Thứ sáu, 01/12/2023, 19:50 PM

Nghi thức hộ niệm cầu an

Nghi thức này được sử dụng để đem lại sự an lành và vô úy cho những người đang bệnh hoặc gặp điều bất an trong cuộc sống và cho thân nhân của những người ấy.

ChapTay-1536x1025

1. Thiền Hành – 30 phút, sau khi được hướng dẫn

2. Thiền Tọa – 12 phút, sau khi được hướng dẫn

3. Dâng Hương

Đại chúng đứng chắp tay trước bàn thờ. Vị chủ lễ nâng hương lên và xướng kệ Dâng Hương sau ba tiếng chuông bắt đầu, trong khi mọi người quán tưởng theo lời kệ:

Nguyện khói hương thơm này

Cung thỉnh được Thế Tôn

Có mặt với chúng con

Nơi đạo tràng ở đây

Trong giây phút hiện tại.

Nguyện khói hương thơm này

Tỏa ngát cả mười phương

Thanh tịnh chốn đạo tràng

Giúp chúng con duy trì

Chánh kiến chánh tư duy.

Nguyện khói hương thơm này

Bảo hộ cho chúng con

Vững chãi và thảnh thơi

Hiểu nhau và thương nhau

Bây giờ và mãi mãi.

Hương Giới, Định và Tuệ

Là tâm hương nhiệm mầu

Chúng con kính dâng lên

Chư Bụt và Bồ Tát

Trong thế giới mười phương

Nguyện mọi loài chúng sanh

Thấy được ánh đạo vàng

Ly khai nẻo sanh tử

Hướng về nẻo bồ đề

Giải thoát mọi khổ đau

Thường trú trong an lạc.

Nam mô Đức Bồ Tát Cúng Dường Hương. (C)

4. Tán Dương

Hương đã cắm vào bình, vị chủ lễ xướng, đại chúng chắp tay quán tưởng theo:

Xinh tốt như hoa sen

Rạng ngời như Bắc Đẩu

Xin quay về nương náu

Bậc thầy của nhân, thiên.

Sen quý nở đài giác ngộ

Hào quang chiếu rạng mười phương

Trí tuệ vượt tầm pháp giới

Từ bi thấm nhuận non sông

Vừa thấy dung nhan Điều ngự

Trăm ngàn phiền não sạch không

Hướng về tán dương công đức

Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (C)

5. Lạy Bụt

Vị chủ lễ xướng các danh hiệu sau đây, và đại chúng lạy xuống một lạy theo tiếng chuông gia trì sau mỗi danh hiệu:

Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp và Tăng thường trụ trong mười phương (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương (C)

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc đến Việt Nam. (CC)

6. Khai Kinh

Đại chúng an tọa trên tọa cụ thành hai hàng đối diện nhau. Duy Na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Vị chủ lễ xướng kệ khai kinh

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)

Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm

Cơ duyên may được thọ trì

Xin nguyện đi vào biển tuệ

Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)

7. Trì Tụng – đồng tụng

Nam mô Bụt, Bồ Tát và Thánh Tăng trên hội Pháp Hoa. (ba lần) (C)

Kinh Sức Mạnh Quan Âm (C)

“Thế Tôn muôn vẻ đẹp

Con xin hỏi lại Người

Bồ Tát kia vì sao

Tên là Quan Thế Âm?”

Bậc diệu tướng từ tôn

Trả lời Vô Tận Ý:

“Vì hạnh nguyện Quan Âm

Đáp ứng được muôn nơi.

“Lời thề rộng như biển

Vô lượng kiếp qua rồi

Đã theo ngàn muôn Bụt

Phát nguyện lớn thanh tịnh.

“Ai nghe danh, thấy hình

Mà tâm sanh chánh niệm

Thì thoát khổ mọi cõi

Đây nói sơ lược thôi.

“Nếu có ai ác ý

Xô vào hầm lửa lớn

Niệm sức mạnh Quan Âm

Hầm lửa biến hồ sen.

“Đang trôi giạt đại dương

Gặp nạn Rồng, Quỷ, Cá

Niệm sức mạnh Quan Âm

Sóng gió không nhận chìm.

“Đứng chóp núi Tu Di

Bị người ta xô ngã

Niệm sức mạnh Quan Âm

Như mặt trời trên không.

“Bị người dữ đuổi chạy

Rơi xuống núi Kim Cương

Niệm sức mạnh Quan Âm

Không hao một mảy lông.

“Bị oán tặc vây hãm

Cầm đao thương sát hại

Niệm sức mạnh Quan Âm

Oán tặc thấy thưong tình.

“Bị khổ nạn vua quan

Sắp sửa bị gia hình

Niệm sức mạnh Quan Âm

Đao kiếm gãy từng khúc.

“Nơi tù ngục xiềng xích

Chân tay bị gông cùm

Niệm sức mạnh Quan Âm

Được tháo gỡ tự do.

“Gặp thuốc độc, trù, ếm

Nguy hại đến thân mình

Niệm sức mạnh Quan Âm

Người gây lại gánh chịu.

“Gặp La Sát hung dữ

Rồng độc và quỷ ác

Niệm sức mạnh Quan Âm

Hết dám làm hại ta.

“Gặp ác thú vây quanh

Nanh vuốt thật hãi hùng

Niệm sức mạnh Quan Âm

Đều vội vàng bỏ chạy.

“Rắn độc và bò cạp

Lửa khói un hơi độc

Niệm sức mạnh Quan Âm

Theo tiếng tự lui về.

“Sấm sét, mây, điện, chớp

Mưa đá tuôn xối xả

Niệm sức mạnh Quan Âm

Đều kịp thời tiêu tán.

“Chúng sanh bị khốn ách

Vô lượng khổ bức thân

Trí lực mầu Quan Âm

Cứu đời muôn vạn cách.

“Trí phương tiện quảng đại

Đầy đủ sức thần thông

Mười phương trong các cõi

Không đâu không hiện thân.

“Những nẻo về xấu ác

Địa ngục, quỷ, súc sinh

Khổ sinh, lão, bệnh, tử

Cũng từ từ dứt sạch.

“Quán Chân, quán Thanh Tịnh

Quán Trí Tuệ rộng lớn

Quán Bi và quán Từ

Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng.

“Quán Vô Cấu, Thanh Tịnh

Mặt trời Tuệ phá ám

Điều phục nạn, gió, lửa

Chiếu sáng khắp thế gian.

“Tâm Bi như sấm động

Lòng Từ như mây hiền

Pháp cam lộ mưa xuống

Dập trừ lửa phiền não.

“Nơi án tòa kiện tụng

Chốn quân sự hãi hùng

Niệm sức mạnh Quan Âm

Oán thù đều tiêu tán.

“Tiếng Nhiệm, tiếng Quan Âm

Tiếng Phạm, tiếng Hải Triều

Tiếng Vượt Thoát Tiếng Đời

Hãy thường nên quán niệm.

“Từng niệm không nghi ngờ

Trong ách nạn khổ chết.

Quan Âm là tịnh thánh

Là nơi cần nương tựa.

“Đầy đủ mọi công đức

Mắt thương nhìn thế gian

Biển Phước chứa vô cùng

Nên ta cần đảnh lễ.”

Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm. (ba lần) (CC)

8. Khai Thị

Đại chúng tập họp hôm nay để đọc kinh niệm Bụt hộ niệm và cầu an cho (ông, bà) có thân nhân, con cháu và thân hữu của (ông, bà) tham dự trong việc hộ niệm.

Xin đại chúng lắng nghe: một tâm niệm an lành được phát khởi có thể soi sáng cho cả thế giới ta bà. Chúng ta đã tập họp hôm nay để thắp sáng tâm niệm an lành trong mỗi chúng ta, bằng thiền tọa, thiền hành, tụng kinh và niệm Bụt để thiết lập cảm ứng và tiếp nhận chất liệu đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, vô uý làm động lực chuyển hóa tình trạng và đem lại an lành cho sự sống. Sự an lạc của thế giới tùy thuộc vào sự an lạc của chúng ta trong giờ phút này. Xin đại chúng nhất tâm niệm danh hiệu của Bụt và các vị Bồ Tát.

9. Niệm Bụt

(đồng tụng, mỗi danh hiệu ba lần)

Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni  (C)

Nam mô Bụt Dược Sư Lưu Ly (C)

Nam mô Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)

Nam mô Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)

Nam mô Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)

Nam mô Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương. (CC)

10. Trì Tụng

Trí tuệ bừng lên đóa biện tài

Đứng yên trên sóng sạch trần ai

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Hào quang quét sạnh buổi nguy tai

Liễu biếc phất bày muôn thế giới

Sen hồng nở hé vạn lâu đài

Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh

Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay.

Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm. (ba lần) (C)

Có câu chân ngôn mầu nhiệm xin đại chúng đồng tâm trì tụng:

Cúi đầu quy y Tô Tất Đế

Thành tâm đảnh lễ Thất Câu Chi

Chúng con xưng tán Đại Chuẩn Đề

Xin nguyện xót thương và gia hộ

Nam mô tát đa nẩm, tam miệu tam bồ đề, câu chi nẩm, đát điệt tha. Án, chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha. (ba lần) (C)

Nguyện ngày an lành đêm an lành

Đêm ngày sáu thời đều an lành

An lành trong mỗi giây mỗi phút

Cầu ơn Tam Bảo luôn che chở

Bốn loài sinh lên đất Tịnh

Ba cõi thác hóa tòa Sen

Hằng sa ngạ quỷ chứng Tam hiền

Vạn loại hữu tình lên Thập Địa.

Nam mô Bồ Tát Siêu Thập Địa. (ba lần) (C)

11. Hướng Về Kính Lạy

Hướng về kính lạy đức Như Lai

Hải đăng chiếu soi biển trần khổ

Xin đức Từ Bi xót thương nhiếp thọ

Chúng con hôm nay khẩn thiết nguyện quay về. (C)

Đệ tử chúng con

Bốn ơn mang nặng

Chưa dịp báo đền

Nhìn ra ba cõi bốn bên

Thấy muôn loài còn chìm trong khổ nạn

Bỗng giật mình kinh hãi

Biết rằng dù đã quay đầu nhìn lại

Vẫn thấy rằng bến Giác còn xa

May thay trong cõi Ta Bà

Đâu cũng có cánh tay đức Từ Bi cứu độ. (C)

Nay chúng con một lòng quay về nương tựa

Nguyền xin làm đệ tử đức Như Lai

Hợp nhất thân tâm

Quỳ dưới Phật đài

Buông hết trần tâm

Một lòng quy kính

Xin tiếp nhận diệu pháp

Tinh chuyên tu tập mỗi ngày

Nuôi giới định lớn lên

Quả Bồ Đề một mai thành tựu

Chúng con cầu hồng ân đêm ngày che chở

Cúi xin Bụt, Pháp và Tăng xót thương. (C)

Chúng con biết rõ

Tự thân nghiệp chướng còn nặng

Phúc đức còn mong manh

Tri giác vẫn thường hay sai lầm

Tuệ căn vẫn còn chưa vững chãi

Tâm nhiễm ô còn dễ phát khởi

Văn tư tu chưa thật sự vững bền

Giờ phút này ngưỡng vọng đài sen

Năm vóc cùng gieo xuống

Mong lượng Từ mở rộng

Chúng con xin trải hết lòng ra.(C)

Đệ tử chúng con

Từ muôn kiếp xa xưa

Vì không nhận diện được bản tâm thanh tịnh

Nên đã chạy theo trần cảnh

Ba nghiệp nhiễm ô

Đắm trong tham ái mê mờ

Ghét ghen hờn giận

Nay nhờ chuông đại hồng

khua vang tỉnh mộng

Quyết một lòng làm mới thân tâm

Bao nhiêu tội ác lỡ lầm

Nguyền xin hoàn toàn gột sạch.

Chúng con giờ phút này đây

Lập nguyện sâu dày

Xa lìa tập khí cũ

Suốt đời về nương tựa tăng thân

Xin Bụt đưa cánh tay ân cần

Từ bi nâng đỡ.

Nguyện trong khi thiền tập

Nguyện những lúc pháp đàm

Lúc đứng, khi đi

Nấu cơm, rửa bát

Nằm, ngồi, làm việc

Giặt áo, kinh hành

Trì niệm hồng danh

Thắp hương, lạy Bụt

Mỗi bước chân sẽ đem về an lạc

Mỗi nụ cười sẽ tỏa chiếu thảnh thơi

Sống chánh niệm trong mỗi phút giây

Là chỉ dạy cho người

Thấy con đường thoát khổ.

Nguyện thấy được Tịnh Độ

Dưới mỗi bước chân mình

Nguyện tiếp xúc Bản môn

Trong mỗi khi hành xử

Bước trên thật địa

Thở giữa chân không

Thắp lên trí sáng diệu tâm

Màn vô minh quét sạch.

Thân tâm tịnh lạc

Tư thái thong dong

Đến phút lâm chung

Lòng không luyến tiếc

Thân không đau nhức

Ý không hôn mê

Chánh niệm rõ ràng

Tĩnh lặng sáu căn

Buông bỏ báo thân

Như vào thiền định.

Nếu cần thọ sinh kiếp khác

Sẽ lại làm đệ tử đức Như Lai

Tiếp theo sự nghiệp cứu đời

Đưa mọi loài về bến Giác

Thành tựu ba thân, bốn trí

Sử dụng năm mắt, sáu thần thông

Hóa hiện ngàn vạn ứng thân

Có mặt một lần trong ba cõi

Ra vào tự tại

Hóa độ mọi loài

Không bỏ một ai

Tất cả đều đưa lên bờ không thối chuyển. (C)

Thế giới vô tận

Chúng sanh vô tận

Nghiệp và phiền não

Đều cũng vô tận

Nguyện con cũng thế

Sẽ là vô tận.

Con nay xin lạy Bụt phát nguyện

Tu trì công đức

Chia sẻ với muôn loài hữu tình

Để báo được trọn vẹn bốn ơn

Và giáo hóa khắp nơi trong ba cõi

Xin nguyện cùng tất cả mọi loài chúng sanh

Hoàn thành tuệ giác lớn. (CC)

12. Quay Về Nương Tựa

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)

Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.

Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.

Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)

Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người,

thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Đề.

Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người,

nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.

Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người,

xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)

13. Hồi Hướng

Cầu an pháp thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sinh mọi miền. (C)

Pháp môn xin nguyện học

Ân nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?

Kiến thức 09:15 04/12/2024

Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.

Xem thêm