Khi tình thương có mặt
Đời sống con người trong xã hội hiện đại luôn đề cao giá trị vật chất và chạy theo sự thỏa mãn giác quan, thiếu sự gắn kết. Hậu quả của nó là sự suy thoái đạo đức. Con người trở nên vô cảm, thiếu niềm tin vào cuộc sống. Các giá trị chuẩn mực cũng trở nên mai một.
Trong bối cảnh đó, để giữ cho xã hội cân bằng, phát triển bền vững thì không có câu trả lời nào khác ngoài con đường xây dựng các định chế xã hội như chủ trương, chính sách hợp thời, hợp lý, khơi dậy các giá trị đạo đức, nhân văn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong bài này, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu về tình thương và giá trị của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Sẽ có người bảo rằng, nhịp sống của xã hội rất nhanh, con người luôn quay cuồng với kim tiền, danh lợi, hơn thua, được mất ít ai nhớ nghĩ đến hai chữ “tình thương”. Thậm chí với một số người tình thương trong cuộc sống đang dần trở thành một món quà xa xỉ mà ít ai dám trao tặng cho người khác. Nhưng kỳ thật, sức mạnh của tình thương lại vượt lên trên sự suy lường của lí trí. Hãy sử dụng tình thương để thấu hiểu bản thân mình, thấu hiểu những người xung quanh; từ đó có thể chia sẻ, tìm ra giải pháp là điều không gì tuyệt vời hơn, giúp cuộc sống nhẹ nhàng, an vui và hạnh phúc. Chúng tôi tin rằng, nếu phải lựa chọn, người ta sẽ chọn hạnh phúc đến từ tình thương hơn là hạnh phúc đến từ kim tiền, vật chất.
Biết thương yêu và được yêu thương, đó là điều mọi người luôn luôn mong muốn. Thật hạnh phúc khi chúng ta được đón nhận tình cảm yêu thương từ người khác. Và còn hạnh phúc hơn khi bản thân có thể san sẻ tình thương tới mọi người, “Cho đi là nhận lại”. Một cuộc hôn nhân, một mối quan hệ trong tổ chức, một sự gắn kết trong xã hội sẽ đổ vỡ, kém bền vững nếu thiếu đi tình thương. Nhờ tình thương mà thiết lập được niềm tin, nhận ra lẽ sống, nhìn thấy cái đẹp, cảm nhận những điều tích cực xung quanh, “Hạnh phúc sẽ tự nhiên đơm hoa kết trái khi bạn biết sống vì người khác”.
Tuy nhiên, tình thương không nằm ở lời nói suôn mà được biểu hiện ở hành động thiết thực. Tình thương vốn là tình cảm vô cùng đẹp đẽ của con người cả về hành động, lời nói lẫn tâm hồn. Nó được biểu hiện qua sự đồng cảm, tin tưởng, giúp đỡ và gắn kết giữa con người với nhau. Nói cách khác, khi ta thương ai đó là lúc ta không so đo, sân si, ganh ghét, ghen tị hay lên mặt tự cao, huênh hoang mà ngược lại mong muốn đem lại hạnh phúc cho họ. Tình yêu thương giúp con người trở nên khả ái, vui vẻ. Một con người biết yêu thương chính là người có nhân cách đẹp và luôn hướng đến những thứ thuần thiện, hoàn mỹ nhất.
Khi tình thương có mặt là có sự đồng cảm
Sống trên đời, mỗi người đều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nên tính cách và suy nghĩ cũng chẳng mấy khi tương đồng. Vậy mà, nhiều khi chúng ta lại cho rằng mình đúng, mình hơn người, để rồi chỉ trích, buông lời chê bai thay vì nói những lời tán dương, khen ngợi. Có thể điều đó sẽ giúp ta cảm thấy mình giỏi hơn người khác, ở vị trí cao hơn họ. Nhưng rồi theo thời gian, ta ngày càng trở nên ích kỷ, hẹp hòi và những người thân quen lần lượt xa lánh, bỏ đi, một cảm giác cô đơn, hiu quạnh.
Khoa học đã chứng minh, khi con người bị la mắng, trừng phạt hoặc gặp trường hợp nguy khốn bất ngờ, cơ thể ngay lập tức tiết ra hóc môn Adrenaline như một cơ chế phản vệ tự nhiên. Bên cạnh mặt tích cực, chúng còn khiến cảm xúc bị xáo trộn, dẫn đến sự bất bình và phản kháng trong nội tâm trỗi dậy. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài, họ sẽ trở nên bất trị, chống đối và có xu hướng rời bỏ những ai đem lại cảm xúc tiêu cực cho mình.
Ngược lại, khi tình thương có mặt trong các mối quan hệ gia đình hay xã hội, thay vì trách mắng, chê bai, phán xét… chúng ta sẽ cư xử một cách thấu hiểu, đồng cảm. Đồng cảm, đặt mình vào hoàn cảnh người khác, cố gắng cảm nhận cảm xúc của họ, hãy vui với niềm vui và buồn cùng nỗi buồn của họ. “Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của một ai đó” hoặc “hãy xem xét vấn đề dưới góc nhìn của người khác”… Nhờ có tình thương, chúng ta có sự đồng cảm và nhờ có đồng cảm chúng ta biết sống vì người khác, dễ dàng lắng nghe và thoải mái chia sẻ ý kiến, bày tỏ quan điểm với nhau. Có thể nói, nếu ai cũng biết học cách sống đồng cảm, trái đất này chính là “thiên đường” trần gian.
Khi tình thương có mặt là có sự tin tưởng
Trong mối quan hệ giữa người với người, chắc chắn người ta không thể sống, làm việc chung với nhau nếu không tin tưởng lẫn nhau. Tất cả đều phải dựa trên sự tin cậy để giao lưu, học hỏi, làm ăn, buôn bán, chung sống với nhau. Theo từ điển Oxford thì “trust” (lòng tin, sự tin tưởng) là tin rằng người nào đó hay cái gì đó là tốt, thành thật, tử tế… và người đó hay cái gì đó sẽ không làm hại mình hay đánh lừa mình. Điều này chỉ xuất hiện khi tình thương có mặt. Bởi chỉ khi xuất phát từ tình thương dành cho một ai đó hay một tập thể, một tổ chức thì con người ta mới dễ dàng vượt lên trên sự ích kỷ, lợi ích cá nhân để sống hết lòng vì nhau. Tình thương tạo sức mạnh tinh thần to lớn để chúng ta đánh bật những vị kỷ, hoài nghi, sợ hãi, tiếp tục hướng đến việc xây dựng, duy trì các mối quan hệ bền vững. Có thể nói, nếu tình thương là ngọn lửa giữ cho các mối quan hệ luôn ấm nóng thì sự tin tưởng chính là chất keo kết dính cho các mối quan hệ trên chặng đường đầy biến động.
Ngoài ra, dựa trên tình thương mạnh mẽ, con người ta có niềm tin để biến điều tưởng như không thể thành có thể, bình thường thành phi thường và ngược lại khi tình thương bị giới hạn, nó có thể hủy hoại tất cả mọi niềm tin ở con người ngay cả những người gần gũi với mình nhất. Thử nghĩ xem, phải chăng chúng ta quá dễ dàng để tin người mình yêu thương, nhưng nếu luôn trong tâm thế cho rằng đối phương sẽ lừa dối mình, liệu con người ta có chọn bắt đầu hoặc tiếp tục tình yêu thương với người ấy?
Khi tình thương có mặt là có sự chia sẻ, giúp đỡ
Không có hạnh phúc nào lớn hơn sự chia sẻ. Chia sẻ là cho đi, là quan tâm hay giúp đỡ người khác về vật chất hoặc tinh thần giúp họ vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Dựa trên nền tảng chia sẻ, giúp đỡ mà mối quan hệ giữa người với người ngày càng thân thiện. Nếu không có tình thương, người ta rất khó có thể chia sẻ hay giúp đỡ người khác, khi trái tim tràn ngập tình thương, chúng ta sẽ có đầy đủ dũng khí để biến nó thành hành động thực tế một cách vô điều kiện. Đó là lý do tình thương thường song hành với sự chia sẻ, giúp đỡ. Món quà của tình thương không nhất thiết đề cao vật chất mà đôi khi chỉ đơn giản là lời động viên, là cái nhìn đầy thiện cảm, một lời cảm ơn chân thành… Bao nhiêu đó cũng đủ làm ấm lòng người nhận, thể hiện được sự đồng cảm, gắn bó và thấu hiểu nhau. Thế nên, nếu muốn trải rộng trái tim mình đến với mọi người để tình thương ngày càng bao dung, bạn hãy thử nhìn cuộc sống xung quanh, nghĩ về những hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế và tự hỏi mình có thể làm gì để giúp đỡ họ? Biết đâu khi trả lời câu hỏi ấy, bạn sẽ tìm được niềm vui chân thật cho chính mình.
Khi tình thương có mặt là có sự gắn kết
Quá trình hội nhập, hiện đại hoá đất nước đang tạo ra những điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển, đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ, sự xung đột ngoài ý muốn. Những tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, sự xuống cấp đạo đức, rạn nứt các mối quan hệ, đánh mất các truyền thống tốt đẹp, sự vô cảm của xã hội,… liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 ta có thể kết nối được với cả thế giới nhưng dường như lại mất dần kết nối với chính những người thân bên cạnh mình. Vì thế, thắt chặt sự yêu thương gắn kết không chỉ trong gia đình mà trong toàn xã hội trở thành sự cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mức độ gắn kết giữa người với người tỷ lệ thuận với mức độ tình cảm mà họ dành cho nhau. Tình thương càng sâu mức độ gắn kết càng cao. Nếu không có sự gắn kết, con người chỉ đến với nhau chỉ vì lợi ích cá nhân và sẽ sớm rời đi khi nhu cầu không còn được đáp ứng. Vì thế, khi muốn gắn kết với ai đó, bạn hãy đừng ngại bày tỏ tình thương với họ bằng cách quan tâm, tôn trọng, khen ngợi và ghi nhận những đức tính tốt đẹp nơi họ. Hãy nhớ, sự thờ ơ sẽ nhanh chóng giết chết một mối quan hệ tốt đẹp trong thời gian ngắn nhất. Chỉ cần một nụ cười, một câu quan tâm, một sự tinh ý đều có thể tạo ra cảm xúc tích cực, khơi dậy tình thương nơi những người xung quanh, từ đó gắn kết mọi người lại với nhau, cũng như gắn kết cá nhân với tổ chức. Cũng cần lưu ý rằng, chỉ có thể qua thực tiễn giao tiếp và làm việc với nhau, cùng chia sẻ và có những trải nghiệm chung thì con người mới thực sự thấu hiểu, tin tưởng và gắn kết lẫn nhau.
Trên đây là 4 giá trị căn bản trong vô vàn giá trị tuyệt vời mà tình thương mang lại cho con người khi được khơi dậy và nuôi dưỡng. Cho dù bạn là ai, ở bất kỳ nơi đâu, làm bất kỳ việc gì, khi nhắc đến tình yêu thương bạn cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Song, nếu dừng lại ở tình thương theo đối đãi thế gian thì vẫn còn nhiều hạn chế, bởi từ trong sâu thẳm của tâm thức xét ra vẫn bị chi phối bởi sự vị kỷ, có mục đích vì mình. Là người học Phật, chúng ta phải tiến thêm một bước nữa, đó là thực tập tình thương đặt trên nền tảng Từ bi.
Tình thương theo quan điểm Phật giáo là một thứ tình cảm vô điều kiện xuất phát từ tâm vì người mà mở rộng tấm lòng, được biểu hiện nhẹ nhàng qua sự quan tâm, trìu mến, sự chăm sóc… sẵn sàng cho đi nhưng không đòi hỏi phải được nhận lại. Bằng chánh niệm, tỉnh thức người ta luôn hiểu được giá trị của những người xung quanh, nhờ đó mà yêu thương và quan tâm hết lòng. Sở dĩ có được tình thương yêu to lớn như vậy vì tình thương này được đặt trên nền tảng tâm Từ bi của Đạo Phật.
Từ có nghĩa là ban cho sự vui, thể hiện lòng khoan dung độ lượng; Bi là cứu giúp cho hết khổ, thể hiện sự đồng cảm, thương xót. Như vậy, tình thương trong Đạo Phật không chỉ dừng lại ở việc đem niềm vui đến cho người, cho muôn loài mà còn chủ trương giải thoát con người, muôn loài ra khỏi đau khổ (tối hậu là cái khổ luân hồi). Tình thương ấy là kết tinh của ba nhân tố: vị tha, bình đẳng, không phân biệt ân/oán hay thân/sơ.
Bản chất của tình thương chân chính vốn không đối đãi, nghĩa là không phân biệt đối tượng mà ta ban trải tình thương, hễ con tim rung động là tấm lòng liền rộng mở. Nó cao thượng, vị tha, không phân biệt thân sơ, không mong đền đáp. Tình thương cho đi chỉ sẽ được hân hoan khi nhìn thấy niềm vui hạnh phúc sáng ngời trong ánh mắt người nhận với ước mong cho họ mọi điều tốt lành. Đó chính là ý nghĩa của một tình thương vị tha và không phân biệt thân sơ. Đức Phật chỉ ra rằng: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” (tất cả chúng sinh đều có Phật tính) và “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Tình thương là sợi dây nối liền người với người”. Điều này có nghĩa dùng tâm bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sinh, nuôi dưỡng và thể hiện tình thương là yêu cầu đầu tiên của những người sống và tu tập theo giáo lý của Đạo Phật.
Ngoài ra, trong Đạo Phật còn có một tình thương yêu vô bờ bến. Đó chính là mong muốn cứu khổ hết thảy chúng sanh, cũng là đức hạnh cao quý của những bậc giác ngộ đã thể hiện. Nếu đọc qua lịch sử Đức Phật, chúng ta sẽ bắt gặp tình thương của Ngài vô cùng bao la rộng lớn, Ngài đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không phân biệt thân sơ, thù bạn, từ vua chúa, vương phi đến người gánh phân, trẻ mục đồng. Ngay cả kẻ sát nhân Anguilimala hay kỹ nữ Ambapali cũng được Ngài giáo hóa và thành tựu công hạnh như các đại đệ tử khác.
“Hãy nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, thì hết thảy khúc mắc trên đời đều được hoá giải bằng tình thương”. Tình thương có thể là giải pháp tuyệt vời cho tất cả những khó khăn, bế tắc, trục trặc và khổ đau của con người trong các mối quan hệ. Khi tình thương có mặt, chính bản thân chúng ta cảm thấy hạnh phúc và mọi người xung quanh cũng an vui, phấn khởi. Vì thế, hãy đối xử với mọi người như đối xử với chính mình và không ngừng chăm sóc hạt giống thương yêu trong tâm hồn mỗi ngày, làm nó lớn mạnh. Cuộc đời mỗi người là một hành trình để chúng ta có thể từng bước, từng bước chiêm nghiệm các giá trị, tạo lập hạnh phúc và lưu lại những “di sản”. Tình thương rất quan trọng, rất cần thiết cho sự sống mỗi người trên cuộc đời này. Đừng ngần ngại lan tỏa yêu thương khiến mỗi phút giây, mỗi hành động đều trở nên ý nghĩa. Đặc biệt là hàng Phật tử, bước theo dấu chân Phật, chúng ta hãy thể nghiệm giáo pháp từ bi nhằm tịnh hóa thân tâm; từ đó lưu xuất tình thương đến với mọi người trong gia đình, xã hội, rộng ra cho đến muôn loài chúng sanh, cống hiến cho đời niềm an vui, hạnh phúc, trên tinh thần tốt đạo đẹp đời.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy nhẹ nhàng với bản thân, hãy tin rằng bạn xứng đáng
Sống an vui 17:30 22/12/2024Bóng tối lớn nhất không phải là những gì ta đối diện bên ngoài, mà là cách ta nhìn nhận chính mình trong tấm gương của cuộc đời. Nó không đến từ thế giới xung quanh, mà từ những lời tự trách, những suy nghĩ tiêu cực, và những nghi ngờ sâu kín mà ta nuôi dưỡng trong tâm trí.
Uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày có lợi ra sao?
Sống an vui 16:03 22/12/2024Nước táo đỏ và kỷ tử là thức uống tốt cho sức khoẻ được nhiều người yêu thích, dưới đây là 4 lợi ích của việc uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày.
Chuyển hóa năng lượng tắc nghẽn bằng trọn vẹn nhận biết
Sống an vui 07:45 22/12/2024Để chuyển hóa năng lượng, ta không cần phải làm điều gì quá lớn lao, ta chỉ cần thường xuyên trở về với sự nhận biết và an trú trong nó. Điều này có thể giống như một quá trình đơn giản, nhưng lại là chìa khóa để mở ra những thay đổi lớn lao.
Thân bệnh, tâm không bệnh
Sống an vui 07:40 22/12/2024Một khi thân bệnh mà tâm không bệnh, thì dù thân bệnh nặng cũng không vì vậy mà khổ...
Xem thêm