Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Kiến thức thú vị về tam bộ nhất bái mà Phật tử nên biết (Phần 2)

Năm 2005, nhà báo David Miller đã đến phỏng vấn Thượng Tọa Hằng Thật - là trụ trì Tu viện Phật giáo Berkeley, một bộ phận của Tổng Giáo Hội Phật giáo Hoa Kỳ, thành lập bởi Hòa thượng Tuyên Hóa. Đây là cuộc phỏng vấn lý thú cùng Thượng tọa Hằng Thật và cuộc hành hương tam bộ nhất bái của người năm 1977.

Cơ duyên khiến Thượng tọa Hằng Thật trở thành học trò của Hòa thượng Tuyên Hóa

David Miller: Theo tập quán của Phật giáo Trung Quốc, các sư, ni mỗi người đều có một pháp danh sau khi thọ giới tỳ kheo. Nhiều khi pháp danh phải có một ý nghĩa để giúp người tu sĩ nương theo đó mà tu tập. Pháp danh của Thầy có ý nghĩa gì?

Thượng tọa Hằng Thật: Pháp danh Heng Sure (tiếng Hán Việt là Hằng Thật) có nghĩa là “luôn luôn Thật”. Trước khi tôi xuất gia, tôi ở trong kịch nghệ. Là một diễn viên, giá trị của một kịch sĩ là ở chỗ làm sao lột được vai trò ảo tưởng trong vở kịch. Ở ngoài đời, tôi có thói xấu là vẫn cứ tiếp tục sống với vai trò ảo. Pháp danh của tôi là để nhắc nhở tôi bao giờ cũng phải trở về với sự thực, với những gì là chính thống, xác thực.

Bài liên quan

David Miller: Đó thật quả là một sự chuyển tiếp lớn lao, từ Nhạc Kịch sang Tu Viện Phật Giáo. Vậy Thầy có nghĩ kiếp trước của Thầy là một Kịch sĩ không?

Thượng tọa Hằng Thật: Ông biết đấy, kịch trường là kịch trường, rất vui và thú vị.Tôi vẫn còn nhớ tất cả những bài hát nhạc kịch và rất nhiều lời ca nữa. Nhưng mà tôi đã sống làm tu sĩ nhiều năm hơn là những năm tôi ở ngoài đời. Bởi vậy, tôi nghĩ là giải trí là một chuyện ở một thời điểm nào đó, nhưng một lúc nào đó mình phải biết nhìn sâu hơn vào mọi sự việc.

David Miller: Thầy đến với Phật giáo thế nào? Tôi chắc rằng chẳng có bao nhiêu tu sĩ Phật giáo ở Toledo, Ohio, nơi Thầy sinh sống vào những năm 1950 và 1960, có phải không?

Thượng tọa Hằng Thật: Điểm then chốt làm thay đổi cuộc đời tâm linh của tôi là tôi học tiếng Trung Hoa. Người già của tôi (chị của mẹ tôi) một thời làm tại cơ quan US Information Agency ở Hoa Thịnh Đốn. Già tôi chuyên về Á Châu. Một hôm bà ấy gửi cho tôi – hồi đó tôi mới lên 13 – một cuốn sách về những họa phẩm của Tàu. Những chữ viết Trung Hoa trong cuốn sách đã thu hút sự chú ý của tôi, làm như thể là – tôi không biết có đúng không – tôi đã thấy những chữ viết đó trước đây rồi.

Thượng tọa Hằng Thật - Người đã thực chuyến hành trình tam bộ nhất bái hơn tám trăm dặm cùng với sư Hằng Triều

Thượng tọa Hằng Thật - Người đã thực chuyến hành trình tam bộ nhất bái hơn tám trăm dặm cùng với sư Hằng Triều

David Miller: Thế là Thầy bắt đầu học tiếng Trung Hoa?

Thượng tọa Hằng Thật: Vâng, may mà tôi đã bắt đầu học Quan Thoại ngay ở Trung Học. Quan Thoại, theo tôi nghĩ, là một trong ba chương trình ngoại ngữ cho Trung học hồi đó. Bố mẹ tôi đã đồng ý ngay và bảo tôi: “Con cứ học đi. Sau này sẽ có nhiều người học”. Tôi cứ theo con đường ấy mà đi, cả khi lên đại học. Tôi đã đậu phó tiến sĩ (master) môn Ngôn Ngữ Đông Phương (Oriental Languages) ở Berkeley. Ngay sau đó, tôi được gặp Sư Phụ tôi là Hòa Thượng Tuyên Hóa.

David Miller: Thầy đã gặp Hòa Thượng Tuyên hóa ra sao?

Bài liên quan

Thượng tọa Hằng Thật: Một người bạn cũ cùng trọ học với tôi trước đây, có sang California. Anh ta đã gặp HT Tuyên Hóa tại Tu Viện Kim Sơn. Tu viện này được lập nên từ một xưởng làm nệm cũ trong khu Mission District. Một hôm anh ấy gọi điện thoại cho tôi và nói rằng: “ Này, anh còn nhớ có lần chúng ta đã bảo nhau sẽ đi tìm một Đại lão Hoà Thượng Phật giáo không?”. Hồi đó chúng tôi có bàn nhau, muốn gặp một vị như vậy, chúng tôi sẽ phải sang Hy Mã Lạp Sơn, có thể là vùng Rishikesh bên Ấn Độ, hay sang Nam Dương. Nhưng bạn tôi nói ngay: “Không. Có một vị Đại Lão ở ngay San Francisco này. Anh hãy đến đây để gặp ngài”. Thế là tôi lái ngay chiếc xe Volvo qua cầu Bay Bridge, đến rồi đi thẳng vào căn nhà trên góc đường 15 và đường Valencia. Tôi đã gặp ngài trong một dịp rất bất thường.

David Miller: Chuyện đã xảy ra thế nào?

Thượng tọa Hằng Thật: Hồi đó, tôi đang học sang năm thứ hai chương trình Chuyên Khoa (graduate program) và cuộc chiến tranh bên Việt Nam đang diễn ra dữ dội. Tôi tự hỏi: “Muốn đi dạy học chăng? Không! Khô cằn quá! Hay là đi làm Ca sĩ? Không! Khó mà được, bẩn thỉu quá. Hay là chạy sang Gia Nã Đại? Không! Làm thế không đúng”. Tôi cứ suy nghĩ mãi về chuyện này. Nhưng khi tôi vào qua cửa Tu viện, ngửi thấy mùi trong Tu viện, cảm thấy không khí mát lạnh của Tu viện, nghe thấy tiếng chuông vang lên và nhìn thấy sự tĩnh lặng ở đấy, mọi thắc mắc trong đầu tôi bỗng dưng tan biến mất. Mọi nghi ngờ, sợ hãi chạy tuột xuống chân, qua đầu ngón chân mà tiêu đi mất. Tôi nghe thấy rõ ràng có tiếng ai nói nhỏ nhẹ: “Con đã trở về. Con về đây để hành trì. Con đã về nhà”.

Hòa thượng Tuyên Hóa chính là người đã mang

Hòa thượng Tuyên Hóa chính là người đã mang "tam bộ nhất bái" đến với Hoa Kỳ

David Miller: Thế là Thầy bắt đầu học với Hòa Thượng Tuyên Hóa tại Tu viện. Ngài đã dạy những gì?

Thượng tọa Hằng Thật: Hòa Thượng là người Mãn Châu, một tu sĩ Phật giáo chân chính tu hành đúng chánh pháp. Ngài không phải là loại người: “chúng ta hành thiền bởi vì Thiền tô điểm thêm vào lối sống của chúng ta”. Ngài dạy  tôi từ căn bản đạo lý: Con người anh đã là thế nào thì quan trọng thế ấy trong việc tu tập. Cái đó chính là khởi đầu cho việc tu hành. Ngài dạy tôi phép tu thân của Khổng tử cũng nhiều như chánh pháp của đức Phật. Ngài còn bỏ vào đầu tôi sự quan trọng của học hỏi. Tôi đã đi học suốt 18 năm trời, nhưng tôi không hề lưu tâm đến học hỏi cái Tâm trong tôi. Khi tôi gặp Hoà Thượng Tuyên Hóa, tôi đã thấy ngay Ngài rất yêu thích tìm tòi học hỏi. Tôi thấy rõ là Ngài rất vui thích thấy Tâm của lũ người trẻ được hiểu biết và tiến bộ thêm. Ngài thật là vui thích.

Thượng tọa Hằng Thật và cuộc hành hương tam bộ nhất bái

David Miller: Bây giờ chúng ta hãy nói chuyện về chuyến đi hành hương mà Thầy đã làm năm 1977, sau khi thọ giới Tỳ kheo. Suốt hai năm rưỡi, Thầy đã cùng một đồng môn đi bộ từ Los Angeles dọc theo bờ biển California, cứ đi ba bước lại lạy một cái. Thật là khó không tưởng tượng được.

Thượng tọa Hằng Thật: Vâng. Lễ lạy như vậy quả có khó thật. Nhưng khó nhất là phải giữ tịnh khẩu (im lặng không nói). Tôi đã nguyện giữ tịnh khẩu trong 6 năm (bắt đầu với cuộc hành hương)

David Miller: Thưa điều khó nhất khi tịnh khẩu lâu như vậy là điều gì?

Thượng tọa Hằng Thật: Khó nhất là phải biết kiên nhẫn khi thấy rằng đầu mình đang muốn nói. Đầu óc chúng ta đã được cấu tạo nên để nói chuyện với mọi người. Một trong những khoái lạc của loài người là được nói ra. Thật là tuyệt diệu. Vì vậy, khi tôi phải ngậm mồm không nói, thì thấy không ổn trong một thời gian khá lâu. Có một lúc tôi thấy cả tuần không nghĩ được chữ nào. Đến khi đó, bản kinh Phật tôi đeo sau lưng – tôi lễ lạy là lạy bộ kinh Phật – tự nhiên hiển hiện. Rất lạ là khi Tâm tôi trở nên tĩnh lặng thì những câu trong kinh Phật tự nhiên hiện ra như là những lời bình luận giải thích những gì tôi thấy nơi thế giới bên ngoài. Tôi đã khám phá ra một điều rất lạ là đầu óc chúng ta đã được sinh ra để giao tiếp một cách rất tế nhị và mãnh liệt với thế giới bên ngoài. Thế nhưng khi chúng ta quay về với nội tâm thì tất cả những điều đó đều nằm yên nghỉ, hết hoạt động.

David Miller: Nếu Thầy phải tịnh khẩu, thì làm sao liên lạc được trong khi đi đường?

Thượng tọa Hằng Thật: Tôi chẳng cần nói nhiều vì nhà sư kia lãnh chuyện giao tiếp với mọi người, Tôi chỉ chú tâm vào cái Tâm của tôi thôi.

David Miller: Như vậy, trước hết tại sao Thầy lại phải đi hành hương như vậy?

Thượng tọa Hằng Thật: Tôi nghĩ là nếu tôi có thể chuyển hóa được Tham, Sân, Si khi đi bộ, khi giữ tịnh khẩu và khi lễ lạy, thì tôi thấy có lẽ tôi có thể làm một cái gì để thế giới được an bình hơn. Đối với phần thế giới còn bất an, tôi sẽ gìn giữ Khẩu và Ý. Như vậy cuộc hành hương này là cho thế giới Hoà Bình, bắt đầu từ cái Tâm của tôi.

Kim Sơn Thiền Tự tại khu phố Tàu

Kim Sơn Thiền Tự tại khu phố Tàu

David Miller: Ý Thầy nói là kiểm soát được cái Tâm là tượng trưng cho lòng mong cầu Hòa bình cho thế giới?

Thượng tọa Hằng Thật: Nhiều hơn là tượng trưng chứ. Ông phải biết rằng khi còn ở đại học, tôi đã hoạt động chính trị khá nhiều. Tôi đã thấy các bạn tôi bị cảnh sát Chicago đánh vỡ đầu khi tham dự Đại Hội Đảng Dân Chủ. Khi tôi còn ở đại học, Tiến sĩ Martin Luther King bị ám sát, Robert Kennedy bị giết. Ở địa vị là một sinh viên cao học, tôi suy nghĩ mình phải làm gì, phải phản ứng thế nào trước thời cuộc. Tôi nghĩ rằng: “Phật giáo chính thống dạy rằng phải hành xử từ trong mà ra. Phải bắt đầu từ cái Tâm mình. “Nhất thiết duy Tâm tạo” đó là một câu căn bản trong Phật giáo. Tôi nghĩ nếu tôi hiểu rõ được cái Tâm bất an của tôi thì tôi sẽ thấy được cái chân thật, đó không phải như trong kịch nghệ. Không phải là hoạt động chống nhóm tài phiệt, quân phiệt. Cũng không phải là bỏ học đi sì ke ma tuý. Thực ra đó là đào sâu đến cốt tủy của vấn đề là cái Tham Sân Si của tôi.

Bài liên quan

David Miller: Đi hành hương như vậy, Thầy thấy những gì? Thầy đã gặp những loại người nào?

Thượng tọa Hằng Thật: Chúng tôi đã gặp đủ hạng người. Nhiều người tỏ ra rất tử tế và rộng lượng. Nhưng cũng có những người không tử tế. Chúng tôi đã bị ba lần có kẻ dí súng vào đầu.

David Miller: Chúng dí súng vào đầu à? Thế là chúng định ăn cướp hay sao?

Thượng tọa Hằng Thật: Không. Chúng tôi có bị ăn cướp năm sáu lần, nhưng không lần nào bị dí súng hết. Mấy tên kia chỉ thích dí súng vào đầu chúng tôi thôi. Tôi không hiểu tại sao. Marty, ông sư đệ tôi dường như bảo họ: “Chào bạn. Chúng tôi là hai nhà sư Phật giáo đi hành hương cầu cho thế giới được an bình. Bạn có muốn đọc vài tài liệu của chúng tôi không?”. Bọn họ, cũng may, không bóp cò súng. Thế nhưng, phần nhiều những người chúng tôi gặp đều tự nhiên tỏ ra muốn giúp đỡ chúng tôi.

David Miller: Xin Thầy cho vài thí dụ

Thượng tọa Hằng Thật: Một hôm chúng tôi đi qua vùng Santa Cruz. Trời còn sớm lắm. Tôi mới lễ lạy song thì thấy có một em gái chừng 10 tuổi đi chiếc xe đạp tiến tới, và nói: “Ông ơi, đây là cái bánh mì kẹp của cháu. Cháu nghĩ rằng ông sẽ cần đến cái bánh mì này nếu ông còn cứ đi xuống phố như vậy. Đây ông cầm lấy đi”. Thế là em ấy đưa cho tôi cái bánh mì kẹp của em. Những cuộc gặp gỡ như thế xẩy ra nhiều hơn hẳn những trường hợp đối nghịch chúng tôi đã trải qua.

Chuyến hành hương tam bộ nhất bái của Thượng tọa Hằng Thật khởi sự từ chùa Kim Luân Tự ở Pasadena và bái lạy vế đến Vạn Phật Thành ở Ukia. Chuyến tam bộ nhất bái kéo dài hai năm rưỡi mới về đến nơi tam bộ nhất bái hơn tám trăm dặm.

Chuyến hành hương tam bộ nhất bái của Thượng tọa Hằng Thật khởi sự từ chùa Kim Luân Tự ở Pasadena và bái lạy vế đến Vạn Phật Thành ở Ukia. Chuyến tam bộ nhất bái kéo dài hai năm rưỡi mới về đến nơi tam bộ nhất bái hơn tám trăm dặm.

David Miller: Hai vị có bao giờ thực sự bị nguy hiểm không?

Thượng tọa Hằng Thật: Lần ấy chúng tôi đến vùng San Luis Obispo, thì có một lũ thanh thiếu niên cứ tan học là đến quấy phá chúng tôi bằng xe “truck” của chúng. Chúng nó lái xe ngay sát cạnh chúng tôi làm bụi và đá sỏi bay mù trời. Thật là đáng sợ, bởi vì có ai biết chúng nó là ai đâu. Tôi đành chấp nhận, ông biết không, bởi vì tôi là vị sư chính đang làm chuyện lễ lạy, tôi là vị sư đang kiểm soát cái Tâm của mình. Nhưng ít lâu sau, có lẽ vài tuần sau, tôi nghĩ: “Trời ơi, bây giờ mới 4 giờ. Mình còn phải tam bộ nhất bái một tiếng nữa, mà bọn chúng lại đang đến kia”. Một buổi chiều, tôi thấy bọn chúng đậu xe “truck” của chúng tại sân đậu xe. Thế là tôi bắt đầu tụng Chú Đại Bi. Thực ra là tôi chỉ mong: “Xin Bồ Tát đập chúng nó đi, xin Ngài cứu con”. Bỗng nhiên, mở mắt ra, tôi thấy Sư Phụ tôi, Hoà Thượng Tuyên Hóa, đang đứng đó, trên sân đậu xe, chân đi dép.

David Miller: Ngài Tuyên Hóa đến làm gì vậy?

HThượng tọa Hằng Thật: Tôi nghĩ là ngài đã lái xe từ San Francisco xuống. Dầu sao, ngài cười với tôi rồi bước tới những cái xe “truck” với lũ thiếu niên. Ngài bắt đầu nói chuyện với chúng. Lũ trẻ này có vẻ rất thích thú được có một ông thầy Tàu trông như một thầy dạy võ Thiếu Lâm đến nói chuyện với chúng nó. Ngài cho chúng nó cái tràng hạt thì phải và chúng biếu lại ngài chai nước Coke. Về sau tôi đã nghĩ ra rằng tôi đã dùng Chú Đại Bi như là một thứ khí giới. Tôi đã tự coi mình là nạn nhân. Tôi đã không hành xử đúng như là một tu sĩ. Khi Sư phụ tôi dạy bảo điều gì thì bao giờ cũng làm đúng lúc. Chiều hôm ấy, ngài đã bảo tôi: “Lòng từ bi không phải là như vậy”. Ngày hôm sau, tôi đang đi lễ lạy thì lũ thanh thiếu niên đó lại đến. Lần này chúng chỉ đậu xe lại và nhìn chúng tôi hành lễ tam bộ nhất bái. Lát sau, tôi nghe thấy một đứa nói: “Chúc các Thầy may mắn. Các Thầy vẫn kỳ cục lắm. nhưng thôi, chúc các Thầy may mắn”.

Khác với cuộc bái hương của Hằng Cụ và Hằng Do bốn năm trước, hai người có một xe hơi cũ Plymouth Station wagon đời 1957 để ngủ qua đêm, vì hai người đã quyết định sẽ không ngủ tại bất cứ nhà ai, dù có được mời.

Khác với cuộc bái hương của Hằng Cụ và Hằng Do bốn năm trước, hai người có một xe hơi cũ Plymouth Station wagon đời 1957 để ngủ qua đêm, vì hai người đã quyết định sẽ không ngủ tại bất cứ nhà ai, dù có được mời.

David Miller: Các Thầy ngủ ở đâu? Các Thầy có đến ngủ tại nhà người dân không?

Thượng tọa Hằng Thật: Thực ra là, chúng tôi đã nguyện không vào ngủ nhà ai hết. Chúng tôi có một cái xe hơi Plymouth Station wagon đời 1957 để ngủ qua đêm. Xe này chứa các thứ như ảnh Phật, kinh Phật và xoong chảo để nấu nướng.

David Miller: Các Thầy ăn gì?

Thượng tọa Hằng Thật: Phần nhiều là cây cỏ, lá xanh dại bên vệ đường. Chúng tôi có một bản cuốn sách của Euell Gibbons tên là  “Stalking the Wild Asparagus” (nói về cách chọn măng dại). Một nhà giáo trung học dạy vạn vật ở Santa Babara cho chúng tôi cuốn sách này, có lẽ vì sợ chúng tôi không biết phân biệt thứ nào ăn được thứ nào không.

Mời quý Phật tử cùng đón đọc phần cuối câu chuyện thú vị này được đăng tải trên Phatgiao.org.vn để có thêm những hiểu biết sâu hơn về “tam bộ nhất bái”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chung quanh vấn đề vãng sanh

Nghiên cứu 20:00 21/11/2024

Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Nghiên cứu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nghiên cứu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Nghiên cứu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Xem thêm