Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 01/06/2023, 04:40 AM

Lý giải thành ngữ “Đói ăn, khát uống” của thiền tông

Trong văn học Thiền Việt Nam, thành ngữ này được nhắc đến hai lần (theo sự hiểu biết của người viết) đó là trong bài Cư Trần Lạc Đạo của Trần Nhân Tông và trong lần gặp gỡ của Từ Đạo Hạnh với sư Sùng Phạm.

Audio
66FD4ABF-F872-4AB2-8F92-E1CFCFCC9DA0

ĐÓI ĂN KHÁT UỐNG

Đây là một thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong Thiền tông Trung Hoa và được du nhập vào Việt nam. Rất nhiều người hiểu thành ngữ "đói ăn khát uống" trong ngữ cảnh ăn uống, bởi họ không biết xuất xứ, không biết ngữ cảnh của thành ngữ này. Nếu như không biết ngữ cảnh của câu nói "cửa miệng" của Thiền tông Trung Hoa thì sẽ hiểu sai lạc thành ngữ đó, cho là nói chuyện ăn, chuyện uống. Ví như một người bà nói với cháu khi đùa vui: “Cha bố mày!”, hoặc khi giận giữ cũng nói: “Cha bố mày!”. Hai câu nói đó có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau vì ngữ cảnh khác nhau.

Trong văn học Thiền Việt Nam, thành ngữ này được nhắc đến hai lần (theo sự hiểu biết của người viết) đó là trong bài Cư Trần Lạc Đạo của Trần Nhân Tông và trong lần gặp gỡ của Từ Đạo Hạnh với sư Sùng Phạm.

Với Cư Trần Lạc Đạo:

“Ở đời vui đạo, mặc tuỳ duyên

Lúc đói thời ăn, mệt ngủ liền

Của báu đầy nhà thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm, chẳng hỏi thiền.”

Có thể có nhiều cách giải thích, nhiều cách hiểu ý nghĩa của đoạn thơ này tuỳ theo hiểu biết và kinh nghiệm riêng của mỗi người, nhưng ý nghĩa thật sự của bài thơ thì chỉ Trần Nhân Tông mới biết. Sau đây là một lý giải về bài thơ đó.

"Ở đời vui đạo" là một công thức sống, một triết lý sống rất cao đẹp. Đời là bể khổ, đời vui ít khổ nhiều, não nhiều mà sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn, cái vui của đời chỉ là phù du giả tạm, không thể vui với cái vui ấy. Vậy thì hãy tìm niềm vui trong sự tu hành, vui ấy mới là cái vui cao thượng. Đây là một triết lý sống cao thượng, hãy tuân thủ và tôn sùng triết lý cao thượng ấy, hãy gắn chặt cuộc sống của mình vào triết lý cao thượng ấy. Nhưng câu trả lời của bài thơ này là Không. Bởi một triết lý, một lý tưởng, một hệ tư tưởng có cao đẹp, có hoàn hảo bao nhiêu đi nữa vẫn là sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người với cái hiểu biết một chiều, phiến diện, cực đoan và sai sự thật. Và vì vậy, chính cái triết lý đó, cái lý tưởng, hệ tư tưởng cao đẹp đó sẽ trói buộc con người, chính con người tự giam hãm mình bằng chính cái tự mình tạo nên. Triết lý, lý tưởng, hệ tư tưởng càng cao đẹp bao nhiêu thì càng trói chặt con người bấy nhiêu.

Nguyên bản tiếng Hán là: “Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên”. Thả có nghĩa là thả ra, buông ra nghĩa là mặc kệ nó, không màng đến cái triết lý cao siêu kia. Vậy phải sống như thế nào? Phải tuỳ duyên nghĩa là phải thích nghi với mọi hoàn cảnh dễ chịu cũng như khó chịu. Thích nghi cũng có nghĩa là không yêu thích, không chán ghét bất kỳ một hoàn cảnh nào, bình thản với mọi hoàn cảnh. Khi đối diện với hoàn cảnh mà tâm thích nghi, không yêu thích (không có Tham), không chán ghét (không có Sân) bình thản thì sẽ rất bình an, đó chính là hết Khổ. Nhưng phải sống tuỳ duyên như thế nào? Sự tuỳ duyên phải xảy ra một cách "Tự nhiên như nhiên" không cần nỗ lực cố gắng như là đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ không cần một cố gắng nỗ lực nào hết. Vậy thì câu: “Lúc đói thì ăn, mệt ngủ liền” là bổ ngữ cho hai chữ “tuỳ duyên”, nói lên phải đạt được tuỳ duyên một cách tự nhiên như nhiên chứ ý nghĩa của nó không phải là ăn gì hay ăn như thế nào.

“Của báu đầy nhà thôi tìm kiếm” ý nói: một người đã sống tuỳ duyên được như vậy thì đã hết Khổ, người đó không cần bất cứ một cái gì khác nữa. Đối với người Phàm cho rằng phải có nhiều của báu, vì của báu sẽ làm cho họ hết Khổ và do vậy họ khát khao tìm cầu của báu. Đối với người đã hết Khổ, họ sẽ không còn tìm của báu nữa.

“Đối cảnh vô tâm chẳng hỏi thiền”: Câu này thì hoàn toàn mơ hồ không thể biện minh được. Vô tâm hay là không có tâm chỉ xảy ra khi người đó ngủ say không mộng mị, gây mê sâu khi mổ hoặc ngất đi trong một tai nạn, còn ngoài các trường hợp đó ra, đối cảnh nhất định là có thấy, có nghe, có cảm nhận, có nhận thức nghĩa là có tâm chứ không thể vô tâm. Các bậc Giác Ngộ có lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, khi đối cảnh các vị thấy nghe, cảm nhận với cái biết Tỉnh Giác, vẫn có Chánh Tư Duy, Chánh Kiến, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Đối với chư vị không có Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Si, không có Tâm Khổ mà thôi. Lúc không có Tham Sân Si Khổ thì đang ở trong Bát Chánh Đạo, đang ở trong Chánh Định thì đâu còn hỏi thiền nọ với thiền kia. Vô tâm phải được hiểu là không có tâm Tham, tâm Sân, tâm Si.

–Với Từ Đạo Hạnh và sư Sùng Phạm:Từ Đạo Hạnh vân du tìm kiếm một bậc cao minh chỉ giáo, hầu giải quyết nghi vấn của mình. Gặp vị nào ông cũng chỉ dùng một bài kệ để hỏi Đạo:

“Lẫn trong bụi đời tự bấy lâu

Chân Tâm vàng ngọc biết tìm đâu

Cúi xin chỉ rõ bày phương tiện

Thấy được Chân Như sạch khổ sầu.”

Ông đã gặp nhiều vị cao tăng nhưng không ai giải quyết được cho ông cái nghi vấn ấy. Đến một ngày ông gặp sư Sùng Phạm và dùng kệ để hỏi thì Sùng Phạm quắc mắt lên và hỏi lại: “Thế cái gì không phải là Chân tâm?” Hốt nhiên Đạo Hạnh tỏ ngộ, sụp xuống lạy và hỏi: “Làm thế nào để giữ gìn?” Sùng Phạm trả lời: “Đói ăn khát uống.”

Đoạn văn này có thể lý giải như sau: Từ Đạo Hạnh vân du tìm thầy hỏi đạo với một mối nghi đã kết khối, một nghi tình làm ông không ăn ngủ được vì nó. Đó là "Chân Tâm là cái gì"? Câu hỏi này chiếm cứ tâm ông đến nỗi ông không còn quan tâm tới bất cứ cái gì trên đời, mà chỉ xoay quanh, hay trực chỉ nghi tình để phá vỡ nó. Nhân sự quắc mắt và lặp lại câu hỏi của sư Sùng Phạm mà hốt nhiên khối nghi tình đột nhiên rơi rụng, và ló rạng một khoảng "lặng". Khoảng "lặng" đó chính là Xả, nó đầy bình an. Đã bao lâu ông khổ sở vì chỉ duy nhất một mối nghi tình đó, những cái khác ông không quan tâm, đã buông xả, nay thì cái ràng buộc cuối cùng cũng được cắt đứt. Đó cũng chính là Giải Thoát và Từ Đạo Hạnh tỏ ngộ là tỏ ngộ cái giây lát có khoảng lặng, tức là Tâm Xả ấy chứ không phải hiểu ra Chân Tâm là gì. Rồi khoảng lặng ấy biến mất, vì vậy Từ Đạo Hạnh mới hỏi: Làm thế nào để giữ gìn (cái khoảng lặng ấy)? Sùng Phạm trả lời: “Đói ăn khát uống”, nghĩa là nó phải xảy ra một cách tự nhiên như nhiên như là đói ăn khát uống.

Thiền tông Trung Hoa đã dùng rất nhiều phương cách, sáng tạo ra rất nhiều thủ thuật để giúp Thiền sinh có được khoảng lặng và kinh nghiệm khoảng lặng đó. Đặc biệt là các công án, nó tạo ra một khối nghi tình và Thiền sinh đau khổ, vật vã với khối nghi đó, toàn bộ cuộc sống của họ hoà làm một với khối nghi, mọi chuyện khác đều được dẹp bỏ, không dính mắc, không ràng buộc. Khi khối nghi lên đến đỉnh điểm thì hoặc phát điên (nếu thần kinh yếu) hoặc là tự động rơi xuống. Lúc đó xuất hiện khoảng lặng, đó chính là buông xả khối nghi tình, cũng là buông xả tất cả (những cái khác đã buông trước đó), đây là Xả, một trạng thái bình an, hết Khổ. Nó là một trạng thái khác hẳn trước đó, đầy nghi ngờ, căng thẳng khổ sở nên Thiền sinh sẽ cảm nhận nó đầy cảm hứng. Trạng thái này kéo dài bao lâu thì tuỳ thuộc vào nghi, nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ nghĩa là ngộ lớn hay nhỏ là thời gian của khoảng lặng đó kéo dài bao lâu.

Trạng thái Xả này cũng có thể xảy đến một cách tự nhiên không cần công án. Ví như khi một người đàn bà đau đẻ, lúc đó cơn đau quá lớn chi phối toàn bộ tâm nên họ chỉ chú tâm trên cơn đau, nỗ lực chịu đựng cơn đau, mọi thứ còn lại dường như không tồn tại nên khi đứa con tụt ra, cơn đau cùng với sự nỗ lực cũng chấm dứt. Lúc ấy khoảng "lặng" xuất hiện đầy bình an vắng mặt khổ đau. Đó cũng chính là Xả, là giải thoát, nhưng nó chỉ tồn tại trong 5 đến 10 giây gì đó thôi. Trong cuộc sống của đời thường khi có một việc làm gì phải cố gắng quá sức, khi kết thúc nó thì cũng có một khoảng lặng nhỏ tương tự xảy ra.

Khái niệm ngộ của Thiền tông là kinh nghiệm trạng thái Xả và kinh nghiệm này chỉ tồn tại trong những khoảng khắc ngắn ngủi, nên câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giữ gìn, sống thường xuyên với trạng thái Xả ấy. Các vị Tổ trả lời không thể có cố gắng nỗ lực mà giữ được, mà phải tự nhiên như nhiên như là đói ăn khát uống vậy. Tuy câu này trở thành một thành ngữ, một câu nói cửa miệng của Thiền tông nhưng vẫn là một thách đố: làm thế nào để nó khởi lên tự nhiên như nhiên như là đói ăn khát uống. Không có một diễn giảng, một phân tích, một hướng dẫn thực hành nào được nói lên. Vì thế các vị Tổ Thiền tông cũng chỉ dùng từ Ngộ chứ không có ai nói Giác Ngộ. Nổi tiếng như Triệu Châu ngộ lớn, ngộ nhỏ trên dưới 20 lần nhưng rõ ràng chưa sống được thường xuyên với trạng thái Xả ấy, nên mới ngộ đi ngộ lại như vậy. Chính vì không sống được thường xuyên với trạng thái Ngộ ấy nên Thiền tông mới tuyên bố: “Lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu.”

Trạng thái Xả mà Thiền tông Trung Hoa kinh nghiệm do các thủ thuật mà có được, không có con đường, không có một phương pháp, một định luật phổ quát để đạt được và an trú lâu dài, nó là kinh nghiệm cá nhân không phải là sự thật phổ quát. Xả đó cũng giống như Xả của Tam thiền và Tứ thiền nhưng Xả của Tam thiền và Tứ thiền lại có phương pháp, nếu tu tập đúng lời dạy của Đức Thế Tôn thì bất kỳ ai cũng có thể chứng ngộ và an trú bao lâu tuỳ theo ý muốn. Vì thế Xả của Tam thiền và Tứ thiền là Sự Thật phổ quát, là Chân Lý chứ không phải kinh nghiệm cá nhân. Xả của Tam thiền hoặc Tứ thiền có thể an trú liên tục và bao lâu thời gian tuỳ theo ý muốn, nhưng nó phải do tu tập Chánh Định mới chứng ngộ và an trú, chưa phải khởi lên một cách tự nhiên như nhiên.

Có một Xả còn cao hơn Xả của Tứ thiền đó là Xả trong Xả Giác Chi, là Giải Thoát viên mãn nhất. Xả này phát sinh do Chánh Kiến là Trí Tuệ trong lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, theo lộ trình Văn Tư Tu. Khi Chánh Kiến được tu tập, được làm cho viên mãn bao gồm: Hiểu biết như thật về Duyên khởi, về Vô thường, Vô ngã, về Khổ Tập Diệt Đạo thì buông xả (Xả) sẽ xảy ra một cách tự nhiên như nhiên như là đói ăn khát uống vậy. Ví như có một người đi đường nhìn thấy một bao ni lông đen bóng mượt, căng phồng, buộc chặt đặt ở ven đường vắng vẻ không ai qua lại. Người này dừng lại tò mò tự hỏi: không biết là của ai, trong đó có gì nhỉ? Càng nhìn sự tò mò càng tăng thêm, muốn biết nó đựng cái gì càng tăng trưởng và do không thấy có ai, anh ta mở ra xem thử. Hồi hộp chờ đợi nhưng khi mở ra thấy chỉ là rác rưởi dơ thối người ta quăng bỏ thì anh ta mới bỏ đi không ngoái đầu nhìn lại. Cũng y như vậy khi Thấy biết như thật Duyên khởi, Thấy biết như thật Tứ Thánh Đế thì sự buông xả cũng xảy ra như vậy, một cách tự nhiên như nhiên như đói ăn khát uống.

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ Đại Đức Nguyên Tuệ Gosinga

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Nhận diện tính ghen tuông và thói đố kỵ

Sống an vui 11:49 01/05/2024

Tính ghen tuông và đố kỵ làm cho chúng ta trở nên đau khổ. Chúng kìm hãm sự phát triển về tinh thần và tình cảm của chúng ta. Nếu chỉ vì ghen tức mà trở nên hung dữ thì không những chúng ta tự làm hại mình mà còn làm hại người.

Sự tự ái có thể lan rộng và thiêu đốt mọi thứ xung quanh

Sống an vui 09:30 01/05/2024

Sự tự ái thường là ngọn lửa nhỏ, nhưng có thể lan rộng và thiêu đốt mọi thứ xung quanh nếu không được kiểm soát. Khi chúng ta nhận ra rằng việc giữ lại sự tự ái chỉ làm hại cho mối quan hệ của chúng ta, ta bắt đầu dứt khoát buông bỏ.

Hãy đứng dậy và đi tiếp…

Sống an vui 17:00 30/04/2024

Một cánh cửa đóng lại cũng là một cánh cửa khác mở ra. Hãy để thời gian làm dịu đi nỗi đau, hãy để lòng tự do thoái mái từ những gánh nặng. Và sau đó, hãy đứng dậy, bước tiếp, và tìm kiếm hạnh phúc mới.

Ta với người

Sống an vui 14:00 30/04/2024

Thời gian luôn thay đổi, ai rồi cũng sẽ khác đi, có một số việc không cần giải thích. Bởi người hiểu bạn thì cần chi phải nói, còn đã không hiểu thì giảng giải cũng chẳng để làm gì. Cứ sống hết lòng, người có tâm, ắt sẽ cảm nhận được.

Xem thêm