Los Angeles: Phá bỏ rào cản về ngôn ngữ và văn hóa để phát triển Phật giáo
Sư Sanathavihari cùng các vị tu sĩ tại ngôi chùa ở Los Angeles đang nỗ lực để phá bỏ những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.
Đây là một việc làm vô cùng khó khăn và đòi hỏi tính kiên trì bền bỉ, để truyền bá Phật giáo một cách rộng rãi cho cộng đồng, đặc biệt là những người nói tiếng Tây Ban Nha ở khu vực phía Bắc Hollywood, Hoa Kỳ.
Cách đây 8 năm, sư Sanathavihari xuất gia, trở thành một tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Nam truyền ở tuổi 30, sau đó, được thọ giới Tỳ-kheo vào tháng 7-2015 tại Trung tâm Phật giáo Sarathchandra ở Colombo, Sri Lanka. Vào thời gian này, đối với sư, đây hoàn toàn là một trải nghiệm đơn độc. Vốn là một thanh niên người Mỹ gốc Mexico trong một gia đình có truyền thống Thiên Chúa giáo ở Los Angeles, sư không thể kết nối và liên hệ với bất kỳ vị tu sĩ nào khác để tìm hiểu thêm về Phật giáo.
Tuy nhiên, cũng từ những lý do ban đầu như vậy, sư Sanathavihari đã cố gắng để xây dựng một cộng đồng Phật giáo La-tinh rộng lớn tại Trung tâm Phật giáo Sarathchandra ở phía Bắc Hollywood, đây vốn là ngôi tự viện do một người Mỹ gốc Sri Lanka thành lập. Hiện nay, có hai vị tu sĩ và một tập sự đang cư ngụ tại đây cũng như ngày càng nhiều người dân gốc La-tinh đến tu tập dưới sự dẫn dắt trực tiếp của chư Tăng. Đồng thời, những buổi pháp thoại trực tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha trên các ứng dụng mạng xã hội đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của quần chúng.
Ý tưởng tổ chức các lớp học và những buổi pháp thoại bằng tiếng Tây Ban Nha được sư Sanathavihari nảy ra khi các học viên người Mỹ La-tinh, chiếm khoảng hơn một nửa trong số những người tham gia thực hành thiền định hàng tuần tại Trung tâm Phật giáo Sarathchandra, phàn nàn rằng họ cảm thấy khó hiểu đối với những gì mà các vị thầy hướng dẫn trình bày, trong đó, đa số những vị thầy là người Sinhala, thuộc đảo quốc Sri Lanka.
“Ngôn ngữ mẹ đẻ của các học viên là tiếng Tây Ban Nha, trong khi ngôn ngữ của các vị tu sĩ hướng dẫn là tiếng Sinhala, và tại đây, họ lại phải cố gắng để giảng pháp bằng tiếng Anh. Tôi đã nỗ lực giải thích cho các học viên hiểu, họ cho rằng tôi nên thực hiện mọi hoạt động bằng tiếng Tây Ban Nha, và các nhà sư cũng đồng ý như vậy”, sư Sanathavihari chia sẻ.
Từ ý tưởng đó, sư bắt đầu bằng cách tạo một kênh YouTube có tên “Monje en la Modernidad” (Nhà sư thời hiện đại), cung cấp các video hướng dẫn cách thực hành và những bản văn bản Phật giáo bằng tiếng Tây Ban Nha, cũng như các cuộc phỏng vấn về chủ đề xã hội và lịch sử từ những người Phật tử nói tiếng Tây Ban Nha. Hơn thế nữa, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, sư Sanathavihari đã thành lập một nhóm Facebook với hơn 600 thành viên nhằm hướng dẫn và thực hành thiền trực tuyến và một nhóm nghiên cứu cho khoảng một chục học viên có nguyện vọng.
Sư Sanathavihari cho biết những thay đổi như thế này có thể trở thành một bước ngoặt thực sự đối với một cộng đồng thường gặp rào cản về ngôn ngữ và văn hóa trong khi cố gắng tìm hiểu và thực hành về một tôn giáo cổ xưa, mà cụ thể ở đây là Phật giáo.
“Khả năng cởi mở giúp Phật giáo có thể tiếp biến vào nền văn hóa La-tinh ở miền Nam California đang thực sự bắt đầu, vì vậy, Phật giáo sẽ không còn xa lạ, huyền bí hay chỉ để tôn sùng nữa; Phật giáo sẽ trở nên gần gũi và là điều mà những người La-tinh có thể thực hành được, dù họ là người theo Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo mà cũng có thể là Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào”, sư Sanathavihari, 37 tuổi nhấn mạnh.
Sư còn chia sẻ thêm rằng để mọi người có thể tiếp cận được Phật pháp một cách dễ dàng, trước khi mọi hoạt động chuyển sang hình thức online vì đại dịch Covid-19, sư đã thành lập tổ chức “Casa de Bhavana”, một cộng đồng trực tuyến toàn cầu bao gồm các Phật tử gốc La-tinh, trong đó chứa các tài liệu quý giá như video hướng dẫn thiền, bản dịch và giải thích về thực hành Phật giáo và giáo lý bằng tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra, sư còn tổ chức một số khóa tu ở Mexico và gần đây đã mở một trung tâm Phật giáo nữa tại quần đảo Canary ở Tây Ban Nha.
Tại ngôi chùa Sarathchandra, sư chia sẻ Phật pháp nhiều hơn đối với các học viên đến từ Tây Ban Nha và những người gốc La-tinh, họ có thể nghe và hiểu những gì sư truyền tải hơn là từ những vị thầy Sri Lanka. Hơn thế nữa, khoác trên mình chiếc y của một vị tu sĩ Phật giáo, sư đi kinh hành xung quanh khu phố hoặc ngồi xe buýt để tạo sự tò mò của người dân về Phật giáo. Thông thường, những người mới đến ngôi chùa vì nghe người khác kể về cơ sở này và chư Tăng tại đây.
“Tôi không vội giảng pháp, cũng không cố gắng để thay đổi mọi người. Nhưng tôi muốn cho nhiều người hơn nữa biết rằng chúng tôi đang ở đây, Phật giáo bằng tiếng Tây Ban Nha là ở đây”, sư nói.
Không rõ có bao nhiêu Phật tử La-tinh ở Mỹ. Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính rằng vào năm 2014, 12% Phật tử ở Mỹ là người La-tinh. Tuy vậy, tại Sarathchandra, hầu hết các Phật tử mới của ngôi chùa đều là người La-tinh trẻ và họ tham gia nhiều hơn vào nghi lễ, đời sống và các khía cạnh khác của ngôi chùa. Trước đây, họ chỉ ở lại để học thiền, nhưng bây giờ họ muốn trở thành một phần của ngôi chùa, đóng góp và đảm nhận vai trò như các Phật tử truyền thống châu Á trong cộng đồng.
Diana Herrera, 31 tuổi, cho biết cô đã bắt đầu chú ý đến Phật giáo từ nhiều năm trước, nhưng lại cố ý tránh những ngôi chùa vì cô cảm thấy lạc lõng và không thể giao tiếp được với các nhà sư. Tuy nhiên, cô đã không gặp phải điều này tại ngôi chùa Sarathchandra; vì vậy, trong ba năm qua, cô đã đến chùa thường xuyên hơn để tham dự các buổi thiền tập và pháp thoại mỗi tuần, và gần đây nhất, cô đã tổ chức một buổi kinh hành chánh niệm, cúng dường các nhà sư những vật dụng cần thiết cũng như chung tay dọn dẹp ngôi chùa.
Theo sư Sanathavihari, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cộng đồng ngày càng quan tâm đến Phật giáo, trong đó bao gồm cả mong muốn rời khỏi Ki-tô giáo, những vấn đề của cuộc sống trong đại dịch đã khiến mọi người phải xem xét lại lối sống của mình, tự tìm đến một lối suy nghĩ cũng như một cách thức thực hành tâm linh mới mẻ hơn.
Tại Sarathchandra, những người đại diện rất quan trọng. Bởi vì khi ai đó thấy một người La-tinh ở đây, điều này giống như kiểu “Ồ, tốt thôi. Phật giáo có thể cũng dành cho tôi. Tôi cũng có thể bước ra ngoài nền văn hóa của mình và tham gia vào một nền văn hóa khác mà không cần phải lo ngại về việc phản bội lại nền văn hóa của chính mình”.
Sư Sanathavihari đang thực hiện mong muốn trở thành một bậc thầy trong việc tư vấn, giảng pháp thoại song ngữ. Cùng với các vị đồng tu của mình và một cộng đồng Phật tử ngày càng lớn mạnh, nhiệm vụ hướng dẫn tâm linh đã được san sẻ phần nào và tạo cho sư một cảm giác có người đồng hành trên con đường đầy khó khăn của mình. Tuy vậy, sư cũng rất biết ơn những công trình đã được thực hiện bởi những nhà sư Sri Lanka tại ngôi chùa Sarathchandra trong thập kỷ trước; họ đã tiếp cận và gặt hái được những thành tựu nhất định trong việc truyền bá Phật pháp đến cộng đồng người La-tinh. “Tôi chỉ giúp những bông hoa nở hoa”.
Hơn thế nữa, sư mong rằng sự hiện diện của mình trên mảnh đất này sẽ truyền cảm hứng cho những người La-tinh trẻ để họ có thể mở rộng tầm nhìn của mình vượt ngoài các khuôn thước cũ kỹ hay những kỳ vọng về văn hóa, mà không phải chỉ để trở thành một Phật tử.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tượng đài Hòa thượng Thích Minh Châu sẽ được xây dựng tại Đại học Nalanda
Quốc tế 10:00 03/11/2024Đây không chỉ là biểu tượng tri ân những đóng góp của Hòa thượng mà còn góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Buổi gặp mặt tạo nên nền tảng vững chắc, hướng tới sự phát triển lâu dài của giáo dục.
Nhà vua và hoàng hậu Thái Lan dâng áo choàng Kathin lên chư Tăng
Quốc tế 10:39 28/10/2024Chiều 27/10, một đoàn rước thuyền hoàng gia uy nghi, tráng lệ diễu hành trên sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok khi Quốc vương và Hoàng hậu trao tặng áo choàng Kathin truyền thống cho các nhà sư Phật giáo tại chùa Bình Minh (Wat Arun).
Khám phá chùa Đại Phật Hồng Quang Sơn ở Tân Cương
Quốc tế 09:20 20/10/2024Chùa Đại Phật Hồng Quang Sơn nằm trên núi Hồng Quang, phía Bắc Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Đây là ngôi chùa Phật giáo Hán truyền lớn nhất ở phía Tây Bắc Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ tham dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Abhidhamma (Vi Diệu Pháp)
Quốc tế 10:54 19/10/2024Ngày 17/10, tại Trung tâm Hội nghị Vigyan Bhawan của Chính phủ Ấn Độ ở New Delhi, Thủ tướng Shri Narendra Modi đã tham dự sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) và công nhận tiếng Pali là ngôn ngữ cổ.
Xem thêm