Yếu tố Mật giáo trong hai thời công phu
Từ những lời cầu nguyện Trong Vinaya II, Tiểu phẩm (Cullavagga) có ghi lại sự kiện những Tỳ kheo sống trong rừng bị rắn độc cắn chết; Đức Phật biết được và nói, nếu các Tỳ kheo ấy đã rải tâm từ đến các loài rắn độc thì nhất định đã không bị chúng gia hại.
Kinh Tạp A Hàm cũng ghi lại trường hợp, có những bà mẹ có con trẻ thường hay khóc đêm, đem tới tu viện, Đức Phật dạy các Tỳ kheo tụng Pháp Cu cho trẻ nghe: “Nếu ai biết Pháp Cú, Tự mình hộ trì giới, Xa lìa sự sát sanh, Nói thật, không nói dối, Tự bỏ điều phi nghĩa, Giải thoát đường quỷ thần”. Tụng xong, trẻ hết khóc, trở nên dễ nuôi, chóng lớn! Những bài Pháp Cú như thế cũng được xem như là paritta hay thần chú.
Kinh Nikàya thì ghi lại sự kiện tôn giả Angulimàla trên đường đi khất thực gặp một sản phụ khó sinh, đau đớn, nguy kịch, cầu cứu tôn giả, tôn giả không biết giải quyết ra sao bèn lập tức về tu viện trình bày với Đức Phật. Phật dạy Angulimàla đến đọc cho sản phụ ấy nghe một paritta, như là câu thần chú cứu nguy, với nội dung: “Kể từ khi Angulimàla tái sinh trong Thánh đạo này chưa từng cố ý giết hại một sinh mạng nào, bằng sự thực ấy, ước nguyện sản phụ sinh sản an toàn”. Quả nhiên, sau khi tụng xong, người sản phụ nọ được mẹ tròn con vuông!
Kinh Ratanasutta ghi: “Dù trong đời này hay đời khác, hay trên thiên giới, không có tài bảo vi diệu nào sánh với Đức Như Lai. Ở đây, Phật là tài bảo tối thắng vi diệu. Bằng sự thực này, ước nguyện tất cả đều được an lành”.
Kể trên là những lời kinh nguyện cầu. Rải rác trong kinh điển Nikàya và Àgama đều thấy xuất hiện các parittam hay hộ chú như thế. Những lời kinh ấy đều diễn tả, nói lên sự thật hay chân lý và được hiểu là chân ngôn. Chân ngôn là lời nói chân thật, không hư dối, là phương tiện để diễn đạt chân lý. “Chân lý là tính thể của sức mạnh kỳ diệu; ai biết nương tựa chân lý, sống với tâm tư hướng về chân lý, người ấy sống cuộc sống an lành. Đó là tính thể của sự cầu nguyện” (Tuệ Sĩ - Thiền va Bát nha).
Những Chân ngôn ấy về sau được tập hợp thành giáo pháp của Kim cương thừa.
Đến truyền thống Kim Cương Thừa
Kim cương thừa (Vajrayàna) hay Mật tông xuất hiện trong khoảng thế kỷ thứ 4 tại Bắc Ấn Độ, trở nên hưng thịnh từ đầu thế kỷ thứ VI, đến giữa thế kỷ thứ VIII thì hình thành nên một truyền thống lớn mạnh, được truyền qua Tây Tạng, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Nga… và nhanh chóng gây ảnh hưởng trong các truyền thống tông phái Phật giáo khác vốn đã có từ trước. Truyền thống này hình như đặc biệt có khuynh hướng xem những lời Phật dạy như những điều huyền bí, bởi tất cả những lời dạy của Phật đều xuất phát từ cảnh giới nội chứng của pháp thân Phật, gọi là Mật giáo. Do đó, truyền thống này chủ yếu sử dụng những Chân ngôn và phần lớn giữ nguyên ngữ văn thánh điển Phạn ngữ để tăng thêm giá trị bí mật, linh thiêng.
Chân ngôn (mantra) cũng gọi là Đà-la-ni (dhãranĩ) hay Thần chú. Theo Ðại Trí Ðộ Luận (Mahapra-jnaparanita-sastra) thì: “Đà-la-ni có nghĩa là duy trì và ngăn ngừa: duy trì là duy trì những thiện pháp không để cho thất lạc, như một cái bình nguyên vẹn có thể chứa nước không để nước rịn ra; ngăn ngừa là ngăn ngừa những ác pháp không cho phát sinh, nếu có khuynh hướng tạo tác tội ác thì ngăn ngừa không cho tạo tác: Đó là Đà-la-ni”.
Có bốn loại Đà-la-ni, tức là bốn loại tổng trì: pháp, nghĩa, chú và nhẫn. Pháp Đà-la-ni là duy trì những điều học hỏi về Phật pháp, không cho tán thất. Nghĩa Đà-la-ni là duy trì yếu nghĩa của các giáo pháp không để cho quên mất. Chú Đà-la-ni là duy trì các thần chú không để quên mất. Nhẫn Đà-là-ni là an trú trong thực tướng của vạn pháp không để tán loạn. Với ý nghĩa này, truyền thống Kim cương thừa, mà đặc biệt là Mật giáo ở Tây Tạng, đã thu nhiếp toàn bộ giáo pháp của Phật, cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa và duy trì một cách khá trọn vẹn, điều mà các truyền thống Phật giáo khác không làm được. Chính tính chất dung hợp toàn bộ giáo pháp này mà truyền thống Kim cương thừa có nhiều pháp môn tu tập bao gồm cả Thiền - Tịnh - Mật. Đây chính là yếu tố làm phát sinh bộ Thiền môn nhật tụng khi truyền thống Kim cương thừa lớn mạnh ở Trung Hoa.
Và hai thời công phu
Bộ Thiền môn nhật tụng gồm có hai quyển, không biết do ai biên soạn và ấn hành lần đầu tiên vào năm nào. Chỉ được biết có các bản in vào năm Đạo Quang thứ 14 (1834) đời nhà Thanh, bản của chùa Dũng Tuyền, Cổ Sơn, tỉnh Phúc Kiến in vào năm Quang Tự thứ 12 (1886), đời nhà Thanh...
Nội dung sách này, ngoài việc thu chép các pháp yếu, pháp ngữ, cảnh sách, vấn đối, huấn hối văn... của các Đại sư trong Thiền môn, còn thu chép một lượng lớn kinh, luật, kệ, nghi văn, thần chú... thường dùng trong các chùa viện nói chung, mà đặc biệt là nghi thức tụng niệm hai thời công phu sáng và chiều:
Thời khóa buổi sáng gồm có:
- Thần chú Lăng Nghiêm
- Thần chú Ðại Bi Tâm
- Thần chú Như Ý Bảo Luân Vương
- Thần chú Tiêu Tai Cát Tường
- Thần chú Công Ðức Bảo Sơn
- Thần chú Chuẩn Ðề
- Thần chú Dược Sư Quán Ðỉnh
- Thần chú Quan Âm Linh Cảm
- Thần chú Thất Phật Diệt Tội
- Thần chú Vãng sinh Tịnh độ
- Thần chú Ðại Cát Tường Thiên Nữ
- Tâm kinh Bát Nhã
- Tán Phật
- Niệm Phật và Thánh chúng
- Tán lễ Bổn sư
- Hồi hướng
- Tam tự quy
Thời khóa buổi chiều gồm có:
- Thần chú Đại Bi Tâm và Tâm kinh Bát Nhã
- Kinh A Di Đà
- Thần chú Vãng sanh Tịnh độ
- Sám Hồng danh, bao gồm:
+ Tán dương chư Phật
+ Quy y cả tánh và tướng Tam bảo
+ Phát bồ đề tâm
+ Đảnh lễ Tam bảo
+ Lạy Phật
+ Sám hối
+ Phát lộ
+ Hướng nguyện theo hạnh nguyện Phổ Hiền
+ Hồi hướng
- Văn thí thực
- Niệm Phật
- Tán Phật
- Nguyện sinh Cực lạc
- Tán lễ Bổn Tôn
- Cảnh sách
- Tự Quy y Tam bảo.
Hai thời công phu như vậy, ngoại trừ Tán Phật, Niệm Phật, Lạy Phật, Sám hối, Nguyện sinh Cực Lạc, Hồi hướng và Tam tự quy, tất cả còn lại đều là thần chú. Nhưng dù không phải là thần chú đi nữa, tất cả những gì được biên soạn trong Thiền môn nhật tụng nói riêng, Tam tạng kinh điển nói chung, Theo Mật tông đều được gọi là Chân ngôn hay Đà-la-ni trong ý nghĩa của nó, hoặc là pháp, hoặc là nghĩa, chú. Cho nên, có thể nói ngay rằng, hai thời công phu không phải chịu sự ảnh hưởng của Mật giáo mà nó là Mật giáo trong ý nghĩa mật giáo đã nêu trên, hoặc là những lời cầu nguyện trong ý nghĩa một paritta. Vấn đề là, người ta thực tập những lời dạy ấy để hướng đến mục đích gì? Ở đây, hai thời công phu, và cả những việc làm trong ngày, đối với người xuất gia, đều hướng đến mục đích chí nguyện "vì tuệ giác Bồ đề mà cầu sinh Cực lạc". Để biết thêm về ý này, xin mời bạn đọc tham cứu trong cuốn "Hai thời công phu”, do HT. Trí Quang dịch giải.
Ở đây, chỉ xin nói thêm rằng, Mật giáo thịnh hành ở Việt Nam từ những thế kỷ thứ VII, thậm chí còn sớm hơn nữa. Và thuở ấy, có những vị Thiền sư đã sở đắc từ một Đà-la-ni nào đó. Chẳng hạn Thiền sư Pháp Thuận, Sùng Phạm, Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Vạn Hạnh… của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi; Thiền sư Không Lộ, Giác Hải… của Thiền phái Vô Ngôn Thông; Thiền sư Lý Thánh Tông, Bát Nhã… của Thiền phái Thảo Đường, đều là những người chứng đắc từ những pháp Đà-la-ni và sử dụng năng lực ấy để hộ quốc an dân.
Ngay cả những Thiền sư của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, được coi là dòng thiền chính thống của Việt Nam, cũng hành trì nghi lễ Mật giáo. Như Thiền sư Huyền Quang đã chế tạo đài Cửu Phẩm Liên Hoa có thể xoay vần trong khi niệm Phật và trì chú. Thượng hoàng Anh Tông, Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương và nhiều người khác đã được thiền sư Pháp Loa làm lễ quán đỉnh, một nghi lễ của Mật giáo.
Tóm lại, hai thời công phu là một tập hợp độc đáo những phương pháp hành trì tu tập mà cuộc đời người xuất gia, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, nếu tinh tiến hành trì trọn vẹn, thì đã quá đẹp!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 17:30 20/12/2024Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh phân biệt về sự thật
Kinh Phật 19:00 19/12/2024Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)
Kinh Phật 10:24 19/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 19:30 18/12/2024Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Xem thêm