Thứ tư, 13/05/2020, 08:28 AM

Người Việt ở Nhật nương nhờ cửa chùa giữa Covid-19

Sau khi mất việc do Covid-19 trên đất Nhật, nam thanh niên 24 tuổi người Việt xin nương tạm tại một ngôi chùa ở Nagoya.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới ngày 13/5

"Tôi không thể chờ đợi để quay về Việt Nam", anh nói.

Bị mắc kẹt tại Nhật do các chuyến bay thương mại về Việt Nam đều bị ngưng, anh xin Hội Người Việt ở thành phố Nagoya trợ giúp.

Cách đây nửa tháng, chị Thùy Dương, 41 tuổi, người làm việc cho hội đoàn này, đã đề nghị ông Shucho Takaoka, 76 tuổi, trụ trì của chùa Tokurinji, cho chàng trai thất nghiệp trên được tạm trú. Từ đó, anh trở thành một thành viên chăm chỉ, làm nhiều việc cho nhà chùa.

"Tôi đang đợi ngày được trở về nhà", anh nói.

Hai trong số 4 người Việt đang nương tạm tại chùa Tokurinji, thành phố Nagoya, Nhật Bản, hôm 8/5. Ảnh: Asahi Shimbun.

Hai trong số 4 người Việt đang nương tạm tại chùa Tokurinji, thành phố Nagoya, Nhật Bản, hôm 8/5. Ảnh: Asahi Shimbun.

Chùa Tokurinji đã tiếp nhận những người gặp khó khăn suốt hơn 30 năm qua. Nam thanh niên người Việt trên đến Nhật Bản dưới diện thực tập sinh và làm việc cho một công ty xây dựng ở tỉnh Fukuoka. Tuy nhiên, vì không chịu được điều kiện làm việc quá khắc nghiệt, anh đã bỏ trốn.

Anh cuối cùng tìm được công việc trong nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở thành phố Matsusaka, tỉnh Mie. Mọi thứ dường như đã êm xuôi cho đến khi anh bị sa thải hồi tháng một. 

"Chủ công ty nói rằng không có nhiều việc để làm do Covid-19", anh kể.

Nam thanh niên ở nhờ nhà của một người bạn tại Osaka và sống qua ngày bằng số tiền còn lại, hy vọng sẽ sớm tìm được việc làm. Anh đã tiết kiệm đủ tiền để mua vé một chiều về Việt Nam nhưng các chuyến bay đều ngừng hoạt động để kiềm chế nCoV lây lan.

Hiện 4 người Việt Nam, bao gồm cả nam thanh niên trên, đang sống ở chùa Tokurinji. Một phụ nữ 35 tuổi đã nương nhờ ở đây từ giữa tháng 4. Cô mất việc hồi tháng hai và từ đó vẫn chưa tìm được việc làm do dịch bệnh hoành hành.

"Tôi cứ tưởng virus sẽ nhanh chóng được khống chế ở Nhật Bản", cô nói. "Tôi không ngờ dịch lại kéo dài như vậy".

Giống như thanh niên trên, cô đến Nhật Bản theo diện thực tập sinh và làm việc tại một công ty may ở tỉnh Shiga, nhưng sau đó bỏ trốn để tìm một môi trường việc tốt hơn. Cô cuối cùng chuyển từ thành phố Hamamatsu đến chùa Tokurinji.

"Gia đình ở Việt Nam rất lo lắng cho tôi", cô than thở.

Sau khi mất việc, cả hai đã trình diện Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản và nhận được giấy phép ở lại cho đến khi được quay về Việt Nam. Tuy nhiên, do tất cả các chuyến bay bị hủy, họ mắc kẹt ở Nagoya.

Chị Dương cho biết từ tháng một, hội đã nhận được nhiều yêu cầu trợ giúp từ các công dân Việt Nam bị mất việc làm và không có nơi sinh sống do Covid-19. Nhiều người trong số họ đã quyết định ở lại Nhật Bản, hy vọng tình hình cải thiện và tìm được việc làm. Tuy nhiên, tình hình khó khăn và họ không đủ khả năng trả tiền thuê nhà. 

Hai người Việt đang nương tạm tại chùa Tokurinji, thành phố Nagoya, Nhật Bản, hôm 8/5. Ảnh: Asahi Shimbun.

Hai người Việt đang nương tạm tại chùa Tokurinji, thành phố Nagoya, Nhật Bản, hôm 8/5. Ảnh: Asahi Shimbun.

Các chuyên gia về lao động và những người ủng hộ các thực tập sinh kỹ thuật tin rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở hệ thống tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài của chính phủ Nhật Bản. Nhiều lao động sang Nhật theo chương trình này phải làm việc quá giờ và không được trả lương.

Đến cuối năm 2019, có 411.000 người nước ngoài đã đến Nhật Bản theo diện thực tập sinh. Con số đã tăng gấp đôi trong 4 năm khi chính phủ nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Có khoảng 220.000 thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, chiếm một nửa tổng số thực tập sinh ở nước này.

Ông Zhen Kai, 61 tuổi, nhân viên của liên đoàn lao động tỉnh Gifu, người đến từ Trung Quốc, cho rằng "đã đến lúc hủy bỏ hệ thống trên".

"Các vấn đề và lo ngại về vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục tồn tại trong hệ thống này", ông Zhen nói. "Họ đến Nhật Bản vì muốn sống hạnh phúc và họ đã bị tước đoạt quyền theo đuổi hạnh phúc".

Nhật Bản hiện ghi nhận khoảng 15.800 ca nhiễm nCoV, trong đó 640 ca tử vong. Số ca nhiễm mới có xu hướng giảm trong tuần qua.

Nhật Bản tuần trước đã gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến cuối tháng 5, áp dụng với toàn bộ 47 tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ sẽ xem xét dỡ tình trạng khẩn cấp với 34 tỉnh không bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tuần này.

Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố chính phủ đã sẵn sàng thực hiện các hành động tiếp theo để giảm bớt tổn thương của nền kinh tế do đại dịch toàn cầu. 8 tỉnh của Nhật Bản đã dỡ yêu cầu ngừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh như quán cà phê, quán bar và câu lạc bộ thể thao. 17 tỉnh khác cũng đang lên kế hoạch cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong tuần này.

Nguồn: VnExpress

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tu viện Tsz Shan, chốn thiền tịnh giữa núi rừng

Quốc tế 10:00 25/11/2024

Với không gian rộng lớn, nằm giữa núi đồi, tách biệt khỏi thế giới xô bồ và ồn ào, tu viện Tsz Shan là nơi bạn có thể cảm nhận được sự thư thái trong từng bước chân. Tsz Shan xứng đáng là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Hong Kong.

Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan

Quốc tế 09:45 21/11/2024

Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.

Khám phá ngôi chùa nổi tiếng nhất thế giới nơi Đức Phật giác ngộ

Quốc tế 08:45 16/11/2024

Chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ) là một bảo tháp Phật giáo ở Bodh Gaya, Ấn Độ, được biết đến là một trong những Phật tích quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo thế giới. Theo UNESCO, ngôi đền hiện tại có công trình kiến ​​trúc sớm nhất và hoành tráng nhất được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vào khoảng thế kỷ thứ 7.

Nghi lễ Xaybath - Lễ cúng dường lớn nhất của người dân Lào

Quốc tế 16:00 15/11/2024

Đây là cơ hội cho người dân Lào tích lũy công đức bằng cách cho đi không vị kỷ. Với việc tham gia vào nghi lễ Xaybath, người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Phật giáo và cầu mong phước lành.

Xem thêm