Người cha làm rẫy nuôi hơn 120 trẻ mồ côi
Hơn 16 năm qua, ông Đinh Minh Nhật (60 tuổi, ngụ thôn 1, xã Ia H'lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã nhận các bé sơ sinh bị bỏ rơi, các cháu mồ côi về nuôi dưỡng.
Đến nay đã có 126 cháu được ông nuôi dưỡng, cho đi học chữ, học nghề. Nhiều cháu đã vào đại học, cao đẳng, mở ra tương lai tươi sáng phía trước.
Mái nhà chung
Đến nhà ông Nhật vào cuối buổi sáng, chúng tôi thấy chừng chục cháu nhỏ khoảng 7-16 tuổi ngồi học bài trước sân. Các cháu lễ phép mời chúng tôi uống nước, chờ ông Nhật đang từ UBND xã Ia Hlốp trở về. Vừa thấy ông xuất hiện trước cổng, bọn trẻ ùa ra đón. Đứa nắm tay, đứa kéo vạt áo, mấy đứa nhỏ nhất chạy tới sà vào lòng ông. Ông Nhật xoa đầu từng cháu, bảo vào phòng học bài để ông tiếp khách.
Ông Nhật không lập gia đình. Hiện có 96 cháu đang ở cùng nhà ông. Bọn trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, hoặc mồ côi cha mẹ, được ông nhận về nuôi. Trong số đó, cháu nhỏ nhất mới 1 tháng tuổi, cháu lớn nhất học cấp 3. “Tôi nhận nuôi trẻ mồ côi cách đây 16 năm, khi mới về xã này sinh sống. Hồi đó, tôi đến một ngôi làng cách nhà 25km, đúng lúc có một gia đình đang tổ chức đám tang cho người mẹ. Chị này mất khi mới sinh con được 2 ngày.
Theo phong tục của làng, phải đem đứa trẻ chôn chung với mẹ. Tôi quyết liệt khuyên ngăn, cuối cùng gia đình cũng đồng ý, nhưng người nhà không chịu nuôi bé. Vậy là tôi xin đưa đứa nhỏ về nhà nuôi”, ông Nhật nhớ lại.
Từ đó, tình yêu thương trẻ mồ côi của ông Nhật lớn dần. Ông đi khắp nơi, tìm hiểu hoàn cảnh rồi xin nhận nuôi các cháu mồ côi cha mẹ. Tiếng lành đồn xa, các bác tài xe ôm, xe khách cứ thấy trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở đâu là gọi cho ông. “Có khi họ gọi vào nửa đêm, giữa lúc trời mưa gió, tôi cũng lên xe đi ngay. Vừa chạy vừa lo những bất trắc trên đường, nhưng nghĩ đến những đứa trẻ bất hạnh có thể không qua khỏi vì đói, vì lạnh, tôi như có động lực thôi thúc chạy cả trăm cây số giữa đêm khuya. Đến nơi là quấn khăn ấm đưa cháu bé về nhà chăm sóc ngay, rồi thông báo với chính quyền”, ông Nhật kể tiếp.
Bà Hồ Nhật Trường Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, cho biết, việc ông Nhật nuôi dạy trẻ mồ côi là việc làm đáng khen, địa phương luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để ông chăm sóc các cháu.
16 năm nuôi trẻ mồ côi, ông Nhật cũng có lúc bị hiểu lầm, gặp chuyện không vui, như hồi ông đưa cháu Thúi (11 tuổi) vào TPHCM chữa bệnh. Ông nhận nuôi Thúi từ lúc còn đỏ hỏn. Cháu mắc bệnh down, không có hậu môn, việc chăm sóc vô cùng khó khăn, vất vả. Muốn cháu tiện sinh hoạt cá nhân, ông Nhật đưa cháu vào TPHCM phẫu thuật. Vài người nhìn ngó, mỉa mai ông. “Họ nói sao cha tốt tướng thế mà đẻ con không có hậu môn. Tôi nghe thấy đau lòng lắm! Khi biết tôi đưa con nuôi đi chữa bệnh, họ xin lỗi. Tôi cũng xác định đâu phải ai cũng hiểu việc mình làm”, ông Nhật trải lòng.
Chăm sóc tận tình
Ông Nhật cho biết, hơn 16 năm qua, ông đã nhận nuôi 126 cháu. Hầu hết các cháu đều mồ côi cha mẹ, một số không rõ cha mẹ là ai vì các cháu bị bỏ rơi. Ngoài 96 cháu đang ở nhà ông, còn có 13 cháu đang học đại học, cao đẳng ở TPHCM, Nha Trang, Đắk Lắk và 17 cháu đi học nghề.
“Nuôi lớn các cháu là việc phải làm, nhưng quan trọng nhất là phải lo cho các cháu biết chữ, có nghề nghiệp để sau này tự tồn tại giữa cuộc đời. Bởi thế, tôi đều cho các cháu đi học chữ trước, sau đó tùy năng lực từng cháu mà tiếp tục cho học nghề hay thi vào trường đại học, cao đẳng. Hiện nhiều cháu đã đậu đại học, cao đẳng và đang ấp ủ nhiều dự định, ước mơ sau khi hoàn thành việc học. Dù vất vả hơn, nhưng tôi vẫn chu cấp kinh phí và động viên các cháu học giỏi để ra trường dễ tìm việc làm, tự nuôi sống bản thân”, ông Nhật tâm sự.
Công việc chính của ông Nhật là làm rẫy. Để nuôi các cháu mồ côi, hàng ngày ông quần quật xoay xở khắp nơi, không ít lần phải mua thiếu thức ăn, gạo. Người bán cũng hiểu việc thiện ông đang làm nên sẵn lòng cho nợ, có khi còn hỗ trợ thêm. “Nuôi các cháu vất vả, nhưng nhìn thấy bọn nhỏ lớn lên từng ngày, được ăn học, có nghề nghiệp thì bao nhiêu mệt mỏi tan biến. Tôi chưa từng từ bỏ mong muốn tiếp tục chăm sóc, cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn. Tôi cũng đang dành dụm tiền để phẫu thuật tim cho một bé để cháu sống khỏe hơn”, ông Nhật chia sẻ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người Thầy dị nhân: Thành tựu kép từ năng lượng yêu thương và kỷ cương
Gieo mầm thiện 21:52 18/11/2024Phật giáo có câu: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa". Câu chuyện về Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người thầy được mệnh danh là "dị nhân" – chính là minh chứng sống động cho triết lý này.
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học
Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xem thêm