Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 10/04/2019, 13:47 PM

Ký ức về Tùng Lâm Hương Tích từ thửa còn thơ

Tôi bám gấu áo mẹ đi trẩy hội chùa Hương từ thửa còn thơ, buổi ấy trong ký ức, non nước Hương Sơn hẵng còn thưa vắng và hết mực trong lành, nhưng đến nay mới có dịp sao lục và xâu chuỗi lại về miền đất Phật.

>>Những ngôi chùa Việt độc đáo

Hương Sơn trăm năm về trước

Để biết Chùa Hương tròn một thế kỷ trước ra sao, có lẽ không gì quý hơn bài du ký “Trẩy chùa Hương”, tác giả Thượng Chi, bút danh của học giả Phạm Quỳnh in trên Nam Phong Tạp chí số 23 tháng 5.1919 khi ông 26 tuổi, in lại trong bộ “Du ký Việt Nam”, tập III, NXB Trẻ ấn hành năm 2007.

Sưu tầm và giới thiệu bộ Du ký này, Nguyễn Hữu Sơn nhận xét: “Nhìn chung, có thể coi du ký “Trẩy chùa Hương” chính là một nhà bảo tàng du lịch bằng ngôn từ nghệ thuật, hòa quyện phẩm chất, tư thế học giả, nhà khảo cứu, bản lĩnh trí thức, nhà văn và nhà nghệ sĩ, giúp người đọc bốn phương “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”, hiểu rõ hơn về một thời Hương Tích - xứ Đoài - Hà Nội”.

“Lạ thay vừa bén mùi Thiền 

Mà trăm não với nghìn phiền sạch không” (Chu Mạnh Trinh).

Chùa Thiên Trù - năm 1927.

Chùa Thiên Trù - năm 1927.

Phạm Quỳnh viết: “Bình sinh vốn ưa sách Phật, mến mùi Thuyền”, “muốn tìm xem có kế nào chấn hưng được tôn giáo ở nước nhà không, nên vẫn có ý muốn đi du lãm những nơi danh lam cổ sái để chiêm nghiệm cho biết chân tình”; “Ở Bắc Kỳ ta có mấy nơi trẩy lễ có tiếng, mỗi năm đến ngày vía ngày tiệc kể hàng mấy vạn con người ở thập phương kéo lại, thật là những trường thí nghiệm rất tốt cho người muốn khảo cứu về cái lòng tôn giáo trong quốc dân ta, như trẩy Phủ Giầy, trẩy Kiếp Bạc, trẩy chùa Hương.

Phủ Giầy, Kiếp Bạc cùng mấy nơi khác nữa thời tuy sự lễ bái cô thịnh mà đã biến thành những chợ buôn thần bán thánh cùng những trường luyện quỷ trừ ma, không còn gì là cái hứng vị về tôn giáo nữa. Duy có chùa Hương hòa hợp cái thú thiên nhiên một nơi phong cảnh có một trong cõi Bắc với cái nghĩa mầu nhiệm một đạo tu hành rất cao của trời Tây, là chốn cao thượng hữu tình hơn cả”.

Bài liên quan

Vậy là từ đây Phạm Quỳnh khởi hành cùng vài người bạn trẩy chùa Hương, hành trình cả thảy hết hai ngày rưỡi ba đêm: “Ước 10 giờ đêm, trời sáng trăng suông, gió hơi hiu hắt, thuyền giương buồm chạy, lên bến Đục Khê. Đêm khuya thanh vắng, sông (Đáy) rộng bờ cao, giữa khoảng trời nước long lanh, tiếng ca nhi thánh thót, giọng du tử hề hà, cũng phảng phất được ít nhiều cái thú của các bậc cao nhân danh sĩ đời xưa lấy bầu rượu túi thơ mà sánh với non xanh nước biếc”.

Ghi chép của ông cho thấy bến Đục Khê ngày ấy mới chỉ có 80 chiếc đò vừa ra vừa vào, ngày ít khách thời chở đủ mà những ngày nhiều khách, nhất là mấy ngày hội, thời quyết không sao xuể được, bởi: “Nguyên chỉ có làng sở tại đó mới có quyền chở đò suối, đón khách vào Chùa cùng đưa khách ở Chùa ra, quyền ấy tức là một cái “chuyên quyền” (monopole) không ai tranh được”.

Trên suối Yến, học giả Phạm Quỳnh đã hóa thành nghệ sĩ lúc nào không hay: “Đi đò ước chừng mất một giờ, phong cảnh thật là ngoạn mục. Hai bên núi đá, một dòng sông con chảy giữa, núi thâm thấp, nước quanh co, coi thật là như một bức tranh sơn thủy của Tàu... Núi cao quá thường làm cho người ta dợn, sông rộng quá thường làm cho người ta ghê, mà non kia nước này thật là vừa bằng cái sức người tưởng tượng, nên coi ra rất là mỹ miều khả ái...

Sân động Hương Tích - năm 1927.

Sân động Hương Tích - năm 1927.

Gần trưa tới chùa ngoài, tức chữ gọi là Thiên Trù, nghĩa là cái “Bếp trời”, là chỗ sửa soạn đồ lễ vật để vào dâng trong động. Tuy tên nhỏ mọn như thế mà nghiễm nhiên là một tòa dinh vũ nguy nga, ở giữa một cái cao nguyên, bốn bề toàn núi, trông rất là có thể thế. Cách kiến trúc tuy không có gì là khéo là đẹp, mà to lớn lực lưỡng, thực là xứng đáng với cái cảnh chung quanh, coi đủ biết là chùa thịnh phú, tịnh tài thâu nhập nhiều, sổ chi tiêu rộng lớn. Nghe đâu mỗi mùa số khách thập phương tới năm vạn người”.

Trong số các trang du ký của ông, xin lưu lại đây thêm đôi dòng: “Các đám đông ở nước mình thật là không có kỷ luật, không có trật tự gì cả, rất tạp đạp, rất hỗn độn, dầu ở nơi lễ bái kính trọng cũng kẻ đi người lại, kẻ đứng người ngồi, nói nói cười cười, kêu kêu gọi gọi, ồn ào lộn xộn, khó mà nghiệm cho được cái tâm lý những người ngẫu hợp lại đó. Lại thêm khói hương ngùn ngụt, mùi người xông ngạt, tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ đinh tai, đủ khiến cho nhà khảo cứu như vào chốn mê ly, chẳng biết chỗ nào mà dò...

Cầu Hội suối Yến - năm 1955.

Cầu Hội suối Yến - năm 1955.

Lại người đi lũ lượt, kẻ ra người vào, chân bước miệng “Nam mô”, coi rất vui, cũng quên được sự mỏi mệt đi nhiều. Có lắm cụ bà mà đi son són, như ta đi ngoài phố, không ra dáng mệt nhọc gì, tin rằng đi việc lễ bái phúc đức thời Phật phù hộ cho, coi đó là đủ biết cái lòng tín ngưỡng mạnh là dường nào.

Không gì cảm động bằng chợt đến khúc đường vắng, khuất núi cao, trông thấy bà lão già tay lần tràng hạt, tay cầm gậy tre, chân đi bước một, miệng tụng “Nam mô”, tiếng vang động bên sườn núi, dưới gốc cây, nghe ai oán vô cùng, tưởng như tiếng tự trong tâm mà ra, kêu được hết cái nỗi đau khổ của loài người”…

Nhà Bia Dốc Trò - năm 1997.

Nhà Bia Dốc Trò - năm 1997.

Lược sử chùa Hương xưa và nay

“Hựu hà tất bồng châu doanh hải

Tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan...”

(Thám hoa Vũ Phạm Hàm)

Bài liên quan

Trẩy hội xuân Mậu Tuất năm 2018 này, Thượng toạ Trụ trì Thích Minh Hiền gửi tặng chúng tôi cuốn tạp chí “Chùa Hương” (PL.2562 – DL.2018, NXB Hồng Đức), trong đó có rất nhiều điều thú vị của nhiều tác giả. Trong bài “Xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt”, tác giả Lê Liêm viết: “Bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Việt một tuyệt phẩm về danh lam thắng tích “Biệt chiếm nhất Nam thiên”.

Quần thể di tích lớn nhất Quốc gia này bao gồm phức hệ núi non, hang động, thảm thực vật, thủy văn, hệ động vật và hệ thống đình, đền, tự viện Phật giáo (18 ngôi chùa) nằm quanh dãy núi Hương Sơn, tọa lạc rải rác trên địa bàn các thôn Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai và Phú Yên, tất cả đều phụng thờ Phật Bà Quán Thế Âm tại các điểm chính.

Theo nhà nghiên cứu Hán học Trần Huy Bá và Trương Quân thì “Hương Sơn vốn đẹp, lại được bàn tay con người tô điểm nên càng đẹp. Truyền thuyết dân gian kể rằng, cách đây 2.000 năm con người tìm ra động Hương Tích. Các ngôi chùa trong di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn, ngoài việc thờ Phật theo Đại thừa Mật giáo, thờ Phật Bà Quán Thế Âm, còn có điện thờ Mẫu.

Sơn Tăng – Ảnh do Thượng tọa Thích Minh Hiền chụp năm 1997 tại động Hương Tích.

Sơn Tăng – Ảnh do Thượng tọa Thích Minh Hiền chụp năm 1997 tại động Hương Tích.

Riêng đền Cửa Võng là nơi thờ Thanh Y công chúa, tục gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn, húy là Sơn Tinh Triều Mường công chúa Lê Mại đại vương và 12 thị nữ tiên cô là người dân tộc. Đền Ngũ Nhạc thờ thành hoàng làng. Đến TK XVII, quần thể danh thắng này xuất hiện thêm các chùa, hệ thống tượng Phật nhiều hơn.

Các bia đá “Hương Tích động Thiên Trù bi ký” lập năm Cảnh Trị thứ 05 (1667) ở vách đá động Hương Tích, bia “Thiên Trù tự bi ký” lập năm Chính Hòa thứ 7 (1686)... cho thấy sự ghi chép tu sửa, tôn tạo, tạc tượng, đúc chuông và văn thơ đề vịnh với chùa Hương suốt từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Tính đến nay, hệ thống Minh chung, Bi ký, Văn học - Thi ca - Âm nhạc, Điêu khắc mỹ thuật Phật giáo... có số lượng nhiều vô kể. Nổi bật nhất trong quần thể danh thắng này là phức hệ núi non kỳ vĩ, điệp điệp trùng trùng, với các dải thạch nhũ muôn hình vạn trạng. Tô điểm thêm là thảm thực vật, hệ thống thủy văn và môi sinh phong phú, tôn lên vẻ trang hoàng lộng lẫy cho Hương Tích Tùng Lâm – Tổ đình của Tông môn, đúng như câu đối đề tại Tổ đường: “Tổ Đạo bất tùy thương hải biến/ Sơn môn vĩnh trấn nhất Nam thiên”.

Suối Yến - năm 2018.

Suối Yến - năm 2018.

Sau thời kỳ ba vị hòa thượng khai sáng, chùa Hương gián đoạn trụ trì ngót một trăm năm. Mãi tới niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686) thời vua Lê Trung Hưng, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang (tương truyền cũng là một vị quan chức trong triều đình đã treo ấn từ quan để đi tu) mới lại tiếp tục công việc tạo dựng.

Đến thế kỷ 18, trong chuyến tuần du của chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm vào năm Canh Dần 1770, ông đã khắc 5 chữ “Nam thiên đệ nhất động” – nghĩa là động đẹp nhất trời Nam vào cửa động Hương Tích và lưu lại một số minh văn bia ký. Rồi kể từ đó, quá trình xây dựng chùa Hương được liên tục qua rất nhiều đời chư Tổ.

Bài liên quan

Đến đời trụ trì của Đại sư Thanh Tích, công việc xây dựng kiến thiết Thiên Trù vẫn được tiếp tục, để rồi đến năm 1942 nơi đây như một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ “Biệt chiếm nhất Nam thiên”. Nhưng đáng tiếc thay vào ngày 11 tháng 2 năm Đinh Hợi - 1947, thực dân Pháp đã vào đây đốt phá, biến Thiên Trù thành đống gạch vụn tro tàn.

Đến năm 1948, giặc lại vào đốt phá một lần nữa, rồi năm 1950 chúng lại cho máy bay thả bom khiến cho cao chất ngất mấy tòa cổ sái của Thiên Trù bị san phẳng. Dấu vết xưa của Thiên Trù hiện nay chỉ còn lại vườn Tháp, trong đó có Bảo Tháp Viên Công, một công trình nghệ thuật đất nung của thế kỷ 17 và cây Thiên Thủy Tháp.

Năm 1951, cố Hòa thượng Thanh Chân đã cho dựng lên từ đống tro tàn đổ nát 6 gian nhà tranh để có nơi tu hành và nhang khói. Vào mùa xuân năm 1989, cố Hoà thượng trụ trì Thích Viên Thành, Ban xây dựng chùa Hương đã khởi công tái thiết lại chùa Thiên Trù, đến năm 1991 thì khánh thành.

Năm 1994, cổng Nam Thiên Môn cũng được hoàn thành, đứng sừng sững giữa núi rừng Hương Sơn. Những năm sau này - từ 2002 đến nay - Thượng tọa Thích Minh Hiền kế đăng trụ trì, tiếp tục mở mang kiến thiết thêm nhiều công trình mới, chẳng hạn như “Triều Sơn Lộ” – con đường lát đá rộng rãi, từ Bến Trò lên Thiên Trù thuận tiện cho hàng vạn du khách hành hương mà không lo tắc đường.

Thượng tọa Thích Minh Hiền tặng chữ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thượng tọa Thích Minh Hiền tặng chữ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đồng thời, chư Tăng đệ tử của Thầy đã tốn nhiều tâm sức tìm tòi tại các thư viện và các trung tâm lưu trữ dữ liệu tại Pháp và Việt Nam và vừa qua đã tìm thấy nhiều ảnh tư liệu lịch sử về chùa Hương trước khi bị người Pháp tàn phá trong chiến tranh. Đây là một sự kiện đại hy hữu, bởi sau bao nhiêu năm đằng đẵng Thượng tọa Thích Minh Hiền đi tìm trong ký ức muôn nhà, như đứa con thơ lưu lạc đi tìm nguồn cội, đến giờ mới thấy.

Số ảnh tư liệu này chủ yếu do người Pháp chụp từ tháng 3.1927 đến năm 1955 tại quần thể danh lam thắng cảnh cổ tự Hương Tích. Đây là những tư liệu rất quý, lưu lại kiến trúc của quần thể chùa Hương, khách hành hương lễ Phật... có giá trị lịch sử hết sức to lớn.

Bài liên quan

Chiêm ngưỡng bộ ảnh xưa, ta thấy suối Yến xưa cũng không khác mấy so với suối Yến ngày nay, nhưng thuyền đò chở khách du xuân thưa thớt hơn và suối Yến có vẻ hoang vắng. Chẳng bù cho ngày nay, với gần 5.000 con đò chở khách, từ trên cao nhìn xuống đò còn nhiều hơn cả lá tre.

Từ xưa, các vị Tổ sư đã tổ chức Khánh đản đức Phật chủ chùa Hương Quán Thế Âm Bồ Tát vào ngày 19.2 âm lịch. Ngày nay, cứ từ 11h đêm 18.2 đến 1h sáng 19.2 âm lịch, hàng nghìn ngọn nến được thắp lên trong động Hương Tích trong lễ “Ngũ Bách Danh” (niệm 500 danh hiệu đức Quán Âm) với hàng nghìn Tăng Ni và Phật tử tham dự.

Lòng động Hương Tích bao la, ôm chứa hàng ngàn Phật tử. Dòng người ngồi tụng niệm cứ nối nhau kéo dài ra mãi. Những người không vào được động thì ngồi xuống tụng niệm ở Quán Âm Kiều. Những tiếng niệm Phật, tụng kinh hòa âm vào nhau tạo thành bản giao hưởng khổng lồ cơ hồ có thể lay động cả vũ trụ.

Trong động Hương Tích xưa còn tọa lạc những pho tượng quý như thấy ngày nay, trong đó nổi tiếng nhất là pho Phật Bà Quan Âm toạ sơn bằng đá xanh an vị chính giữa tòa Tam bảo, tượng do gia đình võ quan Nguyễn Huy Nhật tạc vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ 02 (1793) để cúng dàng công đức.

Tượng Phật Bà Quán Âm tại động Hương Tích - ảnh: Thượng tọa Thích Minh Hiền.

Tượng Phật Bà Quán Âm tại động Hương Tích - ảnh: Thượng tọa Thích Minh Hiền.

Thưởng lãm ảnh để thấy động Hương Tích vẫn ngàn năm muôn vẻ cũ, chỉ dòng người đến lễ Phật là ngày càng đông đúc thêm lên nhưng lòng thành kính tín tâm thì không đổi khác. Đúng như câu thơ xưa:

“Tượng đá trong hang mãi chẳng già

Trăm năm rung động nét tài hoa

Mắt người chưa thấy dung nhan Phật

Mà tự tay người Phật hiện ra”.

Hà thành, xuân Mậu Tuất

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời

Chùa Việt 20:34 03/11/2024

 Ngôi chùa Khmer mang tên Phnom Ta Pa nổi danh bởi vẻ đẹp độc đáo và tọa lạc trên ngọn núi Tà Pạ (xã Núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang), với độ cao 45 m so với mặt đất.

Ngôi chùa nghìn năm tuổi ở Hà Nam, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá

Chùa Việt 09:15 03/11/2024

Chùa Bầu tên chữ là Thiên Bảo Tự, tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6.

Chùa Côn Sơn: Một trong ba trung tâm Thiền phái Trúc Lâm

Chùa Việt 14:07 01/11/2024

Chùa Côn Sơn gắn với Thiền phái Trúc Lâm, cả ba vị Tổ của thiền phái đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây. Cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của Thiền phải Trúc Lâm.

Chùa Khôsa Răngsây: Nơi có tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi

Chùa Việt 10:58 31/10/2024

Tọa lạc ngay trung tâm Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), ngôi chùa Khmer mang tên Khôsa Răngsây thu hút du khách hơn 60 quốc gia đến tham quan bởi nhiều nét độc đáo, trong đó có tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi. 

Xem thêm