điểm đến ấn tượng tại thành phố vùng biên.
Xem thêm