Phật Giáo
Thứ, 07/01/2019, 18:43 PM

Tam bộ nhất bái là gì? Tại sao phải đi 3 bước lại quỳ lạy sát đất 1 bước?

Tam bộ nhất bái chính là một hạnh tu, để tự chế ngự chính mình, không để cho cảm giác của vật chất cũng như các giác quan của mình, khơi dậy những ham muốn tầm thường. Kham nhẫn chịu đựng trước mọi khó khăn thử thách để rèn luyện và mài dũa mình, nhất tâm kiền thành cầu nguyện đức Phật chứng minh.

Người mỗi bước một lạy, cứ như thế lạy đến đỉnh núi...

Theo kinh sách chép, xưa kia, các vị Tăng và Phật tử có nguyện vọng về đất Phật chiêm lễ thánh tích rất tha thiết. Cũng chính vì nguyện vọng này cho nên những vị thánh Tăng phát tâm đến miền thánh tích Tây Thiên của Phật Giáo Bắc Truyền ra đời, Trung Quốc có ngài Nghĩa Tịnh và Ngài Huyền Trang…

Việt Nam ta từ rất sớm cũng đã có rất nhiều vị thánh Tăng cũng đi về Thiên trúc hành lễ thánh tích, theo sách Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện của Ngài nghĩa Tịnh đời nhà Đường có chép: "... Ở Giao Châu (Việt Nam) cũng có các vị Pháp sư qua Tây Vực, như ngài Vận Kỳ Pháp sư, Ngài Mộc Xoa Đề Bà Pháp Sư, Ngài Khuy Xung Pháp Sư, Ngài Huệ Diễm Pháp sư... là những vị sư người Giao Châu đi đến Tây Vực cầu Pháp..." Và thời hiện đại Hòa Thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng Thích Thiện Châu… là những bậc Danh Tăng của Việt Nam đi cầu Pháp cũng như lễ bái thánh tích nổi tiếng của Phật Giáo Việt Nam đương đại.

Trong sách Đại Phật Tự của Trịnh Chấn Phong chép về không khí triều sơn lễ thánh ở Đông Độ như: "Người dân quảy túi màu vàng đi triều sơn, người ốm yếu, già cả, phụ nữ, đến những thiếu nữ yểu điệu, những bác nông dân chất phát, ai nấy đều kiền thành mỗi bước mỗi cúi đầu, thậm chí có người mỗi bước một lạy, cứ như thế lạy đến đỉnh núi..."

Xem ra những tích trên chính là nguồn cội của Tam Bộ nhất bái vậy

Bài liên quan

Tam Bộ Nhất bái chính là một hạnh tu!

Tam bộ: nghĩa là sau 3 bước chân chính niệm là một lần đỉnh lễ 5 vóc sát đất. Đây là một phương cách để người Phật tử, phần nhiều là các vị xuất gia bày tỏ lòng tin sâu vào Tam Bảo hoặc quyết tâm theo đuổi một hạnh nguyện của mình, quan trọng hơn hết là ý chí rèn luyện lòng khiêm cung, nhẫn nại qua sự hành trì vô cùng khó khăn, vất vả, ngõ hầu giúp tiêu trừ nghiệp chướng, phát triển thiện căn, mang đến sự an lạc về thể chất và tinh thần.

HT.Tuyên Hóa từng nói: “Con đường tốt nhất để am tường các pháp là chịu đựng được những hạnh khó hành, làm những việc mà người khác không chịu làm, nhẫn những chuyện mà không ai nhẫn nổi, tất cả chỉ có vậy thôi!”. Đó là lời giáo huấn Ngài dành cho thầy Hoằng Do, vị đệ tử người Mỹ phát tâm hành hương tam bộ nhất bái từ San Francisco đến Seattle. Thật ngắn gọn, “chỉ có vậy thôi” nhưng bao hàm biết bao ý nghĩa!

Có thể ai đó sẽ cho rằng đây chỉ là một “trò ảo thuật quảng cáo” - như thầy Hoằng Do đã từng bị mai mỉa, nhưng với thầy thì: “Sự lễ lạy đối với chúng tôi lại là phương tiện của thiền định.

Phương pháp này dẫn đến sự tập trung tư tưởng hơn hết, vì nó không đòi hỏi suy nghĩ hay nói năng gì.

Những động tác chầm chậm nhẹ nhàng, lặp đi lặp lại mới chính là sự luyện tập trong hiểu biết, với chủ ý làm dừng lại những loạn tưởng trong tâm thức”.

(Theo Three Steps, One Bow - Nhật ký của 2 thầy Tỳ kheo người Mỹ).

Điều này cũng từng xảy ra với thầy Hằng Thật - người Mỹ, đệ tử của HT.Tuyên Hóa. Thầy Hằng Thật, một người lớn lên ở Ohio trong một gia đình đạo Tin Lành gốc Tô-Cách và Ái-Nhĩ-Lan, rồi đổi sang đạo Phật trong thập niên 60 khi học tại trường Đại học Berkely, đã suốt 6 năm mà không hề nói chuyện một lời. Thầy đã phát nguyện tịnh khẩu năm 1977 sau khi thọ giới Tỳ Kheo Đại thừa.

Vào thời gian đó, Thầy cũng bắt đầu một chuyến bái hương gian nan kéo dài 2 năm rưỡi từ Los Angeles đến Vạn Phật Thánh Thành ở Talamage, gần Ukiah cùng với một người bạn đồng tu. Suốt dọc đường, Thầy lạy phủ phục hay bái lạy trên đường, cứ ba bước một lạy.

Thầy Hằng Thật tam bộ nhất bái 2 năm rưỡi từ Los Angeles đến Vạn Phật Thánh Thành

Thầy Hằng Thật tam bộ nhất bái 2 năm rưỡi từ Los Angeles đến Vạn Phật Thánh Thành

Thầy kể rằng, khi đi lạy tam bộ nhất bái, nhiều lúc có người đến chửi mắng thầy một cách vô cớ. Khi xem kinh Hoa Nghiêm, thầy nhận ra đó là những tâm niệm xưa kia thầy đã lỡ tạo. Em gái của thầy đã từ thầy vì thầy xuất gia theo đạo Phật; nhưng hơn 20 năm sau, mẹ thầy đã phát tâm ăn chay trường, em gái thầy lại đến chùa giúp hướng dẫn đưa người vào Phật pháp! (Theo nhật ký With One Heart Bowing to the City of 10,000 Buddhas  - Nhất tâm lễ bái Vạn Phật Thành).

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, hình thức “tam bộ nhất bái”, “nhất bộ nhất bái” hay “ngũ bộ nhất bái” không phải là một hình thức xa lạ trong lễ nghi phương Đông. Nếu trong cung đình, hình thức này biểu lộ sự quy kính, hàng phục thì trong tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, thể hiện sự cung kính, quy ngưỡng, nguyện cầu, xuất phát từ sự rung cảm sâu xa của người lễ lạy, và trở thành một trải nghiệm tâm linh, một pháp môn tu.

Ở Tây Tạng, chuyện Tam bộ nhất bái là một hạnh nguyện

Phần lớn người Tây Tạng vẫn mong muốn được hành hương đến thủ đô Lhasa. Rất nhiều trong số đó đã chọn hình thức Tam bộ nhất bái để thể hiện tâm thành kính đối với những vị Phật sống của họ, và cũng không ít người đã phải bỏ thân dọc hành trình khắt nghiệt ấy. Nhưng với họ, đó là một sự ra đi thanh thản và đầy ý nghĩa.

Tam bộ Nhất bái được coi là nghi lễ bái lạy truyền thống ở Tây Tạng. Ai cũng ít nhất phải bái lậy 100.000 lần trong đời (Ảnh: Tuổi trẻ)

Tam bộ Nhất bái được coi là nghi lễ bái lạy truyền thống ở Tây Tạng. Ai cũng ít nhất phải bái lậy 100.000 lần trong đời (Ảnh: Tuổi trẻ)

Một người Tây Tạng trong đời ít nhất cũng phải bái lạy 100.000 lần và nghi thức bái lạy rất đặc trưng của người Tạng: tam bộ - ngũ thể - nhập địa.

Tam bộ (đi ba bước) để ngũ thể (chân, tay, ngực, trán...) một lần chạm xuống đất (nhập địa) lạy một lạy - một nghi thức vái lạy chỉ có riêng của người Tạng từ xa xưa và vẫn được duy trì đến hiện tại, bất chấp những sự thay đổi của không gian, thời gian, thời cuộc.

Bài liên quan

Người Tây Tạng vẫn còn truyền tụng câu chuyện về một người cha đã bán hết đàn gia súc nhằm thực hiện ước nguyện hành hương “tam bộ nhất bái” về thánh địa Lhasa, nhưng ông đã kiệt sức và chết mất xác trên con đường núi cô quạnh. Chờ mãi không thấy cha về, người con khi lớn lên đã quyết tâm thực hiện ước nguyện của cha, “tam bộ nhất bái” trải qua bao đỉnh núi cao, qua bao thung lũng sâu của rặng Himalaya hùng vĩ để về đến được chùa Jokhang và dâng lên bàn thờ Phật lời khấn cầu hoàn thành sứ mạng đức tin thay người cha đã khuất.

2009: Đại đức Thích Tâm Mẫn Tam bộ nhất bái triều sơn lễ Tổ Trúc Lâm Yên Tử

Với tâm niệm của người xuất gia, “Thượng báo tứ trọng ân, Hạ tế Tam đồ khổ”, hạnh nguyện của Đại đức thể hiện ý chí kiên cường và tâm kham nhẫn của người tu sĩ Phật giáo.

Sự năng nhẫn tất cả những điều khó nhẫn, như “chúng sanh nhẫn”, “pháp nhẫn”, “vô sanh pháp nhẫn”, “tịch diệt nhẫn” trong nhẫn pháp sanh định lực. Nếu trong cảnh nghiệm được tâm, trong khổ đắc được an lạc, giác ngộ, thì đạt được tông chỉ tu hành của pháp môn “khấu đầu triều sơn lễ thánh” vậy.

Thầy Thích Tâm Mẫn đã có hành trình Tam bộ nhất bái từ 2009-2012

Thầy Thích Tâm Mẫn đã có hành trình Tam bộ nhất bái từ 2009-2012

Bắt đầu từ mùng 2 Tết Kỷ Sửu (ngày 27/1/2009) đến ngày 17/11/2012, Đại đức Thích Tâm Mẫn đặt chân lên vùng đất thiêng Yên Tử, kết thúc hành trình "nhất bộ nhất bái" kéo dài 4 năm.

Đại đức đã trải qua một hành trình hoàn toàn yên lặng, né tránh tiếp xúc đại chúng, kể cả giới Phật tử thân tín. Lạy được khoảng 3 triệu lạy và niệm được khoảng 6 triệu câu hồng danh A Di Đà Phật.

"Lễ lạy triều sơn, tiêu hết một phần tập khí, thì giảm hết một phần phiền não, được một phần quang minh, đồng thời cũng chứng được vi diệu Bồ Đề"

Về lý do phát nguyện thực hiện chuyến hành hương này, thầy Thích Tâm Mẫn xin được giữ kín những ước nguyện cá nhân, chỉ cho biết thầy vừa hành hương vừa cầu nguyện cho quốc thái dân an. Hành lý mà thầy trò Đại Đức mang theo, ngoài 3 cây quạt lớn để phục vụ cho việc lễ lạy, vật dụng cần thiết nhất có lẽ là kinh sách và lều chõng bởi trong cuộc hành hương kéo dài hàng năm, việc phải dừng chân nghỉ ngơi bên đường là điều tất yếu.

Lại nữa: "lễ lạy triều sơn, tiêu hết một phần tập khí, thì giảm hết một phần phiền não, được một phần quang minh, đồng thời cũng chứng được vi diệu bồ đề". 

2014- nay: Hai nhà sư Tam bộ nhất bái từ Cà Mau giờ tới Nghệ An, và đích tới là Trúc Lâm Yên Tử

Bắt đầu từ rạng sáng 6-5-2014 (8-4-Giáp Ngọ), tới 4/1/2019, sau 4 năm 8 tháng, hai nhà sư “tam bộ nhất bái” từ Cà Mau giờ tới Nghệ An, ngày 4-1-2019, ĐĐ.Thích Trúc Thái Ngọc và Thích Trúc Thái Thanh ở thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng) - người phát tâm “tam bộ nhất bái” đã đến địa phận huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Hành trình của 2 Đại đức Thích Trúc Thái Linh và Thích Trúc Thái Thanh từ 6-5-2014 (8-4-Giáp Ngọ) từ Cà Mau - Trúc Lâm Yên Tử, ngày 4/1/2019 2 đại đức tới Nghệ An

Hành trình của 2 Đại đức Thích Trúc Thái Linh và Thích Trúc Thái Thanh từ 6-5-2014 (8-4-Giáp Ngọ) từ Cà Mau - Trúc Lâm Yên Tử, ngày 4/1/2019 2 đại đức tới Nghệ An

Hành trình của Đại đức đã thu hút và được sự tháp tùng của đông đảo Phật tử tại từng địa phương đi cùng giúp đỡ cũng như sự tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương và những người hiếu kỳ theo dõi.

Qua mỗi tỉnh, thành quý thầy đều đến vấn an, cũng như xin chư tôn đức trong BTS Phật giáo các địa phương hoan hỷ và chứng minh phát nguyện của mình.

Như mọi khi, các chuyến đi của các thầy đều có nhiều dư luận. Nhưng các thầy vẫn giữ nguyên tính kham nhẫn trong suốt hành trình của mình.

Mời quý vị đón đọc kỳ sau: Tam bộ nhất bái ở Tibet - hành trình linh thiêng trên nóc nhà thế giới

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm