Phật trong con
Cha mẹ luôn là những gì thiêng liêng nhất và cũng dễ dàng lấy đi những giọt nước mắt của ai đó mỗi khi nghe nhắc đến hai tiếng mẹ, cha. Tuy nhiên đó cũng là thứ tình cảm mà con người thường lãng quên khi bị cuốn vào guồng quay lợi danh của cuộc đời.
Lời dạy sâu sắc của thầy Thích Minh Thành trong bài giảng “Màu nhớ thu xưa” như những hạt muối xát mạnh vào trái tim tôi.
Đến với đạo Phật tôi lại được trở về với cội nguồn xưa – nơi ấy có hai vị Phật luôn dang tay che chở cho tôi trên chặng đường đời mà có lúc tôi vô tình hững hờ, quay lưng với Người. Người ta thường dạt dào tuôn chảy những dòng cảm xúc mãnh liệt khi nhắc đến mẹ. Bởi mẹ tượng trưng cho vị Bồ-tát Quan Thế Âm tóc rối. Mẹ cười khi ta thành công với chính những chọn lựa của ta trên cuộc đời này. Mẹ đau lòng khi ta vấp ngã và bên ta khi ta cần một bàn tay để gượng đứng lên. Mọi cảm xúc trong ta như sợi dây vô hình kết nối hai trái tim mẹ con với nhau. Mẹ hiểu tất cả và mẹ nhạy cảm với tất cả mọi biến đổi trong tâm tư của những đứa con thơ từ khi mới lọt lòng cho đến lúc trái tim ta biết rung động trước một người khác phái. Nhưng những đứa con trẻ có thể chỉ hiểu được như thế. Hiểu một cách cạn cợt và nông nổi biết bao phải không mẹ?
Còn cha? Có ai hiểu được vị Bồ-tát Địa Tạng gương mặt cứng cỏi và nghiêm khắc với những đứa con? Ta hiểu về mẹ đã ít ỏi nhường nào thì cha lại càng khó hiểu hơn, khó gần hơn! Cha có mặt trên đời để che chở cho mẹ và con. Bởi vậy, cha cứng rắn, nghiêm khắc và trầm lặng. Chưa bao giờ con bắt gặp nụ cười thật tươi của cha khi con nhận giấy báo trúng tuyển đại học. Con cũng chưa bao giờ thấy cha rơi lệ khi con ngã bệnh suốt đêm. Trong khi đó mẹ quấn quýt chườm khăn cho con hạ sốt.
Con từng trách, hờn và giận cha rất nhiều. Nhưng cha ơi, giờ đây con gái đã hiểu về cha nhiều hơn. Có thể cái sự hiểu ấy chỉ là giọt nước mắt mong manh trong đại dương muôn trùng bao la. Nhưng ít ra con gái sẽ không như ngày nào làm cha buồn để rồi cha cố nhốt nỗi đau ấy vào tim và chờ một lúc nào đó không có mặt con và mẹ, cha lại âm thầm chịu đựng bằng những giọt nước mắt cay cay trên khóe mắt.
Cha à! Con nhớ ngày nào còn bé, con thường làm cha buồn và giận rất nhiều. Từ nhỏ đến năm con 18 tuổi, không khi nào con là cô bé ngoan đối với cha. Con bướng bỉnh và ngang ngạnh nhiều lắm. Con thẳng thắn nghĩ gì nói đó, cha điềm đạm nhẫn nại hơn nên luôn bảo con “đừng nói bậy”. Cha có đủ kinh nghiệm để nhận chân giá trị của thế gian, trong khi đó con mới chỉ là cô bé, nào có hiểu được cuộc đời là chốn chông gai bão tố. Cha là một thầy giáo dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh thế nhưng con lại thường cãi lại cha trước mặt nhiều học trò. Con gay gắt với cha từ chuyện nhỏ đến những chuyện lớn. Có những lúc suy nghĩ nông cạn con tự hỏi “liệu mình có phải là con ruột của cha mẹ hay không” khi mẹ bảo con không được hỗn với cha.
Năm lớp 12 cũng là giai đoạn quyết định con đường tương lai của bản thân con. Nhưng cũng vì bản tính tự cao, tự đại, ngã mạn, khinh người nên con một lần nữa lại vấp ngã. Nghĩ mình giỏi hơn người nên trong con luôn thường trực bản tính kiêu căng, lì lợm. Con biết rằng ở trường làng như ta và bản thân con cũng là học sinh trường chuyên ban chuyển về, nên thầy cô luôn kỳ vọng con sẽ đạt thành tích cao trong kỳ thi đại học này. Tính tự cao khiến con đặt vị trí của mình lên trên tất cả bạn bè xung quanh thiếu điều kiện hơn con. Cha mẹ đã khuyên con nên chọn thi khối A. Thế nhưng con lại không muốn mình giống người khác, con không muốn thua bạn bè vì con nghĩ “học tài thi phận”. Con lo sợ không may mình sẽ đạt điểm thấp hơn bạn bè. Đến gần ngày thi con quyết định làm hồ sơ thi khối H (văn - vẽ - vẽ) của trường Đại học Kiến Trúc. Ba mẹ buồn lắm vì quyết định nông nổi của con, ba mẹ khuyên con hết lời nhưng con vẫn không nghe.
Và dường như áp lực của kỳ thi đã khiến con trở nên mất bình tĩnh và thiếu suy nghĩ trước những hành động của mình dù con đã 18 tuổi. Chỉ vì một lời mắng của mẹ, một cái trừng mắt tức giận của cha mà con đã bỏ nhà đi. Suy nghĩ dại dột khiến con không muốn trở về nhà và nghĩ rằng một năm sau khi sự việc đã vào quên lãng con mới trở về. Con nào đâu biết ở nhà mẹ khóc hết nước mắt, ba chạy xe khắp nơi tìm con, họ hàng thay phiên nhau, người thì trông mẹ, sợ mẹ bỏ cơm lại thêm bệnh, người thì cùng ba đi hỏi công an, người thì chạy đi nhờ tìm giúp con đang ở nơi nào. Cả gia đình dường như khốn đốn vì con. Nhưng rồi nghe lời khuyên của các sư cô ở tịnh xá, con cũng đánh liều về nhà đối diện với cha mẹ. Và khi nghe mẹ khóc thảm thiết trong điện thoại con vội vã xách hành lý về lại mái ấm của mình. Vừa bước vào nhà, con sợ ba sẽ đuổi con đi. Nhưng không, cả ba mẹ và em đều chạy ra ôm con vào lòng. Lần đầu tiên con thấy những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt hốc hác của ba. Ba nức nở hỏi con “Con đi đâu? Con đi đâu mấy ngày nay? Trời ơi! Con khờ quá...”. Lúc đó con cũng tấm tức khóc, khóc như chưa từng được khóc. Con thấy mình hạnh phúc khi còn được quan tâm thật nhiều.
Con cảm thấy mình đã có nhân duyên để đến với Phật pháp cha mẹ à! Cha mẹ đừng lo sợ con sẽ xuất gia đi theo con đường của đức từ phụ A-di-đà. Bởi chúng ta không phải ai cũng có phước duyên để quay về nương tựa Tam bảo và càng không dễ để có đầy đủ thiện căn đi theo con đường của Ngài. Đức Phật đã từng dạy “Trên thế gian này, người biết ta ví như nắm cát ta đang nắm trong lòng bàn tay này, và người hiểu ta chỉ ví như những hạt cát dính trên móng tay ta mà thôi”. Thật vậy, để hiểu và làm theo lời Phật cần phải trải qua quá trình tu học dài lâu. Con biết mình đã từng lầm lỗi vô tình quay lưng với cha mẹ để bỏ nhà vào chùa khiến cha mẹ có ít nhiều hiểu lầm với những người xuất gia tầm đạo. Nhưng cha ơi, con gái chỉ mong cha hãy dành chút thời gian để tìm hiểu Phật pháp qua những đĩa giảng mà con vẫn thường hay thỉnh ở chùa. Cha hãy bỏ chút thời gian để quay trở về với hạt giống Bồ-đề trong tâm mỗi chúng ta, để hiểu rằng cõi thế gian này chỉ là tạm bợ, cuộc sống lại bắt đầu từ số 0 sau khi mạng chung.
Tóc cha ngày càng điểm bạc con lại càng lo lắng, lo lắng rất nhiều khi cha chưa biết quay về nương tựa ngôi Tam Bảo. Cha vẫn còn trôi lăn trong dòng đời sinh tử mà chưa nhận thấy một ngày thật sự có ý nghĩa với mình. Cha vẫn tận tụy với học sinh của mình, vẫn miệt mài làm việc khuya bên chiếc máy vi tính. Cuộc đời cha là như thế, ngày qua lặng lẽ và âm thầm!
Con có cơ duyên được biết đến chùa Hoằng Pháp – nơi tu học cho sinh viên vô cùng an lạc. Vì thế, con luôn nguyện cầu mười phương chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ giúp con tinh tấn hơn trên con đường cầu đạo để quay về thức tỉnh hai đấng sinh thành của mình. Lời cuối cùng, con muốn gửi lời khuyên đến tất cả những ai còn cha còn mẹ hãy luôn cúng dường cho hai vị Phật này những nụ cười, những ánh mắt trìu mến, những vòng tay ôm xiết để không phải hối hận một khi vô thường đến.
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Hãy ươm mầm và nhân đôi hạt giống Phật tánh trong mỗi chúng ta để giúp đời, giúp đạo mãi xanh tươi và biến cõi Ta-bà này thành Cực Lạc an vui mà đấng sinh thành là những vị Phật vi diệu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm