Tịnh thất Bồng Lai mạo danh tu sĩ Phật giáo, lợi dụng trẻ mồ côi nhằm trục lợi
Tịnh thất Bồng Lai đã lợi dụng là cơ sở tôn giáo Phật giáo và danh nghĩa nuôi "trẻ mồ côi" để trục lợi tiền từ thiện.
Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở thờ tự Phật giáo
Những ngày qua, câu chuyện xoay quanh "Tịnh thất Bồng Lai" lại nóng lên trên mạng xã hội sau khi anh Lê Thanh Minh Tùng, tự nhận là con ruột của ông Lê Tùng Vân (người xưng là Hòa thượng Thích Tâm Đức ở "Tịnh thất Bồng Lai") xuất hiện trên livestream của bà Nguyễn Phương Hằng. Tại đây, anh Lê Thanh Minh Tùng đã tố cáo những câu chuyện khó có thể chấp nhận tại "Tịnh thất Bồng Lai".
"Tịnh thất Bồng Lai" (sau tự đổi tên là "Thiền am bên bờ vũ trụ"), tọa lạc xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Một địa điểm tâm linh tự xưng là cơ sở thờ tự của Phật giáo làm xôn xao dư luận trong vùng thời gian qua. Cơ sở này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Phật giáo và an ninh trật tự tại địa phương.
Theo thông tin xác nhận của Hòa thượng Thích Minh Thiện - Phó trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An ký, khẳng định: “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”, chỉ là hộ gia đình, nhà ở, không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật. Đây thuần là một hộ gia đình do bà Cao Thị Cúc (SN 1960) làm chủ hộ, thời gian qua đã mạo xưng là “chùa”, “tịnh thất”, “thiền am”, nuôi trẻ mồ côi, cùng những việc làm của họ trong thời gian qua, có sự tiếp tay của những cá nhân, công ty kinh doanh lĩnh vực giải trí quảng bá.
Đặc biệt, nơi đây trong nhiều năm thường đồn thổi và phao tin “hoa ưu đàm” để thu hút quần chúng hiếu kỳ, gây xôn xao dư luận và hiểu lầm về Phật giáo, lạm dụng pháp phục tu sĩ nhưng lại phản bác Phật giáo, làm nhiều việc không phù hợp khiến dư luận bức xúc.
Hòa thượng Thích Minh Thiện cho rằng rằng ““tịnh thất Bồng Lai” chỉ là mạo xưng, những người ở đây không phải là tu sĩ Phật giáo, không do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý. Lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo, lợi dụng hình thức cơ sở của giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi những người cơ nhỡ làm từ thiện để trục lợi cho mình. Đó là vi phạm về pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Phật giáo thế giới và gần nhất là tổ chức Phật giáo của nước nhà".
Sự thật về 'Tịnh thất Bồng Lai: lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ cơ nhỡ để trục lợi
Lãnh đạo xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa cho biết, hiện trong tư thất Bồng Lai có gần 30 người đăng ký thường trú, tạm trú. Chủ hộ là bà Cao Thị Cúc, 60 tuổi. Chủ trì tại nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" này là ông Lê Tùng Vân, người tự xưng là Hòa thượng Thích Tâm Đức.
Những video clip được tung lên các trang mạng xã hội cho thấy, mặc dù chưa bao giờ xuất gia, nhưng ông Lê Tùng Vân, luôn mạo xưng mình là "Thầy ông Nội" hay Thầy Thích Tâm Đức. Tự cạo đầu trọc, mặc lễ phục, pháp phục, làm lễ phục xuất gia cho người khác, nhận Phật tử làm tín đồ và tự xưng "Tịnh thất Bồng Lai" là chùa.
Do bị cộng đồng Phật giáo, báo chí, truyền thông, mạng xã hội, phản ứng gay gắt nên Lê Tùng Vân đổi tên "Tịnh Thất Bồng Lai" thành "Thiền am bên bờ vũ trụ".
Sự thật về danh nghĩa "trẻ mồ côi" kêu gọi từ thiện
Nhiều năm qua, "Tịnh Thất Bồng Lai" lợi dụng danh nghĩa là tổ chức thờ tự Phật giáo và danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi đã có những thủ đoạn để tạo dựng niềm tin trong Phật tử, nhân dân, trục lợi tiền từ thiện.
Vào năm 2014, bà Cao Thị Cúc ( SN 1960, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) về xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) mua gần 2.000m2 nhà, đất. Sau đó bà Cúc sửa chữa để làm điểm tu tại gia. Sau đó, năm 2015, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TPHCM) chuyển về xã Hòa Khánh Tây sống chung với bà Cúc. Ông Vân và bà Cúc có mối quan hệ phức tạp.
Trước đây, ông Vân tạm trú tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP HCM và tự phong là giám đốc trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức. Đến 2007, do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không đảm bảo theo quy định, việc chấp hành đăng ký tạm trú và đăng ký nhận nuôi con nuôi không tuân thủ theo quy định.
Đến 2015, ông Vân bán hết đất tại địa chỉ trên về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và nhận nuôi con nuôi lấy danh nghĩa làm từ thiện.
Cơ quan chức năng địa phương cho biết, những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây không phải là trẻ mồ côi và phần lớn đều có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân.
"Tịnh thất Bồng Lai" liên tục cho những em nhỏ được nuôi dưỡng tại đây đi tham gia các cuộc thi thi hát Bolero, "Thách thức danh hài"… Tất cả đều giới thiệu là trẻ mồ côi đến từ "Tịnh thất Bồng Lai". Mục đích không gì khác là để gây chú ý, quảng bá hình ảnh. Bằng cách này "Tịnh thất Bồng Lai" trở thành điểm lui tới của nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện và những tấm lòng vàng trong, ngoài nước gửi quà tặng, tiền hỗ trợ.
Hòa Thượng Thích Minh Thiện - Phó trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An nhấn mạnh: "Tự thân những nhà tu học đã không được tổ chức ca hát. Không có lý do nào mà một người tu hành đàng hoàng cho những đứa nhỏ thi danh hài hoàn toàn không đúng Phật giáo và Phật giáo cấm điều đó".
Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo
Trong buổi trò chuyện của bà Nguyễn Phương Hằng chiều 24/10, anh Lê Thanh Minh Tùng - tự nhận là con trai ruột người đứng đầu "Tịnh thất Bồng Lai" - ông Lê Tùng Vân - đã lên tiếng về những hành vi không đúng đắn của cha ruột mình.
Nói về vấn đề này, trong đoạn clip được đăng tải trên fanpage "5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ", ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu "Tịnh thất Bồng Lai" khẳng định không có quan hệ cha con với Lê Thanh Minh Tùng. Ông cho biết 40 năm về trước, em gái ruột của ông là Lê Thị Thu Vân còn sống. Bà vào bệnh viện, được bệnh viện cho một đứa bé mà người ta mới sinh ra, người ta bỏ rơi. Bà mới đem về nhờ ông đặt tên nên mới đặt tên là Lê Thanh Minh Tùng.
Theo nguồn tin từ VTV.vn, sau khi xuất hiện nhiều thông tin về hoạt động lợi dụng Phật giáo và danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi của Tịnh Thất Bồng Lai, ông Lê Hồng Dũng, có chị ruột là vợ của ông Lê Tùng Vân cũng đã đăng đàn tố cáo, vạch trần sự thật.
Ông Dũng nói: "Tôi quyết đưa ra chính quyền để mọi người biết "Tịnh thất Bồng Lai" này là lừa đảo từ xưa đến nay, chứ không phải mới đây. Tịnh thất này lừa gạt về mọi mặt về tinh thần, vật chất, tiền bạc... Thậm chí lấy mẹ tôi ra làm con mồi. Kêu mẹ tôi đem tiền lên cho chị Hai tôi là vợ ổng".
Bà Lê Thị Tuyết là người được ông Lê Tùng Vân mời về dạy những đứa trẻ sống tại Thánh Đức, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh năm 2006. Trong thời gian sống ở đây, bà từng chứng kiến nhiều việc làm sai trái của Lê Tùng Vân và nay, bà cũng đã quyết định tố cáo.
Bà Tuyết cho biết: "Tôi đưa đơn tố cáo ông Lê Tùng Vân với nội dung 'hiếp dâm trẻ' và 'hành hung trẻ cô nhi'. Tập đoàn ông Lê Tùng Vân là những người giả mạo tu sĩ Phật giáo, lưu manh, lừa đảo. Đây là câu chuyện có thật. Tôi là người thật việc thật và tôi có trách nhiệm nói ra sự thật".
Để ổn định tình hình xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các ngành, các cấp vận động di dời số tượng Phật về cơ sở tôn giáo hợp pháp tại huyện Đức Hòa và yêu cầu cơ sở tự xưng "Tịnh Thất Bồng Lai" không được tụ tập đông người, tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ mục đích, động cơ tổ chức hoạt động tôn giáo, nuôi dưỡng trẻ em của tổ chức này để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Tịnh Thất Bồng Lai" là cơ sở mạo danh, lợi dụng lòng tốt của các nhà từ thiện, làm xấu đi hình ảnh của các tổ chức tôn giáo. Pháp luật nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo có tổ chức thành nơi tu hành tập trung dưới hình thức tự viện phật giáo phải tuân thủ quy định pháp luật. Phải được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tập trung theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, phải được sự đồng ý, tuân theo sự quản lý của Ban trị sự giáo hội phật giáo địa phương.
Việc tổ chức cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không tuân thủ các quy định pháp luật, lợi dụng quyên tiền từ thiện sinh hoạt tôn giáo, nuôi dưỡng trẻ em nhưng thực chất sử dụng số tiền trên không đúng mục đích sẽ bị coi là hành vi có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang
Trong nước 15:30 21/11/2024Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.
Tiền Giang: Tăng Ni sinh lớp Trung cấp, Cao đẳng Phật học tri ân thầy cô giáo
Trong nước 16:00 20/11/2024Hòa cùng trong không khí hân hoan của bao thế hệ học trò đón mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; sáng ngày 20/11/2024, tập thể Tăng Ni sinh các lớp Trung cấp và Cao đẳng Phật học Tiền Giang tổ chức tri ân chư Tôn đức ban Cố vấn, Ban Giám hiệu nhà trường.
Tiền Giang: 17 cơ sở tự viện tại H.Cái Bè được thành lập và bổ nhiệm Ban Quản trị
Trong nước 09:00 20/11/2024Ngày 19/11/2024 (nhằm ngày 19 tháng 10 năm Giáp Thìn) Ban Trị sự GHPGVN huyện Cái Bè tổ chức phiên họp lệ, trao quyết định thành lập và bổ nhiệm Ban Quản trị cho các cơ sở tự viện, tại Văn phòng BTS - chùa Thiền Quang, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024 tại chùa Bái Đính
Trong nước 18:30 18/11/2024Tối 17/11, tại chùa Bái Đính, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024, với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.
Xem thêm