Không có chùa, Pháp vẫn được xiển dương
Sau khi bố thí toàn bộ tài sản sở hữu của chính mình (khi còn là cư sĩ), tôi đã có được sức mạnh để buông bỏ trong tâm.
Tôi có thể ở trong tu viện mà người khác sở hữu. Việc không sở hữu tu viện không khiến tôi cảm thấy phiền não. (5 năm đầu đời Ngài chỉ ở với Sayadaw truyền giới tại một Sima Hall cổ ở Yangon chú tâm học tập Kinh điển & hành thiền - admin chú thích)
Điều này không chỉ là lời nói suông. Việc “sở hữu” hay “không sở hữu” không còn quan trọng - nếu thật sự bạn có thể buông bỏ điều đó.
Tôi có thể sống và giảng dạy ngay cả dưới gốc cây. Pháp (Dhamma) vẫn luôn là nơi nương tựa tốt đẹp cho tôi - không phải là bất cứ ngôi chùa hay Thiền viện nào cả.

Ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), có những khoảng thời gian tôi và chư Tăng Ni ngồi gần như suốt cả ngày dưới những gốc cây. Do không được phép ở lại qua đêm nên cứ đến tối là chúng tôi phải đi về. Nếu được ở lại thì chỉ cần một gốc cây cũng đủ. Tăng đoàn vẫn có đầy đủ nước lửa, vật thực & vật phẩm thí chủ cúng dường.
Việc sở hữu không phải là điều cốt lõi - tâm mới là điều chính yếu.
Sống trong tu viện của Thầy tôi suốt năm năm, tôi có thể buông bỏ sự chấp trước vào việc “không sở hữu.”
Tôi không dính mắc, bám víu vào “không sở hữu”.
Nếu bạn bám víu, bạn sẽ chẳng bao giờ thật sự sở hữu được điều gì - kể cả mạng sống, nơi ở, hay vật dụng của chính mình.
Chỉ khi bạn thật sự không có gì, bạn mới có thể buông bỏ được sự chấp trước vào cái “không có”.
Khi bạn trở thành một vị sư, bạn cũng có thể buông bỏ luôn cái danh “vị sư.”
Tất cả là sự xả ly, xả bỏ sự chấp thủ.
Hầu hết mọi người đều chấp thủ - hoặc vào cái “có” hoặc vào cái “không có”.
“Tôi không có tiền” - đó là chấp vào sự thiếu thốn.
“Tôi có tiền” - đó là chấp vào sự sở hữu.
Mọi tri nhận đều đi kèm với sự bám víu, dính mắc.
Thực hành là để buông bỏ những thứ đó.
Khi bạn có thể làm được điều này, việc “sở hữu” hay “không sở hữu” trở thành công cụ để làm thiện Pháp, tạo ra phước báu và công đức.
Nếu bạn tự hào vì mình có - đó là điều bất thiện.
Nếu bạn sợ mất đi - đó là điều bất thiện.
Nếu bạn buồn khổ vì thiếu thốn - đó cũng là điều bất thiện.
Nhận diện được những trạng thái bất thiện này sẽ giúp bạn giảm bớt chúng. Hiểu rõ điều này sẽ làm giảm sự kiêu hãnh, sợ mất mát và mặc cảm.
Tôi thành lập các trung tâm Thiền. Tôi giúp người khác vượt qua các trạng thái bất thiện sinh ra từ sự chấp thủ, dính mắc vào việc có hay không có. Tôi không lo lắng về sự mất mát.
Nhiều hành giả lo lắng khi thấy sau động đất nhiều Chùa, Thiền viện, Trung tâm Thiền sụp đổ. Họ lo sợ những nơi này sẽ không còn nữa.
Thay vì lo sợ, hãy biết tạo ra thiện Pháp, phước báu, công đức từ chính những sự mất mát này.
Ngay cả khi không có chùa, thiền viện, trung tâm thiền, Pháp vẫn có thể được giảng dạy.
Dù không có đệ tử, huynh đệ, dù sống một mình trong các thiền viện khác, sự thiếu vắng đó không nên bị bám víu, bị dính mắc mà cần được sử dụng để tạo ra thiện Pháp, phước báu, công đức.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù tốt xấu ra sao, điều cốt lõi là sử dụng chính hoàn cảnh tốt xấu đó tạo ra thiện Pháp, phước báu, công đức - là điều vô cùng hệ trọng và bền vững trên con đường đi tới Giác ngộ giải thoát.
Thăng trầm trong đời là điều không tránh khỏi. Khác biệt nằm ở chỗ bạn hiểu và sử dụng chúng ra sao.
Tôi hy vọng mọi người đều hiểu và áp dụng được điều này vào hoàn cảnh hiện tại.
Hãy biết cách sử dụng các điều kiện thế gian để tạo ra thiện Pháp, phước báu, công đức.
Càng trong nghịch cảnh, càng phải nỗ lực sống trong thiện Pháp.
Đây chính là hành trì và hộ trì Chánh pháp.
_____
* Bài viết này là những chia sẻ của Thiền sư Ottamathara với Tăng Ni và cư sĩ ngày 6/4/2025, sau thảm hoạ động đất tại Myanmar khiến rất nhiều chùa, thiền viện, trung tâm thiền và nhà cửa của người dân sụp đổ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Không có chùa, Pháp vẫn được xiển dương
Phật pháp và cuộc sống
Sau khi bố thí toàn bộ tài sản sở hữu của chính mình (khi còn là cư sĩ), tôi đã có được sức mạnh để buông bỏ trong tâm.

Nghề hướng dẫn: Xử lý nghịch cảnh dưới góc nhìn Bát Nhã
Phật pháp và cuộc sống
Hôm trước mồng Bảy tháng Tư, tôi tác nghiệp hướng dẫn theo sự sắp xếp của Công ty Du lịch Hành trình đất Việt cho hai khách người Pháp tên là Bà Chantal và Ông Guy đi tham quan Đại nội Huế sau khi đã ăn sáng Bún bò Huế.

An sinh tinh thần
Phật pháp và cuộc sống
Trong nhiều năm gần đây, Well-Being (hạnh phúc, an sinh tinh thần) đã trở thành một khái niệm trung tâm trong nghiên cứu học thuật, chính sách công và truyền thông tiêu dùng.

Vì sao thành phố New York (Hoa Kỳ) đặt tên đường Thích Nhất Hạnh?
Phật pháp và cuộc sống
Việc thành phố New York đặt tên đường “Thích Nhất Hạnh Way” không chỉ là sự tôn vinh cá nhân Thiền sư, mà còn ghi dấu những di sản tinh thần vô giá mà ngài đã để lại cho thế giới về chánh niệm, hòa bình và chuyển hóa xã hội.
Xem thêm