Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 17/05/2017, 10:03 AM

Lời Phật dạy muốn ít biết đủ (Phần cuối)

Chân lý cuộc đời không thuộc về sự đúng sai, được mất, hơn thua, khen ngợi hay chỉ trích, mà thuộc về những người nào có hiểu biết chân chính, thấy và biết đúng như thật, sống vì mọi người với tinh thần trách nhiệm cao.

Tiếng sét ái tình

Có nhiều cuộc tình xảy ra làm đau đầu thiên hạ, mất hết tính người vì không đè nén được cơn ham muốn mà làm điều tội lỗi. Đất nước Ấn Độ vào thời xa xưa có người con gái tuổi vừa cập kê duyên dáng, kiều diễm, làm động lòng chàng trai làng kế. Cặp trai tài gái sắc này thật xứng đôi vừa lứa, nếu được kết tóc se duyên thì thiên hạ trầm trồ khen ngợi. Rồi cái ngày ấy cũng đến với sự hân hoan chào đón của hai họ. Ai cũng mừng cho duyên phận hai người, họ sống với nhau mặn nồng, hạnh phúc và sinh được một đứa con gái.

Theo phong tục tập quán ngày xưa, phụ nữ có mang phải về nhà cha mẹ ruột sinh đẻ. Chàng trai vì thương vợ nên về theo để tiện bề chăm sóc, vợ mới sinh con còn trong tháng nên phải kiêng cử trong thời gian nhất định. Mẹ vợ còn trẻ đẹp khiến chàng trai mê mẩn, chàng bị quyến rũ và cuối cùng hai người đã gian dâm với nhau rất nhiều lần. Khi cô vợ bắt được hai người đang mây mưa thì thật tủi nhục làm sao, cô nhìn mẹ vô cùng tức giận trước một sự thật quá phũ phàng. Nàng đành lòng ôm gối ra đi trở lại nhà chồng vì không còn cách nào khác. Kể từ đó, tình cảm hai người đã bị sứt mẻ, người vợ ráng chịu đựng thêm một thời gian chờ đứa con khôn lớn rồi ra đi trong đau khổ tột cùng.

Câu chuyện trên được kể lại trong sử sách Ấn Độ và phụ nữ nước này thường lấy chồng rất sớm, bắt đầu từ mười ba tuổi và có thể có con ở tuổi mười lăm, sự chênh lệch giữa mẹ và con gái không quá xa. Con người vì dục vọng thấp hèn không kìềm chế được bản thân nên báo chí thường đăng tin nhiều vụ án hiếp dâm dưới tuổi vị thành niên. Đạo đức suy đồi, nhân cách thấp kém, con người bất chấp luân thường đạo lý. Chàng rể cùng mẹ vợ tư tình trong thời gian nàng bắt đầu làm mẹ. Nhục nhã ê chề khi nàng chứng kiến tận mắt mẹ mình làm vậy, tim cô se thắt vì rỉ máu. Đau lòng xót dạ, tủi nhục phũ phàng, “mẹ ơi, có thể nào như vậy?” Quá bức xúc, ngay trong đêm cô ôm gối ra đi cùng đứa con chưa đầy một tháng, lòng hận người mẹ đến tột cùng nên thề quyết không trở về nhà dù mẹ chết. Vì nàng chẳng biết đi đâu nên đành trở lại nhà chồng mà ngậm đắng nuốt cay nuôi con thơ dại. Cứ thế thời gian thắm thoắt trôi qua gần 8 năm ròng, cuối cùng nàng cũng ra đi trong niềm uất hận đau thương, mất mát. Người con gái đó bỏ xứ ra đi đến thành Ba La Nại, chẳng mang theo thứ gì. Vừa đói khát, vừa mệt mỏi, thân hình tiều tụy, tinh thần hoảng loạn, nàng ngồi khóc bên bờ sông, may thay có một thương gia giàu có vừa mất vợ đang ngắm cảnh xem hoa, dạo chơi bên bờ hồ. Thấy nàng ông động lòng thương xót nên đến hỏi thăm gia cảnh ở đâu, vì sao nên nông nổi. “Dạ thưa ngài, tôi mất cha mẹ từ nhỏ, lớn lên cũng có một tấm chồng và một đứa con, chẳng may số phận hẩm hiu, chồng và con đều chết vì tai nạn, tôi không còn nhà cửa và người thân nào nữa”. Chàng thương gia nghe vậy động lòng thương nên muốn rước nàng về cùng xây tổ ấm để sẻ chia một chút tấm lòng. Người con gái trong lòng cảm động nói không nên lời, “nếu ngài không chê tôi là thân phận thấp hèn thì dù làm gì tôi cũng chấp nhận”. Nàng được chàng đưa về chăm sóc tận tình, chu đáo và hai người chính thức kết nghĩa vợ chồng.

Từ khi có nàng về làm vợ, mọi việc trong nhà cho đến chuyện kinh doanh đều một tay nàng quán xuyến, mọi thứ đều tốt đẹp, hài hòa. Ai cũng tấm tắc khen ngợi chàng thương gia có phước có phần gặp được người vợ tốt, hiền hậu, đảm đang, chu toàn mọi việc. Tám năm trôi qua, nàng sống rất hạnh phúc. Do công việc làm ăn ngày một phát đạt, chàng thương gia phải đi lấy hàng ở nước khác nên tạm thời xa vợ một thời gian. Ngờ đâu giông bão ập đến, chuyến đi không may và chàng thương gia được trả tiền chậm trễ kéo dài gần một năm. Lúc ở xứ người chàng cũng cưới thêm tiểu thiếp chỉ mới 16 tuổi, trẻ đẹp và kiều diễm. Việc mua bán cuối cùng cũng xong, chàng không dám công khai dẫn người thiếp trẻ về nhà vì sợ vợ buồn nên mua căn nhà trong thành cho cô trú tạm. Vợ chồng lâu ngày xa cách giờ gặp lại vui mừng rơi nước mắt, người chồng lúc đầu cũng ân cần, âu yếm để vợ lớn khỏi nghi ngờ. Đàn ông dù thương vợ cách mấy vẫn thích có nhiều thê thiếp nên chàng viện cớ công việc bận rộn và ngày nào cũng sáng đi tối về. Vợ lớn thấy chồng siêng năng làm ăn nên sợ vất vả, nhọc nhằn, cô lúc nào cũng quan tâm thưa hỏi, chăm sóc chu đáo, tận tình. Thói thường cặp mắt đàn bà sắc xảo, cô biết chắc chồng mình sinh tật nên âm thầm cử người theo dõi và biết chồng có người tình riêng. Nàng nói, “bấy lâu nay chàng có thiếp trẻ sao không dẫn về đây để chị em cùng chung sống và để chàng đỡ nhọc nhằn đi lại”. Người chồng nghe nói vậy trong lòng rất cảm phục tấm lòng nhân ái, bao dung của vợ nên xuống nước nói nhỏ, “ta sợ nàng biết càng thêm lo lắng, buồn khổ đó thôi!” “Thiếp sỡ dĩ có được ngày nay là nhờ ân phúc của chàng đã cưu mang thiếp trong lúc khốn khổ. Thiếp không dám buồn đâu, chàng cứ dẫn nàng ấy về đây cùng chung sống cho có tình có nghĩa”. Chàng thương gia xúc động trước tấm lòng hy sinh cao cả của người vợ, nàng quả thật là người vợ hiền lương đạo đức, biết bao dung và tha thứ. Hai chị em chung sống cùng nhau rất hòa thuận, vui vẻ, không có chuyện ghen ghét, tị hiềm. Chàng thương gia quả thật có phước khi người vợ lớn còn gội đầu cho người thiếp trẻ. Nhưng tình đời trái ngang, cay đắng, trong lúc hai người đang vui vẻ tâm tình thì người vợ lớn chợt phát hiện một bớp son sau gáy người thiếp trẻ, hỏi ra mới biết nàng chính là con ruột của mình đã cắn răng từ bỏ ra đi. Nàng đau khổ tột cùng trước sự thật quá phũ phàng khi nhớ lại cuộc tình chồng chung với mẹ ruột, giờ thì cùng chồng với con gái. Quá đau lòng cho kiếp hồng nhan bạc phận khi đã gặp phải hai cuộc tình ngang trái. Cuộc tình kế tưởng êm đềm, hạnh phúc lâu dài, không ngờ con gái cũng là vợ chồng mình. Khổ đau cùng cực trước hoàn cảnh éo le, nàng cuối cùng không chịu nổi nữa nên đành ra đi làm cánh hoa đưa tình trả thù đời đen bạc.

Xã hội phong kiến cổ xưa với tập tục trọng nam khinh nữ làm phái đẹp bị chà đạp nhân phẩm, phải chịu nhiều thiệt thòi. Trong tình cảm hôn nhân gia đình, trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng. Nếu người nữ quan hệ bất chính với người khác khi có chồng sẽ bị ghép vào tội rất nặng không thể tha thứ. Ngược lại,

Đàn ông năm bẩy lá gan
Lá ở với vợ lá toan cùng người.

Xưa nay, từ vua chúa quan quyền đến thứ dân bần cùng nghèo khổ bị tan nhà nát cửa, mất nước mất thành, gia đình đổ vỡ đều do sống không chung thủy mà ra. Không chung thủy là quan hệ bất chính ngoài vợ ngoài chồng, hay còn gọi là tà dâm. Vậy tà dâm là gì? Là hành động sai lầm về tình dục nam nữ, là hành động làm mất nhân cách đạo đức con người, là thói quen ham muốn quá độ của đấng mày râu, là quan hệ tình dục ngoài chồng ngoài vợ. Theo lời Phật dạy, người phật tử tại gia có quyền lấy vợ lấy chồng xây dựng cuộc sống gia đình. Song, người phật tử ngoài vợ chồng chính thức không được quan hệ ai khác như tìm thú vui trong chốn thanh lâu, cho đến cưỡng bức, xâm hại người khác đều gọi là tà dâm. Trường hợp vua Lê Ngọa Triều cũng vì đam mê tửu sắc quá độ dẫn đến thân thể suy nhược, bệnh hoạn, không ngồi được mà chỉ có thể nằm nên mới bị cướp ngôi. Với người dân thường thì cửa nhà ly tán, vợ con khốn khổ, mẹ cha buồn rầu, gia đình không hạnh phúc.

Người phụ nữ đó trong cơn hoảng lọan hận tình đổi trắng thay đen, cuối cùng ra đi làm cánh hoa phiêu bạc trả thù đời. Sau này gặp được tôn giả Mục Kiền Liên tận tình chỉ dạy, cô ta nhận ra lỗi lầm nên hồi tâm quay đầu tu Phật; sau nhờ siêng năng tinh cần tu tập mà cuối cùng chứng quả A la Hán, thần thông đệ nhất bên Ni tên là Liên Hoa Sắc. Dù đã tu hành chứng đạo nhưng tỳ kheo Ni Liên Hoa Sắc vẫn phải trả một quả báo hết sức đau lòng. Một gã ma cô đã để ý đường đi nước bước của cô. Khi biết cô đã đi khất thực, gã nhanh chân lẻn vào thất vắng nằm núp dưới giường chờ thời cơ hành động. Cô đi khất thực về gã dùng bạo lực hăm dọa và sau đó hãm hiếp. Sự việc xảy ra Phật biết được cho mời cô tới hỏi thăm cớ sự, “trong lúc bị như thế con có khởi lên khoái cảm không?” Cô trả lời, “con lúc đó có cảm giác như bị cục sắt nóng nung cháy”. Phật nói, “như vậy con đã thật sự bị hủy nhục”. Câu chuyện là bài học nhân quả báo ứng theo ta như bóng với hình khi hội đủ nhân duyên và điều kiện. Từ đời sống thế tục cho đến khi xuất gia Liên Hoa Sắc luôn gặp bất hạnh với những cuộc tình ngang trái. Xã hội không bao giờ chấp nhận mà thường lên án gắt gao những chuyện tình mất hết tính người như vậy. Lần đầu chồng chung với mẹ ruột, lần hai chồng chung với con gái, đau lòng uất hận tột cùng nên đành bỏ xứ ra đi không ngày trở lại.

Bản chất của chúng sinh là ái dục nên chúng ta có mặt trong cõi đời này đều dính trong vòng lẩn quẩn của tình dục. Khoái lạc tình yêu không thể thiếu trong cuộc sống lứa đôi, ai đắm mình trong dục vọng quá mức sẽ dẫn đến đam mê, tội lỗi. Sinh hoạt tình dục trong đời sống hiện nay được chấp nhận chính thức khi không có liên hệ huyết thống với nhau, nhưng vẫn có một số nước chấp nhận quan hệ tình ái giữa hai người cùng phái hay còn gọi là đồng tính. Người nam với người nam được lấy nhau như vợ chồng, còn gọi là pê đê. Người nữ với người nữ lấy nhau gọi là đồng tình luyến ái. Nếu xảy ra với người cùng huyết thống gọi là loạn luân, nhất là cha mẹ quan hệ với con cái. Nói tới chuyện này chúng tôi còn nhớ có một việc xảy ra ai nghe qua cũng muốn phanh thây, xẻ thịt người đó. Một người cha có hai đứa con gái, trước khi gã chồng ông đều bắt buộc con mình quan hệ với ông. Sau này sự việc đổ bể, ông bị truy tố ra tòa. Trước mặt mọi người ông nói tỉnh bơ, “con tôi đẻ ra thì tôi có quyền hưởng chứ?”. Có nhiều phật tử cũng bị như thế và thường than với chúng tôi, “con muốn hiếu dưỡng với cha mẹ lắm nhưng không thể được vì nghĩ đến chuyện đó là con uất hận đến tột cùng!” Loạn luân làm xáo trộn luân thường đạo lý, mất hết tính người, không còn tôn ti trật tự, xã hội thường lên án và luật pháp không chấp nhận. Tình dục xảy ra giữa người và thú được gọi là bạo dâm. Quan hệ giữa người lớn và trẻ em gọi là hiếp dâm. Nhan nhản mỗi ngày nếu ai thường xuyên theo dõi báo chí sẽ biết, nhất là chuyện mua trinh của các em học sinh chưa đủ tuổi trưởng thành của ông hiệu trưởng đội lốt người, mang tính dã thú, tội lỗi không biết dường nào.

Thực tế cho thấy khoái lạc trần gian đã làm con người chuốc họa vào thân, thậm chí có những vụ án giết người cướp của dù nạn nhân đã chết nhưng kẻ thủ ác vẫn thỏa mãn dục vọng điên cuồng rồi mới chặt xác phi tang, dẫn đến ngày nay nhiều chứng bệnh phát sinh và sẽ không bao giờ thoát khỏi nanh vuốt của hội chứng sida. Chuyện tình ái trong cuộc đời không sao kể hết từ sự quan hệ dục tính sai lầm mà gây ô nhiễm cho nhiều người, tác hại của nó thật ghê gớm do thói quen hưởng thụ quá đáng mà ra. Ngày nay, một số nước chấp nhận công khai phong trào đổi vợ qua lại để tận hưởng thú vui xác thịt, bây giờ không còn tình trạng lén lúc như xưa mà tất cả đều được công khai dân chủ. Con người không còn biết xấu hổ là gì nữa mà chỉ cần hưởng thụ là được. Luân thường đạo lý đã đến hồi báo động, vấn đề tự do quá mức hãy nên thận trọng coi chừng và phải xem xét lại. Ngoại tình hay sự trao đổi công khai của một số người là vấn đề nhạy cảm, nó không chỉ đơn thuần là sự lén lút thụ hưởng khoái lạc mà là sự công khai cướp đi hạnh phúc gia đình của người khác. Nhiều gia đình đổ vỡ hạnh phúc từ sự ghen tuông, hờn giận, mắng nhiếc, đánh đập và hủy diệt do hưởng thụ quá độ mà ra. Nhân tình thế thái ngày nay là vậy. Thật thương xót và đau lòng thay!

Hiện nay, việc quan hệ tình dục trong giới sinh viên học sinh lúc còn đi học là một vấn đề nan giải. Sinh viên con nhà giàu thì thoải mái, ung dung hưởng lạc thú trong khách sạn vì có tiền. Sinh viên nghèo thì tìm đến những chỗ không cần kín đáo như phòng the. Đúng ra cái nghề này là của các chàng pê đê, song phụ nữ hoàn cảnh khó khăn vì muốn kiếm tiền dễ dàng nên cũng trá hình nhiều cách để phục vụ giới sinh viên học sinh. Xã hội ngày nay đang rộ lên phong trào đĩ đực để phục vụ cho giới đàn bà lớn tuổi, các mệnh phụ phu nhân còn khao khát tình yêu đang đến tuổi hồi xuân đã chết chồng hoặc bị chồng bỏ, chồng chê. Trong quan hệ dục tính nếu chúng ta biết khéo điều hòa bằng tình thương chân chính, bằng tình yêu chân thật và luôn có sự cảm thông với nhau thì mọi người sẽ sống an vui, hạnh phúc. Qua bài học nhân quả của Tỳ kheo Ni Liên Hoa Sắc trong thời Phật pháp thịnh hành, mọi người chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm. Bởi do nghiệp nhân đời trước không chung thủy một vợ một chồng, lại hay dan díu với gia đình người khác nên trong đời này nàng phải trả một giá rất đắc là chồng chung với mẹ ruột và chính con gái của mình. Như vậy, nhìn vào quả hiện tại chúng ta sẽ biết được nhân quá khứ, không có gì đương nhiên khi không và ngẫu nhiên mà có. Ngay nơi hiện tại ta gieo nhân gì thì trong tương lai kết quả sẽ như thế.

Cửa Phật luôn rộng mở để đón nhận những tâm hồn đen tối như hoa sen vươn lên từ bùn nhơ. Cuộc đời nàng Liên Hoa Sắc là tấm gương sáng cho hàng phụ nữ chúng ta ngày nay đang còn mãi mê trong vũng bùn dục vọng thì hãy cùng bà vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Trên đời này vượt cạn lên bờ được mấy ai? Sau này trên bước đường giáo hóa, Tỳ kheo Ni Liên Hoa Sắc gặp các thiếu nữ trẻ đẹp đều khuyên nhủ, sách tấn các em đi xuất gia. Họ nói, “chúng con còn nhỏ ham vui, ham ăn, ham ngủ, không tu được”. Bà nói, “không sao đâu, các con cứ tu đi, đi tu hạnh phúc lắm!” Các cô mới nói, “đi tu làm Tỳ kheo Ni lỡ tụi con phạm giới bị đọa địa ngục thì sao?” “Các con cứ yên chí, hết đọa địa ngục rồi lên tu tiếp vì chúng ta đã có nhân tu hành”. Như có nhiều người cư sĩ bên ngoài nghiên cứu, học hỏi Phật pháp rất giỏi và lý luận thao thao bất tuyệt nhưng không dám quy y thọ giới; hỏi ra mới biết nguyên nhân họ nghĩ thọ giới mà không giữ được thì tội sẽ nặng hơn. Xin thưa quý vị, người quy y Tam Bảo và người không quy y khi phạm pháp thì tội bằng nhau, nhưng người con Phật khi đã phạm lỗi biết mình là phật tử nên ráng cố gắng sám hối, ăn năn chừa bỏ, không dám tái phạm, nhờ vậy không dám làm việc ác nữa nên chỉ cần giữ được một giới là có thể quy y. Phật chế giới nhằm mục đích hỗ trợ chúng ta ngăn ngừa việc xấu ác, giúp chúng ta không rơi vào hố sâu tội lỗi, ai giữ được nhiều giới thì tốt cho bản thân, bớt làm tổn hại cho người và vật. Nếu vì thói quen tập khí nhiều đời, một lúc chưa thể giữ tròn 5 giới thì chúng ta cố gắng phát nguyện giữ một giới, rồi hai giới, ba giới, bốn giới, cho đến khi tu tập thuần thục chúng ta sẽ giữ trọn vẹn 5 điều đạo đức. Người không quy y thọ giới khi lỡ làm ác thì không biết đường hồi đầu vì không tin sâu nhân quả nên cuối cùng bị đọa vào 3 đường ác.

Thời Phật còn tại thế, có một Tỳ kheo là đệ tử ngài Ca Diếp xuất gia tu học đã lâu tu, chứng được Tứ thiền. Một hôm, thầy đến nhà ông phú hộ để hóa duyên, thấy nhiều đồ trang sức bằng vàng bạc, đá quý đẹp mắt nên sinh lòng đắm nhiễm, sau phải hoàn tục về nhà. Để được những thứ đó mà làm thuê mướn biết bao giờ mới có, nghĩ vậy thầy liền cấu kết với nhiều người xấu làm những phi vụ cướp của giết người rồi bị bắt, cuối cùng bị lãnh án tử hình. Ngài Ca Diếp biết được chuyện ấy nên thương xót người đệ tử năm xưa bèn dùng thần lực chỉ dạy, “ông hãy quán tưởng lại đề mục và an trú trong Tứ thiền như đã từng làm trước đây!” Vâng lời dạy, thầy bắt đầu thiền định và nhập vào Tứ thiền. Lính áp giải đưa thầy đến pháp trường bảo, “đã sắp đến giờ hành quyết, ngươi có điều gì trăn trối không?” Thầy nói, “dạ, cám ơn quý ngài đã quan tâm đến tôi”. Lúc ấy, nét mặt thầy vẫn an nhiên, bình thản, không hề lộ vẻ sợ hãi chút nào. Quân lính thấy lạ bảo nhau, “tên cướp này kề cận với cái chết mà không hề run sợ. Thật là chuyện hy hữu và phi thường chưa từng có từ trước đến nay”. Quá đỗi ngạc nhiên và cảm phục, quân lính liền tấu trình lên vua. Khi nghe xong vua bảo, “hãy mau thả người đó ra!” Thật là hạnh phúc cho chàng tướng cướp biết bao, nhờ công đức tu hành còn xót lại nên đã thay đổi được nghiệp nhân xấu ác, thay vì phải chịu bản án tử hình, cuối cùng chàng được tha bổng với lực dụng không thể nghĩ bàn.

Một sự thật không thể ngờ! Nhiệm mầu thay cho giáo pháp chư Phật, thầy Tỳ kheo do không tu hành tới nơi tới chốn, dù tu chứng đến quả Tứ thiền nhưng chỉ là thiền phàm phu, chỉ xả được vọng tưởng nên tâm thanh tịnh, tuy có định mà không có tuệ. Trong lúc thiền định thì tâm an nhiên, thanh tịnh, ngược lại khi đối duyên xúc cảnh thì bị dao động, dính mắc nên mới gọi là thiền phàm phu. Nếu chúng ta tu chứng đến địa vị bất thối chuyển thì đâu còn sợ mọi thứ ràng buộc mà chỉ tùy duyên đi vào đời để hóa độ chúng sinh. Đã gieo nhân lành hay dữ thì dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện. Những người vì sợ tội nặng hơn mà không dám quy y Tam Bảo, khi lỡ làm ác không biết đường hồi đầu sẽ khó có cơ hội làm mới lại chính mình. Cuộc đời của họ sẽ rơi vào chốn tối tăm, mù mịt và mãi mãi lầm than với muôn vàn tội lỗi, như người từ tối vào tối. Xin tất cả mọi người hãy cùng chúng tôi suy gẫm cho thấu đáo để chúng ta cùng học hỏi, cùng vươn lên, cùng nắm tay nhau đi trên con đường giác ngộ và giải thoát.

Lời phật dạy xưa và nay

Phật dạy nhìn lại lỗi mình để tiến tu

Chân lý cuộc đời không thuộc về sự đúng sai, được mất, hơn thua, khen ngợi hay chỉ trích, mà thuộc về những người nào có hiểu biết chân chính, thấy và biết đúng như thật, sống vì mọi người với tinh thần trách nhiệm cao.

Người phật tử chân chính chớ nên dòm ngó lỗi người, chúng ta chỉ nên nhìn lại hành động của mình, xem đã làm được điều gì tốt đẹp hay chưa. Chúng sinh thường có căn bệnh trầm kha, ưa tìm tòi nhìn ngó lỗi người. Để làm gì, để phê bình khen chê, đúng sai, được mất. Ít có mấy ai nhìn lại lỗi mình để tìm cách khắc phục và sửa đổi. Nhà chúng ta lúc nào cũng đầy rác rến, mà không lo dọn quét, thích cầm chổi đi quét nhà người khác nhất là những kẻ ngồi lê đôi mách, thích bàn tán chuyện thiên hạ.

Vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, đó là căn bệnh thâm căn cố đế của con người. Ai cũng thích làm cảnh sát quốc tế để theo dõi rình rập bắt bớ. Tối ngày cứ tìm cách phạt người nầy, lại phạt tới người kia, mà mình thì dính nhiều tội lỗi, sao mình không tự phạt mình đi, vẫn tốt hơn là tìm cách phạt người!

Thái độ phê bình chỉ trích chê bai kẻ khác, đó là thái độ tối kỵ nhất của người phật tử chân chính. Nếu chúng ta thật sự là người tu hành, thì ta chỉ nên nhìn ngó lại lỗi mình, để lo sửa đổi cho tốt.

Chúng ta là những người đang tu hành, dĩ nhiên là vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Chúng ta không nên có tâm chê bai hay hủy báng người tu hành chân chính, ta có quyền góp ý xây dựng trên tinh thần học hỏi một cách chân thành.

Có thể nói, tu hành là một quá trình lâu dài, kiên trì bền chí, khắc phục mọi khó khăn vì phải đi ngược lại dòng đời. Có nhiều người nói đi tu thời bây giờ sướng thấy bà, chúng ta hãy thử vô chùa ở chừng hai tuần đến một tháng đi, rồi ta sẽ có câu trả lời, đừng vội phán xét, đừng vội quơ đũa cả nắm, tội nghiệp lắm người ơi.

Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn khó phân biệt được đâu là người chân tu thạc đức, đâu là người mặc áo cà sa mà tâm địa ác ôn, hiểm độc. Phật dạy: Chỉ có những con vi trùng đục khoét trên thân thể của con sư tử, mới làm con sư tử gục ngã.

Thật ra đúng và sai là hai phàm trù đối đãi, bàn tay năm ngón nhưng có dài ngắn khác nhau, tùy theo khả năng hiểu biết của con người mà có cái thấy sâu rộng hay hẹp hòi. Chúng ta khó có thể xác định rõ ràng giữa đúng và sai, vì nó vô cùng vi tế và sâu sắc, nên có những hiểu biết của ta, ở độ tuổi này thì đúng, mà bước qua độ tuổi khác thì sai.

Ta có thể thấy biết đúng như thật tất cả mọi hiện tượng sự vật đang hiện hữu, là do tâm mình có sự định tĩnh, sáng suốt không bị chi phối quá đáng bởi các tham muốn thấp hèn. Ta sẽ cảm nhận được mọi cảm xúc, nó đang là một thực tại nhiệm mầu mà không thấy ta người, được mất, hơn thua.

Việc xác định đúng sai chỉ trong tương đối mà thôi, ở buổi sáng thì đúng, buổi chiều thì sai, đối với hiện tại thì đúng, nhưng lát nữa thì sai; đối với người này thì đúng, mà đối với người kia thì sai, và cùng một vấn đề, tùy theo sự hiểu biết của mọi người mà đúng sai được thành lập ở một mức độ nào đó. Trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:

Không nên nhìn lỗi người, 
Người làm hay không làm.
Nên nhìn lại chính mình, 
Có làm hay không làm.

Người phật tử chân chính là không nên nhìn lỗi của người khác, vì khi nhìn thấy lỗi của người, thì lỗi của mình đã hiện ra, bởi tâm ganh ghét tật đố muốn vạch lá tìm sâu. Một khi chúng ta đã phát hiện ra sự khiếm khuyết của người khác, thì ngay chỗ khởi tâm động niệm đó, đã dấy lên phiền não rồi!

Tâm mình hay khởi phiền não cũng là vì trong lòng chúng ta chất chứa quá nhiều vấn đề phải quấy, tốt xấu, đúng sai, hơn thua và tị hiềm ghét bỏ. Nói mình tốt, người khác xấu, đó là tâm ganh ghét hơn thua, tất cả đều là phiền não, chúng ta có chịu thừa nhận hay không mà thôi.

Nguyên nhân gì khiến mình nhìn thấy lỗi của người khác? Đó là vì chúng ta có một cặp mắt quốc tế quá nhạy bén, vì sự chấp thân tâm này làm ngã. Do đó, điều cấm kỵ thứ nhất trong cửa thiền là: Không bao giờ được nhìn lỗi người khác, phải luôn luôn quay lại chính mình để thông suốt mọi thứ từ tâm thanh tịnh sáng suốt của mình.

Do sự thấy biết sai lầm, cho nên chúng ta mới tạo ra lỗi lầm cho người khác. Rồi cứ như thế, ta sẽ không ngừng nhìn thấy lỗi của người khác mà đánh mất chính mình. Nói chung, phiền não khởi lên không phải từ bên ngoài, mà là từ trong nội tâm của chúng ta có vấn đề quá nhạy cảm, vì tâm phân biệt ta, người, chúng sinh.

Khi chúng ta phát hiện ra những lỗi lầm của người khác, trước tiên ta phải nên can cảm thừa nhận lỗi lầm của mình, rồi phải quán xét tự thân, phải tự mình sám hối, như thế khả dĩ tâm ta sẽ lần hồi trong sáng trở lại, vì không bị phiền não che lấp.

Tại sao chúng ta hay nói lỗi lầm của người khác, mà không nói lỗi của chính mình, bởi vì tâm thị phi ở trong ta quá nhiều. Khi phát hiện ra vấn đề nhạy cảm của người khác, thì phiền não trong ta tự dấy lên làm mình bị dính mắc đủ thứ các điều tốt xấu.

Chúng ta vì có sự phân biệt ta, người, chúng sinh nên mới dễ dàng thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi chính mình. Có người lại nổi sân si lên, vì cho rằng mình đúng, người sai. Chúng ta có thể thấy người khác bây giờ tốt, hiện tại tốt, nhưng tới chiều tối lại có thể xấu đi thì sao? Bởi vì tâm sinh thì các pháp sinh, cho nên ta chỉ thường biết rõ ràng, nhìn thấy hình ảnh sự vật mà ta vẫn an nhiên bất động, vậy có gì lỗi hay không lỗi?

Khi chúng ta thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi mình thì tất nhiên ta sẽ nói xấu người đó và còn chê bai chỉ trích nữa, vậy là lỗi mình đã phát sinh thấy mình tốt người ta xấu, thành ra mình bị phiền não nhiễm ô.

Người phật tử chân chính sống biết buông xả, không cố chấp chỉ quay bên trong quán xét tâm mình, nhìn thấy lỗi mình mà cố gắng sửa sai để cho tâm được thanh tịnh, nếu có ai chỉ lỗi cho mình thì mình nên chân thành cám ơn họ, vì họ là thiện hữu tri thức giúp ta sống tốt hơn.

Chỉ khi nào người khác nhờ ta chỉ lỗi dùm, thì ta mới nói. Vì khi đó ta nói ra người đó không có giận hờn mà còn rất vui vẻ, họ là người muốn sống tốt thật sự, nên mới khuyên ta chỉ lỗi dùm.

Hôm nay chúng ta thấy người này không vừa mắt, thấy kẻ khác đáng khinh ghét thì tự mình sinh ra phiền não, làm ảnh hưởng đến sự tu hành hành của chúng ta, chứ chẳng có lợi ích gì hết. Chúng ta khổ đau hay hạnh phúc, là từ nơi tâm thức mình, nếu phân biệt chấp trước dính mắc, thấy người sai ta đúng, thì tâm mình đã bị vẫn đục. 

Tóm lại, người biết nhìn lại lỗi mình là người có hiểu biết chân chính, là người biết thương yêu và tha thứ chính mình, nên sẵn sàng chuyển hóa tâm niệm ta, người, chúng sinh. Nhờ vậy, nhân quả xấu sẽ được thay đổi, chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành ngộ. Người sống được như vậy là người không làm khổ mình, và hại người khác. Người như vậy gọi là người biết tu.

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ nói: “người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”, thật là lời dạy quý báu, chúng ta nhất định phải ghi nhớ lời này, để làm bài học tiến tu. Vậy nên người thật sự tu học là biết cách tu sửa bản thân mình, không chỉ trích phê phán người khác.

Người biết lỗi mình thì tâm người đó là tâm giác ngộ, vì biết được sai mới sửa sai, đó là ta đang tu và đã tu, nếu ta thường xuyên tỉnh giác như thế, thì việc gì mà làm chẳng xong.

Phật dạy lợi ích bố thí giữa cho và nhận

Bố thí và cúng dường hay giúp đỡ sẻ chia là hạnh nguyện cao cả của các vị Bồ-tát, người phật tử chân chính noi theo gương hạnh người xưa mà tùy theo khả năng phát tâm hộ trì Tam bảo và làm từ thiện xã hội. Tuy nhiên, để đạt được sự bố thí và cúng dường đúng như pháp là việc làm không dễ dàng, đối với kẻ cho và người nhận.

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Gia chủ Ugga đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý”. Vì thế, con có nấu cháo từ hoa cây sàla và rất nhiều loại món ăn thật là khả ý; con có nhiều loại vải dệt từ Kàsi thật là khả ý. Mong Thế Tôn hãy nhận lấy vì lòng từ ái đối với chúng con.

Thế Tôn nhận lời và nói với Ugga bài kệ tùy hỷ này: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý, đối với bậc chính trực, vui lòng đem bố thí, vải mặc và giường nằm, ăn uống các vật dụng, biết được bậc La hán, được ví là phước điền, nên các bậc Chân nhân, thí những vật khó thí, được từ bỏ giải thoát, không làm tâm đắm trước, người thí vật khả ý, nhận được điều khả ý”. (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Cho các vật khả ý, VNCPHVN ấn hành 1996, tr. 382)

Người thí chủ thực hành bố thí và cúng dường trước hết phải xuất phát từ tấm lòng từ bi rộng lớn, trong lòng hân hoan, vui vẻ và hoàn toàn tự nguyện. Chúng ta phát tâm bố thí và cúng dường mục đích chính là muốn cho Tam bảo được trường tồn ở thế gian, để mọi người có nơi nương tựa và tu học.

Nhờ có tín tâm sâu, khi chúng ta bố thí cúng dường, giúp đỡ người khác không phải với tâm cống cao ngã mạn, mà vì đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nên việc làm cao cả ấy sẽ không lệch hướng. Ta không thấy mình là kẻ ban ơn và người thọ ơn. Chính vì vậy “của cho không bằng cách cho”, do đó, chưa chắc người có nhiều tiền lắm của mà biết bố thí với tâm trong sạch.

Thực tế mình cho người tức là mình đang tích lũy phước cho mình, ta đang gầy dựng nền tảng giàu có trong hiện tại và mai sau. Chính vì thế, ngoài tấm lòng bao dung, độ lượng đối với tha nhân, người phật tử chân chính thực hành bố thí với mục đích nhằm buông xả những tâm niệm tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiệt để hoàn thiện chính mình.

Mặt khác, bố thí và cúng dường cũng là một pháp tu cho người phật tử tại gia, khi làm việc cao cả này chúng ta phải hoan hỷ, khi đem niềm vui đến cho mọi người nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Đây là những điều cần thiết, để người phật tử ý thức trách nhiệm mà cố gắng tu tập, nhằm thành tựu sự bố thí và cúng dường đúng như pháp.

Chúng ta, có thể sẵn sàng cho đi những tài sản vật chất mà không cầu đền đáp, là một việc khó làm đối với người còn đặt nặng lợi ích cá nhân quá nhiều. Càng khó khăn hơn đối với họ khi phải cho những vật quý tốt, tức những vật mà mình yêu thích. Phần nhiều chúng ta chỉ cho những đồ vật mình cảm thấy dư thừa, nhưng người “xả” được như vậy cũng là quý lắm rồi.

Trong cuộc sống hai người cùng làm một công việc bố thí như nhau, thế nhưng có người càng thí lại càng giàu có và có người lại không được gì, thậm chí là thất bại nữa. Đối với những người không thành công, họ nghĩ rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, như vậy là họ chưa có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả. Chúng ta nên biết, nhân tố tiềm ẩn chi phối sự thành công hay thất bại của mỗi người chính là phước báo của chính họ, đã gieo tạo từ nhiều đời kiếp nên nhân quả nhãn tiền.

Người phật tử chân chính, sẵn sàng ban tặng những gì mà người khác cần, kể cả những vật mình yêu thích thậm chí có thể dâng hiến cả thân mạng. Như vậy cho người là một nhiệm vụ, một nghĩa cử cao đẹp thiêng liêng. Nếu chúng ta dám cho những gì mình yêu thích, mình trân quý, mới thực sự là cách cho không có sở cầu.

Để đạt được cách cho cao cả như vậy, trước tiên chúng ta phải có trí tuệ thấy biết đúng như thật, thấu hiểu bản chất cuộc đời là vô thường đổi thay và không có cái ngã cố định. Chính tuệ giác vô ngã đã soi sáng cho việc bố thí còn phân biệt, để dần hồi tiến đến Bố thí Ba-la-mật, một sự ban tặng mà không có điều kiện hay mong cầu gì hết.

Sự thọ nhận càng nhiều chỉ mang nợ đàn na tín thí càng lớn, nếu chúng ta không tạo ra công đức để hồi hướng cho thí chủ. Do đó, ngưòi thí chủ và người thọ thí phải thành tựu công đức tu hành để việc bố thí và cúng dường như pháp, đạt được lợi ích lớn, như lời Đức Phật đã dạy.

Trong kinh Phật dạy: Nếu hai người cùng tu tập với niềm vui cung kính đối với Tam bảo, có giới đức và trí tuệ ngang nhau, nhưng có sự chênh lệch về hạnh bố thí, người bố thí nhiều hơn sẽ gặt được kết quả phước báo đầy đủ, hơn người kia về tài sản vật chất và uy quyền thế lực. Sự vượt thắng này sẽ giúp cho người đó được mạnh khỏe, sống thọ, nhan sắc xinh đẹp dễ nhìn, sống an lạc hạnh phúc, có quyền cao chức trọng và đó là ước mơ mong muốn của nhiều người.

Chính vì thế, người phật tử ngoài việc tu tập Giới-Định-Tuệ để chuyển hóa phiền não tham-sân-si và còn phải có lòng từ bi giúp đỡ sẻ chia hay cúng dường Tam bảo. Người phật tử tại gia tu tập bố thí để góp phần xây dựng con người văn minh, giàu đẹp, bền vững và lâu dài, để hoàn thiện chính mình.

Do vậy, người phật tử sống và tu tập theo lời Phật dạy, trước tiên là phải thực hành bố thí và cúng dường, để hiện tại đảm bảo an sinh đời sống gia đình, đóng góp lợi ích xã hội và không phải lo lắng cơm áo gạo tiền, mà còn có thời gian làm phước và tu tập.

Do đó, thực hành cúng dường Tam bảo là điều cần thiết giúp cho chư Tăng, Ni có thời gian tu học để hoàn thiện chính mình mà giúp người cứu vật. Chư Tăng, Ni có trọng trách vô cùng lớn lao, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh, giúp mọi người tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân bao điều họa phúc, tránh dữ làm lành và chịu trách nhiệm về hành vi tạo tác của mình.

Có rất nhiều cách gieo trồng phước đức, nếu ta biết bố thí đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi, đúng đối tượng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn. Khi thực hành bố thí, dù là người nghèo khổ, ăn xin, ta cũng phải tôn trọng, thành tâm mới có phước báo to lớn. Nếu ta bố thí mà có thái độ coi thường, khinh rẽ hay mạt sát người, tuy vẫn có phước nhưng ta phải chịu quả báo ân oán hận thù về sau. Phước tuy được hưởng nhưng họa làm cho người ta đau khổ và họ sẽ tìm cách trả thù, khi có nhân duyên.

Muốn có sự sống tốt đẹp trong đời hiện tại, ta phải tu tập bố thí để làm hành trang cho mai sau. Tài sản, của cải vật chất, danh vọng, tiếng tăm, nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn ta sẽ không mang theo được gì khi nhắm mắt lìa đời, chỉ mang theo nghiệp tốt, xấu.

Do đó, quý phật tử phải sáng suốt chọn lựa, thường xuyên gieo trồng phước đức để tạo nên nghiệp thiện lành làm tư lương, hành trang cho hiện tại và mai sau.

Đối với chư Tăng, Ni những người thọ thí, lại càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tu tập của mình, để chuyển hóa phiền muộn khổ đau thành vô lượng trí tuê, từ bi mà sống đời bình yên, hạnh phúc. Nếu chúng ta không trau giồi, tu sửa thân tâm, đoạn trừ phiền não thì vật phẩm cúng dường của đàn na tín thí rất khó tiêu, có thể sẽ mang lông đội sừng để đền trả xứng đáng.

Đối với những người bất hạnh có hoàn cảnh khó khăn, khi nhận được món quà từ tay các nhà hão tâm, quý phật tử, các vị hãy nên trân trọng, quý kính, và không nên ỷ lại. Để tỏ lòng thành kính đối với người giúp đỡ, ta phải biết ơn mà cố gắng siêng năng làm việc tinh cần, tiết kiệm, tiêu xài đúng mức.

Phật dạy: Nghèo là do không biết bố thí cúng dường hoặc giúp đỡ sẻ chia, gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, ỷ lại cha mẹ và lười biếng, sống sa đọa phóng túng và không biết tiết kiệm.

Bố thí là một pháp tu quan trọng, rất phổ biến trong đời sống trong xã hội, và dễ thực hành cho hàng phật tử, người có của thì bố thí vật chất, kẻ không tiền thì bố thí bằng tấm lòng và dùng thân này để công quả làm lợi ích cho người. Do vậy, cùng tu tập về bố thí nhưng tùy theo mục đích và tâm nguyện của mỗi người mà có kết quả, phước báo khác nhau.

Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu chúng ta bố thí với tâm phân biệt và có điều kiện thì kết quả gặt được phước báo sẽ có giới hạn trong chừng mực nào đó. Ngược lại, người bố thí vì tình thương cao cả không điều kiện, thì phước báo sẽ vô cùng to lớn.

Vì thế, chúng ta muốn tu tập bố thí để đạt được lợi ích lớn và kết quả thù thắng thì tâm phải rộng lớn, không mong cầu, thấy khổ liền giúp mà không thấy mình là kẻ ban ơn, người thọ nhận và của để thí, thì phước báo vô lượng không thể nghĩ bàn.

Người phật tử chân chính, tu tập hạnh bố thí từ ban đầu có tính toán phân biệt và cuối cùng là nỗ lực buông xả vô điều kiện, để vươn tới đỉnh cao bố thí Ba-la-mật. Người phát tâm bố thí Ba-la-mật hoàn toàn không có tác ý phân biệt về người cho, kẻ được nhận và vật để bố thí, thì sẽ thành tựu công đức viên mãn mà không thấy ta, người, chúng sinh.

Tóm lại, việc gieo trồng phước đức thông qua bố thí, cúng dường là cách thức chuyển hóa nghèo khó thành vô lượng phước đức, đồng thời cũng là phương tiện giúp mọi người sống thương yêu nhau bằng trái tim hiểu biết, với tinh thần“tốt đạo đẹp đời”.

Bồ-tát bố thí Ba-la-mật luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cần thiết của chúng sinh, không phân biệt người thân hay kẻ thù. Bồ-tát sẵn sàng bố thí tất cả, không bao giờ có sự hối tiếc và có thể chịu khổ, chịu chết thay cho chúng sinh. Bố thí như thế mới gọi là bố thí Ba-la-mật.

Tại sao Bồ-tát thực hành bố thí Ba-la-mật? Bởi Bồ-tát là người đang trên đường tiến tới giác ngộ để thành Phật viên mãn, nên mỗi khi làm việc gì có lợi cho chúng sinh Bồ-tát đều phát nguyện và hồi hướng. Trong các hạnh bố thí, chỉ có bố thí Ba-la-mật là phước đức cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần.

Người mới phát tâm cầu làm Bồ-tát phải có hai điều kiện tất yếu là phát nguyện và hồi hướng. Phát nguyện là để giữ vững ý chí, lập trường của mình khi gặp những khó khăn, trở ngại. Phát là phát cái tâm làm các việc thiện lành, còn nguyện giống như một lời thề nguyền để ta ghi nhớ mà quyết tâm phấn đấu vượt qua, mỗi khi gặp chướng duyên nghịch cảnh.

Người phật tử chân chính, mỗi khi làm được việc gì có lợi ích cho mình và người khác, đều hồi hướng hết cho tất cả chúng sinh được thừa hưởng. Chính vì vậy, phát nguyện và hồi hướng là việc làm cao cả, để Bồ-tát hướng đến bố thí Ba-la-mật và thành Phật viên mãn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Xem thêm