Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 14/02/2019, 09:22 AM

Diện kiến sơn tăng ở xứ sở bảy mùa hoa Tùng Lâm Hương Tích

Chỉ những người sống lâu tại xứ Hương Sơn mới biết rằng, nơi đây có tới bảy mùa hoa tuần tự: Mai - đào, xoan, gạo, đại, sen, súng, rồi đến mùa cây thay lá đẹp như một mùa hoa, và cuối cùng lại là mùa hoa mơ - mai đào - nở trắng các triền rừng.

Triệu - triệu người trảy hội chùa Hương dài suốt mùa xuân rồi trở về với cuộc mưu sinh, trả lại miền đất Phật sự u hoài tĩnh lặng. Năm nay, ven dòng suối Yến, hoa gạo nở sớm, rực rỡ đỏ xen lẫn với mảnh dẻ tím của hoa xoan.

Triệu - triệu người trảy hội chùa Hương dài suốt mùa xuân rồi trở về với cuộc mưu sinh, trả lại miền đất Phật sự u hoài tĩnh lặng. Năm nay, ven dòng suối Yến, hoa gạo nở sớm, rực rỡ đỏ xen lẫn với mảnh dẻ tím của hoa xoan.

Bài liên quan

Lần này, bút giả túc duyên được diện kiến Thượng tọa Thích Minh Hiền - Hương Tích động chủ đời thứ 12. Nghe các Đạo hữu kể rằng, Thầy đã có gần 40 năm tu hành ở Chùa Hương. Với ngần ấy thời gian ắt hẳn phải có chỗ hơn người, nên tôi không khỏi có chút nóng lòng. Thượng tọa mời tôi thưởng trà tại Phương trượng tĩnh lặng như cách biệt hẳn với dòng người đang trẩy hội như nước chảy ngoài kia, giản dị vận quần áo nâu sồng, một cây bút nhỏ dắt vạt áo dài, một cặp kính tròn, một tràng hạt quấn quanh tay.

Khi bóng chiều gác núi, Thượng tọa tặng tôi tập “Hương Sơn Quán Âm Xưng Tán” gồm một số những tản văn ghi chép vốn được viết trên những trang giấy đã ngả vàng, màu mực đã phai nhạt nay được các đệ tử của Thầy biên soạn lại. Thượng tọa nói về các ghi chép ấy một cách khiêm nhường rằng: “Xa hay gần, cao hay thấp Hương Sơn luôn đẹp trong thiên hình vạn trạng. Giữa lòng Hương Sơn ngày tháng u trầm trôi qua trong một phương trời đọa đầy viễn mộng. Phải chăng từ nơi sơn cùng thủy tận này đã mở ra một cõi nghịch bút cuồng thi bát ngát”...

Trăng sao cửa động một nhành mai

Thượng tọa viết:

“Một dải non xa ngập chìm trong khói trời mây nước, bập bềnh thả hồn theo mái chèo ngư phủ, khách đăng trình sẽ lạc vào cảnh kỳ non tú thủy. Một lần đến để một lần thấy, tiếng chuông của ngôi Già lam Cổ tự vang vọng trong thinh không, chợt giật mình là thực hay mơ?!

“Vẳng bên tai một tiếng chày kình

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”

Trên con đường trở về, kẻ lữ khách cô đơn lặng lẽ lắng nghe một âm thanh nhiệm màu, lắng nghe tiếng nói vô cùng của thương hải tang điền, của tinh di vật hoán. Tiếng nghe ấy được thể hiện như:

“Diệu Âm, Quán Thế Âm

Phạm Âm, Hải Triều Âm

Thắng bỉ thế gian âm”

Đó là tiếng nhiệm màu, tiếng của người nghe lời kêu đau thương của cuộc đời, tiếng thanh tịnh, tiếng sóng biển vang dậy, tiếng siêu việt mọi thứ tiếng trên đời.

Chúng ta hãy thường tâm niệm bản chất thanh tịnh và siêu việt của tiếng ấy, bởi vì, trong mọi trường hợp tử sinh ách nạn, sự trầm mặc quán niệm ấy sẽ là cánh cửa mở về nơi Trăng sao Cửa động.

Trên phương trời lữ thứ, những áng mây vần vũ lượn lờ quanh đỉnh cô liêu sớm chiều nghe tiếng oanh ca vượn hót, thân mượn áo trăng sao, ngủ vùi dưới tán mây đại pháp, trọn kiếp gửi mình cho phong sương tuế nguyệt đọa đầy, cùng mai làm bạn cũ, hạc là người quen.

Lao mình vào Hương Lĩnh, dưới ánh trăng sao cửa động, đối diện với khuôn diện rêu phong từ thuở hồng hoang thiên địa, tĩnh lặng lắng nghe những âm thanh cuồng nộ của cát bụi tử sinh. Kẻ lữ khách trên dặm trường trải qua bao độ tà huy coi thân thể là gò là giếng, chật hẹp và tù túng nên chịu cảnh đạm bạc bơ vơ. Tuy nhiên ngẫm cho kỹ thì đâu phải vậy. Ngắm nhìn sự đời, bôn ba giữa đời mà thấy mình như nằm trên chóp đỉnh mây cao. Đủ hết các thứ mặn nồng chua chát, trong đó có cái hương vị tuyệt vời.

Sơn Tăng – Ảnh do Thượng tọa Thích Minh Hiền chụp năm 1997 tại động Hương Tích.

Sơn Tăng – Ảnh do Thượng tọa Thích Minh Hiền chụp năm 1997 tại động Hương Tích.

Con đường trở về với Trăng sao Cửa động, nơi bắt đầu của khổ đau hư ảo, ra đi cho thân tâm thành tro tàn nguội lạnh. Sở đạt của nó là chỗ buông xả, hóa thành cái không và trở thành cái tĩnh. Buông xả thì không câu chấp, không còn bị buộc ràng, cũng tiêu dao như Yến Khê Vũ Hội. Tâm Tĩnh thì như mặt nước không gợn sóng, phản chiếu toàn vẹn ngoại cảnh. Tâm Không thì thấy tâm như mặt biển bao la, dung nạp tất cả ngân hà tinh đẩu.

Kẻ lữ khách chịu đọa đầy cho thân mình gầy, cho tâm mình nguội, trong đó có cái diệu dụng phi thường của nó. Đọa đầy trong cái không và cái tĩnh. Như thế cái chỗ đọa đầy miên viễn nghe chừng cũng kinh hoàng táng đởm, nó làm cho đất liền cũng thành sa mạc, với nóng bỏng và gió rét kinh hồn. Thế mà lại khác hẳn, đó là cõi không không và tĩnh tĩnh, cõi của mây trời lãng đãng, của Trăng sao Cửa động. Khách phàm trần chưa bước tới nổi, nên cứ tưởng là nơi khổ lụy hình hài tột cùng, hoặc huy hoàng tráng lệ. Cả hai vừa phải, vừa không phải, không phải cũng không không phải. Đó mới đích thực là Diệu cảnh toàn bích.

Nơi đó, Trăng sao Cửa động còn ngàn trùng ẩn ngữ cho những ai còn ngập ngừng hờ hững.

“Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ

Liễu ấm hoa minh hựu nhất khai”

(Sơn cùng tuyệt lộ tử sinh

Ngờ đâu vách núi lung linh mai vàng)”.

Hình tượng Đức Quán Âm trong lòng người dân Việt

Thượng tọa viết:

“Mỗi năm khi mùa xuân đến, khí xuân tràn ngập khắp núi rừng Hương Sơn, hoa mơ nở trắng bao phủ một mầu như tuyết trên khắp triền núi, lòng người cũng ấm áp hơn, thanh thản hơn chảy trôi theo mái chèo ngư phủ để nhập vào Thiên Thai như Lưu - Nguyễn thủa nào:

“Xuân hòa thụ sắc ái thương thương

 Hà trọng lâm thâm lộ điểu mang...”

Đất trời Hương Sơn không chỉ đẹp ở chiều dài ngút ngát như Hoành Sơn, ở chiều cao vời vợi như Lạp Sơn Hy Mã, mà còn đẹp ở lòng người khi hành hương về cõi tâm linh dấu Phật. Cho nên người xưa nói: “Núi không cao thì cảnh chẳng kỳ; đường không dài thì lòng người khôn tỏ”. Hơn nữa đây lại là dấu tích của đức Quán Âm thị hiện. Hành trình về Hương Sơn là trở về cội nguồn của từ bi và trí tuệ. Bởi lẽ Bồ Tát Quán Thế Âm trong kinh Pháp Hoa đã được Việt hóa hoàn toàn thành Quán Âm Nam Hải hay Phật Bà Chùa Hương.

Hình ảnh một đức Phật hóa thân (Nirmàkàya) đến cuộc đời và sống trong đời để hóa độ chúng sinh qua biểu tượng một bà mẹ là hoàn toàn hợp duyên, thích ứng với nền văn hóa Bách Việt khi mà chế độ Phụ hệ chưa hoàn toàn thay thế được chế độ Mẫu hệ. Hòa nhập vào dòng người trẩy hội, chúng ta hãy lắng nghe tiếng niệm Phật, tiếng kể hạnh – đặc biệt là các bà mẹ già với chiếc áo dài nâu, tay lần tràng hạt:

“Chân như đạo Phật rất màu

Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân

Hiếu là độ được đấng thân

Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài

Thần thông nghìn mắt nghìn tay

Cùng trong một điểm linh đài mà ra

Rằng trong bể nước Nam ta

Chùa Hương có đức Phật Bà Quán Âm”

Tượng Phật Bà Quán Âm tại động Hương Tích - ảnh: Thượng tọa Thích Minh Hiền.

Tượng Phật Bà Quán Âm tại động Hương Tích - ảnh: Thượng tọa Thích Minh Hiền.

Biểu tượng nghìn mắt là biểu tượng của Đại Trí tuệ (Mahaprajna), biểu tượng nghìn tay là biểu tượng của Đại Từ bi (Mahamatri) cho nên bất cứ người nào có đủ Đại Trí tuệ, Đại Từ bi thì người đó chính là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hơn nữa chính danh hiệu Quan Thế Âm (Bodhisattva Avalokiteshvara) còn có nghĩa là người lắng nghe đau thương của cuộc đời, tiếng nhiệm mầu, tiếng thanh tịnh, tiếng sóng biển, tiếng siêu việt mọi thứ trên đời. Chúng ta hãy thường xuyên quán niệm bản chất thanh tịnh và siêu việt của tiếng ấy; bởi vì trong mọi trường hợp tử sinh ách nạn, sự quán niệm ấy là con đường trở về, là đồng thể với pháp thân thanh tịnh của Như Lai:

“Thân đà hết bụi thân nên nhẹ

Bụt ấy là lòng Bụt há cầu”

Khi thân tâm giải thoát hoàn toàn mọi trói buộc phiền não trần lao thì khi ấy Bụt lòng sáng tỏ, lúc đó không còn lo tìm cầu gì khác bên ngoài.

Tu hiếu hạnh để độ mình và thân nhân là tự độ, tu nhân hạnh để độ chúng sinh là tha độ. Như thế là đã làm tròn sứ mệnh “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” theo tư tưởng Phật giáo Đại thừa:

“Trên thời báo hiếu sinh thành

Dưới thời nhân cứu chúng sinh sa bà

Cơ thân ngồi núi Phổ Đà

Thân lên trên Phật, thân qua dưới đời”

Với hai chữ Nhân – Hiếu, hình tượng Đức Quán Âm không phải là điều gì xa vời, huyễn hoặc như một số ngộ nhận, nó có sẵn trong lòng người, nó bàng bạc trong thôn xóm Việt Nam, nó là truyền thống văn hóa dân tộc, là quy chuẩn đạo đức văn hóa, nó siêu việt thời gian và không gian. Như thế hình tượng này có thể nói là biểu trưng của nền văn hóa Bách Việt đồng thời cũng chiếm một địa vị vô cùng quan trọng trong niềm tin của người dân Việt Nam. Hình tượng đức Quán Âm là hình ảnh của một ý chí kiên định như kim cương, một tình thương bao la rộng lớn như biển Thái Bình, bao trùm cả gia đình và nhân loại:

“Làng Yến Vỹ có non Hương Tích

Bao khí thiêng đất Việt đúc nên

Phật Quan Âm ngự tòa sen

Mười phương quý tiện đua chen tìm về”

Hình tượng Phật Bà Quán Âm trong nền văn hóa dân tộc là hình bóng rất quen thuộc của người dân Việt Nam chúng ta. Hiếu thuận, thương người, nhẫn nhục độ lượng bao dung là những đức tính của người Việt Nam vốn có tự ngàn xưa, đã được phát triển và thăng hoa ở mức độ cao cả nhất.

Hành trình về Hương Sơn là trở về sự thanh thản nội tâm, là trở về cõi Bụt lòng khi đất trời giao cảm để đối diện với Đông Quân Bản Hữu:

Tắc thị thiên địa giao chi vạn vật thông dã; thượng hạ giao nhi kỳ chí đồng dã”.

Thượng tọa Thích Minh Hiền chụp ảnh lưu niệm cùng các Lama đến từ đất nước Bhutan và các Phật tử (ảnh Huy Minh).

Bi - Trí song hành

Thượng tọa viết:

“Bằng trí tuệ và tình thương, thế giới này được nhận thức như là hoa đốm giữa hư không, vượt ngoài tính chất sinh khởi và hủy diệt, vượt ngoài quan niệm hiện hữu và không hiện hữu.

Đây là chủ đề cơ bản của Kinh Lăng Già và cũng là cơ sở cho triết lý hành động của Phật giáo Đại Thừa. Trí tuệ và tình thương yêu rộng lớn là sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ Kinh Thắng Man. Nói một cách hình tượng hơn, Từ bi và Trí tuệ là hai bánh xe vận chuyển của cỗ xe Đại thừa (Bi Trí song vận) để đạt đến mục đích tối thượng, đưa đến giác ngộ Cửu kính Nhất thừa.

Và Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận cũng có nói: Bồ Tát phát tâm lấy Đại Bi làm gốc rễ. Tất cả tình yêu, dù lớn hay nhỏ, dù ta gọi đó là Đại Bi hay lân mẫn, hay ái mẫn, dù ta gọi là gì đi nữa, tất cả đều bắt đầu bằng sự rung động. Trước đại dương mênh mông của máu và nước mắt, trước những cuồng phong lửa dữ của tham lam và thù hận; trước những dòng xoáy kinh hoàng của sinh tử, của biến dịch vô thường, tất cả đều bị dao động, đều bị chấn động mạnh. Với những kẻ yếu hèn, không tìm thấy lối thoát, tự thấy mình bất lực, thì hoặc tự trang bị những mẩu lý luận vụn vặt để chối bỏ hiện thực hoặc tự vẽ cho mình một thiên đường huyễn hoặc. Những người ấy thiếu cả hai: Thiếu sự rung động bi mẫn của con tim và thiếu sự nhạy bén sáng suốt của trí não...

Trong quá trình tu chứng, dù ở Tiểu thừa hay Đại thừa, Trí tuệ vẫn là yếu tố quyết định. Điều này đã được Tôn giả Mãn Từ Tử trình bày với ngài Xá Lợi Phất: “Mục đích giới để tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là để kiến hay nhận thức thanh tịnh, cho đến để đạt được tri kiến thanh tịnh. Chỉ với tri kiến thanh tịnh thì mới chứng đắc vô thủ trước Niết Bàn”.

Trí tuệ có thể được thành tựu do một quá trình chiêm nghiệm lâu dài bằng quan sát. Quá trình này có thể dựa trên năng lực tu tập thiền định nhưng nó cũng có thể được thực hiện ngay trong mọi môi trường sinh hoạt... Trí tuệ được thành tựu mà không phát xuất từ những quan hệ thực tiễn của sự sống, từ những nhận thức sâu sắc về đau khổ và hạnh phúc của tất cả chúng sinh, thì đó mới chỉ là sự thành tựu hạn hẹp và phiến diện. Sự hiểu biết chân chính, nhạy bén và sâu sắc phải là sự hiểu biết bằng con tim đầy nhiệt huyết của tình yêu rộng lớn.

Bài liên quan

Một người khi nâng cốc nước để uống, với phương tiện khoa học ngày nay, kính hiển vi chẳng hạn – có thể thấy hàng triệu chúng sinh trong đó. Trái lại, một người khác chỉ bằng nhục nhãn của mình nhưng với trái tim nhạy bén của tình yêu, một trái tim nồng cháy yêu thương, còn thấy nhiều hơn thế nữa, không chỉ thấy các chúng sinh ấy sống còn như cát bụi vô tình mà còn thấy rất rõ khát vọng sinh tồn của chúng, thấy những đấu tranh khốc liệt để sống còn trong từng Sát na của mỗi sinh vật bé bỏng. Thấy như vậy là thấy rõ thực chất của sự sống, thấy từ động cơ thúc đẩy, từ bản chất tồn tại cho đến mọi ý nghĩa đau khổ và hạnh phúc của thế gian.

Lại nữa, một đạo sĩ ẩn mình trong các khu rừng đầy sa mù và khói phủ của dãy Thiên sơn hùng vĩ để nhìn lên vời vợi trên cao khoảng trời bao la vô tận, hay ngồi trầm ngâm trên bờ Thái Bình dương, hay để nhìn ra biển cả sâu thẳm và mênh mông, không phải chỉ như một người đang đặt đôi mắt vào kính viễn vọng để quan sát các thiên thể, các khối tinh vân vũ trụ, mà với tâm lượng bao la, với tình yêu bao trùm vô tận thế giới phương đông, phương nam cho đến mười phương vô tận thế giới... Người ấy không phải chỉ hiểu biết về thế giới như là những khối đá vĩ đại nhưng vô tình, những thái dương hệ lầm lì di động không mục đích.

Và một người mẹ dù có thế nào đi nữa, nhưng chắc chắn rất sáng suốt trong nhận thức, can đảm trong khả năng khi cần phải đối phó với những hiểm nguy đang đe dọa sinh mệnh đứa con thân yêu của chính mình chỉ bằng vào tình yêu bao la trời biển... Tình yêu và tri thức nào nhấn chìm con người xuống vũng bùn của ngu muội và ngông cuồng, chúng được gọi tên là ái và kiến. Tình yêu tri thức nào chắp cánh cho con người bay vào hư không vô tận, chúng được gọi tên là Đại Bi và Đại Trí. Mỗi loại biểu hiện như vậy mang đến cho con người một loại hạnh phúc”.

Thượng tọa Thích Minh Hiền chụp ảnh lưu niệm cùng các Lama đến từ đất nước Bhutan và các Phật tử (ảnh Huy Minh).

Thượng tọa Thích Minh Hiền chụp ảnh lưu niệm cùng các Lama đến từ đất nước Bhutan và các Phật tử (ảnh Huy Minh).

Tôi thưa chuyện cùng Thượng tọa:

- Thưa thầy có thể cho con hỏi, Trí Tuệ là gì?

- Tôi đưa cho anh củi, lửa và nước để anh tự đun lên. Hơi nước bay lên là Trí Tuệ.

- Thưa thầy, kiến văn Phật học của con vốn sơ sài nên con có chuyện muốn hỏi thầy. Trước đây con có đọc cuốn “Suy niệm về hiện tượng chết”, trong đó đưa ra yêu cầu phải thường xuyên suy niệm mệnh đề bằng tiếng Phạn “Maranam Bhamasati”, tức “Cái chết sẽ đến”. Sau này con mới biết tiếng Việt gọi đó là Tử niệm...

- Đấy là cách đặt một câu hỏi ngược để tìm câu trả lời về cuộc đời mình.

- Con đã suy niệm về điều này trong suốt 5 năm. Ngày nào cũng nghĩ về nó.

- Và anh cho rằng mình chỉ sống có một kiếp nên sẽ cào cấu thế gian này chứ?

- Dạ không ạ, con thấy mình bớt hẳn đi những cơn giận. Con thấy mình bình yên hơn.

Thượng tọa bất giác tháo cặp kính tròn để xuống bàn, gương mặt hiển hiện một nụ cười lấp lánh.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

“Làm đến Hòa thượng mà tôi nhận thấy còn thua hồi nhỏ”

Chân dung từ bi 10:15 11/03/2024

Có lúc giữa chúng đông, tôi thường nói, bây giờ làm đến Hoà thượng mà tôi nhận thấy còn thua hồi nhỏ. Ai nấy đều ngạc nhiên!

Cuộc đời và đạo nghiệp của Đệ Tam Tổ Huyền Quang

Chân dung từ bi 16:00 02/03/2024

Thiền sư Huyền Quang玄光 (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái[1] 李道載, quê ở hương Vạn Tải, lộ Bắc Giang Hạ (khoảng những năm niên hiệu Hồng Đức 1470-1497 đời Lê Thánh Tông đổi tên thành xã Vạn Tư, huyện Gia Định; nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Thiền sư Vạn Hạnh - Hình tượng ngàn năm

Chân dung từ bi 11:20 06/02/2024

Ngài họ Nguyễn, tên thật và năm sanh chưa thấy tài liệu nào ghi nhận. Ngài viên tịch vào năm 1018. Về sau, khi tham khảo sách Thi văn Lý - Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, có ghi tên thật của ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người ở châu Cổ Pháp, làng Dịch Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Vì sao nhiều Phật tử tin rằng Ấn Quang Đại sư là hoá thân của Đại Thế Chí Bồ Tát?

Chân dung từ bi 13:50 24/01/2024

Để biết được lý do tại sao phải bắt đầu từ câu chuyện mà Tuyên Hóa Thượng Nhân đã kể về Ấn Quang Đại Sư.

Xem thêm