Mồ côi
Trong giấy khai sinh của tôi, dòng “họ và tên cha” ghi “đã mất”.
Tôi được định danh trên cuộc đời là đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong tình thương của má và ngoại. Từ cấp một, tôi đã phải bươn chải nhiều hơn bạn bè. Dù nhỏ thó, tôi lên núi đốn củi, bứt mây, đi nhặt sắt vụn để bán kiếm tiền mua gạo. Suốt thời tiểu học, trung học, nhà tôi thắp đèn dầu với chiếc bóng hột gà leo lắt.
Nhưng khó quên nhứt là chuyện lớn lên không có ba. Ngoại hay nói, con không cha như nhà không nóc, rồi giải thích, gió mưa dễ lồng vào làm ướt hết những ai trong đó. Đúng là nhà không có nóc, chuyện nặng nhọc gì má và tôi cũng tự làm, có khi mệt mỏi đến muốn ngã gục.
Cứ 12 giây có một trẻ mồ côi do Covid-19
Cũng những ngày Trung thu thế này, năm tôi lên tám, má tự tay làm cho chiếc đèn ông sao mà giấy dán là tập vở cũ của năm học trước. Má bán mấy nải chuối cau cho người ta cúng rằm để mua cho tôi chiếc áo trắng, vì trung thu cũng là tháng tựu trường. Lớn thêm một chút, tôi tự làm lồng đèn để chơi. "Không có ba, con phải ráng nhiều hơn", má nói.
Khi mới 15 tuổi, dù thương con, má cũng ngậm ngùi để tôi lặn lội từ Quảng Nam ra Đà Nẵng làm thuê lấy tiền đi học tiếp. Điểu, bạn đi cùng cũng mồ côi như tôi, chỉ khác là mất mẹ. "Tụi mình cứ đi đại, xin chỗ mô đó để làm", Điểu nói, tôi gật đầu. Chuyến xe đò chở hai đứa chòng chành qua Đèo Le ngoằn ngoèo, đường tỉnh lộ 610 hồi đó chưa rải nhựa, xe đò cũ kỹ vài lần chết máy.
Đà Nẵng đông người đến chóng mặt. Quán cơm gà đường Nguyễn Chí Thanh chịu tuyển hai đứa tôi vào làm trong hơn hai tháng hè, lương 200.000 đồng một tháng. Bà chủ gần 70, giọng Huế bảo: "Tụi bây còn nhỏ vậy làm có nổi không, thức khuya dậy sớm đó nghe". Chúng tôi hứa đáp ứng mọi tiêu chí của bà, "vậy thay đồ tươm tất xuống phục vụ bàn".
Đôi chân tôi mỏi nhừ khi đứng chờ khách vào sẽ tiến lại hỏi dùng gì, ghi thực đơn, đem xuống nhà bếp. Hết khách thì chia nhau rửa ly chén, chà toilet, quét dọn phòng ăn, dọn rác. Gần nửa đêm mọi việc mới xong. Sáng hôm sau, năm giờ tôi đã được "dựng" dậy, giặt khăn lau bàn, lau nhà, sơ chế gà, rau, củ quả, cọ rửa.
Tôi dần thích nghi với những lời sai biểu của gia đình chủ. Đứa nhỏ bằng tuổi tôi kêu: "Ê, Long, bưng tao ly nước". Bà chủ nhắc liên tục: "Tụi bây rửa ly không sạch là bị trừ lương, đứa nào bưng bể cái chén là mất 10 ngàn đồng".
Phải thức khuya dậy sớm liên tục, chúng tôi làm trong tâm thế sợ hãi vì quá mệt và lỡ bị trừ lương thì còn đâu để trang trải tiền học. Rất nhiều lần, tôi khủng hoảng tinh thần khi hỏi: "tại sao ba lại không nuôi mình?".
Sau mùa hè đó, chỉ có tôi về quê tiếp tục việc học, Điểu ở lại Đà Nẵng làm thuê. Tôi may mắn hơn vì má và ngoại đã quyết định "khó mấy cũng ráng cho thằng Long học".
Cho đến tận bây giờ, gia đình tôi chưa bao giờ khá giả. Khó khăn rèn cho tôi sự kiên nhẫn và cũng dạy tôi "Không buồn thương sao biết chuyện con người?", như Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.
Đại dịch khiến 1,5 triệu trẻ em trên toàn cầu đã mất đi người nuôi dưỡng. Con số chưa đầy đủ và chỉ riêng tại TP HCM, hơn 1.500 học sinh phải mồ côi. Con số ấy làm tôi cảm thấy chới với một lần nữa, như lúc tôi đã lớn và biết được ba tôi chưa chết. Ông chỉ chối bỏ tôi từ lúc chưa sinh ra và cũng chưa bao giờ thấy mặt tôi. Với tôi, ông cũng như không còn vì không hiện diện suốt quãng đời khó khăn nhứt của tôi.
Má tôi đã kịp lấp đầy khoảng trống đó bằng tình yêu vô điều kiện. Nhờ đó, tôi biết chắc rằng, hạnh phúc hoàn toàn tồn tại trong những ngôi nhà khuyết một người trụ cột nếu ta không may không đủ cả cha mẹ như người khác.
Liên Hợp Quốc khuyến khích trẻ em bị mất người nuôi dưỡng được sống với họ hàng gần nhất như ông bà, cô dì chú bác, cũng như ông bà ta có câu "sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì".
Trước Covid, Việt Nam đã có tới 157.000 trẻ mồ côi cả cha và mẹ, trẻ bị bỏ rơi và không nơi nương tựa trong tổng số 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tôi mong sẽ có nhiều gia đình Việt Nam dang tay đón trẻ mồ côi về nuôi, nếu chúng cũng không còn họ hàng gần có thể cưu mang tốt nhất.
Covid là dịp để phát huy văn hóa nhận con nuôi ở nước ta thành việc thông thường hơn, như xã hội phương Tây đã phát triển nhiều năm trước. Đó là lý do nhiều nước châu Âu và Mỹ hiện không còn các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tập trung toàn thời gian. Chính sách quản lý trẻ mồ côi và nhận con nuôi hoàn thiện đã giúp những đứa trẻ mất cha mẹ mau chóng có mái ấm mới. Sau khi có gia đình mới, trẻ hoàn toàn có thể theo học tại các cơ sở tập trung như trường nội trú theo nhu cầu.
Tại Việt Nam, chính phủ, những tổ chức xã hội công và tư ngay bây giờ có thể phát động chiến dịch nhận con nuôi dù đó là dì, chú, bác hay ông bà của các cháu hoặc bất kỳ ai có tấm lòng và thời gian cho một cuộc đời khác. Chúng ta có thể tìm hiểu nhu cầu của từng đứa trẻ mất cha, mẹ do Covid để trao cho em điều cần nhất.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thích những lời thương hại, "tội nghiệp, nó mồ côi; thằng nhỏ không có ba, thôi giúp nó"... Câu nói như xát muối vào lòng. Rất nhiều lần, tôi bị gọi đi để nhận những món quà thời vụ, những chăm lo "phong trào", được giúi vào tay vài món quà tượng trưng và chụp hình. Nhưng hồi đó tôi còn nhỏ, chứ bây giờ tôi sẽ từ chối nhẹ nhàng.
Nỗi sợ nhất trong đời này không phải nghèo khó mà là không được thuộc về nơi nào có tình yêu thương. Cách chúng ta đối xử với trẻ thiệt thòi bây giờ cũng chính là kết quả ta sẽ nhận về trong tương lai.
Tỷ phú Hoàng Kiều thông báo sẽ thay Phi Nhung nuôi 23 đứa trẻ mồ côi
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tới chùa nhặt bình an
Góc nhìn Phật tử 16:21 05/11/2024Một sáng cuối thu, tôi đón chuyến xe sớm nhất rời thành phố để về ngôi chùa nhỏ nằm trên ngọn đồi xanh. Đã lâu rồi tôi không về chùa, không phải vì không muốn, mà vì cuộc sống cứ thế cuốn tôi đi, bận bịu với những lo toan không hồi kết.
Vì sao con muốn tu tập?
Góc nhìn Phật tử 09:30 05/11/2024Thưa sư cô, con muốn tu tập, sư cô dạy cho con tu với được không ạ? Hằng ngày con nghe giảng pháp, niệm Phật và thỉnh thoảng con có ăn chay. Như vậy có phải tu không ạ?
Tình mẹ - Bến bờ bình yên cho con
Góc nhìn Phật tử 20:21 04/11/2024Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và bền bỉ nhất trên đời.
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Xem thêm