Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 05/05/2023, 10:40 AM

Mô thức học Phật (Phần 1)

Hiện nay có rất nhiều mô thức để hướng dẫn việc tu học cũng như việc thuyết giảng. Dưới đây là những mô thức thường nói đến, mỗi mô thức được sắp đặt theo tiêu chuẩn khác nhau để tùy nghi ứng dụng, miễn sao thích hợp với từng trường hợp cá biệt người thiện học để dẫn đến đạo quả như ý.

Phật học bao trùm vô lượng pháp, thường nói là vạn pháp. Về sự học Phật thường nói là tám vạn bốn ngàn pháp môn để tùy duyên tu học, thích ứng với mọi căn cơ của hành giả tùy theo căn cơ, trình độ khác nhau. Do đó có rất nhiều mô thức để hướng dẫn việc tu học cũng như việc thuyết giảng.

Tam pháp Giáo-Hành-Chứng

Đây là mô thức theo tiêu chuẩn thứ tự liên tiếp từ sự nhận thức Phật pháp đến sự thực hiện và theo dõi kết quả việc vâng theo lời Phật dạy:

Giáo pháp

Đây là những phép dạy Đạo lý Phật giáo gồm tất cả những lời thuyết giảng trọn đời của Đức Thích Ca ghi lại trong Tam Tạng Kinh Luật Luận, chia làm 12 bộ. Giáo pháp làm sáng tỏ niềm tin, tương đương như Tín và Giải trong tiến trình học Phật đã nói ở bài trước.

Hành pháp

Đây là những phép dạy thực hiện điều đã học ở Giáo pháp: Tứ đế (3), Thập nhị Nhân duyên (4), Lục độ (5).

Chứng pháp

Đây là những phép chứng đắc tùy theo mức độ Hành pháp viên mãn:

Hành pháp Tứ Đế dẫn đến đắc quả Thanh Văn, cuối cùng đắc quả La Hán (gọi đầy đủ là A-la-hán) tận diệt nghiệp chướng phiền não, gọi là Giải Thoát phiền não, chưa giải thoát được thì gọi là sở tri chướng.

Học Phật phải thấy lòng nhẹ nhàng

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hành Pháp Thập nhị Nhân duyên dẫn đến quả Duyên Giác, cũng gọi là Bích-chi Phật hay Độc Giác Phật. Danh xưng Duyên Giác chú trọng đến sự thông suốt lý Nhân duyên mà giác ngộ. Danh xưng Bích-chi Phật và Độc Giác Phật chú trọng đến sự kiện hành giả sinh ra, tu học rồi đắc đạo vào thời không có Phật Như Lai, chỉ tự học và tự giác ngộ nhập Niết-bàn thành Phật.

Hành pháp Lục Độ dẫn đến đắc quả Bồ-tát và Phật Như Lai.Tam pháp ấnTam pháp Giáo-Hành-Chứng đều mang dấu ấn Phật pháp. Có ba dấu ấn gọi là Tam pháp ấn, bất cứ pháp môn nào không mang một trong ba dấu ấn thì không phải Phật pháp. Tam pháp ấn gồm có:

- Vô thường: Tất cả mọi sự sinh khởi đều có hủy diệt, đều vô thường.

- Vô ngã: Tất cả các pháp đều vô ngã, đều là giả hữu.

- Tịnh tịch Niết-bàn: Tất cả các pháp đều có bản thể Không tịch, mọi phiền não khổ đau đều là chao đảo do vọng thức đem đến.

Tam tuệ Văn-Tư-Tu

Mô thức này theo tiêu chuẩn phân tách đối tượng tu học, bất luận là pháp môn nào. Sự phân tách tinh vi làm tăng trưởng trí tuệ, do đó có danh xưng tam tuệ.

Văn tuệ

Từ ngữ Văn diễn hai ý tiếp nhận âm thanh và hiểu rõ ý nghĩa, dịch ra tiếng Việt là nghe thấy (nghe và thấy), nghe thủng. Nếu chỉ nghe mà không thấy, tiếng Hán là Thính. Cũng như từ ngữ Kiến có nghĩa nhìn thấy, nhìn rõ. Nếu chỉ nhìn mà không thấy, tiếng Hán là Thị. Do đó, có thành ngữ “Thính nhi bất văn, thị nhi bất kiến”. Nghĩa là chỉ sự chậm hiểu, kém thông minh, nghe mà không thủng, nhìn mà không thấy. Tiếng ghép đôi Kiến văn chỉ sự hiểu biết, tương đương như Kiến thức, Học thức.

Ông A-Nan nghe lời Phật dạy, hiểu đầy đủ tường tận ý Phật muốn truyền đạt nên được Phật khen là Đa văn đệ nhất trong hàng đệ tử. Nếu nghe mà chỉ hiểu rõ một phần, ý muốn truyền đạt gọi là Văn bất cụ túc (chẳng trọn vẹn hạnh Đa văn). Văn hiểu theo nghĩa rộng gồm cả Kiến, sự hiểu biết sau khi tai nghe mắt thấy. Đó chính là Văn tuệ, nghe nhìn rồi thông suốt ý nghĩa, mở rộng Trí tuệ.

Tư tuệ

Tư là suy xét, ngẫm nghĩ cho ra lẽ chân thật, đâu là chánh, đâu là tà. Cũng gọi là Tư duy. Từ ngữ Duy là nhớ tưởng, suy cho ra lẽ để noi theo. Có hai đường lối tư duy:

- Tà Tư duy, Hư vọng Tư duy là suy ngẫm theo thế tục, dục vọng, không có lợi ích gì cho chúng sanh về mặt thế gian và xuất thế gian.

- Chánh Tư duy, Chân thật Tư duy là suy ngẫm theo Chánh Đạo, diệt trừ phiền não nhằm giải thoát chúng sanh.

Chú thích: 

(3) Tứ đế: Bốn Sự Thật, bốn Chân lý nhiệm màu. Cũng gọi là Tứ Diệu Đế, Tứ Chân Đế, Tứ Thánh Đế. Gồm có: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.

(4) Thập nhị nhân duyên: Mười hai Nhân Duyên làm cho chúng sanh luân hồi sanh tử, gồm có Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh và Tử.

(5) Lục độ: Cũng gọi là Lục độ Ba-la-mật. Đây là sáu pháp dẫn đến Giải Thoát, sáu đại hạnh trong Bồ-tát đạo: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền Định và Trí tuệ.

Còn tiếp. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm