Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 27/03/2014, 13:31 PM

Lịch sử Phật giáo và dân tộc Việt Nam (P.4)

Sự chấn hưng của Phật giáo đã tạo bước quan trọng của quan niệm dấn thân, gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động chính trị xã hội, gắn ý thức dân tộc với ý thức Phật giáo. Phật giáo đã tạo ra những phong trào lớn cho lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc thời ấy.

NHÀ HẬU LÊ

Phật giáo vào thời hậu Lê mất thế đứng so với Nho giáo mà thế kỷ X-XIV là một thời kỳ vô cùng rạng rỡ; Lê lợi muốn xây dựng một thể chế quân chủ phong kiến, do vậy cần dùng học thuyết Nho gia để phát triển; Phật giáo bị hạn chế từ kiến thiết, nghi lễ và hoạt động xã hội. Tuy không còn tham chính như xưa, Phật giáo vẫn lan tỏa trong nhân gian qua tín ngưỡng từ bi, nhân quả, luân hồi...

Đến khi Nam-Bắc phân tranh, tình hình xã hội biến đổi, Phật giáo có cơ may phát triển nhờ triết thuyết nhân quả đủ để an ủi nhân tâm giữa lúc phân ly loạn lạc nhiều thống khổ.

Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê nên xẩy ra tranh chấp giữa  nhà Mạc và nhà Lê suốt 60 năm, nhân dân đồ thán; nhà Lê nhờ họ Trịnh đánh dẹp nhà Mạc, sau đó giữa Trịnh và Nguyễn lại tiếp tục xẩy ra tranh chấp suốt 2 thế kỷ làm xã hội rối ren, nhân dân đồ thán.

Tuy vậy, thời kỳ nầy Phật giáo lại phát triển khá tốt. Phật giáo thời nầy không chỉ là Phật giáo của giới thượng lưu quan quyền như thời Lê Lý Trần mà là phật giáo xã hội hóa, bàng bạc khắp trong nhân gian làng xã.

PHẬT GIÁO THỜI HẬU LÊ

Lê Lợi chiến thắng giặc ngoại xâm và lên ngôi vua, đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam. Trên lĩnh vực tôn giáo Phật giáo đã nhường bước cho Nho giáo, điều này chủ yếu do đời sống chính trị xã hội Việt Nam quy định, đó là phải xây dựng củng cố nhà nước phong kiến, kỷ cương xã hội, mà Nho giáo có khả năng đáp ứng được. Tuy nhiên Nho giáo chỉ phổ biến chủ yếu ở tầng lớp trên của xã hội, còn ở đại bộ phận dân cư tác động của Phật giáo khá lớn.

Thời kỳ này Phật giáo dung nạp 3 yếu tố: Tịnh, Thiền, Mật kết hợp cả tự độ, tự giác và giác tha. Bên cạnh đó nhà Lê hạn chế tổ chức thi cử, một số lễ giáo, xây dựng chùa chiền…
         
Nhìn chung vai trò Phật giáo thời hậu Lê đã bị giảm sút so với trước. Phật giáo không trực tiếp tham gia vào việc triều chính như trước mà chủ yếu ảnh hưởng trong đời sống dân chúng.
(Đinh Kiều Nga)

Tiến sĩ Lê Thị Chiêng trong chuyên luận ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO THỜI KỲ NHÀ MẠC tại Hội thảo khoa học Vương Triều Mạc trong lịch sử Việt Nam đã viết:
 
Nhà Mạc không ban hành chính sách cụ thể về tôn giáo tín ngưỡng. Muốn tìm hiểu vấn đề này cần dựa trên những việc làm thực tế của vua quan, các thành viên hoàng tộc. Ngay sau khi nắm quyền, Mạc Đăng Dung đã cho sửa sang lăng miếu của vua Lê ở Nam Kinh và định kỳ cúng tế. Có người cho việc làm này chỉ là sự khôn khéo của kẻ tiếm quyền, nhằm che mắt thế gian, mong yên lòng người, tránh sự phản kháng của quần thần nhà Lê. Nhưng đánh giá như vậy có thật khách quan không? Nếu Mạc Đăng Dung không phải người nhân đức trung nghĩa như nói trong chiếu nhường ngôi thì có làm như vậy không? Lịch sử Việt Nam đâu phải không có chuyện, để tự tôn vinh, các triều đại sau đã triệt phá dấu tích của các vương triều trước! Nên xem việc duy trì lễ cúng tế tông miếu nhà Lê của Mạc Đăng Dung không phải chỉ để tri ân một triều đại, từ đó ngài có ngôi cao. Lớn hơn thế, việc ngài làm là để ghi tạc công trạng của triều đại nhà Lê với lịch sử dân tộc, lưu truyền đến đời sau. Biết đâu đấy, việc làm này cũng là để bảo tồn hào khí hùng thiêng – sức mạnh trường tồn của đất nước.
 
Tiếp đó vua Mạc Đăng Dung lệnh cho trưởng thái giám hiệu Thụy Trúc thiền sư xây dựng chùa bà Đinh (chùa Thiên Phúc - Kiến Thụy - Hải Phòng). Có thể coi việc làm này là sự mở đầu cho công cuộc sửa sang, xây dựng lại những ngôi chùa đã bị phá bỏ trong thời kỳ thuộc Minh và lãng quên bởi nhà Lê sơ, dọn đường cho sự phát triển của đạo Phật. Tư liệu văn bia thời Mạc là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ trở lại của đạo phật. Trong số 146 bia thời Mạc còn lại tới nay có tới 109 bia chùa với nội dung về ruộng đất chùa, việc xây dựng và người hưng công.
 
Đi tiên phong cho việc xây dựng chùa tháp, tạc tượng, đúc chuông là các thành viên của hoàng tộc nhà Mạc, tiếp đó là những người hiển danh có điều kiện kinh tế, cuối cùng là nhân dân địa phương. Theo tư liệu văn bia, có hàng trăm thành viên trong hoàng tộc và các đại thần của triều đình tham gia tu bổ và xây chùa Phật.

Trong số những thành viên của hoàng tộc cung tiến tiền của xây dựng chùa trước hết phải kể đến các vị đương kim hoàng thượng như: Mạc Phúc Nguyên, đã ban “Cấm tiền” cho chùa Linh Cảm (Từ Sơn – Bắc Ninh, 1557), Mạc Mậu Hợp cúng 20 lạng bạc vào chùa Hoa Tân (Hải Phòng, năm 1582). Đặc biệt, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là người được xem là người cung tiến nhiều nhất hoàng tộc. Bà đã cúng 30 mẫu ruộng và 6000 lá vàng cùng bạc tiền cho trên chục ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và vùng phụ cận. Do công đức xây chùa bà được dân gian tôn phong “là mẫu nghi thiên hạ, là Phật sống trên trần gian”. Chính vì lẽ đó bà Thái Hoàng Thái Hậu được dân làng nhiều nơi tạc tượng thờ còn để lại đến ngày nay ở một số chùa ở thành phố Hải Phòng.
 
Vị Thái hoàng Thái Hậu này còn tham gia xây chùa Thiên Phúc (như đã nói ở trên) cùng các thành viên hoàng tộc khác như: Hoàng Thái Hậu họ Phan, Khiêm Thái Vương họ Mạc, Tĩnh Quốc Thái phu nhân họ Nguyễn, Tu Hòa Thái Trưởng công chúa họ Mạc, Bảo Gia thái trưởng công chúa họ Mạc, Phúc Thành thái Trưởng công chúa họ Mạc, Khiêm Thái Vương phi họ Mạc,… Tổng cộng 33 người. Đặc biệt bà Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành Thái trưởng công chúa tham gia xây dựng hàng chục ngôi chùa, quán, trong đó có Ninh Tiên. Tình cảm và niềm tin tôn giáo khiến họ trở thành tín đồ có pháp danh: Đức Quảng (Mạc Ngọc Liễn) và Từ Đức (phúc Thành) như nhà tu hành thực thụ. Các thành viên trong hoàng tộc đã công đức xây khoảng 80/168 ngôi chùa được xây dựng thời kỳ này.
 
Sự hưng khởi của đạo Phật vào thời nhà Mạc còn thể hiện ở chính sách ruộng đất. Nhà nước cho phép cá nhân cúng ruộng vào chùa dưới dạng làm công đức và đặt hậu. Chính vì vậy, dưới thời Mạc hầu như chùa nào cũng có ruộng, trong đó nhiều chùa có số ruộng lớn hàng chục mẫu như: chùa Pháp Vũ (Thường Tín – Hà Nội) 70 mẫu, chùa Hoa Tân (Hải Phòng) 50 mẫu, chùa Nghiêm Quang (Hải Phòng) 31 mẫu, chùa Thiên Phúc (Hải Phòng) 25 mẫu 1 sào 2 thước.

Ở những nơi xa kinh kỳ như Ninh Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, việc xây dựng chùa đều do các quan địa phương khởi xướng với sự tham gia đóng góp của nhân dân trong làng xã.
 
Trong cuốn Mỹ thuật thời Mạc, các nhà nghiên cứu từ góc độ mỹ thuật thời Mạc trên các đình chùa, tượng Phật, tượng thờ, gốm sứ đã kết luận thời nhà Mạc trị vì là thời đại chấn hưng của Phật giáo sau hàng trăm năm bị ức chế bởi chủ trương dương Nho ức Phật của nhà Lê sơ. Sự hưng thịnh này đã tạo ra sức sống mãnh liệt cho một nền mỹ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, dân gian.
 
PHẬT GIÁO THỜI NGUYỄN
         
Triều đình Nguyễn không được dân ủng hộ, nên luôn gặp sự phản kháng của người dân, vì vậy mà triều đình Nguyễn muốn lặp lại cơ cấu tổ chức nhà nước, đi đôi với nó là các chính sách hà khắc, hạn chế đạo Phật, sư sãi…. Với đạo Phật, triều Nguyễn đã phê phán cả giáo lý và hành đạo của Phật giáo. Song Phật giáo vẫn có chỗ đứng ngay trong cung đình, trong gia đình triều thần, trong các nho sĩ quan lại. Do vậy việc tu sửa chùa chiền thời này vẫn được diễn ra.
         
Phật giáo đã thấm sâu vào tư tưởng nhân dân, nó được quan hệ làng xã lưu giữ, duy trì. Trong quan niệm của nhân dân, trong văn học… đều mang dấu ấn tư tưởng của Phật giáo (Đinh Kiều Nga)

PHẬT GIÁO THỜI KỲ KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN (nửa cuối thế kỷ XVIII)
         
Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII là xã hội sôi động của những cuộc đấu tranh, những biến động liên tục. Khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi đem lại những tư tưởng mới cho lịch sử Việt Nam, các trí thức thời này đã tìm cách kiến giải mới về xã hội về tôn giáo, nhưng tôn giáo thời kỳ này vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng tam giáo đồng nguyên.

PHẬT GIÁO THỜI KỲ PHÁP THUỘC (nửa cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX)
         
Nhà Nguyễn ngày càng bất lực trước sự phát triển của xã hội, của sự tác động của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Nhu nhược trước sự xâm chiếm của thực dân Pháp với dụng ý tách đạo với đời, đưa quần chúng xa lánh đời sống chính trị.

Sự chấn hưng của Phật giáo đã tạo bước quan trọng của quan niệm dấn thân, gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động chính trị xã hội, gắn ý thức dân tộc với ý thức Phật giáo. Phật giáo đã tạo ra những phong trào lớn cho lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc thời ấy.

Qua các phong trào Phật giáo, đã thành lập được các tổ chức giáo hội, tuy chưa có sự thống nhất chung của Phật giáo trong cả nước, song đã có sự quan hệ trao đổi giữa các tổ chức giáo hội này.

Về giáo lý đã đặt ra những vấn đề lớn phức tạp mà từ trước đến nay chưa hề có, đó là: Phật giáo vô thần hay hữu thần, hoặc nhân duyên luận là duy vật hay duy tâm, có linh hồn hay không có linh hồn… Trong những cuộc tranh luận trên có cả sự tham gia của trí thức cộng sản, họ đã gây được ảnh hưởng trong cuộc tranh luận trên.

Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy rằng Phật giáo có những biến đổi lớn đã phân hóa cả về xu hướng chính trị xã hội, về giải thích, tiếp thu giáo lý… tình hình ấy kéo dài và phát triển về sau này. (Đinh Kiều Nga)

NHÀ NGUYỄN

Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng cai trị Việt Nam trong lịch sử Việt Nam từ năm 1802 đến 1945, được thành lập sau khi hoàng đế Gia Long lên ngôi năm 1802 sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và sụp đổ hoàn toàn khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 – tổng cộng là 143 năm. Triều đại Nhà Nguyễn là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ XIX.

Triều nhà Nguyễn có thể được chia ra hai giai đoạn riêng biệt: Giai đoạn Độc lập và Giai đoạn bị đế quốc Pháp xâm lăng và đô hộ. 

- Giai đoạn độc lập (1802-1858) là giai đoạn mà các vua nhà Nguyễn đang nắm toàn quyền quản lý đất nước, kéo dài 56 năm và trải qua 4 đời vua, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

- Giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ (1858-1945) là giai đoạn kể từ việc quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị.
 
Bối cảnh

Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX triều Nguyễn độc tôn Nho học. Do đó mặc dù các chùa trong nước rất nhiều, nhưng hoạt động riêng rẽ, không có một tổ chức, hệ thống liên lạc chặt chẽ với nhau, sự giao lưu phát triển về Phật học cũng suy giảm.

Đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba miền, và chính quyền Bảo hộ tìm mọi cách phát triển Công giáo, thì Phật giáo Việt Nam càng bị chèn ép. Một số ngôi chùa lớn cũng bị phá hủy, Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập các tài liệu, di vật nhưng không với mục đích truyền bá Phật giáo cũng góp phần làm suy giảm các kinh sách tại các chùa.

Tuy nhiên, một số giới Nho sĩ cũng dần quay lại với Phật giáo, cùng chung mục đích chống Pháp.

Hết Lê tới Nguyễn, đất nước lắm phen điêu linh vì nạn ngoại xâm, nội loạn, cho đến phải chia đôi Trịnh, Nguyễn. Sự tủi nhục, đau buồn của đất nước cũng là cái tủi nhục đau buồn của Phật giáo Việt Nam.
(Thanh Từ toàn tập)

THỜI CHÚA NGUYỄN TẠI ĐÀNG TRONG

Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) sau khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa đã để ý đến việc lập chùa. Năm 1601, ông bắt đầu cho xây dựng chùa Thiên Mụ ở xã Hà khê, huyện Hương Trà (thuộc Huếngày nay). Năm sau, vào ngày Vu Lan, ông đến chùa Thiên Mụ lập trai đàn và làm lễ bố thí, lại cho dựng chùa Sùng Hóa trên nền một ngôi chùa cổ ở xã Triêm Ân, huyện Phú Vang. Năm 1607, cho lập chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, Quảng Nam. Năm 1609, lập chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, Quảng Bình. Sau khi ông dựng xong dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc lại cho lập một ngôi chùa gần đó là chùa Long Hưng. Có thể ý chúa Nguyễn muốn lấy đạo Phật làm chỗ dựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn. Cho nên sau này, các chúa Nguyễn đều tỏ vẻ sùng đạo Phật. Còn nhân dân Ðàng Trong cũng nghênh đón các vị du tăng Trung Quốc với một tấm lòng chân thật, mặn nồng. Trong thời đại chuyển tiếp giữa hai triều Minh Thanh, nhiều cao tăng Trung Hoa đã tới Ðàng Trong hành hóa. Một phần quan trọng của những tổ đình hiện nay là do các thiền sư Trung Hoa sáng lập. 

Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) là một Phật tử pháp danh Hưng Long, còn có hiệu là Thiên Túng Ðạo nhân do ngài Thạch Liêm, một danh tăng thuộc phái thiền Tào Ðộng Trung Quốc đặt, và được xem là truyền thừa chánh tông đời thứ 30 của dòng thiền này. Bốn năm sau khi lên ngôi chúa, ông thọ Bồ Tát giới và thường tự ví mình là Duy Ma Cật. Ông chủ trương lấy tinh thần Phật pháp định hướng cho đời sống dân tộc và có quan hệ mật thiết với sư Thạch Liêm. Ngài Thạch Liêm đã có lần trình bày với chúa quan điểm trị nước theo tinh thần Phật giáo, được giải thích qua ý nghĩa "trai giới" đối với một vị quân vương: "Trai giới là làm cho quốc gia từ trên xuống dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết được chính đáng. Làm được như thế mới là sự trai giới viên mãn của một ông vua". Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng và trùng tu nhiều ngôi danh lam tại Thuận Hóa như trùng tu chùa Thúy Vân, chùa Linh Mụ... Sai người sang Trung Quốc thỉnh bộ Ðại tạng kinh, xây Tàng kinh lâu để bảo quản. 

Dòng Lâm Tế, một nhánh Thiền Nam tông quan trọng của Tổ sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-866) từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam vào thế kỉ XVII rồi phát triển mạnh tại Đàng Trong. Từ thời điểm này trở đi xuất hiện nhiều cao tăng thuộc dòng này như các sư Viên Minh và Viên Khoan ở Quảng Trị, Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Từ Ðàm, sư Giác Phong sáng lập chùa Báo Quốc tại Huế, sư Pháp Bảo lập chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam, sư Nguyên Thiều sáng lập các chùa Thập Tháp Di Ðà tại Bình Ðịnh, chùa Quốc Ân và Hà Trung tại Thuận Hóa (Huế), trong đó ngài Nguyên Thiều đã thành lập nên các dòng truyền thừa theo phả hệ Thập Tháp và Quốc Ân, ngài Pháp Bảo thành lập nên dòng truyền thừa hệ Chúc Thánh. Ngoài các dòng trên, tại Đàng Trong có một hệ truyền thừa ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến hôm nay, đó là dòng Liễu Quán, do sư Liễu Quán thành lập. 

THỜI CHÚA NGUYỄN TẠI ĐÀNG NGOÀI

Như đã biết đạo Phật thời Hậu Lê không còn thịnh bằng thời Lý Trần. Khi đất nước chia hai thành Đàng Ngoài và Đàng Trong thì tại Đàng Ngoài đạo Phật không phổ biến như ở Đàng Trong. Vào thế kỷ 17, dòng Thiền Tào Động (do các ngài Tào Sơn Bản Tịch (840-901) và Ðộng Sơn Lương Giới (807-869) sáng lập từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng tại Đàng Ngoài. Nhiều chùa ở Hà Nội như chùa Trấn Quốc, Hàm Long, Hòe Nhai... đến nay vẫn được xem là truyền thừa của dòng thiền này.
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Sau Trịnh Nguyễn phân tranh là triều đại Nguyễn Huệ, vua Quang Trung. Quang Trung là một Thần tướng bách chiến bách thắng, nhiều mưu lược, giỏi quản lý và tổ chức, khôn ngoan ngoại giao. Riêng lãnh vực tôn giáo, Quang Trung tuy tôn trọng tự do Tín ngưỡng nhưng không vì thế mà để mê tín dị đoan phát triển.

VUA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ (1753 - 1792)

Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.

Quang Trung có một chính sách tôn giáo rất tự do và rộng rãi: dù là người đề cao Nho giáo nhưng ông vẫn bảo đảm hoạt động cho các tôn giáo khác như Phật giáo và các tín ngưỡng khác.

Về Công giáo, các giáo sĩ tự do hoạt động, truyền đạo, xây dựng nhà thờ.

Đối với Phật giáo, ông chọn một quan văn “5 ngày một lần vào cấm cung để giảng giải kinh sách”. Nhưng đồng thời ông cũng thi hành chính sách bài trừ mê tín dị đoan rất mạnh, chấn chỉnh lại việc tu hành: nhiều chùa ở các làng có mà người tu hành lạm dụng để truyền bá mê tín dị đoan bị đập bỏ để xây duy nhất một ngôi chùa ở huyện cấp trên, đồng thời những người tu hành không đạo đức, những kẻ lưu manh, lười biếng đều phải hoàn tục. 

Đối với việc Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc Hà đánh họ Trịnh chuyên quyền, ông dùng khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh" để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Bắc Hà. Khi diệt được họ Trịnh, ông vẫn tôn thờ vua Lê. Việc làm đó được sử gia Trần Trọng Kim nhận định "Ấy là đã có sức mạnh mà đã biết làm việc nghĩa vậy".

# Sau là một vài lời nhận xét về công cuộc cai trị của Quang Trung:

"Ông không chỉ là cầm quân mà còn là nhà cai trị rất giỏi... Đồn binh vững vàng khắp đường sông, cửa biển; kỷ luật nghiêm minh, đồng thời lại rất nhân từ với nhân dân..."     

—Legrand de la Liraye trong tác phẩm Notes historiques sur la nation annamite (Bút ký lịch sử về dân tộc An Nam)

Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra đất Bắc Hà, những người như Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng và nhất là đối với một xử sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật khác thường.     
(Trần Trọng Kim)
 (Wikipedia)

BỐI CẢNH TRONG THỜI ĐÔ HỘ

Bối cảnh lịch sử miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Pháp đô hộ

Sau thời gian Gia Long và Tây Sơn tranh chấp, đến khi Quang Trung mất, tinh thần binh sĩ và nội tình phân tán nên Nguyễn Ánh đã thừa thắng, một phần nhờ ngoại bang, bắt tay với Tàu và Pháp, tuy chưa chặt chẽ lắm, nhưng cũng có chỗ cho binh sĩ an lòng. Vua Gia Long có thiện cảm hơn do khi ông còn gian truân có nhờ ông Bá Đa Lộc giúp đỡ. Khi chiến tranh kết thúc, các ông Chaigneau, Vannier và Despiau làm quan tại triều, tuy nhiên, năm 1817, chính phủ Pháp phái tới Việt Nam chiếc tàu Cybèle để thăm dò bang giao. Thuyền trưởng là Achille De Kergariou nói rằng vua Louis XVIII sai sang xin thi hành những điều ước do Bá Đa Lộc ký năm 1787 về việc nhường cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn. Vua Gia Long sai quan ra trả lời rằng những điều ước ấy nước Pháp trước đã không thi hành thì nay bỏ, không nói đến nữa. (Wikipedia) 

Đến khi Minh Mạng kế thừa thì tinh thần cải cách tiến bộ hơn, thuê quân Pháp huấn luyện quân đội, giúp cho binh lực và nội chính vững mạnh, vì thế, theo đánh giá đương thời, quân đội nhà Nguyễn cực mạnh so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Cambuchea. Ngược lại đến thời Tự Đức thì tổ chức suy sụp có lẽ vì tài chánh hạn hẹp, vả lại Tự Đức không theo cách tổ chức của phương Tây mà quay lại Binh Thư yếu lược của Trần Hưng Đạo. Tuy Minh Mạng tiếp thu một số cái hay của Pháp để cải cách, nhưng: Vua Minh Mạng không có cảm tình với người Pháp như thái độ chung của người Á Đông lúc đó, coi người Âu Châu là bọn man di, là quân xâm lược Châu Âu. Trong thời kỳ Minh Mạng nắm quyền, tín đồ Công giáo bị đàn áp quyết liệt và các giáo sĩ nước ngoài đã so sánh ông với hoàng đế Nero của Đế quốc La Mã - một hoàng đế từng tàn sát hàng loạt giáo dân Công giáo. Với những người Pháp đã từng giúp vua Gia Long, Minh Mạng tỏ thái độ lạnh nhạt nên khi Chaigneau trở lại Việt Nam không được trọng dụng nữa. Minh Mạng cho Chaigneau hay rằng không cần phải ký thương ước giữa hai chính phủ, người Việt Nam vẫn đối xử tốt đẹp với người Pháp là đủ, ông chỉ thỏa thuận mua bán với người Pháp nhưng không chấp nhận xây dựng đặt quan hệ ngoại giao chính thức với nước Pháp, quốc thư của Pháp xin cho ông Chaigneau làm Lãnh sự Pháp ở Việt Nam không được nhà vua đếm xỉa đến. Cũng theo đường lối của hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị, vua Tự Đức khước từ mọi việc giao thiệp với các nước ngoài, dầu việc giao thiệp chỉ nhằm phục vụ thương mại. Năm 1850 có tàu của nước Mỹ vào cửa Hàn có quốc thư xin thông thương nhưng không được tiếp nhận.(Wikipedia)

Do tính cứng rắn của các đời vua nhà Nguyễn về sau, cấm đạo, bắt bớ trục xuất người Pháp, không chịu canh tân đất nước, loạn lạc dân chúng nổi dậy liên miên, vua nghe theo nhóm cận thần bảo thủ nên đưa đất nước vào chỗ rối ren, bế tắt. Đến khi Tự Đức bắt đầu cho học tiếng nước ngoài thì cũng đã muộn. Triều đình không có một biện pháp nào đối phó với phương Tây, ngược lại chỉ cấm đạo và cấm mua bán quyết liệt hơn trước. Ngoài ra ông cũng không thích cả Công giáo nhân vụ An Phong Công Hồng Bảo mưu phản, tìm cách liên hệ với các giáo sĩ để soán ngôi mà nhà vua cho công bố 2 đạo dụ cấm đoán Công giáo các năm 1848 và 1851, từ 1848-1860, đã có hàng vạn giáo dân bị tàn sát hay lưu đày. (Wikipedia)

Dưới triều Nguyễn, trong các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, tuy Phật giáo ít bị kỳ thị nhưng chủ lực chính trị vẫn nằm trong tay Nho gia. 

Từ năm 1817 về sau, số đông Nho gia cảm thấy có một sự liên kết giữa phong trào truyền đạo Cơ Đốc và sự phát triển của thế lực thực dân, cho nên đã bắt đầu chống đối Cơ Đốc giáo. Sự chống đối này phát triển mạnh từ khi vua Minh Mạng lên ngôi. Phật giáo thời bấy giờ một phần vì không có ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị, một phần vì có tinh thần dung hợp không kỳ thị tôn giáo, nên đã không phải là động lực đưa tới những đạo dụ "cấm đạo" của vua Minh Mạng. Chính sách đàn áp kỳ thị Cơ Đốc giáo về phía chống lại chính quyền. Lực lượng Cần Vương mà phần chủ yếu là Nho sĩ cũng tiếp tục xô đẩy một số người Công giáo vào thế đối lập. (Wikipedia)

Chính những lý do đó mà Pháp lấy cớ xâm lăng Việt Nam. Chiến tranh Pháp - Việt nổ ra vào thời nhà Nguyễn 1858-1884. Đồng thời các giám mục Pháp cũng bắt tay với quân Pháp để thôn tính Việt Nam. Một số giáo dân theo Pháp chống lại triều đình, do vậy, quần chúng người Lương cũng đã ngờ vực cộng đồng Ki Tô giáo. Sau đó miền Tây Nam bộ cũng vào tay Pháp. Thời kỳ Pháp thuộc được kể từ 1884-1945. Cũng từ nhà Nguyễn bị đô hộ, chữ Nôm, chữ Nho bị thay bởi chữ La Tinh ngày nay gọi là chữ quốc ngữ. Sau khi bị đô hộ bởi Pháp, đạo Công giáo được tự do phát triển. Nam Định là cái nôi sơ khai khi đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam, các giáo xứ Bùi Chu, Phát Diệm lập cứ điểm vừa truyền giáo vừa chống lại triều đình. Một số chùa bị biến thành nhà thờ như Lá Vằng nay là La Vang, nhà thờ lớn Hà Nội vốn là chùa tháp Báo Thiên: Theo một số tài liệu lịch sử như sách của Louvet “La vie de Mgr. Puginier”, tiểu thuyết lịch sử “Bóng nước Hồ Gươm” của Chu Thiên, các tài liệu trong Văn khố Hội Thừa sai Paris (M.E.P.)… thì khu đất này xưa kia là khu đất của Báo Thiên Tự (Chùa tháp Báo Thiên) được xây dựng từ đời Nhà Lý. Đây là một ngôi quốc tự nổi tiếng của kinh đô Đại Việt trong suốt các triều đại từ Lý-Trần. Đến thời Lê – Nguyễn, đây vẫn là nơi diễn ra các nghi lễ Phật giáo cầu cho quốc thái dân an... (nhà thờ lớn HN-Wikipedia). 

Nhà thờ Đức Bà vốn là chùa Khải Tường... Hình như đa phần tỉnh nào cũng có chùa bị sung công làm nhà thờ nếu nơi đó nằm ở vị trí thuận lợi. Vì thế, các sư Tăng rút sâu vào xóm thôn để tồn tại cùng với người dân chân lấm tay bùn, ít có chùa nằm ngay mặt tiền đường phố chợ vào thời đó. 

Sau thời gian dài, tu sĩ Phật giáo không cập nhật kiến thức, văn minh Tây phương, cứ mãi ôm ấp chữ Nho, chữ Nôm mà lớp trẻ không thể tiếp thu dễ như chữ quốc ngữ (La Tinh), vì vậy khó tìm người trẻ kế thừa "trụ Như Lai xứ". Các sư chẳng những có gia thất, có con tiếp tục học chữ Nho để tụng đọc kinh điển; không được đi học theo kiến thức thời đại, chỉ biết ma chay đám tiệc và làm ruộng, hầu hết các sư được gọi là Cổ Sơn Môn hay Lục Hòa Tăng, họ đều có vợ con, ăn thịt cá, uống rượu, kiêm luôn cúng đình cúng miễu. Người dân xem tu sĩ đó là một cái nghề để đáp ứng ma chay, xem ngày tháng cưới hỏi, xây cất... được ưu thế là thân cận gần gũi người dân, nhưng cũng vì thế người dân thiếu sự kính trọng hơn các linh mục. Phật giáo tồn tại trong thời Pháp thuộc nhờ gắn kết với tập quán nhân dân, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của giới bình dân. Thêm vào lúc Nho gia chiếm địa vị độc tôn mà nhà Nguyễn dùng đó để khôi phục và bảo vệ nhà nước tập quyền chuyên chế theo thuyết vua là Thiên tử, nên Nho gia đã kích dèm xiểm Phật giáo để vua chúa nghe theo. Thời kỳ hậu Lê đến cuối thế kỷ XIX là giai đoạn suy thoái của Phật giáo.

Khi nền văn minh Tây Âu thâm nhập vào xã hội Việt, mọi cơ cấu truyền thống bị đảo lộn; tình làng nghĩa xóm được đo lường bởi tài sản và địa vị xã hội; thị dân hóa cuộc sống. Gia Long cũng nặng về Tây phương do ân nghĩa, nên vào thời Tự Đức, Phật giáo bị giới hạn nhiều mặt về xây dựng và phát triển; tách hẳn Phật giáo ra khỏi ảnh hưởng triều chính xưa kia. Từ nhà Nguyễn, Phật giáo suy vi hẳn, không nghe danh tánh một cao Tăng chứng đắc hay một danh Tăng nổi bật nào. 

Một số vị chân tu ẩn thân nơi rừng sâu núi thẳm; Uy tín Phật giáo trong nhân gian cũng nhợt nhạt. Một số tu sĩ ngả sang thần quyền, bùa phép ảnh hưởng của Đạo gia, mê tín dị đoan xâm nhập vào thiền môn. Ngược lại cách thờ phượng, hành lễ của Công giáo mang tính giản dị thanh thoát, nhạc lễ cũng khác hẳn nhạc lễ trống phách ồn ào của Phật giáo. Tin Lành càng đơn giản hơn và mang vẻ trí thức hơn. Hai tổ chức tôn giáo nói trên được chính quyền bảo hộ và giành nhiều đãi ngộ.

Sau đệ nhị thế chiến, trước sự ồ ạt tấn công văn hóa và tôn giáo từ phương Tây, các cao Tăng Phật giáo ở Trung Hoa, Srilanka, Thái ý thức được sự tồn vong của đạo Phật nên các ngài khởi xướng chấn hưng Phật giáo. 1950-1951 Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Tích Lan đã chọn giáo kỳ ngũ sắc và thành lập nội quy sinh hoạt chung, tôn trọng các tông phái của mỗi quốc gia, Việt Nam có HT.Tố Liên dẫn đầu đoàn tham dự, từ đó, PGVN là thành viên thường trực trong hội Phật giáo Liên hữu.

Còn nữa...
Minh Mẫn

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Xem thêm