Chủ nhật, 28/07/2019, 10:28 AM

Ngôi chùa mang tinh thần hòa hợp

Nói đến các di tích ở Tiền Giang, không thể không nói đến chùa Vĩnh Tràng ở thành phố Mỹ Tho. Ngôi chùa nhìn bên ngoài như một dinh thự châu Âu nhưng bên trong là những ngôi nhà gỗ cổ truyền Nam Bộ, với tượng pháp, hoành phi, câu đối rất Việt Nam.

>>Những ngôi chùa Việt độc đáo 

Ngoại Tây, nội Đông

Có chuyến công tác phía Nam, nên mấy chị em bạn bè ở Tp HCM tổ chức cho tôi một chuyến đi thăm di tích ở Tiền Giang. Chúng tôi đến thăm chùa Vĩnh Tràng ở thành phố Mỹ Tho, vào một ngày đông nhưng nắng vàng rực rỡ, gió thổi lồng lộng. Phương Nam không có mùa đông.

Bài liên quan

Ngôi chùa lớn có hai cổng tam quan đặc trưng truyền thống phương Đông, bề thế nhưng thanh nhã, do có cổ lầu cao vút, xung quanh cẩn sứ hình long ly quy phượng, rồi canh tiều ngư mục rất ngoạn mục. Chúng tôi vào cổng có đề bốn chữ “Tĩnh thổ huyền môn”, mặt trong đề “Quảng đại nguyên môn”. Phía trên lầu của mỗi cổng có tôn trí một tượng Phật đứng, một bên là Phật Thích Ca, một bên là Phật A Di Đà.

Qua một sân lát gạch rộng rãi, một công trình kiến trúc kiểu kết hợp Đông Tây, thiên về phương Tây, sơn màu vàng, hiện ra trước mắt, như một dinh thự lớn thời Pháp thuộc để lại. Chùa có bảy gian, mỗi gian có ba vòm cửa, một vòm chính là hai vòm phụ nhỏ hơn. Kiến trúc phần mái khiến du khách đứng từ tam quan nhìn vào thấy bóng dáng năm ngọn tháp Angkor – Campuchia.

Hai gian đầu hai hồi nhô về phía trước. Gian bên phải có ghi “1849” và dòng chữ Hán nhỏ “Canh Tuất niên, Tuệ Đăng kiến tạo”. Gian bên trái ghi “1907” và “Mậu Thân niên, Chánh Hậu tái tạo”. Như vậy là chùa được cụ Tuệ Đăng khởi dựng năm 1849 và gần 60 năm sau được cụ Chánh Hậu xây dựng lại. Năm âm lịch và dương lích đều lệch một năm, chắc do xây dựng và trùng kiến kéo dài nhiều năm.

Mặt tiền trước chùa Vĩnh Tràng.

Mặt tiền trước chùa Vĩnh Tràng.

Gian giữa có bậc thang, lên xuống cả hai phía. Điểm cao nhất, chính giữa mặt tiền có đề ba chữ Hán “Vĩnh Tràng Tự”. Nhìn ngắm các chi tiết trên mặt tiền ngôi chùa thì trên tổng thể mang phong cách phương Tây nhưng có nhiều hoa văn, họa tiết của văn hóa Việt, Hoa, Thái, Miên, Chàm hòa trộn với nhau một cách hài hòa. Người ta nhận ra những hoa văn thời Phục Hưng, vòm cửa  kiểu La Mã, hoa sắt theo phong cách Pháp, nền lát gạch men Nhật Bản, chữ Hán được viết theo kiểu chữ triện, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích.

Bên cạnh sân chùa là một vườn tháp mộ kiến trúc kiểu truyền thống, bên cạnh những mộ tháp của các vị sư và khu mộ của Phật tử từ những năm xưa.

Bài liên quan

Cửa chính chỉ mở những ngày lễ lớn nên chúng tôi vòng ra phía sau, qua cửa khu nhà tổ để vào chùa. Điều bất ngờ đối với chúng tôi là trái ngược với vẻ bề ngoài kiểu phương Tây, nội tự hoàn toàn là một ngôi chùa Việt, ngôi chùa Nam bộ truyền thống và cổ kính. Nếu “chấp tướng” bên ngoài ngôi chùa, không vào bên trong thì thật nhầm lẫn.

Nhà tổ có những hàng cột gỗ cao, treo đầy đối liễn, với hệ thống cửa võng đục chạm sinh động nhưng để nguyên màu gỗ, không sơn thếp, toát lên một vẻ đẹp đơn sơ, thanh tịnh lạ thường.

Nhà tổ nối với chánh điện bằng một sân nhỏ, hai bên có hai dãy hành lang kê tràng kỷ tiếp khách. Giữa sân là hòn non bộ lớn. Bề mặt của nhà tổ, hành lang, chính điện nhìn ra sân đều mang phong cách như mặt tiền của chùa.

Điều bất ngờ ở ngôi chùa là trái ngược với vẻ bề ngoài kiểu phương Tây, nội tự hoàn toàn là một ngôi chùa Việt, ngôi chùa Nam bộ truyền thống và cổ kính.

Điều bất ngờ ở ngôi chùa là trái ngược với vẻ bề ngoài kiểu phương Tây, nội tự hoàn toàn là một ngôi chùa Việt, ngôi chùa Nam bộ truyền thống và cổ kính.

Tòa tiền đường có hệ thống cửa gỗ thượng song hạ bản mở ra hành lang phía trước. Bộ cửa gỗ được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Gian chính giữa treo bức hoành phi khảm trai “Vĩnh Tràng cổ tự”.

Chánh điện có bức hoành phi khảm ốc “Đại hùng bảo điện” và rất nhiều câu đối.  Vị trí trung tâm của điện thờ là Tượng Phật tổ lớn, sơn son thếp vàng, với chân dung rất đời thường, gần gũi, không ước lệ như đa số tượng Phật khác. Dù chùa theo Bắc tông, nhưng tam bảo lại thiết trí gần với Nam tông. Do đó, không gian chùa thông thoáng, các pho tượng bày trong chùa đều có kích thước nhỏ, khiến tượng Phật tổ nổi bật giữa chính điện.

Bài liên quan

Chùa hiện còn lưu giữ được khoảng 60 pho tượng làm bằng chất liệu gỗ, đồng, đất nung với nghệ thuật tạo tác tinh xảo. Đặc biệt là bộ tượng đồng Di Đà tam thánh được đúc từ thế kỷ 19, đi kèm với bảy bộ bao lam in hình bát tiên, mặt trời, mặt trăng, được coi là những bảo vật vô giá.  Chùa còn một chuông đồng cao 1,2 m, đúc năm 1854.

Giải thích cho chúng tôi về hai niên đại ghi ở mặt tiền của chùa, một vị sư cho hay, ngôi chùa này được ông bà Tri huyện Bùi Công Đạt xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1849, Hòa thượng Thích Tuệ Đăng từ chùa Giác Lâm trên Gia Định về trụ trì, đã cho xây dựng lại thành một danh lam và đặt tên là “Vĩnh Trường tự” với hàm ý “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”, cầu mong ngôi chùa trường tồn cùng núi sông, trời đất. Người dân quen gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Năm 1904, chùa bị hư hỏng nặng do một trận bão lớn, nên từ năm 1907 đến năm 1911, Hòa thượng Chánh Hậu đã khuyến giáo tín đồ đóng góp công của đại trùng tu ngôi chùa và mời một nhà  điêu khắc đảm nhận phần trang trí và tạc các tượng thờ trong chùa. Hòa thượng Chánh Hậu viên tịch vào năm 1923. Hòa thượng Minh Đàng kế tục, cho xây cổng tam quan, mặt tiền, chánh điện và nhà tổ.

Một tinh thần hòa hợp

Trong không gian thanh tịnh, thoang thoảng hương trầm của ngôi chùa, ngắm nhìn những pho tượng cổ, những đôi câu đối, hoành phi nét chữ ngoạn mục, ý nghĩa thâm hậu… chúng tôi thấy, ngôi chùa tích hợp nhiều phong cách kiến trúc nhưng căn bản vẫn là ngôi chùa Việt, trang nghiêm mà nền nã.

Kiến trúc giao thoa văn hóa Đông – Tây, tạo cho chùa một không gian vừa cổ kính vừa hiện đại.

Kiến trúc giao thoa văn hóa Đông – Tây, tạo cho chùa một không gian vừa cổ kính vừa hiện đại.

Hòa thượng Minh Đàng trùng kiến ngôi chùa với sự kết hợp, pha trộn phong cách Đông Tây để lại cho hậu thế một công trình đẹp, nhưng có lẽ đây còn mang thông điệp về hòa hợp, dung hòa nữa. Trong đạo Phật có pháp “Lục hòa”  dạy các đệ tử luôn hòa hợp với nhau. Đó là Thân hòa cộng trụ, mọi người sống chung phải giúp đỡ lẫn nhau; Khẩu hòa vô tranh, nói năng phải hòa nhã, không tranh cãi; Ý hòa đồng sự là tôn trọng ý kiến người khác;  Giới hòa đồng tu là cùng nhau tuân thủ giới luật; Kiến hòa đồng giải là kiến giải có được về chân lý, xin chia sẻ cùng nhau; Lợi hòa đồng quân, là tất cả của cải vật chất có được từ sự hỷ cúng của thí chủ được chia đều. Tinh thần “Lục hòa” ấy đại chúng cũng phải lấy đó làm nguyên tắc sống để giữ được hòa khí trong gia đình, trong cộng đồng, trong xã hội để tâm thân mỗi người được an vui.

Truyền thống người Việt vốn không cực đoan, dễ dung hòa nên không có mâu thuẫn tôn giáo như một số quốc gia khác trên thế giới. Các nhà nghiên cứu vẫn thường nói đến tính hỗn dung trong tôn giáo tín ngưỡng. Đơn cử như đạo Phật, trong chùa, dân mình không chỉ thờ Phật mà còn thờ các vị thần tự nhiên, như hệ thống tứ pháp, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi; các vị nhân thần, kết hợp “tiền từ hậu tự” – trước là đền, sau là chùa; rồi Tam tòa hay Tứ phủ thờ Mẫu… Sự hòa hợp, không kỳ thị tôn giáo đó còn trở thành một triết lý, một nguyên tắc ứng xử, đó là “Tam giáo đồng nguyên”, kết hợp tinh hoa của cả ba dòng Nho, Phật, Lão.

Mặc dù bên ngoài thì có dáng dấp phương Tây nhưng bên trong thì đậm nét Việt Nam truyền thống.

Mặc dù bên ngoài thì có dáng dấp phương Tây nhưng bên trong thì đậm nét Việt Nam truyền thống.

Tinh thần cởi mở ấy ở phương Nam lại càng bộc lộ rõ ràng, phóng khoáng hơn. Trên vùng đất này, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã có những tôn giáo mới ra đời như Bửu sơn kỳ hương, Tứ ân hiếu nghĩa, Cao đài, Hòa hảo, đều cải biên những tôn giáo cũ, kết hợp với tín ngưỡng bản địa và các yếu tố mới. Điển hình như đạo Cao đài ra đời năm 1926, kết hợp tam giáo với Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, thờ cả Phật Thích ca, Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Khương Tử Nha với Chúa Giê su. Ở Tòa thánh Tây Ninh có thờ Cao Đài tam thánh là Tôn Dật Tiên, Victor Hugo và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Hay Đạo Bửu sơn kỳ hương được hình thành năm 1849 bởi ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856). Ban đầu, ông chữa bệnh cho dân trong một trận đại dịch, được dân tin tưởng, làm theo những lời dạy bảo của ông, nên ông đã lập ra Bửu sơn kỳ hương. Về sau, dân tôn kính gọi ông là Phật Thầy Tây An.

Bài liên quan

Giáo lý của ông rất giản dị, phù hợp với cư dân miền Tây chất phác. Ông dạy mọi người "học Phật tu nhân", tích cực thực hành thuyết "Tứ ân", đó là: Ơn tổ tiên cha mẹ, Ơn đất nước, Ơn Tam bảo và Ơn đồng bào, nhân loại. Về nghi lễ, dù lấy đạo Phật làm gốc nhưng tín đồ không cần thờ tượng Phật , không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh và không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém, chỉ dùng hương hoa và nước lã là đủ.  

Tiếp tục dung nạp yếu tố mới

Tượng phật Di Lặc nhìn từ xa

Tượng phật Di Lặc nhìn từ xa

Trên cái nền tảng tinh thần ấy, dung nạp thêm những yếu tố mới vào cái cũ như chùa Vĩnh Tràng là điều dễ hiểu. Và cho đến nay, ngôi chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này vẫn đang tiếp tục dung nạp thêm những yếu tố mới, đó là sự hiện diện của các pho tượng Phật đặt ngoài trời với kích thước lớn. Năm 2007, sân trước cổng chùa tôn trí tượng đài đức Phật A Di Đà cao 18m đặt trên đế cao 6m, được làm bằng xi măng, sau đó trong khuôn viên chùa lại xây dựng tượng Phật Di Lặc cao 24m.

Năm 2013, chùa khánh thành tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn với phần đế tượng dài 35m, cao 7m, ngang 18m. Phần thân tượng Phật cao 10m. Năm 2015 phía sau chùa có thêm Bảo tháp Thất Phật cao 35m, gồm một tầng trệt và 7 tầng lầu.

Tượng phật Thích Ca Mâu Ni

Tượng phật Thích Ca Mâu Ni

Tuy nhiên, những yếu tố mới liên tiếp được nối dài ở thế kỷ XXI này lại khiến chúng tôi có cảm giác không gian chùa sẽ ngày càng trở nên chật hẹp, mất đi không gian thoáng đãng xưa kia và những tượng Phật cỡ lớn đó khiến ngôi chùa nhìn như nhỏ lại. Nét cổ kính của ngôi “danh lam cổ tự” cũng phôi pha. Dung nạp yếu tố mới đến đâu là đủ, giữ những yếu tố gốc đến đâu là vừa… xem ra không phải là bài đoán đặt ra cho riêng chùa Vĩnh Tràng. Bảo tồn, trùng tu, tân trang di tích đang là vấn đề rất đáng lo ngại đối với các địa phương trong cả nước.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bảo vật quốc gia chuông chùa Thiên Mụ

Chùa Việt 09:28 19/12/2024

Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.

Độc đáo ngôi chùa cổ ở TP. HCM được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ

Chùa Việt 09:37 18/12/2024

Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM

Chùa Việt 10:02 09/12/2024

Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.

Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn

Chùa Việt 09:37 07/12/2024

Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.

Xem thêm