Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 20/08/2018, 10:04 AM

Mười câu chuyện hiếu dưỡng Cha Mẹ (P.3)

Này Ananda, rất có thể ông suy nghĩ như sau: "Lúc bây giờ, thanh niên Jotipala có thể là một người khác". Nhưng này Ananda, chớ có nghĩ như vậy. Lúc bấy giờ, Ta chính là thanh niên Jotipala.

Chuyện thứ năm: Hiền giả Sona và Nanda (Trích từ chuyện số 532. Chuyện hai hiền giả Sona - Nanda (Tiền thân Sona - Nanda)

Nhạc thần, Thiên tử, phải ngài chăng?...

Chuyện này do bậc Đạo sư kể trong lúc đang trú tại Kỳ Viên, về một Tỳ kheo phụng dưỡng mẹ mình.

Hoàn cảnh đưa đến chuyện này cũng tương tự như trong Tiền thân Sàma (số 540, tập VII). Nhưng vào dịp này, bậc Đạo sư bảo:

- Này các Tỳ kheo, chớ xúc phạm Tỳ kheo này. Các bậc hiền trí đời xưa, dù được thỉnh cầu thống trị toàn cõi (Diêm-phù-đề), cũng đã từ chối việc ấy và phụng dưỡng song thân.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Một thuở nọ, thành Ba-la-nại được mệnh danh là Brahmavadhana. Thời ấy, vua Manoja trị vì ở đó, và một Bà-la-môn kia có thế lực và giàu sang, với tài sản lên đến tám trăm triệu đồng, nhưng không có con thừa kế. Bà vợ Bà-la-môn ấy vâng lời chồng đi cầu tự. Lúc ấy Bồ Tát từ giã Phạm thiên giới và nhập mẫu thai bà; vào ngày sinh, ngài được gọi tên Sona nam tử. Vào thời ấu nhi đã biết chạy một mình, một vị Thiên khác từ giã Phạm thiên giới và cũng nhập mẫu thai bà. Lúc ra đời, vị ấy được gọi là Nanda nam tử.

Ngay khi hai nam tử đã được dạy đủ các Thánh điển Vệ đà và thông thạo mọi môn học thuật, vị Bà-la-môn nhìn thấy hai con trai mình đầy đủ hảo tướng biết bao, liền bảo vợ:

- Này phu nhân, chúng ta cần sắp đặt việc hôn nhân cho nam tử Sona.

Bà vợ chấp thuận ngay và thông báo việc này cho con trai. Chàng đáp:

- Con sống đời gia đình thế này là vừa đủ rồi. Bao lâu cha mẹ còn sống, con muốn phụng dưỡng cha mẹ; đến khi cha mẹ qua đời, con muốn lui về vùng Tuyết Sơn và thành người tu khổ hạnh.

Bà mẹ kể chuyện này với vị Bà-la-môn và khi họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng không thuyết phục được con, liền bảo Nanda:

- Này con yêu, con hãy yên bề gia thất.

Chàng đáp:

- Con không muốn lượm những vật mà anh con đã vứt bỏ như thể một cục đờm. Con cũng nguyện khi cha mẹ từ trần, con cùng anh con gia nhập hội chúng khổ hạnh.

Song thân suy nghĩ: "Nếu các con ta, dù còn thanh xuân, đã từ bỏ mọi dục lạc thân xác thì chúng ta lại càng phải sống đời khổ hạnh". Và hai vị bảo:

- Này con yêu, sao lại nói chuyện làm người tu khổ hạnh sau khi cha mẹ qua đời? Cả nhà ta đều muốn cùng phát nguyện xuất gia.

Khi trình vua về mục đích của mình, họ quyết định phân phát tất cả tài sản theo cách bố thí, giải phóng các gia nhân nô tỳ và đem tặng những tài sản xứng đáng thích hợp với đám thân quyến, rồi sau đó cả bốn vị khởi hành từ kinh thành Brahmavadhana đến lập thảo am trong vùng Tuyết Sơn ở một khu rừng đầy an lạc, cạnh một hồ nước được phủ năm loại sen, các vị sống đời khổ hạnh. Hai anh em đồng săn sóc cha mẹ. Từ sáng sớm, hai vị đưa tăm xỉa răng và nước súc miệng cho song thân. Hai vị lại quét dọn cả am thất, đem nước uống, dâu rừng ngọt ngào để cha mẹ ăn, nước nóng, nước lạnh để tắm, kết tóc cha mẹ thành từng búi, xoa dầu thơm vào chân cùng phục dịch mọi việc tương tự.

Thời gian cứ trôi qua như thế, hiền giả Nanda suy nghĩ: "Ta sẽ dâng đầy đủ mọi loại trái cây làm thức ăn cho cha mẹ". Thế là bất cứ loại trái cây nào hái được tại chỗ ấy ngày hôm trước và hôm trước đó nữa vị ấy đều đem dâng cha mẹ sáng sớm hôm sau. Hai vị dùng trái cây xong liền súc miệng và giữ giới kiêng ăn.

Còn hiền giả Sona đi thật xa để hái trái chín ngọt về dâng cha mẹ. Hai vị liền bảo:

- Này con yêu, chúng ta đã ăn từ sáng các thứ em con mang về và bây giờ chúng ta đang kiêng ăn nên không cần thứ trái cây này nữa.

Vì thế các thứ trái cây của ngài không được dùng và phải bỏ phí cả. Ngày hôm sau và sau đó nữa cũng vậy. Và thế là do chứng đắc Năm Thắng trí, ngài đã du hành thật xa để đem trái cây về, nhưng song thân từ chối phần ấy. Sau đó bậc Đại Sĩ suy nghĩ: "Cha mẹ ta giờ đây rất yếu ớt và Nanda lại đem về toàn trái cây chưa chín hoặc mới chín cho cha mẹ ăn. Nếu thế này mãi, cha mẹ sẽ không sống lâu. Ta quyết ngăn cản em ta làm việc này". Vì vậy ngài bảo em:

- Này Nanda, từ nay về sau, khi em đem trái cây, em phải đợi đến lúc ta về và hai chúng ta đều muốn dâng cha mẹ các thức ăn cùng một lần.

Mặc dù đã được bảo vậy, Nanda vẫn muốn làm công đức riêng một mình, nên không quan tâm lời anh dặn. Bậc Đại Sĩ suy nghĩ: "Nanda hành động không đúng khi bất tuân lời ta. Ta muốn đuổi nó đi xa". Rồi nghĩ rằng tự ngài muốn chăm sóc cha mẹ, ngài bảo:

- Này Nanda, em đã bỏ qua lời răn dạy và không lưu tâm đến lời nói của bậc trí. Ta là huynh trưởng. Cha mẹ thuộc về trách nhiệm của ta. Ta muốn chỉ mình ta săn sóc cha mẹ. Em không thể ở đây được nữa. Hãy đi nơi khác.

Rồi ngài búng các ngón tay vào mặt em. Sau khi bị đuổi như vậy, Nanda không thể nào ở lại trước mặt anh nữa, liền đến từ giã cha mẹ và thưa hết mọi việc xảy ra.

Sau đó lui về an thất riêng, ông chú tâm Thiền định và ngay hôm ấy, ông phát khởi Năm Thắng trí và Tám Thiền chứng. Ông suy nghĩ: "Ta có thể đi tìm loại cát quý từ chân núi Sineru (Tu-di) về rải khắp thảo am của anh ta và xin anh ta thứ lỗi; và nếu anh ta chưa hồi tâm, ta sẽ đi tìm nước hồ Anottata về xin anh ta thứ lỗi; và nếu anh ta cũng chưa hồi tâm bằng cách ấy, giả sử vì chư Thiên, anh ta không tha thứ cho ta, thì ta sẽ đem Tứ Thiên vương và Thiên chủ Sakka ra xin anh ta thứ lỗi; và nếu anh ta cũng chưa hồi tâm, ta sẽ mang vị đại đế Manoja của toàn cõi Diêm-phù-đề, cùng các vương hầu khác ra xin anh ta thứ lỗi. Làm như vậy, danh tiếng về đức hạnh của anh ta sẽ vang dậy cả khắp Diêm-phù-đề và sẽ sáng ngời mọi nơi như đôi vầng nhật nguyệt".

Lúc bấy giờ, nhờ thần lực, ông bay xuống kinh thành Brahmavaddhana đến trước cung môn của vua và dâng sớ lên tâu vua:

- Có một vị khổ hạnh muốn yết kiến Đại vương.

Vua phán:

- Một vị khổ hạnh muốn gặp ta làm gì chứ? Chắc vị ấy đến khất thực.

Vua truyền bảo đem cơm cho ông, nhưng ông không dùng chút nào. Rồi vua bảo cho gạo, y phục và các loại củ khoai, môn, nhưng ông cũng không muốn gì cả. Cuối cùng vua gửi một sứ giả đi hỏi tại sao ông đến, ông đáp sứ giả:

- Bần đạo đến để hầu hạ đức vua.

Khi nghe vậy, vua gửi lời nhắn lại:

- Ta thiếu gì nô tỳ, bảo vị ấy hãy làm phận sự của một ẩn sĩ khổ hạnh.

Nghe vậy, ông nói:

- Nhờ thần lực riêng, bần đạo sẽ được quyền thống trị toàn cõi Diêm-phù-đề và xin dâng tất cả lên Đại vương của các vị.

Vua nghe vậy liền suy nghĩ: "Quả thật các vị khổ hạnh rất thông thái. Chắc chắn các vị ấy biết được vài mưu thần".

Sau đó vua triệu ông vào yết kiến, mời ông ngồi lên bảo tọa, kính lễ và hỏi:

- Thưa Thánh giả, chúng tâu với trẫm rằng ngài sẽ được quyền thống trị toàn cõi Diêm-phủ-đề và muốn ban quyền ấy cho trẫm phải chăng?

- Tâu Đại vương, quả vậy.

- Làm thế nào Thánh giả đạt được việc ấy?

- Tâu Đại vương, không cần đổ một giọt máu của ai cả, dầu là một giọt vừa đủ cho con ruồi tí hon hút được, cũng không cần tiêu phí kho báu của Đại vương, chỉ cần nhờ thần lực của riêng mình, bần đạo sẽ chiếm quyền thống trị và dâng hết lên Đại vương. Chỉ cần ngay lập tức không chút trì hoãn, Đại vương phải khởi hành ngay hôm nay.

Vua tin lời ấy và khởi hành ngay với một đạo quân hộ tống. Nếu đạo quân gặp trời nóng, hiền giả Nanda dùng lực thần tạo bóng cây khiến cho trời mát. Nếu trời mưa, ông không để cho mưa rơi xuống đạo quân. Ông ngăn cản luồng gió oi nồng. Ông phá bỏ gai góc trên đường đi cùng các thứ hiểm nguy khác. Ông làm cho con đường bằng phẳng như vòng tròn dùng trong pháp môn thiền Kasina, rồi trải một tấm da, ông ngồi kiết già trên không và cứ thế tiến dần phía trước đạo quân.

Theo cách này, trước tiên ông cùng đạo quân trên đến vương quốc Kosala, đóng trại gần kinh thành, gửi sớ lên vua Kosala hoặc bảo tham chiến hoặc đầu hàng trước uy lực của ông. Vua nổi trận lôi đình, quát:

- Thế thì trẫm không phải là quốc vương hay sao? Trẫm sẽ chinh phạt các ngươi.

Vua dẫn đầu bốn đạo quân và hai phe lâm trận. Hiền giả Nanda trải tấm da hươu ra ngồi giữa hai đạo quân, dùng tấm da bắt hết mọi mũi tên do hai phe chiến đấu bắn ra, nên không có một ai trong quân đội nào bị thương vì trúng tên cả. Đến khi tất cả số tên của họ đều dùng hết, hai đạo quân đứng ngẩn ngơ không còn biết nương tựa vào đâu nữa.

Rồi Hiền giả Nanda đến yết kiến vua Kosala và trấn an vua:

- Tâu Đại vương, xin đừng lo âu tuyệt vọng, không có nguy cơ nào đe dọa Đại vương cả. Vương quốc vẫn thuộc về Đại vương. Chỉ cần Đại vương thần phục vua Manoja thôi.

Vua tin lời hiền giả nói và thỏa thuận điều ấy. Sau đó dẫn vua ấy đến yết kiến vua Manoja, hiền giả Nanda thưa:

- Tâu Đại vương, quốc vương Kosala xin thần phục Đại vương. Hãy để yên quốc độ ấy như cũ.

Vua Manoja sẵn sàng chấp thuận và nhận sự quy phục ấy. Vua cùng hai đạo quân tiến đến quốc độ Anga và chiếm Anga, sau đó chiếm Magadha trong quốc độ có tên ấy và nhờ các phương cách này, vua trở thành bá chủ của mọi quốc vương toàn cõi Diêm-phù-đề, rồi được chư hầu hộ tống đi thẳng đến thành Brahmavaddhana.

Bấy giờ, vua chiếm được mọi quốc độ từ các vua này trong bảy năm, bảy tháng, bảy ngày. Từ mỗi kinh thành, vua truyền đem đủ thức ăn loại cứng, loại mềm và mời một trăm lẻ một quốc vương nâng chén rượu khải hoàn suốt bảy ngày đại lễ hội. Hiền giả Nanda suy nghĩ: "Ta không muốn xuất hiện trước mặt vua cho đến khi ngài đã hưởng mọi lạc thú của vương quyền thống trị trong bảy ngày". Rồi khi đi khất thực trong xứ Bắc Kuru, Hiền giả an trú suốt bảy ngày ở Tuyết Sơn, ngay cửa vào Kim Động.

Phần hoàng đế Manoja, vào ngày thứ bảy, sau khi ngắm cảnh đại vinh quang quyền lực của mình, tự nghĩ: "Cảnh huy hoàng này không phải do cha mẹ ta hay người khác trao tặng. Nó xuất phát từ ẩn sĩ Nanda và rõ ràng đã bảy ngày trôi qua từ khi ta thấy ngài. Không biết nay vị hiền hữu đã ban ta cảnh huy hoàng này đang ở đâu trên đời này?". Và vua nhớ đến hiền giả Nanda.

Còn Hiền giả Nanda khi biết vua đang nhớ mình, liền xuất hiện trước vua trên không. Vua suy nghĩ: "Ta không biết vị khổ hạnh này là người phàm hay thần thánh. Nếu là người phàm, ta sẽ dâng ngài quyền thống trị khắp cõi Diêm-phù-đề. Còn nếu ngài là thần thánh, ta sẽ bày tỏ lòng tôn kính xứng đáng với ngài. Và để thử vị ấy, vua ngâm vần kệ đầu:

1. Nhạc thần, Thiên tử, phải ngài chăng,
Hay ngẫu nhiên ta gặp Ngọc hoàng,
Hoặc một người thần thông quảng đại,
Ngự bao thành trị thật vinh quang.
Nay ta ao ước ngài cho biết
Quý tánh phương danh thật rõ ràng.

Nghe lời vua, Hiền giả Nanda ngâm vần kệ thứ hai nêu rõ thân thế mình:

2. Ta chẳng Thiên nhân, hoặc Nhạc thần,
Cũng không Thiên chủ hoặc quân vương.
Ta là người đủ thần thông lực,
Sự thật nay ta đã tỏ tường.

Vua nghe vậy, nghĩ thầm: "Ngài bảo ngài là một người; như vậy ngài đã làm nhiều công đức cho ta lắm. Ta sẽ tỏ bày sự tôn kính tối cao với ngài để ngài đẹp ý". Và vua đáp lời:

3. Công đức ngài ban bố chúng tôi
Làm sao nói hết được nên lời,
Giữa dòng mưa lũ tuôn ồ ạt,
Chẳng có trên đầu một giọt rơi.

4. Bóng mát ngài làm cho chúng ta
Khi luồng gió đốt cháy bay qua;
Khỏi làn tên ác, ngài bao phủ
Giữa biết bao cừu địch quốc gia.

5. Thật nhiều quốc độ lạc an tràn
Ngài bảo tôn ta Đại đế vương,
Hơn cả một trăm vị lãnh chúa
Trở thành tuân phục lệnh ta ban.

6. Những gì ngài chọn giữa kho tàng
Hoan hỷ ta trao nhượng sẵn sàng:
Xe thắng đàn voi hay tuấn mã,
Cung tần xiêm áo đẹp trang hoàng,
Vương cung mỹ lệ nào ngài thích
Đều sẽ trở thành của Đại nhân.

7. Nếu muốn ngự cung Ma-kiệt-đà,
Hoặc là quốc độ xứ An-ga
A-van-ti, trẫm vui lòng nhượng,
Hoặc đến trị dân As-sa-ka.

8. Dẫu ngài muốn một nửa giang sơn,
Trẫm nhượng với tâm hỷ lạc tràn,
Chỉ nói một lời điều ước muốn,
Tức thì vật ấy của hiền nhơn.

Nghe vậy, Hiền giả Nanda ngâm vần kệ giải thích ước nguyện của mình:

9. Vương quốc ta nào có ước ao,
Kinh thành, lãnh địa chẳng mong cầu,
Cũng không tìm kiếm nhiều tài sản
Từ chính bàn tay Đại đế đâu.

Vị ấy nói tiếp:

- Nhưng nếu Đại vương có lòng ưu ái ta, xin hãy làm theo lời thỉnh cầu của ta về việc duy nhất này:

10-11. Dưới quyền ngài, ngụ lão song thân
Hưởng cảnh am tranh ở núi rừng,
Ta chẳng được làm gì phước đức
Với song thân ấy lão hiền nhân.
Nếu ngài nói hộ điều ta muốn,
Hiền giả So-na hết hận sân.

Vua liền bảo vị ấy:

12. Hoan hỷ, ta xin sẽ vẹn tròn
Lệnh ngài, hỡi vị Bà-la-môn,
Song ai là kẻ ta cần chọn
Để tiến hành ngay lệnh Đại nhơn?

Hiền giả Nanda đáp:

13. Hơn trăm phú hộ, Bà-la-môn,
Võ tướng oai quyền, danh vọng vang,
Đại đế Ma-no-ja, đủ số
Làm ta thỏa nguyện ước hoàn toàn.

Vua lại bảo:

14. Thắng ngay tượng, mã vào vương xa,
Từ trụ, càng xe, vẫy ngọn cờ
Theo gió, ta đi tìm ẩn sĩ
Trú nơi xa vắng, Ko-si-ya.

15. Hộ giá theo hầu, bốn đạo binh,
Đại vương tiến bước để đăng trình
Đi tìm chốn thảo am tươi đẹp
Ẩn sĩ trú an với hạnh lành.

Các vần kệ này xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng.

Bấy giờ vào ngày ấy, vua đến vùng thảo am, Hiền giả Sona suy nghĩ: "Lúc này đã hơn bảy năm, bảy tháng, bảy ngày từ lúc tiểu đệ ta ra đi khỏi nhà. Bây giờ em ta đang ở đâu?"

Rồi dùng thiên nhãn, ngài nhìn thấy em, liền tự bảo: "Em ta đang đến đây với một trăm lẻ một vị vua và một đoàn hộ tống gồm hai mươi bốn đạo quân để xin ta thứ lỗi. Các vua này cùng đoàn tùy tùng đã chứng kiến nhiều thần thông do em ta biến hóa và vì không biết gì về thần lực của ta, nên họ bảo: "Vị ẩn sĩ giả mạo này quá tự cao về thần lực của mình và tự sánh mình với vị chúa tể của chúng ta". Do lời kiêu mạn này, họ sẽ đọa vào địa ngục. Vậy ta sẽ cho họ xem một điển hình về phép thần thông của ta".

Rồi đặt đòn gánh giữa không khí, chẳng chạm vào vai ngài một khoảng chừng bốn phân, cứ thế ngài du hành giữa khoảng bao la, bay ngang gần vua, để đi lấy nước từ hồ Anotatta.

Nhưng khi Hiền giả Nanda thấy ngài đến, lại không có can đảm lộ diện, mà lập tức biến mất ngay nơi vị ấy đang ngồi và tẩu thoát đi ẩn mình trong vùng Tuyết Sơn. Tuy thế, khi vua Manoja thấy Hiền giả Sona đến gần trong dáng điệu uy nghi của bậc tu hành, liền ngâm kệ này hỏi:

16. Ai đi tìm nước giữa không gian,
Với bước chân kia thật nhịp nhàng,
Đòn gánh cách xa chừng một tấc
Chẳng hề đụng chạm tới mình vàng?

Khi nghe nói vậy, bậc Đại Sĩ liền đáp hai vần kệ:

17. So-na đạo sĩ chẳng bao giờ
Đi lạc ra ngoài luật ẩn cư,
Phụng dưỡng song thân ta sớm tối,
Ngày đêm không mỏi mệt ưu tư.

18. Khoai sắn, chùm dâu, ấy thức ăn
Trong rừng ta kiếm để đem dâng,
Đời đời ghi nhớ ơn hai vị
Xưa đã cho ta hưởng phước phần.

Nghe lời này, vua muốn bầu bạn với ngài, liền ngâm vần kệ khác:

19. Ta mong đến tận chốn am tranh
Đạo sĩ Ko-si-ya ẩn mình,
Hiền giả So-na xin chỉ lối
Đưa ta đến tịnh thất an lành.

Lúc ấy bậc Đại Sĩ dùng thần lực vạch ra một con đường mòn đưa đến thảo am và ngâm vần kệ này:

20. Đây lối Đại vương hãy nhờ rành:
Đằng xa khóm lá, đậm màu xanh
Giữa lùm mun mọc như rừng nhỏ,
Nơi ấy thảo am sẽ hiện hình.

21. Như vậy bậc Hiền trí đại hùng,
Chỉ đường cho các vị vương quân,
Xong ngài vội vã về am thất,
Lần nữa du hành giữa cõi không.

22. Kế đó quét xong chốn thảo am,
Đi tìm nơi ẩn dật nghiêm đường,
Ngài vừa thức lão hiền nhân dậy,
Vừa tặng dâng cha một tọa sàng.

23. Ngài nói: "Thánh nhân hãy đến ngay,
Con xin cha tọa lạc nơi này,
Các vua quý tộc danh lừng lẫy
Sắp ngự giá qua giữa lối này.

24. Như vậy sao khi vị lão niên
Nghe con đòi hiện diện cầu xin,
Vội vàng chân bước từ am thất
An tọa ở bên cạnh cửa tiền.

Các vần kệ này phát xuất từ Trí tuệ Tối Thắng.

Phần Hiền giả Nanda đi yết kiến vua ngay khi Bồ-tát vừa đến am thất, vừa đem nước về từ hồ Anotatta, rồi Hiền giả Nanda cắm trại không xa am thất ấy. Sau đó vua tắm rửa và phục sức vô cùng lộng lẫy, liền được một trăm lẻ một tiểu vương hộ tống, vị Đại vương cùng Hiền giả Nanda bước vào am thất trong cảnh huy hoàng trọng thể và cầu khẩn Bồ Tát tha thứ cho hiền đệ của ngài.

Lúc ấy phụ thân của Bồ Tát thấy vị Đại vương ngự đến gần, liền hỏi Bồ Tát và ngài giải thích vấn đề với cha.

Bậc Đạo sư ngâm kệ làm sáng tỏ việc này:

25. Thấy vua đứng đó đại vinh quang
Được hộ tống quanh bởi tiểu vương,
Bậc lão hiền nhân liền cất tiếng
Hỏi thăm con trẻ chuyện trên đường:

26. "Ai đến đây trong tiếng rộn ràng
Tù và, trống lớn nhỏ lừng vang,
Âm thanh làm các vua hoan hỷ,
Ai đến đây ca khúc khải hoàn?

27. Ai đây đang đến thật huy hoàng,
Khăn quấn đầu cao dệt sợi vàng,
Như chớp sáng ngời, cung tiễn đủ,
Anh hùng trẻ tuổi thật can tràng?

28. Ai đây đang đến thật vinh quang,
Nét mặt vui tươi tỏa ánh vàng
Như đám lửa tàn, cành phượng vĩ
Sáng ngời đang cháy ở lò than?

29. Ai đến đây cùng chiếc lọng cao
Được giương lên thật khéo làm sao,
Lọng che với gọng sườn tô điểm
Xua ánh nắng gay gắt chói vào?

30. Ai kia xòe quạt để phòng thân,
Quạt kết lông đuôi trâu chúa rừng,
Như một vị hiền nhân trí giả
Cỡi lưng voi nọ dáng oai phong?

31. Ai đang đến rực rỡ, huy hoàng,
Các lọng giương cao trắng vẹn toàn,
Tuấn mã giáp bào dòng quý tộc
Vây quanh phải trái thật hiên ngang?

32. Ai kia đang đến tận nơi đây,
Được cả hơn trăm lãnh chúa này
Hộ tống một đoàn vua quý tộc,
Sau lưng và trước mặt như vầy?

33. Các vương xa với một đàn voi
Đám bộ binh cùng với đám ngựa nòi,
Ai đến với oai nghi chiến đấu,
Bốn đoàn quân bố trận kia rồi?

34. Ai đến cùng tất cả đạo quân
Theo sau hộ giá rộng mênh mông
Không hề gián đoạn, dài vô tận,
Như sóng đại dương vỗ chập chùng?

35. "Ma-no đại đế, với Nan-da,
Ngự giá đến đây viếng, hỡi cha,
Như thể In-dra Thiên chủ ấy
Đến đây thăm chốn ẩn am ta.

36. Hộ tống ngài đang đến cả đoàn
Sẵn sàng tuân lệnh, thật hùng cường,
Không hề gián đoạn, dài vô tận,
Như sóng chập chùng giữa đại dương".

Đạo sư lại ngâm:

37. Lụa tối cao sang, khoác cẩm bào,
Dầu trầm hương ngát điểm tô vào,
Các vua này đến gần hai vị
Thánh giả, dáng cung kính khẩn cầu.

Sau đó vua Manoja kính lễ xong, ngồi xuống một bên, vừa trao đổi những lời chào hỏi ân cần, vừa ngâm đôi vần kệ:

38. Trẫm vẫn tin rằng các Thánh nhân
Sống đời thịnh vượng lẫn an khang,
Kiếm nhiều mễ cốc cùng rau trái
Phong phú khắp nơi chốn trú an.

39. Hẳn các ngài không bị bọ rầy,
Loài bò sát quấy nhiễu lâu nay,
Các ngài tránh được bao phiền lụy
Do thú săn mồi ở chốn đây?

Các vần kệ sau đây do hai bên đối đáp nhau:

Ẩn sĩ:

40. Xin cám ơn ngài, hỡi Đại vương,
Chúng ta luôn thịnh vượng, an khương,
Kiếm nhiều mễ cốc cùng rau quả
Phong phú khắp nơi chốn náu nương.

41. Bần đạo cũng không bị bọ rầy,
Loài bò sát quấy nhiễu lâu nay,
Chúng ta tránh được bao phiền lụy
Do thú săn mồi đến chốn đây.

42. Các loại cây cao vẫn mọc đầy
Cho người ẩn sĩ sống như vầy,
Cũng không bệnh tật gây tai hại
Từng thấy xảy ra ở chốn này.

43. Bần đạo xin nghênh tiếp Đại vương,
Dịp may nào chỉ lối đưa đường,
Trông ngài hùng hậu, vinh quang quá,
Sứ mệnh gì mang, hãy tỏ tường?

44. Tin-dook, pi-yal, các lá cây,
Ka-su-ma chín ngọt ngào thay
Như đường mật, kính dâng ngài ngự
Thứ tuyệt hảo nhà có sẵn đây.

45. Và nước mát này ở động sâu
Ẩn mình trong một ngọn đồi cao,
Đại vương, xin kính dâng bình nước
Ngài ngự cho lòng thỏa khát khao.

Đại vương:

46. Trẫm đây cùng tất cả vị vua
Xin nhận quà ngài tặng chúng ta,
Song hãy lắng nghe lời sắp nói
Của hiền hữu, Trí giả Nan-da.

47. Chúng ta tất cả bước theo hầu
Hiền giả Nan-da đến khẩn cầu
Ngài chiếu cố nghe người khốn khổ
Van xin quy lụy đáp ơn sâu.

Nghe nói vậy, hiền giả Nanda đứng dậy từ chỗ ngồi, vừa định lễ cha mẹ và huynh trưởng, vừa ngâm kệ đàm đạo với đoàn tùy tùng của mình:

48. Xin cả toàn dân, lẻ một trăm,
Những người danh vọng Bà-la-môn,
Các vua Sát-ly dòng cao quý
Sáng chói với tên tuổi lẫy lừng,
Cùng với Ma-no-ja Đại đế,
Thảy đều công nhận việc cầu ân.

49. Dạ xoa Thần ở thảo am này,
Các vị đang quy tụ ở đây,
Lão, ấu các sơn thần, thổ địa,
Lắng nghe ta nói chuyện như vầy.

50. Tiểu nhi xin kính lễ song thân,
Kế đến xin thưa bậc Thánh nhân,
Tiểu đệ là em đây thuở trước
Ngài xem có mặt tựa tay chân.

51. Làm sao phụng dưỡng lão song thân
Ấy chính em cầu nguyện đặc ân,
Xin Thánh nhân thôi đừng cản trở
Cho em làm Thánh sự riêng phần.

52. Ân cần phụng dưỡng cả song thân
Trước đã được làm bởi Thánh nhân,
Người thiện tán đồng bao thiện sự,
Sao phiên tiểu đệ chẳng nhường phần?
Do vầy em đạt nhiều công đức,
Đạo lộ lên thiên giới sẵn sàng.

53. Nhiều người khác biết rõ nơi đây
Đạo lộ dành cho phận sự này,
Ấy chính con đường lên thượng giới,
Xin Hiền nhân nhận thức như vầy.

54. Song bậc Thánh nhân đã cản ngăn
Em làm thiện sự thế này chăng?
Khi em mong muốn nhờ công đức
Đem lại song thân trọn lạc an.

Khi được Nanda nói như vầy, bậc Đại Sĩ bảo:

- Các vị đã nghe những lời Nanda phải nói ra; giờ đây hãy nghe ta.

Và ngài ngâm các vần kệ sau:

55. Các vị theo hầu tiểu đệ ta
Hãy nghe ta nói lượt bây giờ:
Kẻ nào đối xử đầy khinh bỉ
Nhũng bậc tiền nhân của mẹ cha,
Phạm tội ác cùng chư trưởng lão,
Tái sinh địa ngục đốt tiêu ma.

56. Song kẻ tinh thông đạo Thánh nhân,
Con đường chân lý hiểu tinh tường,
Giữ gìn giới luật và công hạnh,
Quyết sẽ chẳng sa cảnh khổ buồn.

57. Anh em cùng các bậc thân sinh,
Tất cả do dây kết hợp thành,
Nhiệm vụ suốt đời luôn đặt nặng
Trên vai của vị trưởng hiền huynh.

58. Làm trưởng huynh, thiên chức nặng sao
Hân hoan ta gánh vác đi đầu
Như thuyền trưởng hộ phòng thuyền nọ,
Chân lý ta không hề lãng xao.

Khi nghe lời này, tất cả các vua đều vô cùng hoan hỷ và nói:

- Hôm nay chúng ta đều biết được rằng toàn thể gia đình là trách nhiệm đặt lên người huynh trưởng.

Rồi các vị rời bỏ Hiền giả Nanda và vừa chú tâm hướng về bậc Đại Sĩ, vừa ngâm hai vần kệ tán dương ngài:

59. Tri kiến tìm ra tựa lửa bừng
Sáng ngời chiếu rọi giữa đêm trường,
Cũng như Thánh giả Ko-si ấy
Hiển lộ cho ta lý chánh chân.

60. Như nhật thần kia chiếu ánh quang
Sáng ngời khắp mặt biển mênh mang
Phô bày hình thể bao sinh vật,
Dù chúng xấu xa hoặc thiện lương,
Cũng vậy Ko-si-ya Thánh giả
Hiển bày chân lý với quân vương.

Như vậy là mặc dù từ lâu các vua chúa đã tin tưởng vào Hiền giả Nanda vì chứng kiến các kỳ tích thần thông của vị ấy, tuy thế bậc Đại Sĩ nhờ uy lực tri kiến đã phá hủy lòng tin của họ, khiến họ phải chấp nhận lời ngài và do vậy tất cả đều trở thành những người hầu cận tuân phục ngài nhất ở đời.
 
Lúc ấy Hiền giả Nanda suy nghĩ: "Đại huynh ta là một bậc trí giả tinh thông am tường kinh điển. Ngài đã chinh phục các vị vua này và đưa họ về phía ngài. Ngoài ngài ra, ta không có nơi nương tựa nào khác. Ta chỉ còn biết khẩn cầu ngài thôi".

Thế rồi ông ngâm vần kệ này:

61. Huynh chẳng lưu tâm dáng khẩn cầu,
Cũng không dang rộng cánh tay đâu,
Em mong làm kẻ hèn nô lệ
Đợi lệnh huynh ban, vội đến chầu.

Dĩ nhiên bậc Đại Sĩ không cảm thấy hờn giận hay oán thù đối với Nanda, nhưng ngài đã hành động như một cách khiển trách em để hạ bớt lòng kiêu mạn của vị ấy khi phát biểu tự cao thái quá như vậy. Nhưng bây giờ khi nghe những lời em nói ra, ngài vô cùng hoan hỷ và muốn ban ân huệ cho em, ngài bảo:

- Nay ta tha thứ hiền đệ rồi và sẽ cho phép hiền đệ chăm sóc cha mẹ.

Và ngài ngâm kệ nêu rõ đức tính của hiền đệ:

62. Em thông chính pháp, hỡi Nan-da,
Nhu các Thánh nhân đã dạy mà:
Duy nhất quý cao là thiện sự,
Em làm đẹp ý thỏa lòng ta.

63. Mẹ cha xứng đáng được tôn thờ,
Em hãy nghe điều ta nói ra:
Nhiệm vụ phần em lo gánh vác
Mà không cảm thấy nặng bao giờ.

64. Mẹ cha ta bảo dưỡng lâu nay
Cũng để cầu mong hạnh phúc vầy,
Đến lượt Nan-da nay đã tới
Cầu xin khúm núm phụng thờ đây.

65. Vị nào trong nhị Thánh nhân hiền
Mong muốn Nan-da phụng dưỡng riêng,
Xin nói một lời và tiểu đệ
Phải theo hầu vị ấy ưu tiên.

Lúc ấy mẹ ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và bảo:

- Sona thân yêu, em con đã vắng nhà lâu nay. Bây giờ rốt cuộc nó đã trở về, ta không đích thân hỏi thăm nó vì chúng ta đều nương tựa vào con cả. Song nếu con cho phép, bây giờ ta xin được ôm lấy nam tử thánh thiện này trong tay và hôn lên trán nó.

Rồi bà ngâm kệ này nêu rõ ý của bà:

66. So-na, cha mẹ dựa con đây,
Nếu được con cho phép việc này,
Mẹ sẽ ôm vào lòng của mẹ
Nan-da thánh thiện quý cao vầy.

Sau đó bậc Đại Sĩ nói với mẹ:

- Này mẹ yêu quý, con cho phép mẹ rồi, mẹ hãy đi ôm lấy Nanda, con trai mẹ rồi ngửi tóc và hôn đầu nó để xoa dịu nỗi sầu trong lòng mẹ.

Thế là bà đi đến Hiền giả Nanda và ôm choàng lấy con trước toàn thể hội chúng và ngửi tóc, hôn đầu con, làm tiêu tan mọi nỗi khổ trong lòng bà và ngâm kệ nói chuyện với bậc Đại Sĩ:

67. Giống như cây yếu ớt bồ đề
Rung động vì cơn gió nặng bề,
Cũng vậy, tim ta vui rộn rã
Thấy Nan-da đã được quay về.

68 . Dường như ta thấy lại Nan-da
Cũng chẳng khác nào một giấc mơ,
Hóa dại, vui mừng ta hét lớn:
"Nan-da nay trở lại cùng ta!"

69. Song nếu khi tàn giấc ngủ mê,
Thấy Nan-da ấy đã ra đi,
Tâm ta sẽ chịu bao giày xéo
Do nỗi buồn đau quá não nề.

70. Trở lại hôm nay với mẹ cha,
Nan-da rốt cuộc đã về nhà,
Thân yêu với mẹ cha đồng đẳng,
Nó tạo ngôi nhà với chúng ta.

71. Dù nghiêm đường quý mến Nan-da,
Hãy để em con ở tự do,
Con phục vụ nhu cầu lão phụ,
Nan-da cần trọn nghĩa cùng ta.

Bậc Đại Sĩ chấp thuận lời mẹ và nói:

- Con mong được như vậy.

Và ngài khuyến giáo em:

- Này Nanda, em đã lãnh phận sự của người anh cả, quả thật mẫu thân chính là đại ân nhân của ta. Em hãy thận trọng chăm nom mẹ.

Ngài lại ngâm hai vần kệ tán thán công đức của mẹ hiền:

72. Là nơi nương tựa thật ân cần,
Mẹ đã nuôi ta với sữa nguồn,
Mẹ chính là đường lên thượng giới,
Mẹ thương hiền đệ nhất trên trần.

73. Mẹ đã chăm lo bảo dưỡng ta,
Mẹ nhiều ân huệ phát ban ra,
Mẹ là đường dẫn lên thiên giới,
Và mẹ yêu hiền đệ nhất nhà.

Như vậy bậc Đại Sĩ đã nêu lên công đức của mẹ qua hai vần kệ, và khi mẹ ngài đã về chỗ ngồi một lần nữa, ngài bảo:

- Này Nanda, em có một bà mẹ đã chịu đựng nhiều gian lao khó vượt qua. Cả hai ta đã được mẹ nuôi nấng rất nhọc nhằn. Này em hãy thận trọng chăm sóc mẹ và không được đưa thứ dâu chua cho mẹ ăn nữa.

Và để làm sáng tỏ cho hội chúng thấy rõ những công việc cực kỳ gian khổ được dành cho số phận bà mẹ, ngài ngâm kệ:

74. Cầu nguyện khát khao một đứa con,
Mẹ quỳ trước mỗi một đền thần,
Bốn mùa thay đổi thường quan sát,
Khảo cứu thiên văn thật tận tường.

75. Hoài thai theo với khoảng thời gian,
Mẹ thấy lòng mong đợi dịu dàng,
Thoáng chốc hài nhi vô ý thức
Bắt đầu quen biết một thân bằng.

76. Suốt khoảng thai kỳ ngót một năm,
Mẹ chăm chút kỹ một kho tàng,
Rồi sau sinh hạ con yêu quý,
Ngày ấy vui lòng tiếng "mẹ" mang.

77. Với bầu sữa, mẹ hát ru con,
Xoa dịu hài nhi khóc nỉ non,
Ấp ủ trong vòng tay ấm áp,
Nỗi đau của trẻ được xua tan.

78. Trông nom trẻ tội nghiệp thơ ngây,
Sợ nắng gió làm hại trẻ đây,
Được gọi vú nuôi, thôi cũng được,
Nâng niu con trẻ cứ như vầy.

79. Tài vật nào cha mẹ có đây,
Mẹ dành cho trẻ để sau này,
Bà suy: "Cũng có ngày con hỡi,
Gia sản may ra đến tận tay".

80. "Hãy làm này nọ, bé yêu ơi",
Bà mẹ lo âu gọi thế hoài,
Khi trẻ thành người trai lực lưỡng,
Mẹ còn kêu khóc, thở than dài.
Nó liều lĩnh dám đi tìm gặp
Vợ láng giềng nhân lúc tối trời.
Mẹ giận dữ la rầy cáu kỉnh:
"Sao không trở lại lúc ban mai?"

81. Nếu được nuôi đầy khổ nhọc vầy,
Mà người xao lãng mẹ hiền này,
Chơi trò gian dối, thì ta hỏi,
Còn đợi gì ngoài ngục đọa đày?

82. Nếu được nuôi đầy khổ nhọc vầy,
Mà người xao lãng phụ thân này,
Chơi trò gian dối, thì ta hỏi,
Còn đợi gì ngoài ngục đọa đày?

83. Kẻ nào tài sản quá mê say,
Tài sản mất đi cũng có ngày,
Còn kẻ thờ ơ xao lãng mẹ,
Hối hận vì tai hại đắng cay.

84. Kẻ nào tài sản quá mê say,
Tài sản mất đi cũng có ngày,
Còn kẻ thờ ơ thân phụ nó,
Hối hận vì tai hại đắng cay.

85. An vui nhàn nhã, với cười đùa,
Giải trí, là tài sản tại gia
Của kẻ chăm lo đầy tận tụy
Mẫu thân khi tuổi tác già nua.

86. An vui nhàn nhã, với cười đùa,
Giải trí, là tài sản tại gia
Của kẻ chăm lo đầy tận tụy
Phụ thân khi tuổi tác già nua.

87. Quà tặng cùng lời nói dễ thương,
Ân cần phục vụ cạnh song đường,
Nhiệt tình tâm trí luôn bình đẳng
Bày tỏ đúng thời, đúng chốn luôn.

88. Những đức tính này đối thế nhân,
Giống như mấu trục bánh xe lăn,
Nếu không có chúng, thì tên mẹ
Sẽ phải cầu xin với các con.

89. Từ mẫu cũng như nghiêm phụ ta
Phải đều được kính trọng tôn thờ,
Hiền nhân tán thán người nào có
Những đức tính này tỏ lộ ra.

90. Song thân như vậy đáng tuyên dương,
Giữ địa vị cao cả khác thường,
Được gọi "Phạm thiên" do cổ đức,
Uy danh hai vị lớn khôn lường.

91. Song thân hiền phải được tôn vinh
Xứng đáng từ con cái của mình,
Người dưỡng mẹ cha theo chánh hạnh
Là người có trí tuệ thông minh.

92. Đem dâng thức uống với đồ ăn
Sàng tọa và y phục xứng phần,
Phải tắm mẹ cha, dầu tẩm ướt,
Rửa cho sạch sẽ cả đôi chân.

93. Bậc trí tán dương các việc trên,
Làm con phụng sự mẹ cha hiền,
Hân hoan tràn ngập trên trần thế,
Thân hoại, an vui hưởng cõi thiên.

Như vậy bậc Đại Sĩ chấm dứt Pháp thoại khác nào làm cho núi Sineru (Tu-di) rung chuyển. Nghe ngài nói, tất cả các quốc vương cùng đoàn tùy tùng đến trở thành những kẻ mộ đạo. Vì vậy sau đó an trú hội chúng vào Ngũ giới và khuyến giáo họ tính cần bố thí cùng các đức tính tương tự, ngài bảo họ ra về.

Sau khi cai trị quốc độ một cách chân chánh, vào cuối đời tất cả các vua ấy đều đi lên cộng trú với chư Thiên. Hai Hiền giả Sona và Nanda suốt đời sống phụng sự cha mẹ và về sau được sinh Phạm thiên giới. Đến đây bậc Đạo sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Thánh Đế và nhận diện Tiền thân. Lúc kết thúc các Thánh Đế, vị Tỳ kheo phụng dưỡng mẹ được an trú vào Sơ quả Dự lưu:

- Thời ấy, song thân là phụ mẫu trong hoàng gia, Hiền giả Nanda là Ànanda, vua Manoja là Sàriputta, một trăm lẻ một vị vua là tám mươi đại Trưởng lão và một số vị khác, hai mươi bốn đạo quân là đệ tử đức Phật, còn Hiền giả Sona chính là Ta.
-
Bài đọc thêm: Hiếu tử thợ gốm Ghatìkàra
Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya)

81. Kinh Ghatìkàra (Ghatìkàra sutta)

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn đi du hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỳ kheo.
Rồi Thế Tôn bước xuống bên lề đường, đến tại một địa điểm rồi mỉm cười. Tôn giả Ananda suy nghĩ: "Do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại mỉm cười. Không phải không lý do, Như Lai lại mỉm cười". Rồi Tôn giả Ananda đắp y về phía một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì Thế Tôn lại mỉm cười? Không phải không lý do, Như Lai lại mỉm cười.

- Thuở xưa này Ananda, tại địa điểm này là một thị trấn tên là Vebhalinga, phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sống ở đây, dựa vào thị trấn Vebhalinga. Ở đây, này Ananda, là tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính tại đây, này Ananda. Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ngồi giảng dạy cho chúng Tỳ kheo.

Rồi Tôn giả Ananda gấp tư y sanghati (tăng-già-lê), trải ra rồi bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, thỉnh Thế Tôn ngồi xuống. Chính tại địa điểm này, hai bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sẽ sử dụng.

Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

- Thuở xưa, này Ananda, tại địa điểm này là thị trấn tên Vebhalinga, phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã sống dựa vào thị trấn Vebhalinga. Chính tại đây, này Ananda, là tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính tại đây, này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ngồi giảng dạy cho chúng Tỳ kheo.

Này Ananda, chính tại thị trấn Vebhalinga, có người thợ làm đồ gốm tên là Ghatikara, người này là người đàn tín của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vị đàn tín đệ nhất. Thanh niên Jotipala là người bạn chí thân của thợ gốm Ghatikara. Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:

- Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy".

Khi nghe nói vậy, này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:

- Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?"

Lần thứ hai, này Ananda... Lần thứ ba, này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:

- Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy.

Lần thứ ba này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:

- Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?

- Vậy này bạn Jotipala, hãy cầm đồ gãi lưng và bột tắm, chúng ta hãy đi đến sông để tắm.

- Thưa bạn, vâng.

Này Ananda, thanh niên Jotipala vâng đáp thợ gốm Ghatikara như vậy.

Thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala lấy đồ gãi lưng và bột tắm, đi đến sông để tắm. Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:

- Này bạn Jotipala, chỗ này cách tu viện Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không bao xa. Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy.

Khi nghe nói vậy, này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:

- Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?

Lần thứ hai, này Ananda,... lần thứ ba này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:

- Này bạn Jotipala, chỗ này cách tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không bao xa. Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy".

Lần thứ ba, này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:

- Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?
Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara nắm lấy thanh niên Jotipala ở nơi cổ tay áo và nói:

- Này bạn Jotipala, chỗ này cách tu viện Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không bao xa. Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy".

Rồi này Ananda, sau khi gỡ thoát cổ áo, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:

- Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến vị Sa-môn đầu trọc ấy để làm gì?

Rồi thợ gốm Ghatikara nắm lấy tóc vừa mới tắm xong của thanh niên Jotipala và nói:

- Này bạn Jotipala, chỗ này cách tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không bao xa. Này bạn Jotipala chúng ta hãy đi, chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

Rồi này Ananda, thanh niên Jotipala suy nghĩ như sau: "Thật là vi diệu! Thật là hy hữu! Thợ gốm Ghatikara tuy sinh thuộc hạ cấp, lại dám nghĩ có thể nắm lấy tóc của ta, dầu ta vừa mới gội đầu, chắc việc này không phải là tầm thường", rồi nói với thợ gốm Ghatikara:

- Này bạn Ghatikara, có thật sự là cần thiết không?

- Này bạn Jotipala, thật sự là cần thiết. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

- Vậy bạn Ghatikara, hãy thả (tay) ra. Chúng ta sẽ đi.

Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala cùng đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sau khi đến, thợ gốm Ghatikara đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác rồi ngồi xuống một bên. Còn thanh niên Jotipala thời nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, này Ananda, thợ gốm Ghatikara bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác:

- Bạch Thế Tôn, đây là thanh niên Jotipala, bạn của con, bạn thân tình của con. Mong Thế Tôn thuyết pháp cho bạn con.

Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, với pháp thoại khích lệ làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala. Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala, sau khi được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác với pháp thoại, khích lệ, làm cho thích thú, phấn khởi, hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Rồi này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:

- Này bạn Ghatikara, khi nghe pháp này, vì sao bạn không xuất gia?

- Này bạn Jotipala, bạn không biết tôi sao? Tôi phải nuôi dưỡng cha mẹ già và mù lòa.

- Vậy này bạn Ghatikara, tôi sẽ xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, này Ananda, thợ gốm Ghatikara bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác:

- Bạch Thế Tôn, đây là thanh niên Jotipala, bạn của con, bạn thân tình của con. Mong Thế Tôn xuất gia cho bạn con.

Và này Ananda, thanh niên Jotipala được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác cho xuất gia, cho thọ đại giới. Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi thanh niên Jotipala xuất gia chưa bao lâu, sau nửa tháng, sau khi ở tại Vebhalinga lâu cho đến khi thấy tự thỏa mãn, liền du hành đi đến Baranasi. Ngài tuần tự du hành và đến tại Baranasi (Ba-la-nại). Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trú tại Baranasi, ở Isipatana, vườn Lộc Uyển.

Này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi được nghe như sau: "Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến Baranasi, trú tại Baranasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi này Ananda, Kiki, vua nước Kasi cho thắng các cỗ xe tối thù thắng, sau khi tự mình leo lên một cỗ xe thù thắng với các cỗ xe thù thắng đi ra khỏi thành Baranasi với đại uy vệ của nhà vua để yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. 

Vua đi xe cho đến chỗ nào còn đi được xe, rồi xuống xe đi bộ, đi đến chỗ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vua ngồi xuống một bên. Này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác với pháp thoại, khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Kiki, vua xứ Kasi, đang ngồi một bên.

Rồi Kiki, vua xứ Kasi, sau khi được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác với pháp thoại khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác:

- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời con mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỳ kheo.

Và này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác im lặng nhận lời. Rồi này Ananda, sau khi được biết Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nhận lời, Kiki, vua xứ Kasi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Và này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, sau khi đêm ấy đã mãn, tại trú xứ của mình, cho bày biện các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, cơm vàng khô, các loại cari, các hột đen được gạn bỏ và các món ăn gia vị, rồi báo thời giờ cho Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được biết:

- Bạch Thế Tôn giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng.

Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Kiki, vua xứ Kasi, sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cùng với chúng Tỳ kheo. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi tự tay thân hầu và làm cho thỏa mãn chúng Tỳ kheo với đức Phật là vị cầm đầu, các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, khi Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã ăn xong, tay đã rời khỏi bát, lấy một ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác:

- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con an cư mùa mưa tại Baranasi; sẽ có sự cúng dường như vậy cho chúng Tỳ kheo.

- Thôi vừa rồi, Ðại vương, Ta đã nhận lời an cư mùa mưa rồi.

Lần thứ hai, này Ananda,... Lần thứ ba, này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác:

- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con, an cư mùa mưa tại Baranasi; sẽ có sự cúng dường như vậy cho chúng Tỳ kheo.

- Thôi vừa rồi, Ðại vương, Ta đã nhận lời an cư trong mùa mưa rồi.

Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, suy nghĩ như sau: "Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không nhận lời mời của ta an cư mùa mưa ở Baranasi", vì vậy cảm thấy thất vọng, ưu phiền. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có người đàn tín hộ trì hơn con?

- Ðại vương, có một thị trấn tên là Vebhalinga. Tại đấy có thợ gốm tên là Ghatikara. Người ấy là đàn tín hộ trì của Ta, một đàn tín hộ trì tối thượng. Ðại vương, Ðại vương có nghĩ như sau: "Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không nhận lời mời của ta an cư mùa mưa ở Baranasi", do vậy, Ðại vương cảm thấy thất vọng, ưu phiền. Nhưng thợ gốm Ghatikara không có như vậy và không sợ như vậy. 

Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara thành tựu lòng tin bất thối chuyển đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, thành tựu các giới được bậc Thánh ái lạc. Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara không có nghi ngờ đối với Khổ, không có nghi ngờ đối với Khổ tập, không có nghi ngờ đối với Khổ diệt, không có nghi ngờ đối với con đường đưa đến khổ diệt. 

Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh, có giới hạnh, theo thiện pháp. Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara từ bỏ ngọc và vàng, không có vàng và bạc. Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara không có tự tay đào đất hay đào với cái cuốc. Vị này vui lòng làm thành ghè bát với đất lấy từ bờ đê bị sập xuống hay do chuột và chó đào lên và nói như sau: "Ở đây, nếu ai muốn, hãy bỏ vào từng nhúm các loại gạo có vỏ, từng nhúm các loại đậu que (mugga), từng nhúm các loại đậu hột (kalaya) và có thể lấy cái gì mình muốn". 

Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara nuôi dưỡng cha mẹ già và mù lòa. Này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết bàn từ chỗ ấy, không phải trở lui đời này nữa.

"Một thời, này Ðại vương, Ta ở tại thị trấn Vabhalinga. Rồi này Ðại vương, Ta vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến cha mẹ của thợ gốm Ghatikara, sau khi đến nói với cha mẹ thợ gốm Ghatikara như sau:

- Người thợ làm đồ gốm đi đâu?

- Bạch Thế Tôn, người đàn tín hộ trì cho Thế Tôn đã đi khỏi và có dặn như sau: Hãy lấy cháo từ nơi nồi, hãy lấy đồ ăn từ nơi chảo mà dùng.

"Rồi Ta, này Ðại vương, sau khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi. Rồi này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara đi đến cha mẹ, sau khi đến, nói với cha mẹ như sau:

- Ai đã lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi?

- Này con, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi.

"Rồi này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara suy nghĩ như sau: "Thật là lợi ích cho ta, thật là khéo lợi ích cho ta, đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tin tưởng ta như vậy". Rồi này Ðại vương, cho đến nửa tháng, hỷ lạc không rời khỏi thợ gốm Ghatikara, hay cho đến một tuần (không rời khỏi) cha mẹ (người thợ gốm).

"Một thời, này Ðại Vương. Ta trú ở thị trấn Vebhalinga, lúc bấy giờ, các cốc bị mưa dột, rồi Ta, này Ðại vương, gọi các Tỳ kheo:

- Hãy đi, này các Tỳ kheo và xem tại nhà của thợ gốm Ghatikara có cỏ hay không?

"Khi được nghe nói vậy, này Ðại vương, các Tỳ kheo bạch với Ta:

- Bạch Thế Tôn, tại nhà của thợ gốm Ghatikara không có cỏ, nhưng nhà người ấy có mái cỏ.

- Này các Tỳ kheo, hãy đi và rút cỏ từ ngôi nhà thợ gốm Ghatikara.

"Rồi này Ðại vương, các Tỳ kheo ấy rút cỏ từ ngôi nhà thợ gốm Ghatikara. Này Ðại vương, cha mẹ thợ gốm Ghatikara nói với các Tỳ kheo ấy:

- Quý vị là ai lại rút cỏ ngôi nhà?

- Này Ðại tỷ, ngôi nhà của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác bị mưa dột.

- Hãy lấy đi, chư Hiền giả! Hãy lấy đi, chư Hiền giả!

"Rồi này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara đi đến cha mẹ, sau khi đến thưa với cha mẹ như sau:

- Những ai đã rút cỏ khỏi ngôi nhà?

- Này con, các Tỳ kheo có nói: Ngôi nhà của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác bị mưa dột.

"Rồi này Ðại vương, thợ gốm Ghatikara suy nghĩ như sau: "Thật là lợi ích cho ta, thật là khéo lợi ích cho ta đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tin tưởng ta như vậy".

"Rồi này Ðại vương, cho đến nửa tháng, hỷ lạc không rời khỏi thợ gốm Ghatikara, hay cho đến một tuần, (không rời khỏi) cha mẹ thợ gốm. Rồi suốt cả ba tháng trời, ngôi nhà đứng lấy bầu trời làm mái, nhưng không có mưa rơi vào. Và như vậy, này Ðại vương, là người thợ gốm Ghatikara.

- Lợi ích thay, bạch Thế Tôn, cho thợ gốm Ghatikara; thật khéo lợi ích thay, bạch Thế Tôn cho thợ gốm Ghatikara, đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tin tưởng!

Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, cho người đưa đến thợ gốm Ghatikara, khoảng năm trăm xe gạo có vỏ, gạo vàng khô và các món đồ ăn. Rồi này Ananda, những người nhà vua cử đi đến thợ gốm Ghatikara và nói:

- Này Tôn giả, năm trăm xe gạo có vỏ, gạo vàng khô và các món đồ ăn này, do Kiki, vua xứ Kasi, gởi đến cho Tôn giả, mong Tôn giả hãy nhận lấy".

- Nhà vua rất nhiều phận sự, rất nhiều việc cần phải làm. Thật là vừa đủ cho tôi, được nhà vua nghĩ đến như thế này".

- Này Ananda, rất có thể ông suy nghĩ như sau: "Lúc bây giờ, thanh niên Jotipala có thể là một người khác". Nhưng này Ananda, chớ có nghĩ như vậy. Lúc bấy giờ, Ta chính là thanh niên Jotipala.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

(Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)
Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung81.htm

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm