Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 07/02/2023, 10:33 AM

Kinh Cày Ruộng và ứng dụng vào tu tập

Trong cuộc sống, mỗi phương diện lại có một cách nhìn nhận khác nhau về cùng một vấn đề. Đức Phật đã dạy cho chúng ta cái nhìn sâu sắc và đa diện hơn về đời sống tu tập giữa người tại gia và xuất gia.

Trong cuộc sống, mỗi phương diện lại có một cách nhìn nhận khác nhau về cùng một vấn đề. Đức Phật đã dạy cho chúng ta cái nhìn sâu sắc và đa diện hơn về đời sống tu tập giữa người tại gia và xuất gia. Bài Kinh Cày Ruộng thuộc Kinh Tương Ưng Bộ đã kể lại một bài pháp Đức Phật thuyết cho người Bà-la-môn như sau:

Lúc bấy giờ, Đức Phật đang ở Magadha, Ngài đi khất thực và dừng lại tại nông trang của một vị Brahman đang phân phát đồ ăn cho các nông dân ra đồng vào mùa gieo mạ. Vị Brahman đã nói với Đức Phật rằng:

– “Này Sa-môn, tôi cày và tôi gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ tôi ăn. Ông có cày và gieo mạ không, sau khi cày và gieo mạ ông ăn?”.

Đức Phật đã trả lời vị Brahman:

– “Này Brahman, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ Ta ăn”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Sau đó, Đức Thế Tôn đã đọc lên một bài kệ nói về việc cày, gieo mạ của một người đang trên con đường tu tập để đạt tới quả vị bất tử và những vị ấy cũng chính là ruộng phước điền cho chúng sanh muốn gieo phước đức. Bài kệ như sau:

“Lòng tin là hạt giống,

Khổ hạnh là cơn mưa,

Trí tuệ đối với

Ta Là ách và lưỡi cày,

Xấu hổ là cán cày,

Ý là sợi dây buộc,

Và niệm đối với Ta

Là lưỡi cày, gậy thúc.

Với thân khéo phòng hộ

Với lời khéo phòng hộ

Với món ăn trong bụng,

Biết tiết độ, chế ngự,

Ta tác thành chơn thực,

Ðể cắt dọn cỏ rác,

Sự giải thoát của Ta

Thật hiền lành nhu thuận.

Với tinh cần tinh tấn,

Ta gánh chịu trách nhiệm,

Ta tự mình đem lại

An ổn khỏi khổ ách.

Như vậy, Ta đi tới,

Không trở ngại thối lui,

Chỗ nào Ta đi tới,

Chỗ ấy không sầu muộn.

Cày bừa là như vậy,

Ðược quả là bất tử,

Sau cày bừa như vậy,

Mọi khổ được giải thoát”.

Cuối cùng, vị Brahman đã tán thán Đức Phật và giáo pháp của Ngài, rồi vị ấy quy y Tam bảo, trọn đời quy ngưỡng kính lễ cúng dường.

Đức Phật với thập hiệu, trong đó có danh hiệu là Thiện Thệ, nghĩa là khéo thuyết giảng. Ngài đã khéo léo giảng pháp trong mọi tình huống và hàng phục chúng ngoại đạo bằng trí tuệ của một bậc giác ngộ hoàn toàn mọi kiết sử trói buộc. Bài Kinh Cày Ruộng thuộc Phẩm cư sĩ đã nói lên trí tuệ siêu việt của một bậc toàn năng mà trí tuệ thế gian không thể nào sánh được. Đối với một người nông dân, để thu hoạch được lúa thì cần phải có đầy đủ các yếu tố là: “Hạt giống, nước mưa, cái ách mang, cán cày và lưỡi cày, dây cột, gậy đâm (cây roi), con bò khỏe mạnh”. Có như vậy, người nông dân mới có được một vụ mùa bội thu và đời sống được no đủ. Đó là hạnh phúc của đời sống thế gian.

Còn đối với Đức Phật và các đệ tử của Ngài, hạnh phúc chân thật vĩnh hằng bất tử không phải là sự no đủ trong ăn mặc ngủ nghỉ, mà là sự giải thoát khỏi những phiền não nhiễm ô trong tâm, đoạn trừ mọi kiết sử mà gốc là ái dục. Con đường đi đến sự giải thoát đó cũng giống như người nông dân đi cày ruộng và kết quả gặt hái không phải là lúa của người nông dân mà là quả vị bất tử, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Chính vì vậy, Đức Thế Tôn đã nói lên những đức tánh của một người xuất gia trên con đường đạt quả vị bất tử, đó là: “Lòng tin, khổ hạnh, trí tuệ, tàm quý, ý căn, chánh niệm, thân khẩu hộ trì, tiết độ trong ăn uống, nhổ lên tà vạy và tinh tấn”.

Lòng tin là hạt giống, phải có hạt giống mới cho quả, hạt giống nào sẽ cho quả đó, giống tốt sẽ cho lúa tốt và ngược lại. Đối với người tu tập, lòng tin là nền tảng đầu tiên và rất quan trọng. Tin vào Phật, Pháp, Tăng vì Phật là bậc đã giác ngộ hoàn toàn; Pháp là giáo lý mà Ngài đã chứng ngộ; Tăng là đệ tử của Đức Phật, thực hành lời Phật dạy và thay Phật giáo hóa chúng sanh, là bậc đang trên con đường tu tập để đoạn trừ tham, sân, si.

Khổ hạnh là mưa móc. Khổ hạnh trong ý nghĩa này nên hiểu chính là trì giới. Giới là hàng rào ngăn cản chúng ta tạo nghiệp bất thiện từ thân, khẩu, ý. Giới ngăn chặn và chấm dứt các tà hạnh, ngõ hầu thành tựu các chánh hạnh. Nếu không có Giới thì Tăng đoàn sẽ không tồn tại nữa, giống như trong bất cứ một tổ chức xã hội nào cũng cần phải có những nội quy để tổ chức ấy tồn tại và hoạt động được tốt. Người không giữ giới thì tâm không thanh tịnh, sống buông lung, giải đãi, không tinh tấn. Nếu chúng ta sống ngoài vòng giới luật sẽ chịu nhiều đau khổ, còn nếu chúng ta trì giới sẽ được an ổn luôn luôn.

Trí tuệ là cày và ách mang. Cái cày của người nông dân quan trọng như thế nào thì trí tuệ của người tu tập quan trọng không kém. Bởi trí tuệ như ánh đuốc soi đường trong bóng đêm mờ tối, trí tuệ phá tan vô minh tham ái. Đó là việc tìm hiểu giáo lý của Đức Phật, thấy được Tứ Thánh đế là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Trí tuệ đó cũng chính là chánh kiến, chánh tư duy trong Bát chánh đạo. Có được trí tuệ, chúng ta sẽ gặt hái được quả an lạc giải thoát.

Tàm quý là cán cày. Đối với người nông dân, cán cày rất quan trọng để có thể điều khiển lưỡi cày theo ý muốn của mình. Cũng vậy, tàm quý đối với một người đang trên con đường đoạn trừ phiền não là xấu hổ với những tội lỗi đã phạm, có tàm quý thì khi nhận đồ cúng dường chúng ta mới biết xét lại đạo hạnh của mình có xứng đáng để nhận đồ cúng dường đó hay không. Và từ đó, tinh tấn tu tập để không mắc nợ ơn của đàn na tín thí. Như Đức Phật nói trong Kinh Tăng Chi rằng tàm quý là pháp hộ trì thế gian. Nếu không có tàm quý thì không có tội ác nào mà con người không dám làm và ác thú sẽ chờ đợi những người đó.

Ý căn như dây cột. Nếu như dây cột giúp người cày ruộng điều khiển con bò đi đúng hướng vào luống cày, không chạy theo ý nó muốn thì ý căn là sự định tâm vào một đối tượng, để cột cái tâm luôn phóng dật, tán loạn vào một chỗ. Có định rồi thì tuệ mới phát khởi, thấy được tam tướng của các pháp, từ đó có sự nhàm chán và ly tham, nhờ ly tham mà có được an vui tuyệt đối.

Chánh niệm là lưỡi cày, gậy đâm. Lưỡi cày vô cùng quan trọng vì nó tạo ra năng suất của việc cày, gậy đâm hay cây roi sẽ giúp cho người cày ruộng điều khiển con trâu khi nó phóng túng, lười biếng hay đi sai đường. Cũng vậy, chánh niệm đối với một người tu tập là biết rõ trên bốn đối tượng thân, thọ, tâm, pháp, hay còn gọi là Tứ niệm xứ. Vì đây là con đường duy nhất đưa đến an lạc, giải thoát cho chúng sanh.

Thân khẩu được hộ trì: Thân được hộ trì là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Khẩu được hộ trì là không nói dối, không nói lời hai lưỡi, không nói đâm thọc, không nói lời phù phiếm. Ngoài ra, phải hộ trì trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, khi thân khẩu được hộ trì thì chúng ta hành động việc gì cũng có kiểm soát, biết được đúng sai một các tinh tế nhất để có thể nhận được một trí tuệ viên mãn.

Tiết độ trong ăn uống: Chư Tổ thường căn dặn hàng đệ tử “Tam thường bất túc”, nghĩa là ba việc thường ngày là ăn, mặc và ngủ không cần đầy đủ, dùng thiếu một chút để giảm các phiền não ngủ ngầm và có thêm thời gian tu tập. Khi ăn chúng ta cũng phải quán xét 5 điều để tăng trưởng đạo hạnh.

Nhổ lên tà vạy: Tà vạy có gốc là tham, sân, si. Người tu tập đoạn trừ hoàn toàn 10 kiết sử sẽ chứng quả vị A La Hán – sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, ko còn tái sanh lại nữa.

Tinh tấn: Tinh tấn trong Tứ chánh cần sẽ giúp đoạn trừ các pháp bất thiện và tăng trưởng các pháp thiện. Nếu không tinh tấn, chúng ta sẽ gặp nhiều chướng duyên trên con đường tu tập.

Tóm lại, 10 pháp mà Đức Phật và các đệ tử của Ngài tu tập kể trên không nằm ngoài Giới, Định, Tuệ. Giới là điều căn bản là nấc thang đầu tiên trong lộ trình giác ngộ giải thoát, sống đời khổ hạnh, kham nhẫn, thân khẩu luôn được hộ trì, biết tiết độ trong ăn uống, ngủ nghỉ để có một đời sống chân thiện nhất. Định là nấc thang tiếp theo để có thể giữ gìn tâm ý một cách chú tâm nhất, ý căn cần được thuần thục trong quá trình tu tập định lực, chánh niệm, tinh tấn là hai phương diện giúp chúng ta giữ được tâm định tỉnh. Tuệ là kết quả rốt ráo cuối cùng cần có lòng tin và trí tuệ vun trồng từ hai ý nghĩa trên để đưa việc làm lợi mình lợi người và lợi cả tha nhân.

Hành giả tu Giới – Định – Tuệ như người đang cày trên mảnh đất tâm của mình, phải thường xuyên nhổ các cỏ dại là 10 kiết sử để gặt hái được quả vô sanh, giải thoát khỏi khổ đau, luân hồi. Bài Kinh Cày Ruộng trong Kinh Tương Ưng Bộ cũng như các yếu tố đang nói đến trên đây đưa ra những kiến thức rất thực tế và thiết thực để mỗi hành giả tu tập ứng dụng vào đời sống, còn để giúp cho các vị cư sĩ Phật tử hiểu hơn về quá trình làm việc hành đạo của các tu sĩ xuất gia để không có những cái nhìn sai lệch và phiến diện, nhờ đó truyền tải những thông điệp thiện lành cho cuộc sống của mỗi người trở nên ý nghĩa hơn và tỉnh thức trong từng ý niệm.

Chú thích:

(*) ĐĐ. Thích Hải Tạng, hiện làm việc tại Trung tâm Biên phiên dịch – Tư liệu Phật giáo Quốc tế – Vĩnh Nghiêm Tùng Thư.

Nguồn: Tạp chí văn hoá Phật giáo

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Từ nhân vật Đề Bà Đạt Đa nhận diện “thiện tri thức” trong Kinh Pháp Hoa

Nghiên cứu 16:00 02/09/2024

Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”.

Xem thêm