Ký ức về chùa Ấn Quang

“Ngoại ơi, năm nay chùa Ấn Quang không có xe hoa Phật đản nữa". Chắc ngoại biết điều này thì sẽ buồn lắm. Con biết, ngoại sẽ nhắc tới thời của Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa…

1. Chùa Ấn Quang là một trong những ngôi chùa mà tuổi thơ của tôi thường thích đến, ngày ấy điểm yêu thích nhất của tuổi thơ mà tôi còn nhớ rõ là những ngôi chùa, không phải công viên, khu giải trí, siêu thị… như trẻ em bây giờ. Ý thức về những chuyến đi đầu tiên của tôi là ý thức về tượng Phật. Tượng Phật uy nghi chùa Ấn Quang. Tượng Phật hiền từ ở chùa Từ Nghiêm. Tượng Phật A Di Đà gần gũi trong sân chùa Pháp Hoa…

Nhà tôi gần chùa Từ Nghiêm, mà cũng gần chùa Ấn Quang. Tôi thích đi chùa Ấn Quang hơn, vì chùa có sân khá rộng, có thể chạy giỡn, nô đùa. Chùa Ấn Quang lúc nào cũng tấp nập, không lặng lẽ, kín đáo như chùa Từ Nghiêm, là một chùa Ni. Bà ngoại tôi thương tôi, cũng muốn dẫn tôi đi chùa Ấn Quang, nhưng vì cậu hai tôi không bằng lòng, nên bà đành dẫn đi chùa Từ Nghiêm ngày rằm, mồng một, ngày sám hối và cả những ngày chủ Nhật.

Bà tôi khi sống với gia đình tôi, khi sống với gia đình cậu hai tôi, nên đành nghe theo lời cậu. Cậu tôi là người cải đạo và do đó rất khó chịu với Phật giáo lúc bấy giờ. Cậu tôi cải đạo sang một tôn giáo mới là Thông thiên học. Ông là giáo viên Anh văn ở trường Trung học, mở trường tư, cộng tác với Tin lành để mở Đại học của đạo này là Đại học Tri Hành. Khi theo Thông thiên học, ông cũng là một chức việc gì đó, có thuyết giảng ở trụ sở Hội Thông thiên học đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, thường ép bà tôi đi nghe giảng. Bà tôi lại không thích tôn giáo mới này, muốn đi chùa lễ Phật và chiều ý tôi, đến Ấn Quang.
 Chùa Ấn Quang
Thế là cậu tôi cấm, vì khi đó ở Ấn Quang thường xảy ra biểu tình và có mâu thuẫn với Việt Nam Quốc Tự. Cứ thấy bà ngoại tôi định đi chùa thì cậu tôi ngăn cản, bài xích. Cậu hai tôi căm ghét Phật giáo Ấn Quang tột độ, cứ nói thầy chùa phái Ấn Quang “giả dối”, “làm chính trị”, “mê hoặc người”, “kích động”, “lường gạt”…, rồi “thầy chùa lửa”, “thầy chùa cọp”. Bà tôi muốn dẫn tôi đi chùa Ấn Quang thì phải đi lén, nói đi chùa Từ Nghiêm rồi dẫn tôi đi cả chùa Ấn Quang. Bà tôi lẳng lặng chịu đựng, tin kính Tam Bảo.

Gia đình tôi chịu sự bất hạnh chia rẽ tôn giáo nặng nề do cải đạo. Những người trong thân tộc cải đạo lại là những người bài Phật giáo cực đoan nhất. Mợ tôi cũng cải đạo sang Thông thiên học, lại đồng thời theo một tôn giáo mới khác là đạo “vô vi cô Năm”. Bà cũng bài xích đạo Phật, Tăng, Ni mà mê lên đồng, nhập bóng, giáng cơ. Đáng sợ hơn, cậu mợ tôi không chỉ căm ghét, mà khinh miệt Tăng, Ni nhất là những nhà lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang. Anh chị cô cậu hầu như bị cấm đến chùa, mua sách thầy Nhất Hạnh về xem cũng không được, nên không ai theo đạo Phật. Chỉ có bà tôi thầm lặng dẫn tôi đi chùa Ấn Quang.

Cho đến khi xảy ra sự kiện “tái chiếm Việt Nam Quốc Tự”, có phật tử thiệt mạng, bà tôi rất buồn và không dẫn tôi đi chùa Ấn Quang nữa. Chùa Ấn Quang đối với tôi trở thành một nỗi nhớ, một hoài niệm.

2. Nhưng trừ ngày trước lễ Phật Đản, bắt đầu từ hoàng hôn, vì xe hoa Phật đản các nơi tập họp về chùa Ấn Quang. Buổi chiều 14 tháng Tư Âm lịch tôi được bà ngoại dẫn đi chùa Ấn Quang. Cậu mợ tôi ngăn cản quyết liệt. Nhưng bà ngoại tôi cũng kiên quyết không kém. Một năm mới có một lần. Từ trưa, tôi đã nôn nao, thay quần áo, mường tượng đến những chiếc xe hoa lộng lẫy, rực rỡ, với hình tượng đức Bổn sư sơ sinh tươi vui, ,mỉm cười nhìn xuống mọi người, một nụ cười an lạc, hoan hỷ, chia sẻ. Rồi những chiếc xe hoa trang trí đủ kiểu dáng, đủ màu sắc chầm chậm lướt qua cổng chùa. Chao ôi, không có gì tuyệt hơn thế, vui hơn thế. Mỗi năm có một ngày.

Những dịp Phật đản đi chùa Ấn Quang bà tôi rất vui. Bà tôi dẫn tôi đứng hàng giờ trước lễ đài với nhiều chục ngàn người nghe Hòa thượng Thiện Hoa thuyết pháp. Dù còn nhỏ, trong dịp lễ Phật đản khoảng năm 1971 hay năm 1972, tôi vẫn hiểu được lời Hòa thượng giảng.

Hòa thượng nêu vấn đề là người lãnh đạo tôn giáo thì trước hết phải vì Tăng, Ni, phật tử. Hòa thượng đưa ra một ví dụ rất dễ hiểu, xưa Đức Phật bỏ lên rừng tu hành thành đạo, nay tại sao Hòa thượng không thể làm như thế cho không vướng mắc? Câu trả lời là chính vì trách nhiệm trước Tăng, Ni, phật tử, vì nguyện vọng của Tăng,Ni, phật tử. Do đó, Hòa thượng phải ở lại đây giữa phố phường chật hẹp xô bồ, để thuyết giảng, để tổ chức đại lễ Phật đản, để làm lễ đài, xe hoa.

Ngày đó, đêm 14 tháng Tư Âm lịch, sau khi xe hoa đã đi, đoạn đường Sư Vạn Hạnh trước chùa Ấn Quang được dành hết cho người nghe pháp có lẽ vài chục ngàn. Tiếng người niệm Phật, hoan hô hòa thượng Thiện Hoa vang trời…

Bà ngoại tôi vô cùng kính trọng Hòa thượng Thích Thiện Hoa và Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Bà nói một người toàn tài, còn một người toàn đức. Bà lo sau này khi nhị vị hòa thượng đã viên tịch rồi, thì liệu Phật giáo sẽ còn sinh khí, với hàng chục ngàn người nghe pháp, với đoàn xe hoa làm sáng rực thành phố?

3.Năm Phật giáo TPHCM tái lập xe hoa Phật đản, tôi khấn trước bàn thờ bà tôi: “Ngoại ơi, đã lại có xe hoa Phật đản rồi, chắc là đẹp lắm, sáng lắm, không kém gì hồi ngoại còn sống đâu. Ngoại về xem nhé”.

Đến chùa Ấn Quang lúc hoàng hôn đêm trước ngày Phật đản, tôi có cảm giác ngoại tôi đi bên cạnh, mắt sáng rỡ chắp tay nhìn đoàn xe hoa Phật đản ngời sáng trong bóng hoàng hôn Ấn Quang. Đẹp quá! Hoan hỷ quá!

4. Nhưng đó là câu chuyện của một thời đã qua. “Ngoại ơi, năm nay chùa Ấn Quang không có xe hoa Phật đản nữa". Chắc ngoại biết điều này thì sẽ buồn lắm. Con biết, ngoại sẽ nhắc tới thời của Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa…

Còn cháu của ngoại năm nào sẽ hy vọng có ngày cờ hoa Phật Đản lại tiếp tục ngời sáng trong bóng hoàng hôn Ấn Quang!

Minh Thạnh



CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Người chân thật tu hành sẽ an tâm trước tai nạn

Phật giáo thường thức 14:00 23/12/2024

Những gì Phật giảng trong kinh Phổ Môn hay kinh Địa Tạng đều là lời chân thật, mỗi câu đều là chân ngữ thật ngữ!

Lòng từ bi vô lượng

Phật giáo thường thức 13:35 23/12/2024

Cả cuộc đời Thầy thương chúng con, luôn làm việc quên thân, càng nghe pháp thoại và càng nghiền ngẫm hai quyển "Thực tại hiện tiền và sống trong thực tại, con càng cảm nhận và càng tôn kính lòng từ bi vô bờ bến của một đấng Bồ tát.

Cách hồi hướng công đức giúp cha mẹ tăng trưởng phước báo

Phật giáo thường thức 13:07 23/12/2024

Khi ta phát tâm chân thực, vì cha mẹ và người thân mà tụng kinh, trì chú, niệm Phật và làm các việc phước thiện…rồi hồi hướng công đức ấy cho cha mẹ, thì đó gọi là đại hiếu.

Về ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phật giáo thường thức 12:19 23/12/2024

Kính chào Ban Biên tập Cổng thông tin Phật giáo (thuộc Ban TT-TT Trung ương Giáo hội), tôi là Phật tử mới quy y Tam bảo, tôi chưa hiểu về chức danh/ ngôi vị Pháp chủ của Giáo hội. Mong được chia sẻ, phổ cập giúp? (Chúc Tâm, Bình Định)

Xem thêm