Pháp ngữ trong Kinh Kim Cang (6)
Pháp ngữ trong Kim Cang là thiền viên đốn trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật chứ không dùng phương tiện của hóa thành tiệm tu từ từ.
8. Công đức thọ trì bốn câu kệ kinh Kim Cang nhiều hơn bố thí của báu khắp tam thiên đại thiên thế giới
"Tu-Bồ-Đề! Như trong một sông Hằng có bao nhiêu số cát, lại có những sông Hằng nhiều như số cát đó. Ý của ông nghĩ thế nào? Số cát trong những-sông-Hằng đó, có nhiều chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều. Nội những-sông-Hằng đã là nhiều vô-số rồi, huống nữa là số cát trong sông!"
"Này, Tu-Bồ-Đề! Nay Ta nói thật mà bảo ông: Nếu có trang nam-tử, thiện nữ-nhơn nào đem bảy thứ báu đầy cả ngần ấy Hằng-hà sa-số cõi Tam-thiên đại-thiên để làm việc bố-thí, người đó đặng phước có nhiều không?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều." Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: "Nơi trong kinh này, nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, thọ-trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v... và giảng nói cho người khác nghe, thời phước-đức này hơn phước-đức trước kia.”
Này Tu-bồ-đề! Như-lai nói lời chơn thật, lời chẳng dối, lời chẳng khác. Như Lai nói đem bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí thì thật ra phúc đức không bằng ngồi đọc một bài kệ của kinh Kim Cang này.
Khi nghe pháp ngữ số tám này, chúng ta có dễ tin không? Chúng ta nhớ chính Đức Phật và chư tổ thường dạy hễ mà bố thí cho ai một chén cơm, thìa cháo hay chai nước lã mà thí cho người đang bị bịnh khổ cần ăn uống thì phước đức đó bằng biển cả đại dương. So sánh ba phước đức: đem thí bảy báu đầy cả tam thiên, thìa cháo và đọc một câu Kim Cang thì ta thấy Đức Phật nói phước đức tụng bốn câu kinh Kim Cang hơn cả việc đem bảy báu khắp tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí, hay hơn cả đại dương phước đức của việc thí thìa cháo, bát cơm cho người bịnh khổ... Việc này chúng ta cảm thấy rất khó tin.
Pháp ngữ trong Kinh Kim Cang (5)
8a. Tướng phước đức và tánh phước đức
Phước đức là phước báo của những việc làm tốt lành mà chúng ta đã gieo. Phước đức chúng ta đang hưởng đây như được làm vua quan, được giàu có, sung sướng, học cao, danh tiếng, trúng số, ngồi mát ăn bát vàng, nhà cao cửa rộng. Những phước đức này chỉ hiện tướng một thời gian rồi sẽ tan đi, cho nên phước đức ấy chẳng phải là tánh phước đức mà chỉ là tướng phước đức. Tánh phước đức là chân tâm bản tánh của mình, là vô vi không hình, không tướng, khắp pháp giới thường trụ mãi mãi. Những phước đức của y báo và chánh báo được hưởng đây là hình tướng bởi vì có tướng, cho nên mới có số lượng ít nhiều. Còn tánh là vô vi, vô tướng cho nên không có nói nhiều với ít.
Ở đây, Đức Phật dùng thí dụ so sánh như có người thọ trì bốn câu kệ của kinh Kim Cang hay các kinh Đại Thừa thì phước đức này nhiều hơn phước đức bố thí châu báu của cải đầy cả hư không. Trong thực tế, chúng ta hiểu rằng rất vất vả để có được vàng bạc, của báu, gia sản, nhà cửa, xe hơi. Bây giờ trong kinh Kim Cang lại nói trân châu, tiền của đầy cả hư không thì biết công sức lao động, buôn bán dành giụm tiết kiệm đến cả hàng triệu triệu kiếp, chứ không phải chỉ giành giụm trong vài năm. Đức Phật lấy công sức lao động vất vả nhọc nhằn đổ mồ hôi, đổ nước mắt cả hàng triệu triệu kiếp để có tiền của mà đem bố thí để so với công đức của người trì bốn câu kinh Kim Cang. Người thọ trì bốn câu kinh Kim Cang đâu có vất vả gì, nhàn nhã chỉ đọc kinh, nhận được nghĩa rồi thọ trì và vì người khác mà san sẻ giảng nói cho họ nghe. Một bên thì rất vất vả nặng nề cả triệu triệu kiếp để có của cải thực hành tài thí. Một bên khác thì rất nhàn nhã thanh thản ngồi mát mà thí pháp trì kinh. Đây gọi là một trong những pháp ngữ rất khó hiểu.
Thế gian thường quan niệm rằng vàng là quý hơn tất cả. Như bây giờ đem bao nhiêu vàng cho loài thấp sanh, hóa sanh hay noãn sanh, chúng sẽ không cảm thấy quý, như đối với trâu thì cỏ quý hơn; đối với gà, vịt thì thóc, cơm quý hơn, chứ đưa vàng cho chúng thì vô ích. Cho nên, vàng quý là do quan niệm của con người, chứ không phải là sự thật. Theo quan điểm nhà Phật, tiền của, vàng bạc là cái giả, bao nhiêu cái giả cũng không đổi được một cái thật. Người nhàn nhã học kinh Kim cang, giảng kinh Kim Cang thì sẽ đi về cảnh giới thường lạc ngã tịnh, lại càng nhàn nhã, an lạc sung sướng, đi vào thẳng tánh phước đức của mình. Còn người nhọc nhằn, vất vả lao động buôn bán để kiếm tiền của thì lại đi cứ mãi vào đường mê, vì chỉ là tướng phước đức. Hưởng hết phước sung sướng thì lại đọa vào cảnh khổ. Thế cho nên một đằng đem cái giả mà lấy cái thật, không ai chịu đổi. So sánh tánh với tướng phước đức thì tánh phước đức sẽ có giá trị nhiều hơn. Cho nên người sống trong đường sanh tử, làm bao nhiêu phước cũng chỉ để hưởng tướng phước giả tạm ở thế gian, còn vị tu kinh Kim Cang nhàn hạ, đã nhàn, rồi đi về cảnh nhàn nhã an lạc cho nên vĩnh viễn thường hưởng tánh phước đức an lành, mãi an trụ vào tánh vô vi, bất sanh bất diệt, vĩnh viễn.
8b. Ngón Tay & Mặt Trăng
Chúng ta học kinh để nhận tánh Phật và trí tuệ Bát Nhã của mình. Trong kinh Lăng nghiêm có cho thí dụ như ngón tay chỉ mặt trăng. Chúng ta phải nương ngón tay mới thấy mặt trăng. Nhờ ngón tay để thấy mặt trăng, chứ không phải cốt để ngó ngón tay. Cũng thế, chúng ta học hiểu kinh để khai mở trí tuệ Bát Nhã, chứ không phải đọc tụng để đọc tụng thôi, nhưng mà nếu không có đọc tụng thì không khai mở trí tuệ Bát Nhã cho nên hai việc này nương nhau. Nhờ ngón tay mà thấy mặt trăng, mục đích là thấy mặt trăng, chứ không phải để thấy ngón tay. Việc tụng đọc kinh là rất cần nhưng nhớ đó chỉ là phương tiện, mục đích là trực nhận trí tuệ Bát Nhã Kim Cang của mình. Trì tụng kinh để thấy được mặt trăng chân tâm đó là hưởng được tánh phước đức.
Tư tưởng Thiền học trong kịnh Kim Cang
8c. Tam thiên đại thiên thế giới và số cát sông Hằng
Trong kinh Phật nói: "Một hệ mặt trời, mặt trăng là một thế giới nhỏ (tiểu thế giới) hay thái dương hệ. Núi Tu Di là trung tâm, mặt trời mặt trăng quay vòng xung quanh núi Tu Di. Một ngàn tiểu thế giới gộp lại, gọi là tiểu thiên thế giới; phạm vi của một tiểu thế giới trong tiểu thiên thế giới là từ núi Tu Di cho tới cõi trời Phạm thiên của sắc giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới, gọi là một trung thiên thế giới, phạm vi của một trung thế giới trong trung thiên thế giới, kéo dài tới Vô lượng tịnh thiên của sắc giới. Một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới, phạm vi của mỗi đại thế giới trong đại thiên thế giới, kéo dài tới Quang âm thiên của sắc giới. Như vậy là đại thiên thế giới là một ngàn tiểu thế giới, nhân lên một ngàn lần, thành một trung thiên thế giới, rồi lại từ một trung thiên thế giới nhân lên một ngàn lần nữa mà thành… Như vậy là kinh qua ba lần lũy tiến con số ngàn, vì vậy mà có tên gọi tam thiên đại thiên thế giới. Thực ra, đó chỉ là một đại thiên thế giới mà thôi.
Thống trị một Đại thiên thế giới là Đại Phạm thiên vương ở cõi Trời Sắc cứu kính thiên. Mỗi đại thiên thế giới có một Đại Phạm Thiên vương. Vì có vô số Đại thiên thế giới, cho nên cũng có vô số Đại Phạm Thiên vương. Đại thiên thế giới trong đó có loài người ở, gọi tên chung là ta bà thế giới. Mỗi đại thiên thế giới là cõi giáo hóa của một đức Phật. Phật Thích Ca được tôn xưng là ta bà giáo chủ vì lẽ như vậy. Địa cầu nơi chúng ta ở chỉ là một đơn vị vô cùng nhỏ bé trong đại thiên thế giới. Để hóa độ phổ biến khắp chúng sinh ở cõi ta bà này, Đức Phật Thích Ca phải dùng hàng trăm triệu hóa thân, vi trần tướng hải. Tuy dùng đến hàng trăm triệu hóa thân nhưng phạm vi giáo hóa của Phật Thích Ca chỉ là cõi ta bà này mà thôi.
Do đó, có thể thấy, thế giới quan Phật giáo thật là rộng lớn và phù hợp với quan điểm của thiên văn học hiện đại của thế kỷ 21 đã khám phá ra trong vũ trụ có rất nhiều thế giới khác như hỏa tinh, thổ tinh, mộc tinh, vệ tinh... Nhà khoa học Andrew Howard28, Đại học Hawaii cho biết: "Các hành tinh có thể duy trì sự sống xuất hiện rất nhiều trong thiên hà. Chúng tôi vẫn chưa biết sự sống có thể nảy nở trên các hành tinh một cách dễ dàng đến thế nào nhưng với 40 tỉ cơ hội, tôi lạc quan cho rằng con người không phải là đơn độc trong vũ trụ".
Trong pháp ngữ số tám này Đức Phật dạy rằng: “Bố thí của báu nhiều như hằng hà sa số cõi tam thiên đại thiên thế giới”. Tam thiên đại thiên thế giới đã lớn lắm rồi, nhưng trong kinh lại nói rất nhiều tam thiên, đại thiên thế giới như số cát sông Hằng, chẳng những thế mỗi hạt cát trong sông ấy lại tính thành một con sông Hằng. Rồi tổng hợp tất cả số cát ấy theo cấp số nhân của các sông Hằng ấy. Cứ mỗi một hạt cát là một tam thiên đại thiên thế giới ấy có chứa toàn vàng bạc, lưu ly, xà cừ, san hô, mã não, trân châu quý giá đem bố thí thì phước báu này vô cùng và của báu vô tận.
Sông Hằng bên Ấn Độ là con sông dài hơn 2500 km, nên số cát rất nhiều. Sông Hằng là con sông nhiều cát nhất và không bao giờ có ai đếm được số cát ấy. Vậy mà bây giờ Đức Phật lại cho thí dụ là mỗi hạt cát trở thành một con sông. Tổng tất cả số cát của những con sông ấy lại thành một số lượng phước đức mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi, bất khả tư nghì cùng cực không thể có phước đức nào hơn được. Từ việc bố thí của báu nhiều như tam thiên đại thiên thế giới sẽ đem đến phước báu là những hạnh phúc sung sướng của thế gian này, những hình tướng giàu có, sang trọng, sống trường thọ mãi để hưởng phước thế gian, nhưng phước báu hư vọng không thật đó chỉ tạm bợ ngắn ngủi, chứ không thể kéo dài. Trên đời này, chỉ có chân tâm bản tánh là thật, vĩnh viễn thường hằng. Cho nên, dù đem bao nhiêu cái giả của thế gian để so sánh với một cái thật thì cái thật bao giờ cũng đáng giá hơn. Đức Phật là bậc giác ngộ có thiên nhãn trí mới thấy rõ và so sánh được với phước hữu vi và phước vô vi này.
Kinh Kim Cang: Xuất xứ và ý nghĩa
Cho nên, điều hay hơn hết là trở về sống với chân tánh của mình, không sanh, không diệt, thường trú khắp pháp giới. Chân tánh ấy vốn đầy đủ. Dù phước ít nhiều bao nhiêu chăng nữa, đối với chân tánh ấy, cũng thành như nhiên. Phước lành thì có thật đấy nhưng đối với người sống với chân tâm bản tánh thì vị ấy không mong cầu gì nữa. Thành thật không mong cầu gì với phước báu của thế gian vì nhậm vận chân tâm bản tánh ở khắp pháp giới vốn tự đầy đủ rồi. Thế gian mong phước đức là những điều hạnh phúc sung sướng của thế gian trong khi vị sống với tánh Kim cang biết rõ cả sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là huyễn thì không có mong cầu phước báu gì nữa. Cho nên, Đức Phật nói tụng kinh và giảng kinh Kim Cang là phước báu vô vi, là tánh phước báu hơn cả các phước báu cúng dường của báu đầy tam thiên đại thiên thế giới như số cát sông Hằng. Trong pháp ngữ số ba, Kinh Bách Dụ đã kể rằng công chúa đã chịu đeo chuỗi kim cương thật chứ không chịu chơi với xâu chuỗi bong bong giả huyễn nữa.Vì vậy, Hòa Thượng Thanh Từ cũng nói nếu đem ngàn hạt sương long lanh buổi sáng để ra tiệm kim hoàn đổi lấy một viên kim cương thật thì chủ tiệm sẽ không chịu đổi, vì hạt kim cương thật dù bé xíu đi nữa cũng bền vững chắc thật, đáng giá hơn.
8d. Phước vô vi và phước hữu vi
Thế nào là phước vô vi và phước hữu vi? Hữu là có, vô là không. Phước hữu vi là phước có làm ra. Phước vô vi là phước không làm mà có. Chúng ta bố thí, trì giới và làm tất cả việc phước thiện gọi là phước hữu vi. Chúng ta tụng kinh Kim Cang trở về chân tâm của mình. Chân tâm bản tánh là cái vốn sẵn có, bây giờ chúng ta chỉ buông thế gian hư vọng, trở về sống với tánh Kim Cương Bát Nhã chân thật như thế gọi là phước vô vi.
Đức Phật cho một thí dụ không thể nghĩ bàn như con sông Hằng có rất nhiều cát. Rồi mỗi hạt cát lại thành một con sông. Tổng quát tất cả cát của các sông thì rất nhiều, không ai đếm được. Như người đem của báu đầy tam thiên đại thiên thế giới nhiều như những số cát sông Hằng mà bố thí thì phước thật vô cùng vô tận. Nhưng dù phước có nhiều đi nữa cũng không thật vì đó là phước hữu vi và phước vô vi thì hơn phước hữu vi rất nhiều. Nên Đức Phật nói với Tu-bồ-đề rằng việc này rất là khó tin. Bao nhiêu của cải khắp tam thiên đại thiên thế giới bố thí cũng không bằng công đức nhàn rỗi đọc một bài kệ bốn câu. Người không học kinh Đại thừa sẽ cảm thấy việc này khó tin khó hiểu lắm. Nên Đức Phật nhắc Tu Bồ Đề đây là chuyện thật do Đức Phật tự chứng biết. Nếu chúng ta mạnh mẽ tin chuyện này thì sẽ buông bỏ, không chạy theo những phước báu tạm bợ mà chuyên trì kinh Kim Cang để trở về với tánh phước đức thường trụ của mình.
9. Công đức thọ trì bốn câu kệ kinh Kim Cang nhiều hơn bố thí thân mạng như số cát sông hằng
“Nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, vào khoảng buổi sáng, đem thân-mạng bằng số cát sông Hằng để bố-thí, vào khoảng buổi trưa, lại đem thân-mạng bằng số cát sông Hằng để bố-thí, vào khoảng buổi chiều cũng đem thân-mạng, bằng số cát sông Hằng để bố-thí; trong vôlượng trăm-nghìn muôn-ức kiếp, đem thân mạng bố-thí như thế.
Lại như có người nào, nghe kinh điển nầy mà sanh lòng-tin không trái, thời phước của người nầy, hơn phước của người trước kia, huống chi là biên-chép, thọ-trì, đọctụng, nói cho người khác nghe!”
Về hạnh bố thí, ở pháp ngữ số 9 này, Đức Phật nâng cao lên một tầng. Đoạn trên là so sánh người đem châu báu của cải khắp tam thiên đại thiên như số cát sông Hằng mà bố thí thì phước không bằng với người trì bốn câu kinh Đại thừa. Đoạn này, Đức Phật so sánh thiện nam, thiện nữ nào đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí thì phước cũng không bằng người trì bốn câu kinh Kim Cang. Bây giờ không nói đến của báu nữa mà nói đến thân mạng người ta quý hơn tất cả các thứ báu để đem bố thí. Nhưng không phải một thân mạng mà rất nhiều thân mạng như số cát của các sông Hằng để bố thí thì phước đức ấy cũng không bằng người thọ trì bốn câu kệ của kinh Đại thừa. Như vậy, Đức Phật không bắt chúng ta thọ trì cả bộ kinh mà chỉ thọ trì bốn câu kệ thì công đức vẫn hơn người đem nhiều thân mạng như số cát sông Hằng để bố thí tim gan mật phổi hay các thân phần khác của thân thể.
9a. Tài thí và Pháp thí
Ở đoạn này, Đức Phật so sánh hai thứ phước đức của tài thí và pháp thí. Pháp thí là mình tự đọc tụng trì kinh, suy ngẫm tu tập và vì người khác mà giảng giải nghĩa lý kinh Kim Cang Bát Nhã để họ cùng khai mở trí tuệ và tu tập giải thoát. Đây là phước đức trí tuệ của pháp thí. Tài thí có hai là nội tài và ngoại tài. Nội tài là bố thí thân mạng. Ngoại tài là bố thí tiền bạc châu báu, của cải vật chất thế gian. Đây là phước đức vật chất. Ở đây, so sánh phước đức trí tuệ với phước đức vật chất làm lành làm thiện, giúp đỡ mọi người. Bố thí nhiều nội tài và ngoại tài cùng cực bao nhiêu cũng không bằng phước báu trí tuệ của người đọc tụng thọ kinh Kim Cang. Chênh lệch hai phước đức này rất lớn, không thể nghĩ bàn được.
Bố thí vàng bạc tức mang niềm vui vật chất đến cho nhiều người nên bây giờ được hưởng sự vui giàu sang vô cùng. Quả báo sang giàu vui sướng sẽ không được bao nhiêu kiếp. Ví dụ trong nhiều lần tái sanh, lần nào cũng được hưởng gấp bội sự sung sướng giàu có, nhưng rồi nghiệp vẫn xoay quanh sanh, già, bệnh, chết cũng hết và còn lại là sự trói buộc trong đường sanh tử. Trong khi phước người học kinh trở về chân tâm, bản tánh Bát Nhã, nhận tánh Kim Cang vô sanh bất diệt, tức là người ta thoát luân hồi, tiến tu, giải thoát an lạc vĩnh viễn. Một lần nữa, Đức Phật lại so sánh phước hữu vi và phước vô vi. Từ đây đến cuối cuốn kinh Kim Cang, Đức Phật còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần về vô vi và hữu vi như vậy để chúng ta biết việc về với tánh Kim Cang vô tướng này rất là quan trọng.
Thân mạng con người quý hơn châu báu của cải nhiều. Bố thí thân mạng tức là bố thí một cái gì đó quý giá nhất của chúng ta như cứ đem tim gan phổi thận hay mạng sống của mình thí cho người khác. Nếu có một thân khác thì lại hy sinh cho tiếp, cứ thế thí hết thân mạng nhiều như số cát của các sông Hằng thì phước đức này rất nhiều. Nhưng bởi vì chúng ta còn chấp rằng có nhiều thân thật để thí nên phước báu thuộc hữu vi và chúng ta sẽ hưởng được phước hữu vi theo chỗ bố thí để kiếp sau chúng ta được làm vua quan, bổng lộc chức quyền hoặc giàu có hạnh phúc sung sướng, tất cả đều là phước hữu vi. Hữu vi là có làm thì sẽ có tan, cho nên tất cả các thứ của thế gian đều thuộc hữu vi thì dù nhiều bao nhiêu chăng nữa rồi cũng hết và tan theo mây khói. So với phước của người học kinh, trì bốn câu kinh đại thừa nghĩa là trở về tánh Kim Cang của mình thì đó là phước vô vi sẽ không bị mất đi, phước đó còn mãi thường trú. Trí Kim Cang này không sanh không diệt, không hình không tướng nhưng hiện ra ở sáu căn của chúng ta. Tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc, tánh biết là sáu cái biết hiện tại mà nói gọn là tâm tánh của chúng ta. Kinh Kim Cang nói thân này có già, có hoại, có tan như bóng chớp chiều tà nhưng mà tánh Phật, tánh thấy, tánh biết ấy không già không hoại thường còn bền vững mãi. Trẻ cũng thấy, già cũng thấy, kiếp này thấy, kiếp sau thấy, làm con bò cũng thấy, con kiến cũng thấy và con người cũng thấy. Thân này có hoại diệt nhưng tánh thấy, tánh biết, tánh nghe của chúng ta hiện tại không sanh, không diệt mà thể của nó như hư không ở khắp pháp giới, đồng bản thể với tất cả vạn pháp. Hễ trì bốn câu kinh đại thừa để nhận tánh vô vi thường trụ này thì chúng ta sẽ được phước vô vi vĩnh viễn. Thế cho nên, trong kinh Kim Cang nhiều lần Đức Phật nhắc đi nhắc lại hễ chúng ta trở về sống với tánh không sanh không diệt này, đó gọi là phước vô vi, phước này còn hoài không bao giờ mất. Tánh Phật Kim Cang này vốn không sanh không diệt nên chúng ta trở về tánh này, chúng ta sẽ thành Phật, hưởng phước vô vi vĩnh viễn không bao giờ hết.
Nói như thế chúng ta sẽ cảm thấy khó tin lắm. Đức Phật cũng biết sự khó tin này cho nên Đức Phật nhắc lại là Như Lai không có nói dối đâu. Đó là chân thật ngữ.
Lời nói chân thật là lời nói như thế nào? tức là không thay đổi. Hôm qua như thế, hôm nay cũng thế và năm tới cũng như thế. Dù không gian và thời gian như thế nào cũng không thay đổi. Công đức của bố thí thìa cháo bằng biển cả đại dương và công đức của bố thí bảy báu đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, công đức của bố thí thân như số cát sông Hằng cũng không bằng công đức ngồi tụng hay giảng nói bốn câu kinh Kim Cang vậy. Khi nói về công đức của thìa cháo bằng cả biển đại dương là nói về công đức tài thí, còn bây giờ so sánh câu kinh Kim Cang là pháp thí, nhưng Đức Phật vẫn khen ngợi sự bố thí chứ không phải là Đức Phật thay đổi lời nói. Đức Phật ấn chứng rằng lời ta nói thật chứ không có đùa, chẳng dối, chẳng khác, để cho chúng ta yên lòng..
Nếu ai nghe kinh Kim Cang Bát Nhã này với những nghĩa về tánh và tướng như vậy, mà công nhận kinh này là đúng, không sai với chân lý, tin chân tâm bản tánh là thật, tin phước đức của trì tụng kinh Kim Cang thì công đức rất lớn. Do có lòng tin không nghịch như vậy nên công đức của người nghe kinh hơn phước đức người bố thí thân mạng. Chỉ nghe kinh công đức còn như thế, huống chi còn tin tưởng, còn biên chép, thơ tả, đọc tụng, thọ trì, giảng nói thì phước đức không thể nghĩa bàn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta)
Kinh Phật 14:35 06/11/2024Vài tháng sau khi giác ngộ, Ðức Phật giảng bài pháp nầy cho 1000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Ðức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn.
Kinh Thiên sứ
Kinh Phật 06:26 31/10/2024Trong Trung Bộ Kinh (Kinh 130), Phật bảo (tóm tắt): "Này các Tỳ Kheo! Ðiều Ta đang nói, Ta không phải nghe từ một Sa Môn hay Bà La Môn nào khác. Những điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi".
Kinh Điều Ngự
Kinh Phật 23:40 28/10/2024Trung Bộ Kinh chép: Một hôm có Aggivessana dòng Bà La Môn đến hỏi Phật về phương pháp tu hành, Phật dạy:
Phật nói kinh vô thường
Kinh Phật 14:45 03/10/2024Tôi nghe như vậy. Một thời Phật tại thành Thất la phiệt nơi rừng Thệ đa, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ kheo rằng trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì?
Xem thêm