Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 06/04/2014, 14:46 PM

Nền tảng căn bản của nhận thức và hành động tích cực

Chính kiến và Chính niệm, hai chi phần quan trọng và thiết yếu của bát chính đạo là nền tảng căn bản của nhận thức và hành động tích cực đưa đến an vui, hạnh phúc.

CHÍNH KIẾN

Theo nghĩa thông thường, chính kiến hay chính tri kiến là thấy biết chân chính, đúng đắn. chính kiến thuộc về nhận thức. người có chính kiến là người có nhận thức, hiểu biết chân chính, đúng đắn. Có nhận thức chân chính mới dẫn đến suy nghĩ chân chính (Chính tư duy), lời nói chân chính (Chính ngữ) và hành động, việc làm chân chính, đời sống chân chính (Chính nghiệp, Chính mạng). Nhưng, như thế nào là nhận thức chân chính, đúng đắn mà đức Phật đề cập đến? Đây mới là vấn đề quan trọng. 

Mỗi tôn giáo, học thuyết có chủ trương, lập trường quan điểm của riêng mình, ai cũng cho rằng quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, về đạo đức của mình là đúng đắn, là chân lý. Vì thế khi chỉ nói chính kiến là nhận thức chân chính, đúng đắn mà không nói như thế nào mới được gọi là chân chính, đúng đắn thì không khéo rơi vào chỗ lầm lạc vì mọi người diễn giải theo lập trường quan điểm của riêng mình.

Theo Phật giáo, chính kiến hay nhận thức chân chính, đúng đắn là nhận thức phù hợp với chân lý, sự thật về bản chất và quy luật của vũ trụ vạn hữu; là nhận thức tích cực hướng đời sống đến an vui, hạnh phúc, không còn phiền não, khổ đau.

Trong các kinh chánh kiến (kinh số 9 thuộc Trung Bộ I), kinh Ma ha Cattarisanka (kinh số 114 thuộc Trung Bộ III), kinh Thánh đạo (kinh 189 thuộc Trung A hàm), đức Phật có nói rõ thế nào là chính kiến hay chính tri kiến: chính kiến là biết rõ thiện và bất thiện, chính kiến là biết rõ Tứ đế (Bốn chân lý: khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ hay an lạc, giải thoát, Niết bàn và con đường chấm dứt khổ), chính kiến là biết rõ Duyên khởi, Vô ngã, Chính kiến là biết rõ về con người ngũ uẩn và thế giới ngũ uẩn. Đó mới chính là nhận thức đưa đến an lạc, giải thoát, đoạn tận khổ đau, được xem là nhận thức tích cực, chân chính, đúng đắn.

Trong kinh Chính tri kiến (kinh số 9 thuộc Trung Bộ I), Tôn giả Xá Lợi  Phất (Sàriputta) thuyết giảng cho các thầy Tỳ kheo nghe về chính kiến hay chính tri kiến và giải thích như thế nào là một Thánh đệ tử có chính tri kiến. Sau đây là một đoạn trích từ kinh chính tri kiến nói về chính kiến đối với thiện và bất thiện, chính kiến đối với Tứ đế (Tứ Thánh đế), chính kiến đối với bốn loại thức ăn:

*Đối với thiện và bất thiện: “Khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện, tuệ tri căn bản bất thiện; tuệ tri thiện, tuệ tri căn bản thiện, khi ấy Thánh đệ tử có Chính tri kiến, có tri kiến chính trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp. Và nhờ vậy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến, mạn tùy miên “Tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Bất thiện là sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói dối, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm, tham dục, sân, tà kiến. Căn bản bất thiện là tham, sân, si. Thiện là không sát sinh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói phù phiếm, không tham dục, không sân, không si mê tà kiến. Căn bản thiện là không tham, không sân, không si”

(Dàn bài và nội dung kinh Trung Bộ I, HT.Thích Minh Châu, Thiền viện Vạn Hạnh, 1998)
 
*Đối với Tứ đế: “Khi nào Thánh đệ tử tuệ tri khổ, tuệ tri sự tập khởi của khổ, tuệ tri sự đoạn diệt khổ, tuệ tri con đường đưa đến sự đoạn diệt của khổ, khi ấy Thánh đệ tử có Chính tri kiến. Thế nào là khổ? Sinh, già, bệnh, chết là khổ; sầu bi khổ ưu não là khổ; cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ. Thế nào là sự tập khởi của khổ? Chính là ái đưa đến tái sinh, cùng khởi hỷ dục và tham, hướng đến tái sinh, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Thế nào là sự đoạn diệt của khổ? Đó là sự đoạn diệt, ly tham, không có dư tàn, sự từ bỏ, sự giải thoát, sự vô chấp khát ái ấy. Thế nào là con đường đưa đến sự đoạn diệt của khổ? Chính là Thánh đạo tám ngành (Bát Chính đạo) đưa đến khổ diệt”

(Dàn bài và nội dung kinh Trung Bộ I, HT.Thích Minh Châu, Thiền viện Vạn Hạnh, 1998)

*Đối với bốn loại thức ăn: “Khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn, tuệ tri sự tập khởi của thức ăn, tuệ tri sự đoạn diệt của thức ăn, tuệ tri con đường đưa đến sự đoạn diệt của thức ăn, khi ấy Thánh đệ tử có Chính tri kiến…Nhờ vậy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham, sân, kiến, mạn tùy miên.

Có bốn loại thức ăn khiến các loài chúng sinh đã sinh được an trú hay các loài hữu tình sẽ sinh được hỗ trợ cho sinh, đó là đoàn thực, loại thô hay loại tế, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Thế nào là sự tập khởi của thức ăn? Từ sự tập khởi của ái, có sự tập khởi của thức ăn. Thế nào là sự đoạn diệt của thức ăn? Từ sự đoạn diệt của ái, có sự đoạn diệt của thức ăn. Thế nào là con đường đưa đến sự đoạn diệt của thức ăn? Thánh đạo tám ngành (Bát Chính đạo) là con đường đưa đến sự đoạn diệt của thức ăn”.

(Dàn bài và nội dung kinh Trung Bộ I, HT.Thích Minh Châu, Thiền viện Vạn Hạnh, 1998)

như thế thì chính kiến là nhận biết đúng về bản chất của con người và thế giới, tất cả sự vật hiện tượng mà đạo Phật gọi chung là vạn pháp, bản chất đó là vô thường, vô ngã, duyên sinh; chính kiến là nhận biết rõ về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ, hạnh phúc chơn thật và con đường đưa đến hết khổ hay hạnh phúc chơn thật đó. chính kiến là thấy biết tích cực đưa đến sự giải thóat khỏi các tà kiến, làm nền tảng cho mọi tư duy, hành động, con đường tu tập chuyển hóa để thành tựu Giới (đạo đức chơn chánh hay Thánh hạnh, phạm hạnh); Định (thiền định chơn chánh) và Tuệ giải thoát (trí tuệ siêu việt của sự giác ngộ tối thượng đoạn trừ tất cả phiền não khổ đau).

Trong bát chính đạo, chính kiến đứng đầu, vì chính kiến là cơ sở hiểu biết tích cực, là nền tảng của các chi phần còn lại. có chính kiến định hướng cho mọi tư duy, hành động thì con người mới có đời sống chân chính, và sự tu tập mới đạt được mục đích thật sự, đó là chân hạnh phúc, giải thoát khỏi phiền não khổ đau, an lạc, niết bàn. có chính kiến mới có chính tư duy (suy nghĩ chân chánh), chính ngữ (lời nói chân chính), chính nghiệp (hành động chân chính), chính mạng (đời sống chân chính, nghề nghiệp chân chính), chính tinh tấn (sự siêng năng tinh tấn tích cực, đúng đắn; sự nỗ lực chân chính), chính niệm (sự chú tâm, ghi nhớ, quán chiếu chân chính) và chính định (thiền định chân chính). Không có chính kiến thì rơi vào tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định.

Ví dụ như người tu thiền định nếu không có chính kiến thì rơi vào phàm phu định, tà định, dù có tu bao lâu, thành tựu nhiều (về định lực, thần thông) cũng không thể đạt được mục đích của người tu Phật đạo, có nghĩa là không thể đạt được tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không đạt được cứu cánh viên mãn, tức giải thóat khỏi mọi phiền não khổ đau, chứng nhập niết bàn an lạc. như thế nào là tu thiền định có chính kiến? Đó là chú tâm, tĩnh lự, tư duy, quán chiếu trên nền tảng vô ngã, vô thường, duyên sinh; trên nền tảng Khổ, Tập, Diệt, Đạo v.v.. (Xin xem lại nội dung Chánh kiến đã nói ở phần trên).

CHÍNH NIỆM

Chính niệm là tác ý, nhớ nghĩ những điều chân chính, đúng đắn, tích cực, hướng thượng, không để tâm ý vào những điều xấu, ác, bất thiện, tiêu cực. chính kiến, chính niệm thuộc về nhận thức, hoạt động nhận thức.

Chính niệm được xây dựng trên cơ sở chính kiến, làm cho chính kiến thêm vững chắc. Người có chính niệm luôn an trú tâm ý vào sự nhận biết đúng đắn (Chính kiến), an trú tâm ý vào thiện pháp, không quên thiện pháp, không nhớ nghĩ các pháp bất thiện, không để tâm ý đi lang thang theo các đối tượng bất thiện, vướng mắc vào các đối tượng bất thiện.

Có nhiều bài kinh Đức Phật dạy về cách tu tập chánh niệm. Trong kinh Niệm Xứ (kinh số 10 thuộc Trung Bộ I), Đức Phật dạy các thầy Tỳ kheo nên thường nhớ nghĩ, quán chiếu 4 đối tượng được xem là bốn đề tài, đề mục (Niệm xứ có nghĩa là chỗ chú tâm, nhớ nghĩ đến): thân thể, cảm thọ, tâm thức và các pháp. Đức Phật dạy: Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn, đó là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

1. Tỳ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

2. Tỳ kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

3. Tỳ kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

4. Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

(Dàn bài và nội dung kinh Trung Bộ I, HT.Thích Minh Châu, Thiền viện Vạn Hạnh, 1998. Hoặc xem thêm kinh Niệm Xứ số 10, thuộc Trung Bộ I, bản dịch của HT.Thích Minh Châu)

Bốn đề mục quán niệm (Tứ Niệm xứ) nói trên còn được đề cập đến trong các kinh nhập tức xuất tức niệm (Niệm hơi thở vô hơi thở ra, kinh số 118 thuộc Trung Bộ III), kinh Thân hành niệm (kinh số 119 thuộc Trung Bộ III) và một số bài kinh khác.

Thanh tịnh đạo luận có nói: “Khi hành giả nỗ lực quán niệm 4 đề mục: thân thể, cảm thọ, tâm ý và các đối tượng của tâm ý (các pháp), sự ghi nhớ trong tâm không quên lãng tương ưng với chính kiến, rũ bỏ tà niệm thì gọi là chính niệm”

Nếu hành giả luôn chú tâm, ghi nhớ, tư duy, quán chiếu 4 đề mục nói trên sẽ thành tựu được chính niệm, loại trừ được 4 tà niệm:

1. Cho rằng thân thể là thanh tịnh, tốt đẹp đáng được yêu chuộng, ưa thích trong khi thân thể vốn bất tịnh do các duyên giả hợp mà thành.

2. Cho rằng các cảm thọ (cảm giác, cảm nhận, gồm có lạc thọ, khổ thọ và bất khổ, bất lạc thọ) là thật nên tham đắm, mến trìu, hoặc chán ghét v.v.. nhưng  tất  cả cảm giác, cảm nhận đều do duyên sinh không thực thể, không nhất định.

3.Cho rằng tâm thức là trường tồn, bất biến  (chấp thường) trong khi tâm thức luôn thay đổi, vô thường.

4. Cho rằng vạn hữu là thật có, là hữu ngã, có thật tính trong khi thế giới sự vật hiện tượng là duyên sinh vô ngã, luôn chuyển biến, đổi thay.

Sống có chính niệm, tinh tấn tu tập chính niệm (xin xem phương pháp tu tập được trình bày cụ thể trong các kinh Niệm xứ (kinh số 10 thuộc Trung Bộ I), kinh Thân hành niệm (kinh số 119 thuộc Trung Bộ III), kinh Niệm hơi thở vô hơi thở ra (kinh số 118 thuộc Trung Bộ III) chính là sống và tu tập trên cơ sở chính kiến: thấy biết rõ ràng, sâu sắc về bản chất của thân thể, cảm thọ, tâm thức và các đối tượng của tâm thức là duyên sinh, vô ngã, vô thường, từ đó dần dần thành tựu chính định và tuệ giải thoát, xa lìa tham ái, chấp thủ, cởi bỏ mọi phiền não khổ đau.

Phan Minh Đức
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo số 2 năm 2014
-
Chú thích:
Tùy miên: tên khác của phiền não. Theo kinh Tăng Chi Bộ, chương Bảy pháp, phẩm Tùy miên nói: Có 7 tùy miên: dục tham tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên.

Khát ái: bao gồm dục ái, hữu ái và vô hữu ái, là những ham muốn trong ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Khát ái là nguồn gốc của khổ đau, luân hồi sinh tử.

Năm thủ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, hiện tại, vị lai được chấp thủ.

Đoàn thực: thức ăn làm bằng động vật hay thực vật được cơ thể dung nạp qua đường miệng.

Xúc thực: những cảm giác, cảm nhận khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (màu sắc, hình dáng; âm thanh; các mùi; các vị; các cảm giác khi tiếp xúc, va chạm; các sự vật hiện tượng vật lý và tâm lý).

Thức thực: những nhận thức, hiểu biết, phân biệt khi căn và trần tiếp xúc với nhau, gồm có nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

Tư niệm thực: những hồi ức, suy tư, nghĩ tưởng, mơ ước, mong muốn, khát vọng.

Đoàn thực, Xúc thực, thức thực, tư niệm thực được xem là những loại thức ăn nuôi dưỡng đời sống vật chất và tinh thần của con người.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm