Chủ nhật, 17/03/2024, 09:00 AM

Nghĩ về sự từ bỏ vĩ đại của Đức Phật để xem lại chúng ta đã “từ bỏ” được những gì?

Hôm nay nhân ngày kỷ niệm Đức Phật xuất mùng 8 tháng 2 ÂL, “ngày mà người yêu mến Đạo Phật không nên lãng quên”, Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm - Ủy viên Ban TTTT Trung ương GHPGVN; UVTT BTS, Trưởng ban TTTT Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã có buổi chia sẻ quý báu với Cổng thông tin PGVN.

Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm - Ủy viên Ban TTTT Trung ương GHPGVN; UVTT BTS, Trưởng ban TTTT Phật giáo tỉnh Tiền Giang.

Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm - Ủy viên Ban TTTT Trung ương GHPGVN; UVTT BTS, Trưởng ban TTTT Phật giáo tỉnh Tiền Giang.

PV: Nhân ngày kỷ niệm Đức Phật xuất gia mùng 8 tháng 2 Âm lịch, kính mong Ni sư chia sẻ thêm về ý nghĩa cao quý của ngày Đức Phật xuất gia.

Xuất gia tiếng Phạn là Pravrajya, là chỉ cho việc những người phát tâm tu theo Phật giáo, rời bỏ cuộc sống gia đình để chuyên tâm học đạo, hành hạnh giải thoát, không còn vướng bận bởi các pháp đối đãi ở thế gian. Việc xuất gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với một hành giả, bởi khi ấy người tu sĩ mới có đủ thời gian thực tập Giới và Định để thành tựu Tuệ giải thoát. Người xuất gia phải làm được ba điều:

- Ra khỏi nhà thế tục (xuất thế tục gia).

- Ra khỏi phiền não (xuất phiền não gia).

- Ra khỏi ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới (xuất tam giới gia).

Đối với ba điều này, không phải ai cũng làm được hết trong một đời hay làm được liền trong một lúc. Cho nên việc chúng ta thấy có vị tu sĩ như thế này, có vị như thế kia là điều dễ hiểu. Tuy nhiên nếu là người xuất gia thực thụ thì các vị ấy đều là đang đi trên lộ trình hướng đến Giải thoát Giác ngộ.

Chính vì có hành động nửa đêm vượt thành, băng sông để tìm Đạo của Thái tử Tất Đạt Đa nên mới có Đạo Phật và kho tàng triết lý tuyệt với của Ngài để lại cho chúng ta ngày nay. Cho nên là người yêu mến Đạo Phật chúng ta không nên lãng quên ngày lễ trọng đại này.

PV: Vào những ngày này, người Phật tử nên làm gì và tu học như thế nào là đúng Pháp để thể hiện lòng thành kính của mình đến với Đức Phật thưa Ni sư?

Sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ những sở hữu vật chất trong cuộc đời khi còn rất trẻ (theo sử liệu Bắc truyền thì khi ấy Ngài mới 19 tuổi) để dấn thân tìm ra con đường an lạc thực thụ, tìm ra chân lý giải thoát, giúp con người thoát khỏi những trói buộc nơi tự thân. Đây là việc làm rất hy hữu.

Chúng ta ngày nay có duyên được tìm hiểu giáo lý của Ngài, phát tâm hành theo những lời Ngài dạy. Những lần kỷ niệm ngày Đức Phật xuất gia, dù là người Tu sĩ hay Cư sĩ đều nên dành thời gian nhìn lại mình để xem lại tự thân chúng ta đã “từ bỏ” được những gì trong cuộc đời, từ đó tinh tấn hơn nữa trên bước đường tu tập.

Là Phật tử tại gia cũng nên đem những vật chất mình đang có chia sẻ bớt cho những người xung quanh, giúp đỡ những người đang gặp bất hạnh, đây là việc làm thiết thực. Mặt khác, những ngày này, nếu có điều kiện Phật tử nên dành thời gian đến chùa thực tập hạnh xuất gia (xuất gia gieo duyên) để thẩm thấu thêm về việc làm của Đức Phật. Cũng nên đến các chùa tham dự lễ kỷ niệm, cùng thắp nến nguyện cầu gia đạo bình an, quốc gia hưng thịnh, thế giới hòa bình, binh đao chấm dứt.v.v…

PV: Thưa Ni sư, được biết người quyết chí xuất gia, đi tu là ngược với dòng đời, đầy thử thách và vô vàn những khó khăn, hình ảnh người tu sĩ vẫn còn đẹp lắm, nhất là giữa nhịp sống hối hả hôm nay!

Nhưng không ít người có xu hướng thần tượng, “thần thánh hóa” về người tu sĩ, để rồi không tránh khỏi những trường hợp người tu sĩ không đẹp như những gì người ta “thần thánh hóa” thì lại buông lời phỉ báng, mạ lỵ, đánh mất sơ tâm, ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo. Ni sư có góc nhìn như thế nào về vấn đề này, với tư cách là “Sứ giả Như Lai”, Ni sư có lời khuyên nào dành cho Phật tử để có chánh kiến và giữ vững tín tâm của mình với đạo Pháp hay không?

Như đã nói ở phần trên, đối với ba ý nghĩa của sự Xuất gia, không phải ai cũng làm được hết trong một đời hay làm được liền trong một lúc. Cho nên việc chúng ta thấy có vị tu sĩ như thế này, có vị như thế kia là điều dễ hiểu. Tuy nhiên nếu là người xuất gia thực thụ thì các vị ấy đều là đang đi trên lộ trình hướng đến Giải thoát Giác ngộ.

Chư Tăng thì không phải là Phật mà là người đang đi trên lộ trình Đức Phật đã đi qua. Phần nhiều mọi người đều lấy nguyên mẫu của Đức Phật để so sánh với chư Tăng nên mới có những bình luận như vậy.

Trong thời đại công nghệ Internet phát triển như hiện nay, là người Phật tử phải càng thâm tín lời Đức Phật dạy qua câu chuyện sau đây:

Một hôm, Đức Phật cùng chư Tăng đến thị trấn Kesaputa thuộc vương quốc Kosala. Mọi người kéo đến rất đông để được thấy tôn nhan, hành lễ với Ngài và nghe pháp. Một người thưa: "Bạch Đức Thế tôn. Có nhiều vị Sa-môn và Bà-la-môn đến đây truyền đạo, vị nào cũng hết lời ca tụng đạo của mình và khuyên nhủ mọi người đi theo, đồng thời cũng ra sức chê bai, tỏ ý khinh miệt, dè bỉu đạo của các vị khác cũng như lời dạy của họ. Chúng con rất băn khoăn không biết lời vị nào đúng, đạo nào là chân lý và đạo nào không phải chân lý. Chúng con nên tin vị nào và theo đạo nào?".

Đức Phật đáp: "Này các thiện nam, tín nữ, các vị phân vân, nghi ngờ là điều tất yếu và hợp lý. Các vị không nên vội tin hay bác bỏ quan điểm của đạo nào khi chưa tìm hiểu đạo ấy một cách thấu đáo".

Nhân đó, Đức Phật cũng giảng giải cho các thiện nam tín nữ về 10 điều mà chúng ta không nên vội tin:

· Một, chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.

·Hai, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

·Ba, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.

·Bốn, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.

·Năm, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.

·Sáu, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.

·Bảy, chớ vội tin điều gì khi  nó căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

·Tám, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

·Chín, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được vũ lực và quyền uy ủng hộ.

·Mười, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

Xin tri ân công đức của Ni sư! 

Thành kính hướng về kỷ niệm ngày Đức Phật xuất gia mùng 8 tháng 2 Âm lịch

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"

Phỏng vấn 11:25 17/12/2024

Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp

Phỏng vấn 09:37 12/12/2024

Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.

Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”

Phỏng vấn 11:39 11/12/2024

Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…

Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây

Phỏng vấn 15:56 07/12/2024

Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.

Xem thêm