Làm sao biết mình phù hợp với tu học tại gia hay xuất gia?
Con nghe Sư Ông giảng là phải có duyên, có mệnh xuất gia thì mới xuất gia được. Làm sao để xác định được duyên, mệnh, hay tử vi của mình là nên sống tại gia hay xuất gia ạ?
Trả lời:
Theo cảm nhận và trải nghiệm của Thầy, thì người có tâm xuất gia là khi không còn hứng thú với mọi chuyện ở đời, không còn hứng thú với địa vị, tài sản, danh vọng. Ví như nghe ai nói chuyện làm ăn hay kinh doanh sao để có được tài sản và tiền bạc thì mình thấy không có hứng thú gì cả. Những gì thuộc về tài-tinh-danh-lợi ở đời không còn hứng thú với người có tâm xuất gia, không khiến họ động tâm nữa.
Trước khi xuất gia cần thận trọng tự chiêm nghiệm lại, xem mình có thực sự không còn hứng thú với đời hay không? Hay chỉ là uất ức khi gặp thất bại, hoặc do mệt mỏi chán nản, hay sợ hãi trốn tránh điều gì ở đời nên mới muốn xuất gia. Còn sâu thẳm bên trong thì vẫn còn động tâm với tài-tình-danh-lợi.
Nếu sự không hứng thú ấy là tự nhiên, có thể do duyên mình gieo từ nhiều kiếp rồi nên giờ tự nhiên mình thấy như vậy. Thay vì tài-tình-danh-lợi, hưởng thụ vật chất thì mình lại thấy hứng thú với đời sống tự giác, sống độc cư, sống dễ dàng sao cũng được, đó là biểu hiện mình có duyên xuất gia. Thầy chiêm nghiệm chính đời sống của mình mà thấy như vậy.
Nhân duyên tới với Thầy từ nhỏ đến lớn đã giúp Thầy sống ở đâu cũng được, ở với ai cũng được, sống sao cũng được, ăn sao cũng được, ngủ sao cũng được. Thầy không quan tâm lắm đến mấy việc đó. Đó là biểu hiện Thầy thích hợp với sống đời tu sĩ.
Người xuất gia được tức là người có thể sống thế nào cũng được. Như hồi Thầy lập chùa Huyền Không hay Viên Không, không bao giờ nghĩ đến chuyện ăn uống cái gì. Có gì ăn nấy thôi chứ không đòi hỏi gì cả. Cũng đâu có chỗ mà ở, làm cái lều tranh hay lều bạt tạm mà sống thôi. Người sẵn sàng chịu đựng mọi thử thách thì mới có thể xuất gia thành công được.
Còn những người xuất gia để tiến thân theo con đường tu sĩ, thấy hứng thú với cuộc sống được mọi người cúng dường, rồi cũng được học có bằng cấp, được đi giảng dạy, được mọi người lắng nghe và ca ngợi thì lại hoàn toàn khác.
Có một vị sư từng ghé chùa Thầy xin ở lại tu học. Thầy đồng ý nhận. Sau đó ông ấy đi xem phòng ốc chư Tăng, nhìn tới nhìn lui chê “phòng ốc chưa đủ tiện nghi”, rồi vi ấy rời đi. Ai đến chùa Thầy cũng thấy phòng ốc chư Tăng đầy đủ đàng hoàng vậy mà vị sư ấy cho rằng chưa đủ tiện nghi, tức là người ấy chưa phù hợp với đời sống xuất gia.
Ngày nay việc xuất gia cũng không còn giống như thời Đức Phật, xuất gia chỉ là một cách sống khác, chỉ là không lập gia đình, không ở nhà mà ở chùa vậy thôi. Sự khác biệt giữa xuất gia và tại gia không còn lớn như ngày xưa.
Vậy nên thời đại này mình nên xét theo khía cạnh người nào tu học theo cách xuất gia thì phù hợp, người nào cần tu học theo cách tại gia thì lại thành công hơn.
Có một điều lạ, rằng hiện nay khi nghe pháp Thầy giảng, đa số người sống tại gia thấy ra sự thật rất nhanh. Vì họ đang có trải nghiệm thực, họ đang khổ nên khi nghe Thầy nói đúng nỗi khổ ấy là họ thấy ra ngay. Thầy nói ra là họ thấy đúng hết. Đang bế tắc mà họ ứng dụng pháp Thầy dạy thì có hiệu quả liền. Hiện những người sống tại gia theo học Thầy thành công hơn.
Trong khi đó những người xuất gia khi nghe Thầy giảng thì lại thắc mắc điều Thầy nói ở trong kinh nào, có tiếng Pali không? Trong khi Thầy chỉ nói cái thực thôi, chứ đâu có dùng kinh điển Pali mà nói. Ngày nay người xuất gia dễ bị kẹt trong kinh điển, trong tông phái, trong pháp môn của mình nên khó thấy thẳng sự thật. Trong khi những người sống tại gia thì cứ đối chiếu ngay với trải nghiệm của chính mình, Thầy nói đúng những gì họ đang trải nghiệm là họ thấy ra ngay.
Cho nên trong thời đại này, chưa chắc tu học xuất gia đã giác ngộ mau hơn tu học tại gia. Tu học tại gia hay xuất gia đều cần phải đúng cách mới được. Người xuất gia đúng cách thì sẽ thành công, xuất gia không đúng cách thì chỉ mang tội thêm.
Thầy luôn dặn dò các đệ tử cần phải cẩn trọng khi chọn xuất gia, không nên vội vàng. Nhiều người mặc y vào một cái liền tưởng mình đã là “thầy thiên hạ”, đã là giác ngộ giải thoát rồi. Thật ra mới chỉ như đang đóng kịch vậy thôi chứ đâu có khác biệt gì.
Cho nên mỗi người ở ngay trong hoàn cảnh của mình cứ tu học sao cho đúng. Nếu làm đúng thì tự pháp sẽ chuyển, sẽ hướng mình đi, chứ không phải cứ lo làm theo ý mình. Điều này thể hiện rất rõ trong hoàn cảnh của Thầy.
Nhìn lại từ khi sinh ra, Thầy đã ở trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn khó khăn như thế nào, Thầy đâu có rèn luyện, mà chính những khó khăn ấy đã rèn cho Thầy, chính Pháp đã rèn luyện cho Thầy sống đời sống không nắm giữ bất kỳ điều gì, để rồi sau này xuất gia dễ dàng như không vậy đó…
Nguồn: ghi chép từ kênh TikTok 'doanphuctuan'
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm