Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 16/01/2023, 12:07 PM

Nguyện làm hạt bụi theo dấu chân người

Khi còn nhỏ, tôi có một thói quen mà đến giờ vẫn còn nhớ. Mỗi sáng, tôi lên sân thượng, tập một vài động tác thể dục đơn giản, rồi ngồi xếp hai chân ngay ngắn. Tôi nhắm mắt, để mình chìm trong tĩnh lặng và cảm nhận sự tươi mát của buổi sớm mai.

Thói quen đó, mãi sau này tôi mới hiểu, tôi có khuynh hướng về thiền.

Tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm trong tình yêu thương của gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè, thầy cô và dường như không có gì trắc trở. Nhưng thẳm sâu trong tôi luôn có rất nhiều câu hỏi về bản thân. 

Những câu hỏi chớm nở và bùng lên dữ dội hơn vào lứa tuổi mười tám, đôi mươi với biết bao chới với, lạc lối trong những cảm xúc, rung động, những ước mơ, dự định. “Tôi thực ra là ai?”, “Tôi xuất hiện ở cuộc đời này với mục đích gì?”.

Tốt nghiệp đại học một thời gian, tôi theo người chị họ vào Sài Gòn. Đi phần nhiều vì háo hức một chân trời mới, chứ tôi không có kế hoạch hay suy tính những khó khăn có thể gặp phải. Giữa lúc công việc bấp bênh, chị họ tôi bỏ về Bắc, một mình tôi bơ vơ thì bệnh tái phát. Tôi bị viêm tai giữa từ thời đại học, mỗi năm tái đi tái lại nhiều lần, nhất là thời điểm giao mùa. Lần này, hai tai bị mưng đầy mủ và ù đặc. Tôi đi khám bác sĩ chuyên khoa đầu ngành thì nhận được tin sét đánh, phải mổ cả hai tai.

Mệt mỏi, chán nản, tôi đi lang thang trên khu phố gần nhà, rồi duyên lành đưa đẩy, tôi vào Tu viện Quảng Đức. Tu viện rất thanh tịnh và trang nghiêm. Tôi đến nơi có tượng Phật nằm và 10 bức tượng đứng xung quanh, sau này tôi mới biết là tượng mười đại đệ tử của Phật. Tôi không nhớ mình đã bộc bạch những gì với Ngài, nhưng khi tôi ngồi đó, ngắm nhìn Ngài, một cơn gió nhẹ thổi qua và lòng tôi chợt lắng lại, yên bình không sao tả nổi.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tôi nghe bố mẹ, trở về Bắc chuyên tâm chữa bệnh. Tôi đến khám ở bệnh viện Bạch Mai, nhưng bác sĩ khẳng định chắc nịch rằng tôi không cần mổ tai, dù tôi hỏi đi hỏi lại mấy lần. Và cũng từ đó, căn bệnh viêm tai giữa đeo bám tôi mấy năm trời bỗng dưng khỏi hẳn, một cách kì lạ. Lúc đó, tôi chưa thể nhận thức rõ được sự thay đổi này. Nhưng có lẽ sự thanh thản khi tôi ngồi nhìn ngắm tôn tượng Phật và các đệ tử của Ngài ở Tu viện Quảng Đức đã đánh thức một phần nào đó những hạt giống thiện lành có sẵn trong tôi.

Tôi sang Hàn Quốc du học.

Một lần đọc cuốn sách có nói về một người phụ nữ thực hành thiền và nhận được sự tĩnh lặng màu nhiệm, tôi bắt đầu hứng thú và tập thiền mỗi ngày. Không thầy chỉ dạy, không bạn hướng dẫn. Kết quả sau một thời gian, bệnh đau đầu vốn có của tôi ngày càng nặng, nhất là vùng trước trán. Đôi mắt đã yếu khi phải làm việc nhiều trên máy tính thì nay nhức mỏi hơn, thậm chí chảy nước mắt. Mùa thu Hàn Quốc với gam màu vàng đỏ của cây cối đang thay lá trở nên quá chói với mắt của tôi. Thật may, một người bạn biết về thiền, thấy tôi than đau đầu liền hỏi han và đã giúp tôi nhận ra sai lầm. Tôi lên mạng tìm hiểu lại và thực tập theo sự chỉ dạy của TT. Thích Chân Quang. Tôi hiểu mình sai là do tập trung chú ý trên đầu nên lực chạy hết lên trên và phát bệnh. Khi tôi ngồi thiền điều thân và theo dõi hơi thở thì dần dần các triệu chứng đau đầu hết và sức khỏe tốt hơn.

Tôi thường cùng bạn bè về chùa Gatbawi nằm trong dãy núi Palgongsan nổi tiếng của Hàn Quốc. Tượng Phật ngồi uy nghi trên đỉnh núi cao. Những bậc thang lên núi dần trở nên quen thuộc và cảm giác tê mỏi đau nhức cũng biến mất sau vài lần đến đây. Chúng tôi hay tạt qua khu nhà nghỉ nằm giữa lưng chừng núi, ăn cơm chay. Dù chỉ có tầm nửa thìa rau dưa được muối rất mặn, cắt thật nhỏ trộn với cơm trắng, một bát canh đơn giản, vậy mà chúng tôi đứa nào cũng ăn ngon lành. Đôi khi, mấy cô nhà bếp thấy chúng tôi trẻ tuổi, là người nước ngoài thì lại cho phần cơm nhiều hơn. Chúng tôi thường xuống núi ở hướng khác và gặp gỡ nói chuyện với Sư Cô người Hàn trong khuôn viên chùa dưới chân núi. Sư Cô có khuôn mặt hiền hậu, luôn niềm nở với chúng tôi, hỏi han chuyện học hành và có lần còn hỏi chúng tôi về Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Và lần nào, trước khi về, Sư Cô cũng tặng cho chúng tôi món ăn Hàn Quốc truyền thống. Dù chúng tôi chưa hiểu nhiều về đạo Phật, nhưng cảm thấy có một mối liên kết thân tình với Sư Cô, vượt qua sự hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa. Khi bạn tôi tốt nghiệp đã mang luận văn đến tặng và Sư Cô rất trân trọng món quà đó.

Tôi trở về nước.

Những khủng hoảng, bế tắc một lần nữa lại đổ ập lên tôi xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng đó là cơ duyên thúc đẩy tôi phải nỗ lực hơn trên con đường tu học.

Một buổi chiều mưa tầm tã, tôi đi làm về và cảm giác mệt mỏi, chán nản không ngừng bủa vây. Tôi rẽ vào Pháp Viện Minh Đăng Quang, lên Chánh điện đúng giờ tụng kinh. Mọi người ngồi ngay ngắn, nghiêm trang trước tượng Phật. Một chị ngồi gần nở nụ cười ấm áp, hướng dẫn tôi cách đọc kinh. Tôi rất xúc động với bài “Ý” của Tổ sư Minh Đăng Quang, dường như chỉ thẳng những tâm tư rối bời của tôi khi đó:

“Con người cái ý vốn hai

Khi mừng, khi giận đổi thay khôn lường”.

Tôi quy y và thường đến thăm học ở Pháp Viện. Kể từ đó, một con đường mới đã mở ra với tôi, con đường để trở về, nhận thức và sửa đổi, lắng nghe và thấu hiểu, thương mình và thương người…

Trên con đường đó, có rất nhiều chướng ngại. Những ngày đầu tu học, có lúc thân tôi đau mỏi rã rời, vọng tưởng chập chùng, nghe Pháp mà ngủ gục; cũng có lúc tôi lạc lối chơi vơi giữa vô vàn những pháp môn, những kiến thức mênh mông. Nhưng may mắn, tôi luôn có niềm tin chân chính vào Phật Pháp và dần vượt qua sự lười biếng, trì trệ, hoang mang để bước tiếp con đường tôi đã dũng cảm chọn trong vô lượng kiếp. Tôi dần nhìn ra và cảm thông với những đau khổ của mình, hiểu được nguyên nhân gây ra đau khổ và giờ đây tôi đã có phương pháp để vượt qua những đau khổ ấy.

Tôi cũng nhận ra trên con đường đó, có biết bao cánh tay nối dài giúp đỡ, động viên và nâng bước cho tôi từng ngày. Đó là người bạn giúp tôi nhận ra sai lầm của việc tu thiền ngày hôm đó. Đó là sự hiền hậu của Sư Cô Hàn Quốc đã gieo vào tâm chúng tôi thiện cảm với đạo Phật. Đó là những huynh đệ tặng tôi kinh sách, khuyến khích và trợ duyên cho tôi từ những ngày đầu tập tu; là những thiện tri thức ngày ngày chia sẻ các bài Pháp quý báu trên mạng xã hội, là những người lo cho chúng tôi cơm ăn, chỗ ngủ mỗi khóa tu…Tôi vô cùng biết ơn những người Thầy đã đem ánh sáng của Chánh Pháp, thắp lên ngọn lửa trí tuệ tỉnh thức trong tôi. Và tôi xin đặt trọn Thân - Tâm - Trí của mình đến người Thầy dẫn đường vĩ đại - Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Xin nguyện đời đời kiếp kiếp được làm một hạt bụi, mãi đi theo dấu chân của Người.

Xin nguyện được làm một cánh tay của Người, đem Chánh Pháp đến cho tất cả chúng sinh như một món quà cao quý.

“Nguyện cho con đi mãi

Không đứng lại giữa đường

Đến tuyệt đối vô biên

Tâm đồng tâm chư Phật”

(TT. Thích Chân Quang)

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Phạm Thị Nhung; địa chỉ: Chung cư Flora Fuji, đường D1, Phường Phước Long B, Thành phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật về

Đạo Phật trong trái tim tôi 07:03 14/05/2024

Bồ-tát Siddhartha thị hiện trên cuộc đời cho chúng ta thấy rõ lẽ thật sống, hòa hợp thuận theo tự nhiên thì chúng ta sẽ có hạnh phúc.

Người đàn bà xa lạ và hành động "cảm thông thiên ức Phật"

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:41 09/05/2024

Sáng nay, trên đường đi làm ngang qua ngôi chùa cổ tôi thấy một người đứng chắp tay lễ Phật trước cổng chùa đóng kín, trong không gian vắng vẻ, trong lành, rợp bóng cây xanh và hơi nước ẩm ướt của trận mưa đêm, thấy bình an đến lạ.

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Xem thêm